Từ trước khi đăng quang ngôi vị Á hậu chuyển giới nữ - Miss Venus 2017, Tây Hà (26 tuổi, tên thật là Đỗ Minh Tiến) đã nổi tiếng trong cộng đồng LGBT ở TP.HCM. Tuy đã có danh hiệu và ngoại hình ngày càng xinh đẹp nhưng ước mơ vươn tới thành công vẫn là những cơn thở dài đầy chua chát.
“Cầm bằng đại học nhưng không xin được việc…”
- Sau khi đoạt giải Á hậu chuyển giới Miss Venus 2017, công việc hiện tại của bạn là gì?
Tôi làm ở Trung tâm ICS -Tổ chức thúc đẩy và bảo vệ quyền cho cộng đồng LGBT. Công việc chính của tôi là hỗ trợ cộng đồng người chuyển giới hiểu về bản thân và giúp gia đình xã hội hiểu về họ, về người chuyển giới. Ngoài ra, tôi còn đảm nhận vai trò tư vấn tâm lý, sức khỏe, HIV và về các bệnh lây qua đường tình dục…
Tất cả các vấn đề của cộng đồng nhưng chủ yếu là các vấn đề tâm lý người chuyển giới gặp phải. Điều quan trọng nhất mà bản thân tôi cùng các bạn chuyển giới cần trải qua đó là không có lý do gì phải mặc cảm với xã hội. Ngược lại, phải sống tự tin, chứng minh rằng trong cuộc sống còn nhiều cánh cửa, nhiều cơ hội để sống tốt.
Ở Sài Gòn tôi vẫn diễn quán bar, làm người mẫu. Tôi đam mê ánh đèn sân khấu. Tôi không cho rằng công việc đó là rẻ mạt như có nhiều người vẫn nghĩ. Nếu mình tôi luyện và ý thức đó là nghệ thuật, mình sẽ không xấu hổ. Bên cạnh đó nó giúp tôi có thêm thu nhập rất chính đáng. Điều đó giúp tôi tự tin bước trên con đường mình đã lựa chọn và sớm chạm tay vào ước mơ.
- Bạn có còn gặp những khó khăn trong công việc khi đã được nhiều người biết đến?
Nếu không có các tổ chức xã hội thì người như tôi sẽ khó có việc làm phù hợp với mình. Có lẽ chúng tôi chỉ tìm được việc bưng bê tại các nhà hàng. Tôi cầm bằng đại học nhưng đều không xin được việc. Khi đến gặp, họ thường hỏi “Bạn là trai hay gái?”… Chuyện việc làm trước đây có khó khăn tôi cũng không chia sẻ vì có lúc nghĩ họ không nhận mình do họ có lựa chọn tốt hơn. Tuy nhiên, quá nhiều lần cầm hồ sơ đi xin việc, tôi đã cảm nhận được người ta từ chối vì mình là người chuyển giới. Chuyện đó khiến cho tôi từng nghĩ người chuyển giới không có tương lai.
- Bạn cho đó là sự kỳ thị của cộng đồng đối với người chuyển giới?
Chúng tôi từng khốn khổ vì giấy tờ không trùng khớp với vẻ ngoài khi đi xin việc. Ban đầu, người ta nhận mình nhưng khi gặp, biết là người chuyển giới, họ đã đưa ra những lời từ chối với các lý do rất chung chung… Từ ngày đi học, tôi đã nghe nhiều câu kiểu: “Những người như thế này ra ngoài xã hội làm được cái gì?”. Cảm giác như chúng tôi luôn bị hạ thấp giá trị. Tôi có một bạn chuyển giới nữ làm việc trong bếp, bạn ấy phải làm việc gấp đôi bạn nữ khác.
Còn một chuyện nữa, người chuyển giới hay bị “gắn mác” nhiễm HIV nên nhiều nơi không nhận để tránh sự rủi ro, rắc rối… Tôi không thể hiểu hết lý do, chỉ có điều bản thân tôi cùng những người chuyển giới có cảm giác đang bị cộng đồng từ chối mình. Và rồi, khi những người chuyển giới bị HIV, họ còn khổ hơn, lại bị kỳ thị kép.
- Sau tất cả những chuyện đã trải qua, bạn cùng những người bạn của mình đã làm gì để cuộc sống bớt tiêu cực, để cho mọi người nhìn nhận chuẩn hơn về người chuyển giới?
Chúng tôi có suy nghĩ, khát vọng và rất nhiều thứ như những người bình thường nhưng không có môi trường để được thể hiện… Chỉ mong sớm có luật chuyển đổi giới tính để bảo vệ các bản thân. Chúng tôi cùng chung tay lên tiếng nhiều lần, chia sẻ về suy nghĩ của mình để cộng đồng lắng nghe và hiểu người chuyển giới hơn. Nếu luật pháp thừa nhận, xã hội bớt kỳ thị người chuyển giới thì may ra những người chuyển giới mới bớt khó khăn, khổ cực.
Chúng tôi đã không “thuận” về mặt tạo hoá, đã rất đau đớn về thể xác nếu khi chọn phẫu thuật hoặc dùng hormone nhưng vấn đề lớn hơn là phải đối diện với các rào cản của cuộc sống, xã hội, luật pháp. Tôi thấy người chuyển giới rất thiệt thòi khi làm tất cả công việc để duy trì cuộc sống hoặc có số tiền đi phẫu thuật. Cuộc sống bấp bênh, nhiều lo lắng, nhiều vướng mắc từ chuyện nhỏ đến lớn.
Những người chuyển giới như chúng tôi chỉ mong muốn có một cuộc sống bình thường. Sống đúng là một người phụ nữ. Tôi không còn trẻ, đã 25 tuổi, mong muốn sớm có luật chuyển đổi giới tính để mình làm được nhiều việc hữu ích hơn.
“Bố và chú vẫn nghĩ tôi chuyển giới chỉ là… bồng bột”
- Bạn có danh hiệu rồi, không còn nhận đi “sai đường”, bạn có thường về quê thăm gia đình không?
Tôi rất ít khi về thăm nhà bởi nếu có về cũng ở miết trong nhà. Mọi người vẫn chưa chấp nhận tôi là con gái. Bố và chú ruột vẫn nghĩ việc chuyển giới của tôi là suy nghĩ bồng bột, sớm quay trở lại làm con trai. Ngay từ bé khát khao là con gái của tôi đã luôn thường trực. Lớn lên, tôi mới đủ dũng cảm sống với thật chính mình… Hiện tại tôi vẫn ẩn mình khi về quê. Tôi chưa làm được gì báo hiếu với mẹ, mẹ khổ nhiều rồi, giờ vẫn còn lo lắng nhiều về cuộc sống của tôi trong tương lai… (nghẹn ngào).
- Ước mơ được chuyển giới thành người nữ của bạn đã thành hiện thực. Vậy bạn còn mong muốn gì hơn ngoài điều đó?
Tôi từng mong muốn được phẫu thuật chuyển giới và tham gia một cuộc thi nhan sắc… và tôi đã làm được việc đó. Tôi cố gắng làm việc chăm chỉ hơn nữa để đủ điều kiện về kinh tế, chuyển giới hoàn toàn, khẳng định mình… sống không vô ích.
Từ 2016 đến nay, tôi tham gia hỗ trợ cho các bạn chuyển giới. Tôi được nghe các bạn chia sẻ về ước mơ, hoài bão của họ… Chính điều đó đã nuôi dưỡng và tiếp thêm động lực cho ước mơ của tôi. Tôi tin rằng, ước mơ của tất cả các bạn chuyển giới, trong đó có tôi sẽ thành hiện thực khi chúng tôi tin vào bản thân mình.
- Bạn muốn được mọi người hiểu người chuyển giới như thế nào?
Để vượt qua những rào cản của xã hội, tôi đã nỗ lực học đại học, học thêm tiếng Anh, cố gắng có thể giao tiếp bằng tiếng Anh để tự mở thêm cơ hội cho mình. Ngay cả việc có thể nghiên cứu các tài liệu nước ngoài về người chuyển giới cũng là để tự bản thân tôi hiểu hơn về mình, thêm tự tin và sống tốt hơn.
Tôi có thể dùng kiến thức của mình để người thân, bạn bè và cả cộng đồng hiểu người chuyển giới không hề bị mắc căn bệnh gì về giới tính. Họ là những người rất bình thường, có nhiều người có năng lực, có ý chí. Có khi họ còn có chí hơn rất nhiều người khác để vượt qua sự kỳ thị mà xã hội đang dành cho họ, để được sống và thực hiện ước mơ của mình.
Tôi rất thích sự thử thách, song tôi thích có người đồng hành. Cuộc sống hiện tại của tôi đều rất tự lập và cần sự đồng cảm của xã hội về tinh thần; cần gia đình, bạn bè hiểu để động viên.
Tôi rất muốn thực hiện ước mơ của mình vì tôi khao khát và mong muốn khẳng định người chuyển giới không phải là người không có tương lai. Chỉ là vì họ chưa có môi trường phù hợp, tạo điều kiện cho họ hòa nhập và phát triển mà thôi.
- Nghĩa là bạn cũng như tất cả người chuyển giới ủng hộ Luật chuyển đổi giới tính thực thi tại Việt Nam?
Đúng thế, vì có luật người chuyển giới sẽ không còn bị nhiều vướng mắc khi làm các thủ tục giấy tờ và bị kỳ thị như hiện nay. Cơ hội cho người chuyển giới được sống như người bình thường theo mọi qui định của pháp luật. Người chuyển giới chúng tôi chờ đợi và kỳ vọng sớm được thực thi ở Việt Nam.
Cá nhân tôi nhận được nhiều ưu đãi mới được làm phẫu thuật mặt và ngực nhưng vẫn chưa phẫu thuật bộ phận sinh dục. Tôi cũng cần có sự chuẩn bị về kinh tế nữa. Nếu tôi không đủ kinh tế để phẫu thuật chẳng lẽ khi có luật tôi không được coi là người chuyển giới? Vậy tôi đứng ở đâu?
Cho nên tôi nghĩ cũng rất khó để qui định cứng nhắc như thế. Chưa kể, có nhiều bạn chỉ muốn được công nhận bản dạng giới của mình. Họ sợ đau, sợ ảnh hưởng sức khoẻ, sợ nhiều thứ khác nữa. Xu hướng phát triển của thế giới, tôi thấy đang thiên về xu hướng không cần điều kiện phẫu thuật mà chỉ cần trải qua các bài test tâm lý, nộp đơn lên cơ quan có thẩm quyền, ghi rõ nguyện vọng là có mong muốn được xác nhận là người chuyển đổi giới tính thì được công nhận là người chuyển giới.
Vì nhìn vào điều kiện kinh tế của người chuyển giới Việt thấy phần lớn là không có đủ chi phí để chi trả. Chưa kể về điều kiện sức khỏe như tôi được biết, có một số người chuyển giới không đáp ứng với hormone, bị sốc khi tiêm hormone dẫn tới tử vong, điều kiện sức khỏe không thể sử dụng hormone hay phẫu thuật… Thế nên, tôi rất mong các bạn chuyển giới được sống thật với chính giới tính của mình để có thể đóng góp nhiều hơn cho xã hội.
Cảm ơn bạn đã chia sẻ thông tin.