Lắng nghe những chia sẻ, tâm tư của Mẹ Châu về ‘Bạo lực học đường đối với người LGBT’

Thiên Thư - Thục Nhi
Chia sẻ

Nạn bạo lực học đường nhằm vào người LGBT chưa bao giờ là xưa cũ. Mẹ Châu - thành viên của cộng đồng PFLAG Việt Nam đã chia sẻ những suy nghĩ của mình về vấn nạn này.

Góc nhìn xã hội

Là thành viên của Hội cha mẹ của người đồng tính, song tính và chuyển giới (PFLAG), mẹ Châu cho rằng: “Một khi trẻ con dành hầu hết thời gian để che dấu và chối bỏ bản thân mình, nó sẽ không còn tí thời gian nào để học tập và phát triển nhân cách nữa.” Ở độ tuổi dậy thì, khi nhận thức được bản thân khác biệt với mọi người, người thuộc cộng đồng LGBT rơi vào trạng thái hoang mang. Vì từ nhỏ, những đứa trẻ đã được người lớn định hướng giới tính cho con trẻ. Trẻ em thuộc LGBT không đáp ứng được những quy chuẩn đó, họ bắt đầu hoang mang và không biết quý trọng bản thân.

Nói qua một chút về cộng đồng người chuyển giới ở Việt Nam. Đối với người chuyển giới, họ thường nhận biết được sự khác biệt về bản thân rất sớm và có một quãng thời gian dài để chấp nhận sự thật về chính mình. Với những bạn mang sự khác biệt về xu hướng tính dục, họ chỉ nhận ra mình thuộc cộng đồng lục sắc khi bắt đầu có tình cảm, rung động đầu đời với những người đồng giới. Để sẻ chia bớt nỗi lòng của mình, những người trẻ thường tìm đến người thân, bạn bè, thầy cô - người mà họ tin tưởng.

Tuy nhiên, những định kiến của xã hội về LGBT vẫn còn nằm trong tư tưởng của đa số người Việt, dẫn đến các bạn LGBT lại một lần nữa không được chấp nhận bởi chính người thân, bạn bè,… của mình. Như mẹ Châu chia sẻ: “Những rung động đầu đời của các bạn đáng lý ra sẽ rất đẹp nếu như người ta không nghĩ rằng việc các bạn yêu ai là một điều xấu xa. Để rồi các bạn buộc mình phải bỏ đi những xúc cảm ấy để trở thành một con người mà xã hội định nghĩa là bình thường.” 

Một đứa bé sơ sinh vừa ra đời đã phải chịu rất nhiều những áp đặt giới. Theo như thường lệ, bé trai sẽ được các cô y tá quấn khăn màu xanh và bé gái là khăn màu hồng. Lớn lên một chút, nếu như bé trai mà sử dụng màu hồng để vẽ nên những ước mơ của mình sẽ ngay lập tức bị trêu chọc, chế giễu. Đây là thể hiện rõ ràng nhất của tư duy còn mang nhiều định kiến. Những lối tư duy này là những cản trở đối với người LGBT.

Môi trường giáo dục

Giáo dục là môi trường bình đẳng, khoan dung và an toàn dành cho tất cả trẻ em. Thế nhưng, nạn bạo lực học đường lại đang gia tăng với tốc độ “chóng mặt” và trong số đó, rất nhiều trường hợp nạn nhân là người LGBT. Vấn nạn này diễn ra nhiều đến mức người ta phải lấy một ngày trong năm, gọi là Ngày Tinh thần để nâng cao ý thức cho mỗi một cá nhân phải biết tôn trọng sự đa dạng.

Theo mẹ Châu, người LGBT cũng giống như người khuyết tật, cũng giống như người nhập cư hay người dân tộc, cũng thuộc cộng đồng thiểu số. Cho nên, mục tiêu lớn nhất của giáo dục là “phải làm sao rút ngắn khoảng cách của mọi học sinh và trao cho nhóm thiểu số quyền được lên tiếng.”

Chính vì vậy, kiến thức về LGBT đóng một vai trò rất quan trọng, nhất là trong môi trường học đường. Vì ở độ tuổi này, trẻ em đã bắt đầu nhận biết được màu sắc riêng của bản thân. Khi đó, đứa trẻ rất cần những lời động viên từ những người thân thay vì những lời chỉ trích nặng nề, là những vết sẹo trong tâm hồn. Đặc biệt, những đứa trẻ bị chối bỏ thường có xu hướng buông thả, dễ sa vào các tệ nạn xã hội. Một lần nữa, “Bọn trẻ không có lỗi, lỗi là ở xã hội đã áp đặt quá nhiều định kiến lên những tâm hồn non nớt.”

Lăng kính gia đình

Ai cũng biết, gia đình là cái nôi nuôi dưỡng nhân cách của trẻ con. Lớn lên trong tình yêu thương và bảo bọc thì con cái sẽ trở thành người biết quan tâm. Ngược lại, phải sống lay lắt ngày qua ngày trong môi trường khắc nghiệt, đầy bạo lực và nước mắt thì nhân cách của trẻ cũng sẽ được hình thành theo hướng tiêu cực.

Đối với người LGBT, điều cốt lõi nhất mà họ cần ở gia đình không phải là kiến thức về cộng đồng mà là sự tin tưởng. Phụ huynh, người đã sinh được con ra, đã nuôi nấng, dạy dỗ, chăm sóc, thương yêu, chịu trách nhiệm cho con mình thì ít nhất cũng phải tin rằng con em mình không làm gì xấu xa, tổn hại đến người khác cả, trước khi buông lời miệt thị nó. Sự tin tưởng của gia đình là nguồn động lực lớn nhất dành cho họ - người thuộc cộng đồng LGBT. Nguồn tin đó giúp họ sống cuộc đời mà họ mơ ước chứ không phải cuộc đời của ai khác. “Tìm hiểu, tin tưởng và yêu thương nhiều hơn” chính là cách lan toả tình yêu trong gia đình.

Ngoài ra, đối với mẹ Châu: “Người lớn nhất định phải bênh vực các bạn khi quyền lợi của các bạn bị xâm hại chứ không được thờ ơ trước cảm xúc của con em mình.” Khi người thân trong gia đình đang phải chịu bất kỳ một sự phân biệt đối xử, một sự kỳ thị, một sự bất công nào đó, hãy đứng lên vì họ thay vì buông những lời xót xa. Theo mẹ Châu, sống ở thời đại này, quyền con người phải luôn được đề cao. Một khi xã hội đã coi trọng quyền con người thì sẽ giảm thiểu được những câu chuyện đau thương đã và luôn tồn tại. Không ai có quyền can thiệp và thay đổi việc các bạn muốn bản thân là ai, yêu ai hay ăn mặc ra sao. “Chính những người kỳ thị các bạn mới đang đi ngược lại với tự nhiên!”

Bản thân người trong cộng đồng LGBT

“Người ta có thể đương đầu với khó khăn, đương đầu với thử thách, đương đầu với những vô lý bất công khi và chỉ khi người ta có đủ lí luận, khi người ta được trang bị một nền giáo dục toàn vẹn.” - mẹ Châu chia sẻ. Vấn đề cốt lõi là người thuộc LGBT vẫn chưa hiểu hết về bản thân của mình, chưa hiểu về kiến thức cộng đồng… Chính vì vậy, họ vẫn còn ngập ngừng trong công cuộc đứng lên bảo vệ quyền lợi của mình. Người thuộc LGBT phải sống thật mạnh mẽ và tích cực. Đó mới chính là “vũ khí tối thượng” để đánh tan định kiến.

Thay cho lời kết, “Việc bạo hành người LGBT cần phải chấm dứt ngay bởi vị họ chính là những người thân của mình, người đồng nghiệp, người hàng xóm và bởi vì họ là con người nói chung.”

Chia sẻ

Bài viết

Thiên Thư - Thục Nhi

Thiết kế

Anh Tuấn

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất