“Bàn tay quen tìm níu chút yêu thương xa vời
Bàn chân quen tìm phố chia đôi
Vì một lần yêu mà dốc hết thơ ngây tâm hồn
Còn lại giấc mơ trầm buồn.
Cơn yêu quá rồi còn tiếng hát cho em ru đời
Còn gió xanh mơn man cầu à ơi
Thơ ngây qua rồi còn ánh mắt bao dung em nhìn
Còn trái tim đâu ngờ em rất hiền.”
Có vài dòng thôi, nhưng là cả một cuộc đời gom góp biết bao nhiêu lần bắt đầu, kết thúc, rồi đổ vỡ như vậy đó.
Lần thứ hai mang nỗi buồn về việc một ai đó đã buông tay họ khỏi tay mình mãi mãi không thể vãn hồi, tôi thấy mình băn khoăn và chênh vênh khủng khiếp. Lần đó, tôi cũng nhận ra, tình yêu thực sự là một thứ dễ khiến người ta từ hạnh phúc trở thành cô đơn chỉ trong một khoảng khắc thật ngắn ngủi và bé nhỏ.
Thi thoảng, yêu một ai đó và buông bỏ một ai đó đều là những việc cần sự can đảm như nhau. Thật buồn làm sao khi chúng ta học được 1001 cách để bắt đầu, nhưng lại chẳng có ai dạy chúng ta cách phải kết thúc một điều gì đó như thế nào.
Tình yêu đương nhiên sẽ tự rời đi khi nó không còn nguyên vẹn nữa. Những ngày tháng không nhau chúng ta phải đối mặt sau đó mới thực sự là những ngày khó khăn nhất.
Nhiều lần, tôi thường tự hỏi mình một câu: Bây giờ xong rồi, làm gì tiếp theo đây? Nhớ đến, viết xuống, hay kể lại chuyện tình yêu của mình bao giờ cũng cảm thấy nhiều phiền não. Thú thật, sau khi tự hỏi mình câu hỏi ấy xong, tôi biết, tôi sẽ lại thức dậy mỗi ngày và nhớ đến họ. Nhớ đến tất cả những người đã bỏ tôi mà đi. Là vậy đó, không phải khi nào chúng ta cũng có cơ may tìm được đúng người mình cần, mà kể cả khi biết mình đã tìm không được đúng người, cũng chẳng biết làm cách nào để dừng lại.
Tôi tin, tất cả chúng ta, những người đã từng yêu thương một ai đó thật lòng, đều sẽ tự hỏi mình câu này, hàng ngàn lần. Và bạn ạ, ngay cả khi không có câu trả lời nào xuất hiện trong đầu đi chăng nữa, thì chúng ta vẫn là những kẻ can đảm và chân thành biết bao nhiêu, vào lúc chúng ta tập buông bỏ mọi thứ…
Buông bỏ là câu chuyện luôn cần có hai quá trình.
Quá trình thứ nhất là “buông”.
Là chấp nhận nhưng chán đời, bất cần và bi lụy. Là thấy lòng mình tự phức tạp và mâu thuẫn, là ngán ngẩm với việc tự sống lấy cuộc đời của mình mà không có ai bên cạnh, là cuồng giận với mọi thứ nhưng yếu đuối với bản thân. Nghĩa là gom tất cả mọi buồn đau trên cuộc đời này vào trong thân mình, giữ lấy, rồi đau đớn.
Theo thời gian, bản thân mỗi người sẽ dần khác đi, bớt trẻ con hơn, bớt ngộ nhận hơn và bớt cố chấp hơn. Đó là khi mỗi người chúng ta tập chung sống với nỗi đau mà mình đang có, không ghét nó, mà cũng chẳng cố quên đi. Tất cả chỉ đơn giản là để nó ở đó, lâu dần, nó sẽ tự nhàu nát, xanh xao, và người ta bắt đầu gọi nó là một thứ phế phẩm của kí ức.
Đó là khi người ta bước vào quá trình “bỏ”.
Là bình thản cảm ơn người đã từng bỏ rơi mình, là nhớ về họ với những điều tốt đẹp nhất, là không đòi hỏi gì ở bản thân, và là khi đủ hiểu chính mình. Không hiểu, thì không bao giờ “bỏ” được.
Dường như, mọi sự buông bỏ trên thế gian này đều bắt đầu và kết thúc như vậy. Hai chữ ấy không phải là một câu chuyện, nó là một vết sẹo. Và an yên tự tâm chính là phần thưởng to lớn nhất dành cho những kẻ xứng đáng, bạn ạ…/.