Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Người mẫu - Hoa hậu

Hoa hậu đọ nhan sắc là chuyện thường, thế giới còn có những cuộc thi sắc đẹp 'bá đạo' thế này đây

Một cuộc thi hoa hậu mà chỉ đọ nhan sắc, số đo 3 vòng ư? Điều đó quá bình thường bởi thế giới ghi nhận nhiều cuộc thi hoa hậu kỳ lạ khác, từ đọ mắt cá chân đến so sắc đẹp xem hay ai giống “quả bom sex” Marilyn Monroe nhất.

Dáng đứng hoàn hảo

Trong những năm 1950 và 1960, các bác sĩ trị liệu ở Mỹ tổ chức một số cuộc thi sắc đẹp khác biệt mang tên “Dáng đứng hoàn hảo”, trong đó không chỉ đánh giá vẻ đẹp của mỗi thí sinh mà còn cả dáng đứng. Ban tổ chức chấm điểm dáng đứng của từng thí sinh bằng phương pháp sử dụng một quả cầu để kiểm tra độ thẳng của lưng, chụp X-quang để kiểm tra cấu trúc cột sống và đánh giá tỷ lệ cân đối của khung xương, cân nặng và vóc dáng. Cuộc thi được cho là nhằm mục đích nâng cao danh tiếng của các bác sĩ trị liệu về xương khớp. 
Người ta nói rằng một cột sống khỏe mạnh sẽ mang tới sức khoẻ tốt hơn, và các bác sĩ trị liệu cột sống chính là những người giúp chúng ta có được điều đó. Dáng đứng hoàn hảo dành cho nam giới sau đó cũng được tổ chức nhưng không thành công như sự kiện dành cho nữ, theo Listverse.

Hoa hậu mắt đẹp

Trong những năm 1930, cuộc thi sắc đẹp kỳ lạ “Hoa hậu mắt đẹp” phổ biến khắp nước Mỹ. Tại những cuộc thi này, tất cả bộ phận trên gương mặt thí sinh, trừ đôi mắt, được che kín bằng mặt nạ. Bằng cách này, giám khảo có thể dễ dàng xác định rõ đôi mắt của cô gái nào đẹp nhất mà không bị chi phối bởi những đường nét khác.
Hai thập niên sau, cuộc thi lại được tổ chức với tên gọi rút ngắn “Những đôi mắt đẹp” và diễn ra tại Anh. Các thí sinh mặc trang phục bịt kín cơ thể và đeo mặt nạ, hở mỗi mắt. Cuộc thi này được ghi hình và đại diện ban tổ chức khi đó còn vui mừng tuyên bố có thể sẽ tổ chức thêm các cuộc thi tai đẹp, mũi đẹp… Nhưng rút cục, những tuyên bố đều không trở thành sự thật.

Hoa hậu ma cà rồng

Năm 1970, cuộc thi “Hoa hậu ma cà rồng” được tổ chức nhằm quảng cáo cho bộ phim kinh dị House of Dark Shadows. Các vòng sơ tuyển khu vực đã diễn ra trên khắp nước Mỹ, trong đó sôi nổi nhất phải kể tới thành phố New York và Los Angeles với nhiều thí sinh dự thi. Vòng chung kết diễn ra ở California với chiến thắng thuộc về Sacheen Littlefeather.
Các cô gái từ 18 đến 25 tuổi phải bắt chước, tạo dáng sao cho ra “chất” ma cà rồng một cách độc đáo, quyến rũ và hài hòa nhất. Trang phục của các thí sinh trong cuộc thi cũng rất kỳ dị, trong đó có vải đen hay vòng cổ làm bằng răng. Giải thưởng dành cho người chiến thắng trong cuộc thi là cơ hội xuất hiện trên chương trình truyền hình Dark Shadows “nổi như cồn” khi ấy.

Người đẹp khỉ

Cuộc thi có một không hai “Người đẹp khỉ” diễn ra vào năm 1972, trùng thời điểm bộ phim Conquest of the Planet of the Apes (Bí ẩn hành tinh khỉ) ra mắt công chúng. Hầu hết các thí sinh của “Người đẹp khỉ” đều mặc bikini, hóa trang cực kỳ phức tạp và đội mặt nạ khỉ trên đầu. Người chiến thắng năm ấy là Dominique Green (thí sinh mang số báo danh 2). Cô gái sau đó có một vai diễn trong bộ phim Battle for the Planet of the Apes (Cuộc chiến hành tinh khỉ)

Cuộc thi ai giống Marilyn Monroe nhất

Cô nàng Marilyn Monroe đã quá nổi tiếng trong giới điện ảnh thế giới những năm 1950 với vẻ đẹp gợi cảm, mái tóc vàng và được người Mỹ ví như nữ thần. Vì vậy không có gì ngạc nhiên khi nhiều cuộc thi xem ai có vẻ đẹp giống với nữ minh tinh nhất được tổ chức.
Một số cuộc thi diễn ra trên khắp nước Mỹ như sự kiện được tài trợ bởi hãng sản xuất âm nhạc Sam Goody và hãng phim Twentieth Century Fox. Tuy nhiên, cuộc thi lại chẳng được biết đến nhiều, ngoại trừ việc nó được tổ chức tại bãi đậu xe trước cửa hãng nhạc. Các thí sinh dự thi được đo dáng hình xem có giống “quả bom sex” bằng những miếng bìa cắt ngang. Thí sinh có những chỉ số cơ thể giống Monroe nhất là người chiến thắng. Giải thưởng cho người thắng cuộc là một thiết bị ghi hình và hợp đồng 1 năm với người dẫn radio nổi tiếng Ron Smith.
Không chỉ Mỹ, nhiều cuộc thi xem ai có vẻ đẹp giống Marilyn Monroe cũng được tổ chức ở nước khác như Anh (năm 1958).

Hoa hậu bom nguyên tử

Cũng tại Mỹ, một cuộc thi sắc đẹp “lạ đời” vào những năm 1950 khi người Mỹ “ám ảnh” với bom nguyên tử. Các cuộc thi liên quan tới hình ảnh về vũ khí hủy diệt kinh hoàng này diễn ra phổ biến nhất tại Las Vegas, thành phố cách bãi thử hạt nhân Navada 105 km về phía đông nam. Nhiều cuộc thi sắc đẹp với tên kỳ lạ như “Hoa hậu bom A” và “Hoa hậu bom nguyên tử” ra đời. Các cô gái phải mặc những trang phục “có một không hai” và tạo dáng đẹp nhất với bối cảnh là vụ thử bom hạt nhân.
Hoa khôi trong “Hoa hậu bom nguyên tử” là Candyce King với kiểu tóc được tạo bằng cuộn giấy vệ sinh và cần tới hai lọ keo tóc để tạo hình một vụ nổ bom nguyên tử trên đầu. Đôi khi người chiến thắng không cần có một nhan sắc quá đẹp mà chỉ cần diễn tả được vẻ đẹp “rạng rỡ”.

Hoa hậu Muller Bros

Muller Bros có trụ sở ở Los Angeles, California, là một trong những đại lý ô tô lớn tại Mỹ vào những năm 1950. Ngoài việc là đại lý xe hơi, Muller Bros cũng chuyên cung cấp lốp xe và các đồ gia dụng, dịch vụ rửa xe và quán cà phê. Để thu hút sự chú ý của dư luận, năm 1951, hãng này tổ chức một cuộc thi nhan sắc để đón chiếc xe thứ 3 triệu tới rửa. Cuộc thi sắc đẹp thu hút khá đông khán giả và nhiếp ảnh gia của tạp chí Life Allan Grant đã có mặt để ghi lại sự kiện. Tuy nhiên, không rõ cô gái nào giành chiến thắng.

Hoa hậu tàu điện ngầm

Từ năm 1941 tới 1976, tàu điện ngầm New York, Mỹ, tài trợ cho cuộc thi nhan sắc mang tên “Hoa hậu tàu điện ngầm”. Điều kiện dự thi là ứng viên phải là công dân thành phố New York và thường xuyên sử dụng hệ thống tàu điện ngầm.
Thí sinh chiến thắng sẽ đăng quang và chụp ảnh để… làm poster quảng cáo cho hệ thống tàu, được dán ở khắp mọi nơi có nhiều người qua lại.

Ai có mắt cá chân đẹp nhất?

Những năm 1930 đến những năm 1950, các cuộc thi “Mắt cá chân đẹp nhất” rất phổ biến ở Anh và Pháp. Đôi khi, những cuộc thi kỳ lạ diễn ra độc lập, và những lần khác, chúng là một phần của cuộc thi sắc đẹp lớn hơn, trong đó vẻ đẹp của phụ nữ được đánh giá qua mắt cá chân, vai hay cánh tay.
Các cuộc thi như vậy thường được tài trợ bởi công ty bán hàng như Max Japy - đơn vị tuyên bố tặng người chiến thắng những đôi tất miễn phí.
Thí sinh tham dự sẽ đứng sau tấm màn, chỉ để lộ mắt cá chân và có khi là cả chân để giám khảo đánh giá và chấm điểm. Điểm thú vị của cuộc thi là phụ nữ lớn tuổi cũng có thể tham gia và cơ hội giành chiến thắng ngang với những cô nàng trẻ trung.

Hoa hậu NASA

Từ những năm 1950 đến những năm 1970, một số cơ sở của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) bắt đầu truyền thống tổ chức các cuộc thi dành cho nhân viên nữ. Phòng thí nghiệm Động cơ phản lực, Trung tâm Nghiên cứu Glenn, và Trung tâm Vũ trụ Johnson từng tổ chức “Hoa hậu Tên lửa” (sau đó cuộc thi đổi tên thành “Hoa hậu Không gian”), “Hoa hậu NASA”… Dù người ta vẫn thấy những người chiến thắng mỉm cười trong các bức ảnh nhưng thực tế, không ít cô gái phản đối cuộc thi. Các cơ sở khác của NASA cuối cùng quyết định dừng sự kiện sắc đẹp này.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Trọng Hiếu

Được quan tâm

Tin mới nhất