Trở thành một món ăn tinh thần quen thuộc mỗi dịp Tết cổ truyền của người dân Việt Nam; Táo quân (Gặp nhau cuối năm) đã gắn bó cùng đêm giao thừa suốt 15 năm qua. Rất nhiều nhân vật từ màn ảnh nhỏ đi liền năm tháng tuổi thơ, trở thành hình tượng hài hước thú vị trong lòng khán giả. Thế nhưng nhiều năm vừa qua, nhân vật “cô Đẩu” trong Táo quân vấp phải không ít ý kiến bàn cãi vì tạo hình tác động tiêu cực đến danh dự của cộng đồng LGBT.
Cụ thể, trong nhiều năm liền, cộng đồng LGBT trở thành đối tượng bị chương trình Gặp nhau cuối năm - Táo quân chế giễu hình ảnh, đưa thông tin sai lệch, hạ thấp danh dự với ngôn từ không hay. Đặc biệt, trong chương trình Táo quân 2018, nhân vật Bắc Đẩu luôn được đem ra gây cười về vấn đề giới tính. Không những thế tạo hình “cô Đẩu” còn bị nói là “con chi sống trên Trời không phải nữ cũng chẳng phải nam”, hay “bọn phụ nữ một nửa”. Với việc phát sóng truyền hình rộng rãi, những lời thoại trên gây ảnh hưởng tiêu cực nặng nề đến hình ảnh của cộng đồng LGBT trong mắt xã hội, khi sự kì thị vẫn chưa hề dừng lại đối với họ.
Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) và Trung tâm Tổ chức bảo vệ và thúc đẩy quyền của người LGBT (ICS) đã gửi thư ngỏ đến VTV sau buổi phát sóng Táo Quân 2018. Dù chỉ ở mức độ thư ngỏ nhưng đã nêu lên vấn đề ảnh hưởng nhân quyền, ít tôn trọng của các nhà biên kịch đối với cộng đồng lục sắc.
Hình ảnh nhân vật Bắc Đẩu ngày xưa từ đồ vest, kính mát đen, đầu trọc pha lẫn bông tai qua các năm thay đổi với bộ tóc vàng hoe, quần áo loè lẹt điệu đà hơn rất nhiều. Một mặc tạo nên hiệu ứng giúp chương trình lan toả trong xã hội, mặt khác lại làm ảnh hưởng đến cái nhìn của xã hội đối với cộng đồng LGBT. Dầu chấm hỏi được đặt ra đối với nhân vật Bắc Đẩu là cô Đẩu hay anh Đẩu?
Từ trước đến nay rất nhiều vai diễn “trai giả gái” đã để lại dấu ấn rất tốt đẹp trong lòng công chúng như Cô Cám của NSƯT Thành Lộc, người xem sẽ hiểu rõ anh hoá vai hoàn toàn vào nhân vật cô Cám. Thế nhưng đối với vai diễn Bắc Đẩu, sự không rõ ràng giới tính chắc chắn liên quan đến cộng đồng LGBT. Giữa hài hước và xúc phạm hiện lên qua tạo hình bên ngoài này.
Dù vẫn chưa được luật pháp công nhận hôn nhân đồng giới, nhưng ở xã hội đang dần phát triển mạnh mẽ và văn minh nhiều hơn thì quyền bình đẳng, sự tôn trọng, tự do cá nhân lại càng được đặt lên. Chuẩn mực xã hội chưa bao giờ đồng ý việc cười trên những mất mác, nỗi đau hay ngoại hình của người khác là điều được lan truyền trong công chúng.