Sau gần 2 tháng khởi động, cuộc thi Tìm kiếm trang phục dân tộc cho Khánh Vân tại Miss Universe 2020 đã nhận được nhiều sự chú ý của khán giả. Thông qua 100 mẫu thiết kế được hé lộ - mỗi bộ là một câu chuyện, ý tưởng khác nhau. Tuy nhiên, mọi người đặt ra dấu hỏi lớn đó là: Đâu là nguyên nhân khiến các mẫu thiết kế liên tục bị trùng lặp ý tưởng?
Trang phục dân tộc hay Trang phục truyền thống tại các cuộc thi nhan sắc quốc tế là đi tìm quốc hồn quốc túy thể hiện niềm tự hào dân tộc. Thông qua đó, bạn bè quốc tế nhận rõ hơn hình ảnh đất nước, văn hóa của mỗi đất nước.
Tuy nhiên, việc các mẫu thiết kế "Phượng Bào" bị tố đạo nhái giống trang phục của Catriona Gray, "Hội An huyền diệu" copy ý tưởng của H'Hen Niê - Kiều Loan đã khiến fan chê bai dữ dội. Liệu có phải việc ấn định sẵn đề tài áo dài hay mô phỏng quá nhiều chi tiết lên bản vẽ đã khiến National Costume cho Khánh Vân liên tục vướng nghi vấn trùng lặp, đạo nhái?
1. Chủ đề "Áo dài" có phải là rào cản lớn?
Khác với 3 mùa giải trước, cuộc thi năm nay ngay từ ban đầu đã ấn định sẵn chủ đề tôn vinh tà áo dài dân tộc. Tức là các mẫu thiết kế phải lấy hình ảnh áo dài làm trung tâm, theo đó các hình ảnh họa tiết sẽ được mô phỏng, bài trí để mang đến câu chuyện ấn tượng nhất.
Rất nhiều ý kiến cho rằng, việc "ấn định" sẵn chủ đề tại cuộc thi năm nay đã trở thành rào cản rất lớn cho các bạn trẻ đam mê mãnh liệt với thời trang trong việc mổ xẻ, tìm kiếm chất liệu thời trang. Nếu cắt nghĩa bố cục của một bộ National Costume được lấy cảm hứng áo dài từ khi thai nghén ý tưởng cho đến bài trí họa tiết sẽ lần lượt như sau: Tà áo dài - chiếc mấn đội đầu, phần tà phía sau hoặc cách điệu phần thân áo, cánh tay.
Với tiêu chí cuộc thi không giới hạn độ tuổi, không giới hạn số lượng bài đăng kí dự thi một mặt góp phần đa dạng, phong phú số lượng để giúp khán giả có nhiều sự lựa chọn nhưng chính phom dáng bắt buộc đã vô tình đánh mất đi dấu ấn riêng, cá tính riêng trong lĩnh vực thời trang.
Điểm gây trở ngại duy nhất đối với các nhà thiết kế trẻ chính là việc trăn trở thống nhất mô phỏng chi tiết đi kèm là chiếc mấn, cánh tay phải song hành, tương quan với từng chi tiết được khắc họa trên tà áo dài. Có những thiết kế ấn tượng nhưng lại vô tình phá vỡ đi phom dáng của cuộc thi đặt ra.
2. Trùng lặp hoa sen, cò, rồng bay phượng múa
Với một quốc gia giàu bản sắc văn hóa dân tộc như Việt Nam, khán giả cần nhìn thấy ở các mẫu thiết kế nhiều hơn nữa về chiều sâu đất nước, con người Việt. Thế nhưng hầu hết các tác phẩm dự thi đều tập trung tôn vinh họa tiết hoa sen, con cò, rồng phương Đông một cách nhàm chán. Điều này chính là một trong những nguyên nhân khiến khán giả bỏ lơ, dẫn đến hiệu ứng giảm nhiệt trong việc háo hức theo dõi cuộc thi năm nay.
Không thể phủ nhận hình ảnh hoa sen, concò mang tính biểu tượng cho sự thuần khiết, chịu khó cần cù của người phụ nữ Việt Nam nhưng việc liên tiếp tái hiện nó một cách trùng lặp, thậm chí cố gắng chắp nối, copy khiến fan phản ứng dữ dội.
3. 1 bản vẽ nhưng phải gánh quá nhiều thông điệp
Chính sự phóng tay nhấn nhá, cách điệu quá đà khiến cho bộ áo dài đánh mất đi vẻ truyền thống vốn có của nó. Nhiều bài thi thiết kế trang phục dân tộc cho hoa hậu Khánh Vân bị ôm đồm, tham lam chi tiết nên dẫn đến sự trùng lặp với các National Costume trong nước và quốc tế. Khi những năm gần đây, tại cuộc thi Miss Universe những thiết kế tiết chế về màu sắc, đồng điệu về họa tiết, thống nhất về bố cục luôn được chú trọng và đề cao.
Cũng như những mùa giải trước, đa số các tác giả gửi bài dự thi đều là học sinh với độ tuổi còn rất trẻ, vô tình tạo ra con dao 2 lưỡi giữa ranh giới học hỏi ý tưởng và "copy" một hoặc nhiều chi tiết đắt giá của các trang phục dân tộc khác.
4. Có quá nhiều trang phục dân tộc ấn tượng trong 10 năm qua: Khánh Vân vô tình bị 'thiệt thòi'
Mỗi năm Việt Nam đều đặn gửi thí sinh đi tham dự các cuộc thi nhan sắc quốc tế lớn gồm Miss Universe, Miss World, Miss International, Miss Grand International, Miss Earth, Miss Supranational. Điều này đồng nghĩa rất nhiều những ý tưởng, mẫu thiết kế ấn tượng được tôn vinh. Trong số đó, Tường San, Khả Trang, Cao Thùy Linh đã từng giúp Việt Nam giật giải Best National Costume.
Một thực tế dễ nhận thấy, các người đẹp Việt xuất ngoại luôn được sự đầu tư kĩ lưỡng về trang phục. Khi những bộ National Costume được "phù phép" bởi những nhà thiết kế tên tuổi lớn, thậm chí họ có sẵn những bộ sưu tập áo dài được đầu tư rất kì công. Đây cũng là một áp lực không hề nhỏ cho các tài năng trẻ trong việc tìm kiếm, sản sinh ra ý tưởng mới để tránh sự tương đồng.
5. Cái bóng "Nàng Mây" - "Bánh mì" quá lớn: Chờ đợi bảng thi All-star
Đã nhiều mùa giải hoa hậu đi qua, nhưng sức hút của “NàngMây” vẫn không hề thuyên giảm. “Nàng Mây” cũng là thiết kế tiên phong mang văn hóa, tinh hoa dân tộc Việt đến bạn bè quốc tế tại phần thi National Costume mà không phải là áo dài.
Một bản vẽ rất ấn tượng cả về chi tiết lẫn câu chuyện văn hóa khi kể về một loại hình đánh bắt của dân tộc Việt. Những khán giả yêu sắc đẹp chân chính vẫn chờ đợi 1 thiết kế độc đáo, ấn tượng xuất hiện.
Đặc biệt hơn khi năm nay có sự xuất hiện của các thí sinh ở bảng All-star bao gồm 16 thí sinh được ban tổ chức chọn ưu tiên từ thí sinh chiến thắng, Top 3, Top 5, Top 15 của ba mùa giải trước. Rất có thể, khán giả đang mong chờ sự trở lại của những thiết kế ở mùa trước chưa có cơ hội mang đi thi thố.
Mặc dù tất cả các thiết kế đang nằm ở phương diện bản vẽ nhưng chính sự góp ý, nhìn nhận thẳng thắn của khán giả sẽ góp phần giúp Khánh Vân tìm ra một bộ trang phục tộc ấn tượng có đủ sức giúp đại diện Việt Nam tỏa sáng tại đấu trường nhan sắc quốc tế Miss Universe 2020. Với một đất nước giàu bản sắc văn hóa dân tộc như Việt Nam, khán giả trông chờ nhiều hơn ở các mẫu thiết kế năm nay xoay quanh chủ đề Việt Nam - Tuyệt tác đường cong.
Theo dõi SAOStar để cập nhật những thông tin mới nhất về hành trình chuẩn bị của Khánh Vân cho cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ năm nay.