Liên quan đến vụ việc tài xế xe ôm công nghệ Grab Nguyễn Văn Q. (36 tuổi, ở xã Minh An, huyện tỉnh Văn Chấn, Yên Bái) bị cướp đâm 6 nhát tại huyện Gia Lâm (Hà Nội) hiện vẫn đang được điều trị tại Bệnh viện Việt Đức.
Theo thông tin từ bệnh viện, sáng ngày 21/7, anh Q. đã qua cơn nguy kịch, đã nhận biết được tuy nhiên tình trạng vẫn nặng và phải dùng thuốc trợ tim liều cao.
Lãnh đạo bệnh viện cho biết, bệnh nhân Q. nhập viện vào rạng sáng ngày 19/7 trong tình trạng bị đâm bằng dao, cướp tài sản. Khi vào viện các bác sĩ nhanh chóng cấp cứu, dẫn lưu màng phổi phải, thở qua nội khí quản. Ở ngực phải, lưng, cạnh sườn, tay trái có 1 viết thương, bệnh nhân bị sốc mất máu…
Qua tìm hiểu thông tin, bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, gia đình có 2 con nhỏ (13 tuổi và 15 tuổi) đang đi học. Hiện gia đình đã vay hàng xóm láng giềng 60 triệu để lo việc điều trị bước đầu.
Chị Nguyễn Thị Phượng (35 tuổi, vợ anh Q.) cho biết chính vì hoàn cảnh khó khăn nên chồng chị mới phải xuống Hà Nội chạy xe ôm. Hàng tháng, anh Q. gửi tiền đều về để lo trang trải cuộc sống và cho con ăn học.
Theo chị Phượng, rạng sáng ngày 19/7, chị nhận được điện thoại của chồng, khi đó máy sắp hết pin nên chồng chị chỉ kịp nói: “Anh bị cướp mất hết rồi, nó đâm anh đau lắm”. Sau đó gia đình đã bắt xe trong đêm xuống Hà Nội để lo cấp cứu cho anh Q.
Liên quan đến vấn đề này, luật sư Nguyễn Anh Thơm – Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Anh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, hành vi phạm tội của đối tượng là rất táo tợn, coi thường pháp luật không những đã xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác mà còn xâm phạm đến tính mạng của công dân được pháp luật bảo vệ nên cần thiết phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
“Đối tượng đã lên kế hoạch chuẩn bị hung khí nguy hiểm, thời gian, địa điểm gây án vào đêm tối vắng người đi lại trên đường đê Đuống để thực hiện hành vi phạm tội. Xét hành vi phạm tội của đối tượng là rất côn đồ, hung hãn, sử dụng hung khí sát hại nạn nhân nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản đã cấu thành tội Giết người và Cướp tài sản”, luật sư Thơm phân tích.
Theo luật sư Thơm, tội danh và hình phạt được quy định tại điểm g, n Khoản 1 Điều 123 và điểm d, Khoản 2 Điều 168 Bộ luật hình sự. Theo đó, tội giết người là loại tội phạm có có cấu thành vật chất nên trường hợp nạn nhân không tử vong do được cấp cứu kịp thời thì đối tượng vẫn phải chịu trách nhiệm trong trường hợp phạm tội chưa đạt đã hoàn thành (hoàn thành về hành vi nhưng chưa đạt về hậu quả).
Theo quy định của Bộ luật hình sự, đối với trường hợp phạm tội chưa đạt về tội Giết người thì hình phạt cao nhất mà đối tượng phải đối mặt đến 20 năm tù. Đối với tội Cướp tài sản, đối tượng sẽ phải chịu trách nhiệm theo điểm d, Khoản 2 Điều 168 Bộ luật hình sự với khung hình phạt cao nhất đên 15 năm tù.
“Như vậy, nếu tổng hợp hình phạt cho cả 2 tội Giết người và Cướp tài sản, nhiều khả năng khi xét xử đối tượng sẽ phải chịu hình phạt cao nhất đến 30 tù giam là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật. Trường hợp, trong quá trình điều trị do vết thương quá nặng mà nạn nhân tử vong thì đối tượng sẽ phải đối mặt với hình phạt cao nhất đến Tử hình cho cả 2 tội Giết người và Cướp tài sản”, luật sư Thơm thông tin.
Điều 123. Tội giết người 1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình: g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác; n) Có tính chất côn đồ;
Điều 168. Tội cướp tài sản 1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác.