Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Cô giáo cho học sinh tát bạn: 231 cái tát ở Quảng Bình, 50 cái tát ở Hà Nội và còn bao nhiêu cái tát trong ngành giáo dục?

231 cái tát ở Quảng Bình, 50 cái tát ở Hà Nội,… Từ bao giờ, chúng ta bắt đầu định nghĩa cái nghề “trồng người” cao quý ấy bằng những con số và giá trị của sự bạo hành?

“Lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo, khi đến trường cô giáo như mẹ hiền…” - có lẽ, trong mỗi chúng ta, ai đã từng một lần cắp sách đến trường, ắt thuộc nằm lòng câu hát này.

Tôi nhớ: cách đây hơn 10 năm, huyện miền núi nghèo nơi tôi ở chỉ có một ngôi trường dành cho học sinh cấp 1, cấp 2 cùng theo học, chia hai ca sáng chiều. Nói là trường, nhưng nó là chỉ dãy những căn phòng nhỏ được lợp tạm bợ bằng mái ngói, tường xi-măng hoen cũ đã đóng rêu dày, mùa nắng như cái lò, mùa đông gió luồn qua khe hở lạnh buốt… Cứ thế, chúng tôi lớn lên cùng 2-3 người thầy cô vượt khó.

Mỗi ngày đến trường thực sự là một cuộc chiến. Sáng, thầy trò cùng nhau đạp con xe đạp băng qua bao con đường đất sình lầy, đến trường thì chiếc áo trắng cũng đổi màu vì đất đỏ… Trưa, thầy cô buộc phải cầm theo ca cơm để ăn tại trường có ít muối mè, cá nục kho mặn. Đôi khi là đem dư để có thể chia cho vài đứa trẻ nhà nghèo ăn lót bụng.

“Lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo, khi đến trường cô giáo như mẹ hiền…” - hình ảnh người thầy cô đã từng đẹp trong mắt mỗi chúng ta.

Chúng tôi không có quá nhiều hoạt động vui chơi cùng nhau. Nhớ nhất, có lẽ là ngày lễ Quốc tế Thiếu nhi 1.6, Tết Trung thu, Nhà giáo Việt Nam 20.11,… cô sẽ mua ít bánh kẹo bỏ vào những chiếc rổ nhựa xanh đỏ, tụi học trò ngồi ngay ngắn cạnh nhau, nhai chiếc kẹo, hát vài bài ca chúc mừng. Thế là xong.

Cô-trò, trò với cô, tất cả là gia đình.

Cũng có khi nghịch ngợm, bị cô phạt: hoặc là đứng trước lớp, thụt dầu 10 cái, hoặc đứng góc tường tới khi nào biết lỗi thì thôi, chép lại 10 lần câu “em biết lỗi rồi ạ!”… Nặng nhất, chắc có lẽ là cái ngày cô bật khóc nức nở khi phát hiện tụi con trai bỏ học, đi chơi net.

Đó là lần đầu tiên cô nói về sự bất lực của nghề “trồng người”.

Chúng tôi, ngày ấy, không một đứa trẻ nào có thể hiểu hết lời cô nói. Chỉ là, sau hôm đó, những đứa trẻ đều đến trường với tâm trạng giống như Xuân Mai hay hát: “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui/ Bé chăm ngoan bé chăm học hành…”.

Họ một lòng sinh ra bằng sứ mệnh trăm năm trồng người.

Hỏi thời nay còn không? - Còn. 47 người thầy ở Tri Lễ vẫn còn ngày ngày gùi chữ lên đỉnh trời Mường Lống cho trẻ em H’Mông. Thầy Trần Bình Phục vẫn còn theo chân tụi trẻ con đảo Hòn Chuối đi nhặt củi, bắt cá sau giờ học. Thầy cô ở Trường Phổ thông dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS xã Tân Dân, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình vẫn còn đêm đêm đi đánh cá, cải thiện bữa ăn cho học trò… Và tôi vẫn còn sụt sùi bao nhiêu lần nữa khi đọc được những dòng tin “vượt khó” của họ như thế.

Họ sinh ra với sứ mệnh: Trăm năm trồng người.

47 người thầy vẫn ngày ngày đem con chữ lên đỉnh núi Mường Lống. Ảnh: Trí thức trẻ.

Thế mà, nhiều ngày nay, lướt quanh trang mạng xã hội facebook, báo chí đăng tin rầm rộ về vấn nạn bạo lực học đường, bệnh thành tích, cư dân mạng tích cực lên án, chửi mắng, đau khổ,…

Lướt. Lướt. Lướt… Đâu đâu cũng là cái tát, bạo lực, điểm số. Tôi lặng đi, nhấc máy gọi về cho người cô năm xưa, hỏi: Cô có buồn không?

- Có bữa ra đường, người ta chỉ trỏ là nghề giáo viên là cái nghề không ra gì. Không buồn sao được, vì cô là người đã đào tạo ra thế hệ con cái của họ mà. Cô khóc.

231 cái tát ở Quảng Bình, 50 cái tát ở Hà Nội,… chúng từ đâu ra, và tại sao những đứa trẻ lớp 2, lớp 6 (độ tuổi học-ăn-học nói-học gói-học mở) lại phải chịu đựng sự bạo hành dai dẳng ấy, trong môi trường mà đáng ra chúng nên được yêu thương?

Lý do vì cậu học trò ở Quảng Bình đã “văng tục”, bị sao đỏ ghi tên, khiến cả lớp bị hạ thi đua. Và cách người cô trừng trị cậu là ra lệnh cho 23 học sinh còn lại, mỗi người tát bạn 10 cái, ai tát nhẹ sẽ bị bạn tát lại.

Đến phút chót, vì quá đau mà cậu bé thốt lên “em ghét cô”, và cô giáo đành đặt thêm những ngón tay của mình lên đôi má nũng nịu một cái tát trọn vẹn. 231 cái tát - 23 người bạn và một cô giáo.

Cô giáo trong vụ tát học sinh lớp 6 tại Quảng Bình.

Bằng công thức đơn giản trên, cô giáo ở Hà Nội cũng nhanh chóng áp dụng. Đứa trẻ lớp 2 mắc lỗi nói bậy, bạn bè phải tát để trừng trị bằng 50 cái. May mắn thay, tới cái thứ 20, đứa trẻ oà khóc, cô cho dừng lại.

Trong lời trần tình, cô giáo Quảng Bình kể rằng sợ lớp mình bị xếp hạng cuối. Nhà trường sợ mất thi đua, vì “trường sắp đón nhận chuẩn quốc gia”. Chính quyền địa phương sợ bêu tiếng xấu. Và đứa trẻ phải tát bạn vì sợ lạc loài, sợ cô giáo. Và tất cả, muốn được giải quyết trong im lặng.

Nghe 2 chữ “im lặng” mà đau đớn.

231 cái tát, 50 cái tát,… chúng đã phát lên tiếng “bôm bốp” đau thương, đứa trẻ đã phát lên tiếng khóc sợ hãi, và giờ lại muốn tất cả đều im lặng?

Từ bao giờ, sự định nghĩa cái nghề “trồng người” cao quý ấy lại bằng những con số và giá trị bạo hành trong giáo dục.

Liệu trong tương lai, những mầm non được gieo bằng những đôi bàn tay đầy rẫy sự bạo lực và tàn nhẫn ấy, chúng sẽ như thế nào?

Rồi mai đây, cái tát trên những đôi má hồng hào sẽ thôi bầm tím, đứa trẻ sẽ ra viện, trở về nhà và đi học trở lại. Nhưng thử hỏi, bao giờ vết thương trong lòng chúng mới lành?

Liệu cậu học trò mang trên mặt cái tát bầm tím có còn lòng tin vào con người, hay chí ít nhất là lòng tin vào cô giáo - người cậu vẫn hay hát “cô giáo như mẹ hiền” đã nỡ xuống tay với cậu?

Liệu 23 đứa trẻ đã chứng kiến hành vi bạo hành của cô với bạn mình, và chính chúng cũng xuống tay với bạn, có còn tin tưởng nhau và tin tưởng chính mình?

Liệu các bậc phụ huynh, sau khi đọc xong dòng tin ngắn ấy, họ có bao giờ lặng người đi khi nghĩ về môi giáo dục, có khi nào con cái họ cũng từng bị bạo hành như hai đứa trẻ kia?

Dẫu nhiều người vẫn cố bênh vực bằng những phát ngôn “con sâu làm rầu nồi canh”, một vài người không thể là đại diện cho tất cả nhất là khi nó lại ở khía cạnh tiêu cực. Thế nhưng, sự tồn tại của những con sâu như thế trong ngành giáo dục quả là một điều khủng khiếp. Đã đến lúc, chúng ta cần lên tiếng, đừng nghĩ rằng đó không phải là con mình mà im lặng cho qua. Ai dám chắc, những đứa trẻ bị đánh kia không bao giờ rơi vào con bạn khi mà làn sóng phẫn nộ từ cô giáo Quảng Bình vẫn còn rần rần thì ngay tại Thủ đô lại tiếp tục có một cô giáo khác phạt học sinh bằng hình thức bạo hành tương tự đó thôi.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Hà Thương

Được quan tâm

Tin mới nhất
Tin buồn của Rosé