Năm 2022 cả nước sẽ có 22 cuộc thi hoa hậu, như vậy trung bình một tháng nước ta lại có thêm 2 hoa hậu và hàng chục á hậu cùng hàng trăm danh hiệu hoa khác.
Hệ lụy kéo dài hệ lụy, tình trạng "tự sàng lọc" không hề hiệu quả trong năm 2022. Thực tế cho thấy rằng, hoa hậu mọc ra nhiều hơn nấm nhưng lại có một thực trạng đáng báo động: Hoa hậu đang phải ở nhà ngâm giấm, họ chỉ xuất hiện chớp nhoáng tại các sự kiện và chưa thấy lan tỏa thông điệp xã hội cộng đồng trong khi đó các cô gái vô danh lại "oằn mình" mang chuông đi đánh xứ người.
Đặt trong bối cảnh hội nhập như ở thời điểm hiện tại, rõ ràng chúng ta không bắt ép các cô gái 18 tuổi, 19 tuổi sau khi đăng quang phải khăn gói đi thực hiện sứ mệnh của mình và thậm chí nghĩa vụ của tân hoa hậu cũng không phải chỉ để đi thi quốc tế. Nhưng đội vương miện cấp quốc lên trên đầu, họ ở đâu trong nhiệm kỳ của mình, có lẽ đã đến lúc chúng ta nên trả danh hiệu cao quý về đúng với tinh thần, bản chất của nó.
8 hoa hậu cấp quốc gia đang ở nhà, hàng chục á hậu phải ngâm giấm
Tính tới thời điểm này, fan sắc đẹp đang có cơ hội chiêm ngưỡng nhan sắc của 8 hoa hậu cấp quốc gia, họ đăng quang trong sự "hò reo" của người hâm mộ và họ đều chưa có dấu hiệu rục rịch dự thi quốc tế: Đoàn Thu Thủy - Hoa hậu Thể Thao Việt Nam, Nông Thúy Hằng - Hoa hậu các dân tộc Việt Nam, Phạm Kim Ngân - Hoa hậu Hoàn Cầu Việt Nam, Đinh Như Phương - Hoa hậu Biển Đảo Việt Nam, Lý Kim Thảo - Hoa hậu Du lịch Việt Nam Toàn Cầu, Lương Kỳ Duyên - Hoa hậu Du lịch Việt Nam, Ban Mai - Miss Peace Vietnam, Nguyễn Thanh Hà - Hoa hậu Môi trường Việt Nam.
Đó là chưa kể cuộc thi Hoa hậu Siêu quốc gia Việt Nam 2022, Hoa hậu Du lịch Đồng bằng Sông Cửu Long, Hoa hậu Bản Sắc Toàn Cầu Việt vẫn chưa tìm ra người chiến thắng. Fan sắc đẹp vẫn tự chất vấn mình rằng, nếu sang năm 2023 các cuộc thi này vẫn tổ chức "đều như vắt chanh" chắc có lẽ mọi người chưa kịp thuộc tên quen mặt đương kim hoa hậu thì họ đã phải trao vương miện lại cho người kế nhiệm.
Đó là chưa kể hàng loạt á hậu danh giá cũng phải chịu số phận "ngâm giấm" tương tự. Trước đây, chúng ta rất tiếc nuối khi nhìn thấy Thúy Vân và Mâu Thủy - 2 cô gái bước ra từ cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam và đều giành ngôi vị á hậu 2 nhưng họ bị bít cửa đến với đấu trường quốc tế. Nhưng tới năm 2022, quá trình bội thực "danh hiệu" diễn ra quá nhanh.
Thậm chí, như Chế Nguyễn Quỳnh Châu - á hậu 1 Miss Grand Vietnam 2022 cũng có nguy cơ phải ở nhà, bởi lẽ năm 2023 Việt Nam vẫn sẽ tổ chức cuộc thi tìm người kế nhiệm Thiên Ân. Và có lẽ, rất khó để BTC trao tấm vé đại diện Việt Nam thi thố trên sân nhà cho Quỳnh Châu trong khi tân hoa hậu đang mơn mởn.
Cơ hội thi quốc tế cho những cô gái 'không tên'
Ngoài những cuộc thi như Miss World - Miss Universe luôn đề cao đại diện mỗi quốc gia phải là đương kim hoa hậu hoặc là Top 3 đang đương nhiệm một cuộc thi sắc đẹp cấp quốc gia hoặc bản thân cô gái đó được đơn vị nắm giữ bản quyền chỉ định/bổ nhiệm và tổ chức trao trao sash bài bản, có vẻ như từ Nghị định 144 cũng cho thấy sự "thông thoáng" trong việc đề cử đi thi quốc tế.
Chưa bao giờ tấm vé đại diện nhan sắc Việt tại quốc tế lại dễ dàng như bây giờ. Chưa bàn tới việc cuộc thi đó ao làng hay không nhưng việc đeo trên mình dải sash Việt Nam - lại chinh chiến ở sân chơi "quốc tế", "thế giới" có vẻ rất hoành tráng và rầm rộ.
8 hoa hậu cấp quốc gia đang ở nhà - hàng loạt á hậu đang phải ngâm giấm, ấy vậy mà vô số các cô gái vô danh vẫn được chỉ mặt gọi tên. Đơn giản như mới đây, Lâm Thu Hồng đại diện Việt Nam tại The Miss Globe 2022, trước đó cô từng tham gia cuộc thi Hoa hậu Biển Việt Nam Toàn cầu 2018 và chỉ lọt Top 5 chung cuộc.
Gần đây nở rộ thêm trào lưu, hoa hậu ở nhà mà á hậu 1, á hậu 2 lại thay phiến nhau thay thế. Nông Thúy Hằng - Hoa hậu Các Dân tộc Việt Nam không tham dự Miss Earth 2022 mà lại là á hậu 1 Thạch Thu Thảo, Kim Ngân - Hoa hậu Hoàn cầu Việt Nam 2022 không tham dự Hoa hậu Du lịch Thế giới 2022 mà tấm vé đó lại thuộc về á hậu 1 Lê Thị Hương Ly.
Nói đi cũng phải nói lại, chính việc tách nhỏ đơn vị quản lý trong công tác nắm giữ bản quyền các cuộc thi nhan sắc quốc tế ở Việt Nam cũng tạo ra nhiều sự chồng chéo riêng biệt. Ví dụ UniMedia từng bắt tay với Leading Media để tìm kiếm đại diện tham dự Miss Supranational 2022, UniMedia vẫn đang hợp tác với Miss Charm để tìm kiếm đại diện tham dự Miss Charm 2023 cũng đã hạn chế cơ hội thi thố của các cô gái vốn có danh hiệu đẹp nhưng không có "hậu phương" vững chắc giúp đỡ.
Hiện tại các cuộc thi hoa hậu đang rơi vào tình trạng vàng thau lẫn lộn về chất lượng, quy mô tổ chức và uy tín. Một số cuộc thi vẫn gắn liền với các yếu tố thương mại, các hoa hậu được những đơn vị nắm bản quyền độc quyền khai thác quảng cáo, hình ảnh. Điều này cũng dễ đem đến cho các cô gái trẻ ảo tưởng về danh vọng, sự nổi tiếng nhanh chóng, mà quên đi sứ mệnh cũng như giá trị nhân văn mà danh hiệu hoa hậu cần thể hiện cho cộng đồng, xã hội.
Xem thêm: Miss Universe 2022 chỉ diễn ra vẻn vẹn 10 ngày: Ngọc Châu phải cân nhắc váy áo, đừng như Hoàng Thùy