Tên không chỉ đơn thuần dùng để gọi, phân biệt giữa người này với người kia mà còn ẩn chứa ý nghĩa quan trọng đối với cá nhân. Vì thế phụ huynh luôn "vắt óc" suy nghĩ đặt cho con cái tên thật hay, mang ý nghĩa trọn vẹn.
Và theo quy định pháp luật Việt Nam, trẻ chỉ có một tên khai sinh duy nhất, sử dụng xuyên suốt quá trình từ lúc nhỏ đến lúc trưởng thành, về già... Nhưng có những trường hợp ngoại lệ, trẻ có 2 tên khai sinh, như câu chuyện của 2 bé gái dưới đây.
Sam (SN 1999) - hiện sinh sống tại Bắc Ninh tiết lộ hai con gái của cô có tận 3 tên gọi khác nhau. Sở dĩ vậy vì các con mang 2 quốc tịch của cả bố lẫn mẹ.
"Mình thấy trẻ Việt sẽ có 2 tên gọi: cúng cơm được dùng ở nhà, tên trên giấy khai sinh dùng khi đến trường. Tuy nhiên 2 con gái của mình có tận 2 tên trên giấy khai sinh và tên ở nhà.
Mình nghĩ chuyện này cũng dễ hiểu khi ai đó kết hôn với người nước ngoài. Vấn đề mình muốn nói ở đây là tên của con mình hết sức đặc biệt và cực hiếm", người mẹ Gen Z nói.
Khi mang bầu, Sam và người chồng Hàn Quốc mang họ Ham thống nhất để con mang 2 quốc tịch của mẹ lẫn cha. Vì thế trước lúc khai sinh cho các con, cô và chồng đã có thỏa thuận bằng văn bản con mang họ mẹ.
Sam đã quyết định đặt tên con lần lượt là Vũ Ngọc Thư Di (SN 2020), Vũ Ngọc Thiên Di (SN 2021). "Nhiều người sẽ thấy 2 bé nhà mình có tên nghe khá giống người Trung Quốc. Quả thực, tên của các con được lấy theo phiên âm tiếng Trung. Thư Di có nghĩa nho nhã ,dịu dàng với hi vọng sau này con lớn lên là cô gái nhẹ nhàng, luôn được mọi người yêu quý.
Còn Thiên Di mang ý nghĩa đặc biệt một chút: Thiên đại diện cho trời, Di đại diện cho đất và mang hàm nghĩa an nhàn, tự do, tự tại", Sam lý giải.
Sở dĩ Sam đặt tên cho 2 con là Di bởi muốn sau này con đi học không không trùng với bất cứ ai và gần bảng chữ cái để thi cử được đứng top đầu. "Mình đã tìm hiểu và biết được tên Di khá độc nhất, lại ngắn gọn và ít xuất hiện trong danh sách tên của người Việt. Sau này con đi học không bị nhầm lẫn với ai. Hơn cả con thi cử hay làm bất cứ việc gì sẽ không hồi hộp như người có tên ở đầu bảng cũng chẳng phải chờ đợi mệt mỏi giống người ở cuối danh sách", Sam nói.
Về tên tiếng Hàn Quốc, Sam cho biết cô đặt tên con là Ham Eun Ji (Thư Di) và Ham Min Ji (Thiên Di). Cách đọc tên các bé cũng giống như tên Việt - Di.
Hiện tại, song Di đi học mầm non, cô giáo chỉ cần gọi là Di là "trúng" cả tên Việt lẫn Hàn. "Mình nghĩ đây chính là cái được nhất khi quyết định đặt tên con độc lạ như vậy", Sam cười.