Come out nôm na là công khai giới tính, cụm từ được nhắc đến nhiều nhất trong thời gian qua. Rất nhiều bạn trẻ đã theo trào lưu này, quyết định công khai con người thật của mình với gia đình. Tuy nhiên, hơn 90% trong số họ đều nhận lại những phản ứng kịch liệt từ phía người thân khi biết con mình 'hình hài một đằng, giới tính một nẻo'.
Bỏ nhà ra đi trong đêm với 150 ngàn đồng
Lê Thanh Nam (tên thường gọi là Hà Kỳ Nam) năm nay 21 tuổi, quê ở An Giang và hiện đang sống tại TP.HCM.
Từ những năm cấp 2, Nam cảm nhận được sự khác lạ trong suy nghĩ và những thói quen sinh hoạt hàng ngày.
Bề ngoài là con trai nhưng Nam thích những trò chơi nhẹ nhàng như banh đũa, nhảy dây và chỉ cặp kè đi cùng các bạn nữ. Đặc biệt, khi có cảm giác rung động trước một bạn nam cùng lớp, Nam cảm thấy rất khó chịu với chính bản thân mình. Khi chia sẻ điều này với mẹ, Nam nhận lại những lời động viên và trấn an tinh thần.
Vào cấp 3, giới tính thật bộc lộ rõ ràng hơn khi Nam trở nên điệu đà, ẻo lả và đặc biệt chỉ đỏ mặt, ngại ngùng khi đứng trước các bạn nam. Chắc chắn 100% về giới tính, Nam công khai với ba mẹ, tuy nhiên, phụ huynh đã đánh Nam một trận nhớ đời vì dám 'phát ngôn bậy bạ'. Từ lần đó, mọi hoạt động kết bạn của Nam đều bị gia đình can thiệp.
Một lần, Nam dẫn một bạn cùng giới về nhà chơi. Mẹ của Nam đã vô cùng tức giận và đánh cậu ngay trước mặt bạn bè. Quá xấu hổ, Nam chạy vào phòng đóng cửa và bỏ cơm ngày hôm đó.
'Gia đình không ai chấp nhận khi mình nói mình là người đồng tính. Mọi người đánh mình, mắng chửi mình với hi vọng mình sẽ nhận lỗi, thừa nhận mình đã sai. Nhưng lúc đó mình ấm ức quá, mình nói thẳng là sẽ rời khỏi nhà. Tuổi trẻ bốc đồng, mình đi thật và gia đình cũng không ai cản…' - Nam kể.
Hè năm đó, Nam một mình lên Sài Gòn khi trong túi chỉ còn 150 ngàn, Nam tá túc tại nhà một người bạn. Khoảng một tháng sống xa nhà, cậu bạn này phải làm thêm công việc tiếp tân, phụ bếp kiếm tiền ăn qua ngày. Gia đình cũng liên tục khóc lóc, gọi Nam về.
Ngày trở về, Nam nhận được sự cảm thông từ gia đình. Ba mẹ không còn mắng nhiếc hay nặng lời với Nam nữa. Mọi người quay sang động viên Nam phải học thật tốt. Khi biết Nam có người yêu, gia đình giao Nam cho anh chàng kia nhờ bảo ban và nhắc nhở.
'Mẹ mình dạy rằng phải sống tốt, kiếm nhiều tiền cho bằng người ta. Hiện tại, gia đình đã chấp nhận nhưng ít khi mang chuyện giới tính ra nói. Chuyện yêu đương cũng phải thông báo với ba mẹ. Và gia đình mình vẫn giữ liên lạc với người yêu mình' - Nam tâm sự thêm.
Ba mẹ khóc cạn nước mắt; bị đánh, bắt nghỉ học
Minh Anh (18 tuổi, chuyển giới nữ) và Minh Khang (23 tuổi, chuyển giới nam) đã đính hôn và hiện sống chung với nhau tại Đồng Tháp. Trước khi được gia đình 2 bên chấp thuận, cặp đôi này đã trải qua quá trình come out khá gian nan.
Từ lúc 5 tuổi, Minh Anh dù thân xác là nam nhưng thích chơi trò con gái. Ngày nào cũng lén chơi búp bê, đồ hàng, quấn chăn màn giả làm công chúa. Thân hình mảnh mai, yếu ớt càng khiến sự nữ tính của Minh Anh bộc lộ rõ rệt.
Khi nghe con nói thích làm con gái, ba mẹ Minh Anh không đánh đập, mắng chửi mà khóc cạn nước mắt trước mặt con.
'Hôm đó, gia đình đã cùng nhau ngồi đọc thông tin về LGBT. Ba mẹ hiểu đó không phải là bệnh, không cần uống thuốc hay chữa trị gì cả. Mọi người chấp nhận mình từ đó. Còn ủng hộ và giúp em nữ tính nhất có thể. Mình cảm thấy thật sự may mắn' - Minh Anh không giấu được sự xúc động.
Dù được chấp nhận nhưng Minh Anh chỉ được làm 'con gái' trong phạm vi gia đình. Mỗi lần ra đường hay đi học vẫn diện đồ nam giới.
Về phía Minh Khang, 'chàng trai' này bộc lộ sự nam tính, mạnh mẽ từ rất sớm. Đặc biệt là từ năm cấp 1 đã không chịu để tóc dài. 'Tóc vừa đến ngang lưng là mình tự cắt, gia đình mua váy thì không bao giờ mặc. Thích các trò nam tính, mạo hiểm và rung động trước người cùng giới' - Minh Khang kể.
Khi gia đình biết chuyện, ba của Minh Khang đã thẳng tay vụt những trận đòn đau đớn lên thân thể của cậu. Chưa hết, phụ huynh nghĩ rằng 'anh chàng' vì chơi với chúng bạn mà bị bỏ bùa nên buộc thôi học từ năm lớp 9. Minh Khang ở nhà phụ giúp gia đình từ đó.
Dù không nói ra nhưng ba mẹ của Khang đã dần chấp nhận và không cấm đoán cậu trong việc sống đúng với giới tính. Trước khi gặp và yêu Minh Anh, Minh Khang từng công khai yêu người cùng giới nhưng không có kết thúc tốt đẹp.
Cặp đôi chuyển giới hiện đã về chung một nhà trước sự đồng tình chấp thuận của 2 bên gia đình. Trong những bữa cơm thân mật, không ít lần cả 2 cùng nhắc đến chuyện come out trong quá khứ. Lúc đó, ba mẹ của Minh Khang chỉ bật cười, lâu lâu cũng xin lỗi con vì năm xưa bắt con nghỉ học giữa chừng.
'Con là gay, mẹ sẽ tự tử'
Với Hoàng Phúc (20 tuổi, TP.HCM) thì câu chuyện come out lại mang màu sắc của sự đấu tranh trong tư tưởng hơn là những trận đòn thừa sống thiếu chết.
Mãi đến năm lớp 9, Phúc mới dám khẳng định chắc chắn mình là đồng tính. Bởi lúc này, Phúc chỉ bị cuốn hút bởi những bạn nam điển trai, cao to thay vì những bạn nữ như giới tính sinh học đã định.
Khi phát hiện con trai mình có những dấu hiệu 'bất bình thường', mẹ của Phúc đã rất sốc, vừa khóc nức nở vừa nói trước mặt con rằng: 'Nếu con là gay, mẹ sẽ chết cho con xem'. Một câu bé mới lớn như Phúc vô cùng hoảng loạn, thậm chí sốc theo mẹ. Hai mẹ con nước mắt giàn giụa ôm nhau cả buổi trưa hôm đó.
'Mẹ không đánh, không chửi, không hỏi thêm gì về giới tính của mình. Mẹ nói mẹ cố chấp nhận, mẹ nói cho mẹ thời gian để làm quen. Mình chết lặng, chỉ biết cố gắng học tập từng ngày để mẹ vui' - Phúc nghẹn ngào nhớ lại.
Đem tất cả tâm sự của mình giải bày với người chị họ, Phúc nhận lại sự cảm thông sâu sắc. Hơn thế nữa, người chị này đã tác động đến mẹ Phúc, giúp bà hiểu và có cái nhìn đúng đắn về cộng đồng LGBT và con trai mình.
Chỉ khoảng một năm sau đó, Phúc thấy mẹ lại vui vẻ, thậm chí lại thương yêu cậu hơn trước. 'Một lần, mình nghe mẹ nói chuyện với hàng xóm. Mẹ thừa nhận con mẹ là gay, nhưng nói thêm rằng thằng bé rất ngoan, rất lễ phép và chưa bao giờ làm mẹ buồn vì chuyện học hành. Mình đã khóc, khóc vì hạnh phúc, khóc vì có một người mẹ tuyệt vời và bao dung, Tuy nhiên, mình vẫn tránh nhắc đến vấn đề giới tính khi đứng trước mặt mẹ' - Phúc tâm sự.
May mắn không được trọn vẹn khi những năm học Phổ thông là 'cực hình' với Phúc. Gia đình chấp nhận nhưng xã hội thì chưa. Và suốt quãng thời gian ấy, cậu bạn phải giấu nỗi buồn tủi khi bị bạn bè cùng lớp chọc là gay, là bê-đê. Mặc cảm và xấu hổ, không ít lần Phúc tính nghỉ học. Những lần như vậy, lại có mẹ động viên. Giờ thì không còn ai chọc ghẹo hay mang giới tính của Phúc ra làm trò đùa nữa.
Ngày Phúc dẫn bạn trai về ra mắt, mẹ của Phúc vẫn ân cần đón tiếp, thậm chí còn bảo cậu này thường xuyên ghé nhà chơi. Bằng những hành động thiết thực như thế, gia đình trở thành điểm tựa tinh thần vững chắc cho Phúc khi bước ra đời đi làm. 'Dù xã hội có quay lưng thì mình vẫn có mẹ, có gia đình'.
Một người phụ nữ giấu tên, có con là đồng tính nam chia sẻ rằng: 'Thấy con có nhiều biểu hiện khác thường, lén la lén lút, đi chơi với con gái là ỏng à ỏng ẹo, cô nghi lắm rồi. Nhưng vẫn muốn tự con nói ra. Khi bị bạn bè chọc ghẹo nhiều quá không biết kể cùng ai, mới nói với mẹ. Mình vừa buồn vừa thương con. Nhà có mỗi đứa con trai nên bố nó không chấp nhận, ngày nào cũng mang chuyện giới tính ra mắng nhiếc.
Mẹ cũng buồn nhưng luôn là người đứng ra hòa giải. Một mặt khuyên con phải cố gắng học tập, ngoan ngoãn để bố không phiền lòng, mặt khác phải cùng với bố nó lên mạng đọc báo về đồng tính, chuyển giới. Rồi bố nó cũng dần chấp nhận. Đứa con tưởng là trai nay lại càng nữ tính, nhưng vui vẻ, ngoan ngoãn khiến bố mẹ đôi phần nhẹ nhõm. Giờ cô hiểu ra rằng, xã hội có thể chưa bao dung với con mình nhưng mình là người sinh thành ra nó, mình phải hiểu và cảm thông cho con mình trước đã'.