Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Love Wins

Cậu chủ nhỏ yêu người đồng tính: Bị đánh đập, bắt nhốt, tiêm thuốc mê cũng không bao giờ trách gia đình

Nhiều người vẫn hay ăn kem khói, uống trà sữa hai ngăn, lẩu trà sữa mỗi ngày nhưng không phải ai cũng cũng biết người đã khơi mào những trào lưu đó. Ấy là Trà Ngọc Lan Thanh - cậu chủ nhỏ của hai quán trà sữa nổi tiếng và của cả câu chuyện đời đặc biệt riêng mình.

Cảm thấy có lỗi với Nội vì mình là LGBT

Với Lan Thanh (sinh năm 1993, TP.HCM), Nội là người quan trọng nhất.

Ba mẹ rời nhau từ hồi Thanh 3 tháng tuổi, đứa trẻ bé bỏng lớn lên trong vòng tay của bà nội. 'Nội thích con gái lắm', Thanh nói vậy. Từ nhỏ, từng cái quần cái áo nội đều mua cho Thanh, từng ngày trôi qua, giới tính trong cơ thể bộc lộ rõ ra bao nhiêu thì cảm giác tội lỗi lại đè nặng lên trái tim Thanh bấy nhiêu.

Gia đình Thanh là một gia đình gia giáo, các cô các cậu đều là công an, luật sư, bác sỹ,… Ngày Thanh tập tành cắt tóc ngắn, mặc đồ như con trai, cả gia đình can ngăn. Ai chê cười hay xa lánh gì Thanh cũng mặc. Vậy mà có mấy câu ngắn ngủn của nội thôi lại làm Thanh thấy đau lòng: 'Nhà này không có ai bị bệnh như mày hết'.

Thanh từ bỏ con người thật của mình, giả vờ sống như một người con gái thêm lần nữa. Mái tóc ngắn ngủn được nối dài lại, bộ quần áo con trai bị tháo xuống, thay vào đó những bộ quần áo dành cho nữ. Cố gắng hơn một tháng nhưng Thanh không chịu thêm được nữa, nhìn trước gương, Thanh biết đó không phải là mình.

Thanh từng cố gắng trở thành con gái để làm vui lòng bà.

Người là bà đau xót nhìn cháu, buông mấy câu nhẹ tênh mà khiến Thanh mãi chẳng thể nào quên được: 'Nội cũng già rồi, trước khi chết, nội mong có một ngày được nhìn thấy con là con gái, lập gia đình và có một cuộc sống êm đềm như bao nhiêu người khác'.

Thanh không nói, không rằng, chỉ lẳng lặng để lời ấy trong tim, tự hứa với mình, mình sẽ sống cho mình đến một ngày nào đó thôi, rồi sẽ sống vì nội bằng quãng đời còn lại, sẽ lấy chồng, sẽ sinh con, sẽ sống khác đi giới tính mà mình được sinh ra, sẽ sống với đúng như những định kiến mọi người cùng nhau nhất định gắn chặt nó lên mình.

Thanh từng bị cho là bị bệnh khi ăn mặc, cư xử giống con trai.

Rồi ngày bước ra xã hội, Thanh chứng kiến những người LGBT cũng giống như mình. Có người đã lấy chồng, đã sinh con nhưng vẫn ly dị vì không hạnh phúc. Và Thanh biết, cuộc đời mình cũng sẽ không thể nào hạnh phúc nếu chỉ giả vờ sống hạnh phúc. Thay vì bắt ép bản thân sống sai giới tính, Thanh chọn cách sống thật và cố gắng thật nhiều để bù đắp cho nội bằng cách khác.

Thanh cùng ba và bà nội.

LGBT - tình yêu đôi lứa khó được gia đình chấp nhận

Ngày Thanh có người yêu, cậu không dám kể cho ai trong gia đình mình. Thanh biết, đây là một điều rất khó chấp nhận với nội lẫn ba.

Năm 19 tuổi, Thanh có quen một người con gái ở Buôn Mê Thuột. Tình yêu đồng tính đã phải cố gắng nhiều, yêu xa lại phải cố gắng nhiều hơn nữa. Có những tháng ngày Thanh làm việc từ lúc 5h sáng đến tận 11h đêm chỉ để dành dụm tiền lên gặp người yêu một lần. Ngày sắp cầm được vé trên tay thì cũng là ngày người yêu tất tả xuống nhà, nói là gia đình phát hiện và ngăn cấm.

Gia đình bạn gái kia tìm đến tận nhà Thanh, mời công an bắt con gái mình về. Rồi họ làm mọi cách để 'trị bệnh', thậm chí bắt trói và tiêm thuốc mê để cô gái trẻ không chống cự và thôi than khóc. Đau quá, cả hai đành buông.

Chính Thanh cũng từng yêu, cũng từng bị ngăn cấm, cũng từng bị đánh đập và nhốt trong phòng tối suốt hàng tháng liền. Thanh không trách gia đình mình cũng không trách gia đình người yêu, 'vì làm ba làm mẹ có ai muốn con cái mình như vậy đâu'. Những ngày đầu chập chững lớn khôn, ký ức đó như những vết dao đâm sâu vào lòng.

Rồi Thanh từ từ trưởng thảnh, tình yêu không còn đơn thuần là cảm xúc nữa, tình yêu là một chuyện lâu dài. Gia đình đã dần quen với con người thật của Thanh, không hoàn toàn chấp nhận nhưng không còn phản đối. Sau những sóng gió, Thanh đanh hạnh phúc với người yêu hiện tại của mình, cả hai đang cùng cố gắng từng ngày để có được cái gật đầu của hai gia đình. Dẫu không dễ nhưng ca hai đã hứa sẽ cùng nhau cố gắng.

Cả hai đang cùng cố gắng từng ngày để có được cái gật đầu của hai gia đình.

Người khơi mào cho rất nhiều trào lưu ăn uống của giới trẻ Sài thành

Nghỉ học từ năm lớp 9, Thanh đi học đủ nghề và cũng làm đủ việc. Thanh ham học nhưng quan niệm rằng việc học không chỉ gói gọn trong học chữ, mà ta còn có thể học rất nhiều thứ khác. Thanh học quần quật, vừa học vừa làm, từ học pha chế, sửa xe, làm nón bảo hiểm, làm ly nhựa đến cả học cắt tóc, học xăm mình… Có lần, bạn Thanh nói đùa: 'Sài Gòn này có bao nhiêu nghề chắc mày học hết luôn rồi'.

Thanh rất ham học và từng học qua rất nhiều nghề.

Sau những ngày làm thuê, Thanh vay hàng chục triệu đồng và bắt đầu sự nghiệp của riêng mình bằng chiếc xe đẩy nhỏ bên đường. Chiếc xe đẩy ấy dần bị xếp vào một chỗ, thay vào đó là hai chi nhánh của hai quán ăn chỉn chu được yêu thích tại Sài Gòn 'mọc lên'. Tìm hiểu về Thanh, mới biết cậu chính là người đã khơi mào cho rất nhiều trào lưu ăn uống của giới trẻ Sài Gòn.

Quán ăn mà Thanh đang quản lý là nơi bắt nguồn của kem khói, trà sữa nhiều ngăn, lẩu trà sữa và lần đây nhất là ly hai tầng. Thanh hay đi du lịch Thái Lan và luôn tìm kiếm những món độc lạ để đưa về Việt Nam. Từ quán của Thanh, những thứ mới nổi ấy mới dần được nhân rộng.

Nhưng người đi tiên phong cũng không gặp ít khó khăn. Thanh tâm sự, hễ có món nào mới lạ thì rất dễ gặp phải những ý kiến trái chiều. Như ngày Thanh làm kem khói, khí ni - tơ Thanh sử dụng là ni-tơ thực phẩm, không hề có hại cho sức khỏe con người. Thế mà vì những nhầm lẫn với ni - tơ hóa học, thực khách và cả truyền thông đều chĩa mũi dùi vào quán, có người còn vào tận fanpage của quán và gọi Thanh là 'kẻ giết người', 'kẻ vô lương tâm đầu độc người khác'.

Rồi ngày Thanh tự làm kem đen để bán, kem có màu đen là do nguyên liệu than tre của Nhật, vừa trắng răng vừa có thể thanh lọc cơ thể. Vậy mà vẫn có ý kiến gọi đấy là chất tạo màu hóa học.

Kem đen.

Có những giai đoạn, Thanh tự hỏi rằng: 'Mình đã làm sai sao?'. Giờ người ta vẫn chửi nhưng Thanh chỉ lắng nghe ý kiến của những người đã đến đây, thật sự ăn món của mình làm rồi. Còn với những ai chưa một lần tới nhưng có những lời ác ý, Thanh sẽ không quan tâm. Giá của các món ăn của quán không rẻ, nhưng nếu giá không cao, món ăn sẽ không chất lượng.

Những món mình bán, Thanh đều tự mình thử qua trước.

Việc kinh doanh thành công, trung bình mỗi tháng tối thiểu lợi nhuận thu về là 50 triệu đồng, nhưng Thanh vẫn tiếp tục việc học của mình. Hiện tại, Thanh đang theo học xăm mình, đó là đam mê lớn mà cậu theo đuổi từ bấy lâu nay.

Ước mơ của Thanh là có thể một cửa hàng tích hợp cho riêng mình, trong không gian ấy sẽ có tất cả những thứ mà Thanh thích làm và đang làm: đồ ăn, thức uống, xăm mình, cắt tóc… Nhưng Thanh cười, ước mơ vẫn còn xa lắm.

Thanh đang trong quá trình thực hiện ước mơ của mình.

Ba điều biết ơn nhất trong đời

Điều thứ nhất, ngày xưa ba mẹ có cãi nhau nhưng mẹ đã không phá thai, để Thanh có cơ hội một lần được sống. Điều thứ hai là bà nội vẫn đang khỏe mạnh. Điều thứ ba là bà nội và ba đã ngày càng thuận hòa và hiểu mình nhiều hơn. Với Thanh, gia đình chính là thứ quan trọng nhất. Nếu được gia đình chấp nhận hoàn toàn, đó có lẽ là niềm hạnh phúc vô bờ mà Thanh có được.

Thanh tự gửi một lời cho bản thân và có lẽ là cho rất nhiều người đang thuộc giới LGBT khác: 'Dù thế nào, hãy luôn sống thật với giới tính của mình'.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Theo Baodatviet

Được quan tâm

Tin mới nhất