Những năm gần đây sự hiện diện của người chuyển giới Việt Nam đã rộng khắp, song họ vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn như bị kỳ thị, gặp hạn chế trong việc tiếp cận với các dịch vụ y tế chính thức tại Việt Nam. Cho đến hiện tại, các quyền cho người chuyển giới vẫn chưa thực thi.
Thế nhưng, ngay sau khi Hoa hậu Chuyển giới Thế giới 2018 Hương Giang đăng quang, cô đã tuyên bố mình sẽ là người đấu tranh cho quyền lợi của người chuyển giới. Hiện tại, Hương Giang đã viết thư ngỏ tới Bộ Y tế và Quốc hội về luật chuyển đổi vào bảo vệ quyện lợi của người chuyển giới.
Ngày 28/6, tại chương trình “Lắng nghe chuyển giới”, bà Khuất Thị Hải Oanh, giám đốc SCDI cho biết tổ chức đang tập trung nâng cao chất lượng sống cho những người bị tổn thương, bị đẩy ra ngoài lề xã hội trong đó có người chuyển giới. Hiện tổ chức đang đồng hành cùng mạng lưới người chuyển giới, quan trọng nhất là đòi quyền lợi và phát triển cộng đồng.
“Chỉ những người chuyển giới can thiệp y học mới được công nhận. Như vậy những người không có nhu cầu chuyển giới, tiêm hóc môn và không có kinh tế sẽ gặp phải khó khăn. Hiện, Hương Giang đang thực hiện lời hứa trong ngày đăng quang của cô ấy, chính là đấu tranh quyền lợi cho người chuyển giới“, bà Oanh cho hay.
Cũng tại chương trình, bà Đinh Thu Thủy, Vụ Pháp chế - Bộ Y tế đã trình bày dự thảo Luật chuyển đối giới tính trong bối cảnh Việt Nam hiện nay. Theo đó, hiện tại nhà nước Việt Nam chỉ công nhận 2 giới tính nam và nữ, không công nhận giới tính thứ 3. Bên cạnh đó, Luật Hôn nhân và Gia đình không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính (Khoản 2 Điều 8). Cũng chính vì lý do này, một số cặp đôi trong cộng đồng LGBT buộc phải đăng ký kết hôn ở nước ngoài. Điều đáng nói, còn có Luật hộ tịch, nghĩa vụ quân sự,…
Ngoài ra, trong bài phát biểu của mình, bà Thủy khẳng định hồ sơ đề nghi đưa Dự án Luật vào chương trình xây dựng Luật của Quốc hội đã hoàn thiện.
Xuất hiện trong chương trình với quyết tâm cao độ, Hoa hậu Hương Giang chia sẻ: “Hiện tại dự án tâm huyết số 1 của tôi là thúc đẩy việc công nhận chuyển đổi giới tính trên giấy tờ. Tôi muốn cùng các bạn chuyển giới Việt Nam lan truyền năng lượng sống tích cực. Tôi cũng gửi lời cảm ơn đến những người dự thảo luật bởi họ là người dị tính, có luật hay không cũng không ảnh hưởng đến họ”, Hương Giang nhận định.
“Tôi đến chương trình để suy nghĩ lại vì tôi là người mẹ, chính tôi là người phải thay đổi suy nghĩ chứ không phải con tôi”, nhà văn Y Ban nói.
Có mặt tại chương trình, nhà báo Ngô Bá Lục bày tỏ mong muốn Luật cho người chuyển giới sớm được đưa vào thực hiện. “Câu chuyện “Tôi là ai” cũng là câu hỏi lớn. Đến người dị tính như chúng tôi cũng luôn hỏi câu này. Trong khi, người chuyển giới là người đặc biệt. Họ phải chịu nhiều đau khổ thì chắc chắn câu trả lời này họ luôn tìm kiếm”, nhà báo Ngô Bá Lục chia sẻ.
Trước khi phần giao lưu trong chương trình bắt đầu, Hương Giang đã khởi động chiến dịch thu thập chữ ký từ cộng đồng để gửi thư ngỏ tới Bộ Y tế và Quốc hội.