Hành trình chinh phục giấc mơ hoa hậu trở thành một phần lớn trong kí ức thanh xuân của những cô gái trẻ. Ngoài việc được đại diện cho vẻ đẹp, tri thức và trí tuệ của người phụ nữ Việt Nam hiện đại, sự tự hào khi mang những câu chuyện văn hóa, bản sắc dân tộc xuyên qua các bộ trang phục dân tộc luôn là động lực để họ cố gắng, chiến đấu hết mình vì màu cờ sắc áo. Chỉ vẻn vẹn trong một khoảng thời gian ngắn, hình ảnh về đất nước, con người của mỗi quốc gia đều được khắc họa rất rõ nét.
Đó có thể là một Thái hiện lên rất đỗi quen thuộc thông qua từng bộ trang phục dân tộc màu vàng óng ánh, cũng có thể là một lễ hội đường phố Carnival đầy màu sắc của các đại diện đến từ Brazil. Đó cũng có thể là một đất nước yêu chuộng hòa bình, giàu bản sắc văn hóa dân tộc hiện lên nét đẹp duyên dáng, đằm thắm rất đỗi riêng biệt trong những trang phục dân tộc sắc đỏ của những người đẹp Việt Nam.
Tại cuộc thi Miss World 2019, chiến binh Lương Thùy Linh đã khiến fan Việt tự hào khi lọt Top 12 chung cuộc. Mặc dù cuộc thi Hoa hậu Thế giới không tổ chức tranh giải trang phục dân tộc dưới hình thức là một phần thi phụ tách biệt như các đấu trường sắc đẹp khác nhưng lại có một đặc sản riêng biệt chính là phần thi mở màn Dances of the World. Để gây ấn tượng mạnh với bạn bè quốc tế, cô gái 19 tuổi mạnh dạn trổ tài múa mâm vàng rất điêu luyện, chọn cho mình một bộ áo dài màu đỏ rực rỡ, cũng là tông màu phong thủy tượng trưng cho sự may mắn.
Xuyên suốt những mùa giải hoa hậu, rất nhiều người đẹp đều ưu tiên chọn màu đỏ - màu phong thủy để làm tông màu chủ đạo cho hành trình thi đấu như Hương Giang tại Miss International Queen 2018 hay Hoài Sa tại Miss International Queen 2020.
Hoài Sa đến với Miss International Queen 2020 với tâm thế của một chiến binh tìm lại chính mình, giấc mơ từng được cô ấp ủ suốt 5 năm. Hành trình đó được cô gửi gắm và thể hiện thông qua hình ảnh Bà Triệu uy nghiêm. Bộ trang phục dân tộc với thiết kế màu đỏ không giúp đại diện Việt Nam giật giải Best National Costume nhưng rõ ràng điều Hoài Sa làm được đó là chứng minh hình ảnh người phụ nữ Việt Nam luôn luôn mạnh mẽ và bản lĩnh trên đấu trường sắc đẹp.
Hoài Sa tự tin, bản lĩnh trình diễn Trang phục dân tộc tại Miss International Queen 2020
Khi khái niệm trang phục truyền thống tại các cuộc thi sắc đẹp quốc tế đã được phổ cập hóa rộng rãi đến nhiều người dưới nhiều góc độ khác nhau. Đó có thể là một nét đẹp của ngành nghề truyền thống với “Nàng Mây” hoặc là một văn hóa ẩm thực qua “Bánh mì”, “Cà phê phin sữa đá” và cũng có thể là một công trình kiến trúc mang hơi thở của sự giao thoa xưa và nay như “Huyền đăng hội”.
Nếu như Hoài Sa “mượn” hình ảnh Bà Triệu để truyền tải thông điệp văn hóa dân tộc thì Kiều Loan là người đẹp may mắn khi được khoác lên mình quê hương xứ Quảng - một đô thị về đêm đầy lung linh và huyền ảo. Thông qua thiết kế màu đỏ rực rỡ khắc họa phần nào về phố cổ xưa là chốn sầm uất giao thoa mà nay đã là rêu phong màu kí ức.
Kiều Loan trình diễn trang phục dân tộc tại Miss Grand International 2019
Khi hiểu hết thông điệp của bộ trang phục dân tộc đầy giá trị văn hóa này, Kiều Loan từng chia sẻ: “Hội An là quê hương của mình, và đây cũng là một trong những danh thắng nổi bật, giàu giá trị văn hóa, lịch sử của Việt Nam. Khi đến với đấu trường nhan sắc quốc tế, tôi muốn mình học hỏi nhiều nét đẹp từ nước bạn để làm giàu kinh nghiệm cho bản thân. Và Huyền Đăng Hội chính là sự giao thoa, chuyên chở thông điệp đó”.
Mỗi khi thấy tà áo dài tung bay trên đường phố là thấy tâm hồn Việt Nam ở đó. Hiểu được ý nghĩa văn hóa của tà áo dài, xuyên suốt nhiều mùa giải các cuộc thi nhan sắc rất nhiều đại diện Việt Nam đã chấp nhận an toàn một cách có tính toán để mang áo dài đi chinh chiến. Vẫn lấy đặc trưng phần tà liền thân nhưng những thiết kế của Huyền My, Thùy Lâm vẫn uy nghi, rực rỡ.
Thùy Lâm và khoảnh khắc được xướng tên vào Top 15 Miss Universe 2008
Riêng với lịch sử cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Quốc tế, trong vòng 7 năm kể từ năm 2013 đến 2019, Việt Nam có tới 7 đại diện tham gia. Đặc biệt là cả 7 người đẹp đều chọn áo dài làm trang phục dân tộc khi đi chinh chiến, trong đó Cao Thùy Linh đã thắng giải Best National Costume vào năm 2014, cùng với đó là 3 lần lọt Top 10 và 1 lần lọt Top 12 ở phần thi phụ này.
Huyền My trình diễn trang phục dân tộc tại Miss Grand International 2017
Lại một mùa nhan sắc mới sắp bắt đầu, bên cạnh việc kế thừa và phát huy những thành tích của đàn chị đi trước, chắc chắn trong thời gian tới khán giả lại được tận mắt chứng kiến thêm nhiều ý tưởng, nhiều câu chuyện khác nhau. Và tất nhiên, những thiết kế màu đỏ phong thủy vừa tượng trưng cho sự may mắn, đồng thời cũng toát lên vẻ quyền lực và uy nghiêm hứa hẹn sẽ mang lại nhiều cảm xúc mới cho fan yêu cái đẹp.