Hành trình Vietnam Why Not - Đi Việt Nam đi đã khép lại với chiến thắng thuộc về đội Khăn Rằn. Đây là một kết quả khá được lòng người hâm mộ. Trải qua chặng đường gần 3 tháng với 10 tập phát sóng, 9 cô gái đến từ 3 đội vẫn làm khá tròn vai ở một cuộc đua tài sặc mùi drama.
Công bằng mà nói, với sự thể hiện của những nàng hậu, người đẹp vốn dĩ được mặc định nhạt, sợ mất hình ảnh cá nhân. 9 cô gái đã mạnh dạn làm mới bản thân. Có thể nói họ đã dám bước trên con đường khá mạo hiểm.
Phải dành lời khen cho ban tổ chức trong việc liên kết, xâu chuỗi các thử thách: Đẹp - Độc - Đố - Đua - Đấu trong suốt 10 tập. Việc chia nhỏ, phân luồng, dài trải xuyên suốt trên các mặt trận từ đồng bằng lên miền núi và thậm chí vật lộn cả trên sông suối. Còn nhớ, Võ Hoàng Yến từng nói rằng: "Nếu có mùa 2, nhất định Hoàng Yến sẽ tham gia tiếp". Thế nhưng, mùa 1 có quá nhiều hạn hạn chế, khán giả liệu có đoái hoài với sự xuất hiện của mùa 2?
Đặt Tường Linh - Nam Em - Diệu Ngọc đối đầu chông chênh với Hoàng Yến - Hương Ly
Có thể thấy, Vietnam Why Not là chương trình truyền hình thực tế có sự thay đổi người kinh điển nhất tại Việt Nam. Chỉ vì lý do "bận việc cá nhân" mà khán giả ngỡ ngàng nhìn thấy 4 cô gái Quỳnh Châu, Nam Em, Diệu Ngọc, Hoàng Thùy lần lượt được thế vai cho Tường Linh, Mâu Thủy, Hoàng Yến... Với một đường đua mà mục đích là sự chiến thắng, khi được bắt kèo với nhau từ đầu, thì rõ ràng các thành viên đã có chiến lược và đưa ra kế hoạch nhắm đến đối phương.
Ở đây, khán giả không hề so sánh yếu tố giỏi hay khỏe của các cô gái. Nhưng rõ ràng, chắc gì Quỳnh Châu đã hợp cạ với Hoàng My, Kim Duyên. Còn nhớ thử thách quay video tại Đà Lạt, Hoàng My từng phán khảng với Quỳnh Châu: "Chị nghĩ em nên thay đổi quan điểm đi là vừa đó". Trong khi đó, Nam Em hay Diệu Ngọc lại không hề có đất diễn trong cả việc tương tác lẫn việc chạm trán ở các thử thách.
Không đặt nặng hay đòi hỏi quá nhiều ở Tường Linh hay thậm chí là Kim Duyên nhưng hầu hết họ bị o bế quá nhiều và bị nương theo các thành viên khác. So với một người quá sừng sỏ như Hoàng Yến, đội chơi dơ như Hương Ly, sự nhanh trí của Mâu Thủy thì rõ ràng không hề ăn nhập trong việc gọi tên các cô gái thay thế.
Tính xác thực về điểm số thử thách Đẹp
Nếu như các thử thách nghiêng về tính chất thời gian - tức là đội nào cán đích trước sẽ giành được chiến thắng và nhận về điểm số 10 tạm gọi là hài lòng khán giả. Vậy ai sẽ là người cầm cân nảy mực để phán xét những đội có bức hình đẹp nhất, thậm chí là video mang tính chuyên môn cao nhất.
Rõ ràng, vẫn chấp thuận luật chơi của chương trình nhưng khán giả truyền hình thì họ cần một sự đánh giá xác đáng. Đa số, ban giám khảo là những người bí ẩn không lộ diện nhưng vẫn chấm điểm rất chuyên nghiệp. Đơn cử như thử thách Đẹp ở tập 7, sau khi những bức hình được post lên các diễn đàn sắc đẹp, khán giả đồng loạt réo gọi đội Nón Lá vì bộ ảnh quá đẹp và có chiều sâu. Nhưng "ban giám khảo" giấu mặt vẫn thẳng tay cho đội Khăn Rằn chiến thắng.
Và Vietnam Why Not cũng là chương trình không có đội hình người chấm điểm chỉn chu, khán giả ngồi xem chỉ nhận được câu chốt hạ rất quen thuộc: "Đội chiến thắng là...". Vậy căn cứ để cho các điểm số 10, 9, 8 ở đâu? Các đội chơi cũng hiền tới mức không hề phản biện cho sự nỗ lực của mình dù biết điều đó chắc gì đã công bằng?
Lách luật, sao chép đán án, gian lận được chấp nhận?
Thành công lớn nhất của chương trình chính là việc xây dựng thành công chiến thuật chơi dơ có tính toán cho Hương Ly. Khán giả cứ bị cuốn vào sự lém lỉnh của người đẹp Tây Nguyên. Và ban tổ chức sẵn sàng để cho Hương Ly "chơi dơ" một cách vô tội vạ nếu như không bị nói là sai luật, trái quy định chương trình.
Trong tập 2 với thử thách Độc, 9 cô gái bước vào trận chiến bắt chuột. 3 đội chơi phải hét toáng lên nhưng Hương Ly ngang hiên phán: "Chuột Sài Gòn còn bắt được, chuột Cần Thơ đã là gì". Tuy nhiên, có 1 tình tiết hết sức bi hài là trong khi Kim Duyên đang giữ chuột, Hương Ly đã chơi dơ tới mức ăn cắp "thành quả" của đối phương nhưng không bị phạm luật. Vậy đội bắt được nhiều chuột nhất sẽ giành chiến thắng. Thế số lượng chuột "ném đá giấu tay" của Hương Ly mang về cho đội Nón Lá không phải sự nỗ lực của cả đội mà là bất chấp tình thế.
Kể cả trong thử thách thi trạng nguyên ở tập 5 hay thử thách Đua ở tập 6, Hương Ly liên tục copy bài của đối thủ khiến Kim Duyên từng nói: "Chị Ly chơi ăn gian quá à", nhưng Hương Ly vẫn cương quyết: "Miễn sao mình có đáp án đúng là được". Liên tiếp những sự cố đã xảy ra nhưng Hương Ly vẫn không bị nhắc nhở hay có 1 chế tài nào được áp dụng.
Với tư cách là người xem qua màn ảnh nhỏ, họ cần lắm sự can thiệp của ban tổ chức điển hình như phạt giảm thời gian, hoặc không tính đáp án từ việc chơi dơ đó?
Thử thách quay clip viral, trò chơi vận động kém hấp dẫn
Nếu như mục đích của việc đưa ra các thử thách tại các điểm dừng chân là để quảng bá văn hóa, nét đẹp đặc trưng của tỉnh/thành đó thì Vietnam Why Not chưa thật sự thành công về vấn đề này. Thậm chí, có những thử thách vốn dĩ được giành cho các vận động viên thi đấu tầm cỡ quốc gia và quốc tế lại áp dụng ngày 1 ngày đôi cho các người đẹp.
Đơn cử, ở tập 8 tại thử thách Đua - Những cô gái hăng hái được làm quen với bộ môn ném banh vào rổ. Đây là 1 thử thách cực kì khó, thậm chí là vượt tầm của những cô gái tay ngang. Nhưng đây lại ép buộc các người đẹp phải đứng trên thuyền thúng ngoài biển để ném banh vào rổ.
Điểm trừ trầm trọng nhất của Vietnam Why Not mùa 1 chính là đưa ra nhiều trò chơi chỉ có 9 thí sinh và ê-kíp hiểu, còn khán giả xem truyền hình gần như không có cách nào nắm bắt. Nhiều thử thách giải đố, ghép ký tự, ghép tranh, giải toán đều dành cho thí sinh trải nghiệm, người xem chỉ biết kết quả mà không hề hiểu được đề bài lắt léo chỗ nào, được giải ra sao.
Đặt ra sứ mệnh đi quảng bá du lịch nhưng chương trình lại liên tục quay video hài, những clip prody, cover bái hát, thi nhớ lời bài hát. Liệu có bao nhiêu yếu tố văn hóa, đất nước, con người Việt Nam được thể hiện thông qua những điều đó?
4 lần đổi luật chơi vì Format nhàm chán
Lần đầu tiên trong lịch sử, tại 1 chương trình truyền hình thực tế mà luật chơi phải thay đổi đến 5 lần 7 lượt chỉ vì... sự không hài lòng của thí sinh. Đỉnh điểm của những tranh cãi do không thống nhất được luật chơi nằm ở thử thách đấu - Từ nhà phao lao xuống nước.
Riêng ở phần thi này, ê-kíp 4 lần thay đổi luật chơi theo những lời "kiện tụng", phản đối của đội Quai Thao trong khi Nón Lá và Khăn Rằn thể hiện tinh thần chơi hết mình, chấp nhận mọi yêu cầu của ban tổ chức. Tâm thế của khán giả, họ chỉ chấp nhận một quan điểm xuyên suốt đã tham gia thì phải chịu thử thách và tuân thủ đầy đủ yêu cầu của ban tổ chức. Nhưng vì Ngọc Châu ngoan cố đòi bỏ thi nên bắt buộc phải xuống nước để chiều theo số ít.
Nhưng chính vì điều này mà ê-kíp sản xuất Vietnam Why Not cũng khiến fan thất vọng về ý tưởng thử thách quá nhàm chán, thiếu chính kiến dẫn đến sự bất mãn của các người chơi. Nhiều ý kiến cho rằng ê-kíp thiên vị đội Quai Thao đang thấp điểm, chèn ép nỗ lực của 3 thành viên team Nón Lá để cân bằng điểm số 3 đội.
Câu hỏi kiến thức căn bản có làm mất hình ảnh của hoa hậu?
Thông thường những câu hỏi đố với đáp án đúng hoặc sai thường ít khi làm khó được thí sinh cũng như người tham gia chương trình. Nhưng việc liệt kê, viết rõ tên đáp án đòi hỏi một kiến thức căn bản nhất định. Fan nhiều lần phì cười với những sự nhầm lẫn khó chấp nhận của các thí sinh đến từ 3 đội.
Tại thử thách Đố - Ai là quan trạng trong tập 5. Ngọc Châu và Tường Linh không nhớ tên đỉnh núi được gọi là nóc nhà của Đông Dương - trong khi Khánh Vân trả lời là Yên Tử. Hơn thế, Kim Duyên lại cho rằng Đèo Hải Vân là địa danh xuất hiện trong câu thơ: Bước xuống Đèo Ngang bóng xế tà.
Không lấy những đáp án ở chương trình để phán xét sự hiểu biết của các người đẹp, nhưng toàn bộ địa danh vốn rất nổi tiếng ngay từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường đều bị các người đẹp bỏ lơ và lãng quên. Trong khi mình đang trong tâm thế của các hướng dẫn viên du lịch trong tương lai.
Ngoài những tiếng cười giòn giã khi trả lời sai thì chắc chắn khán giả sẽ thắc mắc về Kim Duyên, Ngọc Châu hay Tường Linh và đặt ra câu hỏi lớn: Liệu những câu hỏi, thử thách này là để tạo niềm vui hay vì mục đích khác? Rõ ràng nó đang vô tình đánh mất hình ảnh hoa hậu của các cô gái?
Thử thách "hoa hậu đá bóng" quá nhạt
Việc đan xen các diễn viên quần chúng hay người dân bản xứ vào các chương trình là để tạo sự gần gũi cũng như mang lại cảm giác gần gũi với công chúng người xem. Tuy nhiên, trong tập 9 với hành trình về với Bình Liêu - Quảng Ninh, lần đầu tiên 9 cô gái được ra sân tham gia trận bóng giao hữu với bà con dân tộc Sán Chỉ.
Do không phải là bộ môn sở trường nên việc chia đội để tranh đấu không đi đến hồi kết, bắt buộc 3 đội phải bước vào trận đấu đá phạt trực tiếp 11m. Và điều thú vị là cả 9 cô gái đều sử dụng 1 thủ môn duy nhất - đội trưởng bóng đá nữ dân tộc Sán Chỉ.
Ngoại trừ những quả banh không đi vào khung thành, mọi người đặt ra dấu chấm hỏi lớn về tính chính xác và hết mình trong việc bắt banh của thủ môn. Liệu bao nhiêu quả banh vào lọt lưới là do kỹ thuật đá chuẩn xác của các người đẹp hay là thủ môn thiên vị?
Xét ở góc độ xa hơn, phải chăng đang có sự thỏa thuận nào đó ẩn sau việc này? Có phải ê-kip đã can thiệp kịp thời để giúp các đội chơi sớm cân bằng điểm số sát sao nhất?
Vietnam Why Not vẫn có chỗ đứng trong lòng khán giả vì tính giải trí cùng thử thách thú vị. Tuy nhiên, để gọi là một chương trình thành công và có ý định tổ chức mùa 2 thì cần phải xem xét, khắc phục những hạn của mùa 1.