Nhà khoa học bị lãng quên dưới thân phận nữ diễn viên đẹp nhất Hollywood

Nhà khoa học bị lãng quên dưới thân phận nữ diễn viên đẹp nhất Hollywood

Logo Saostar - Special special

Nhà khoa học bị lãng quên dưới thân phận nữ diễn viên đẹp nhất Hollywood

Copy Link
Chia sẻ

Gần một thế kỷ trước, Hedy Lamarr được cả thế giới phương Tây biết đến như một gương mặt quen thuộc của các bộ phim điện ảnh tầm cỡ Hollywood. Nhắc đến Hedy Lamarr, cánh mày râu sẽ nghĩ ngay đến các vai diễn nóng bỏng từng tạo nên những cơn sốt điện ảnh, khiến nhiều quốc gia phải đi đến quyết định cấm chiếu chúng và danh hiệu “người phụ nữ đẹp nhất thế giới” qua các vai diễn của bà.

Nhưng ít ai biết rằng, cô diễn viên vạn người mê này là tác giả của nhiều công trình khoa học quan trọng, làm nền tảng cho công nghệ wifi, GPS hay Bluetooth mà chúng ta sử dụng ngày nay.

Sinh ra vào 09/11/1914 ở Vienna, nước Áo, Hedy Lamarr hay tên thật là Hedwig Eva Maria Kiesler nhanh chóng được săn đón và có vai diễn đầu đời từ năm 17 tuổi.

Với hơn 30 vai diễn đắt giá qua từng ấy bộ phim trong suốt sự nghiệp của mình, không thể phủ nhận Hedy Lamarr là nữ diễn viên thành công bậc nhất trong làng điện ảnh u Mỹ. Sau này nhìn lại, Hedy đôi khi thừa nhận bản thân mình may mắn vì có được cơ hội tốt để chạm đến nghiệp diễn từ rất sớm.

Lúc nhỏ, trong một lần cùng mẹ đến hãng phim Sascha-Film tại thủ đô nước Áo, bà được một đạo diễn phát hiện và chọn vào vai phụ của phim Money on the Street (1930), tiếp theo là vai diễn nhỏ chỉ với một câu thoại trong phim Storm in a Water Glass (1931).

Người mẹ của Hedy ban đầu tìm đến đây để nộp đơn xin việc làm, mong có được một chân biên kịch, nhưng cuối cùng cô con gái lại được chọn để xuất hiện trên phim. Dù rất vui nhưng hai vai diễn quá nhỏ nên cũng không để lại ấn tượng gì.

Nhà sản xuất của phim là Max Reinhardt tiếp tục đưa cô gái nhỏ đến Nhà hát ở Josefstadt để tham gia vở kịch The Weaker S3x. Vai diễn của Hedy Lamarr trong vở kịch quá xuất sắc đến nỗi ông quyết định đưa cô bé đến Berlin để phát triển sự nghiệp.

Tại Đức, Hedy Lamarr được đào tạo bài bản và sắm vai chính đầu tiên trong đời ở bộ phim No Money Needed (1932). Năm 1933 ở tuổi 18, bà tham gia phim Ecstasy, ccuốn phim này tạo tiếng vang rất lớn và đưa tên tuổi của Hedy ra thế giới bởi không chỉ lối diễn xuất thần mà còn qua nhiều cảnh nóng trong phim.

Ecstasy bị cấm chiếu tại Mỹ nhưng vai diễn và tên tuổi của bà vẫn đến được với các tay làm phim ở Hollywood. Hedwig Eva Maria Kiesler ký hợp đồng với hãng phim MGM, chuyển đến Mỹ sinh sống để phát triển sự nghiệp rồi đổi tên thành Hedy Lamarr.

Khi sự nghiệp ngày càng tiến triển cũng là khi bà không tìm thấy bản thân mình qua những vai diễn. Thực tế, Lamarr say mê khoa học và mong muốn được cống hiến cho quốc gia bằng những sáng chế của mình. Ngoài thời gian trên phim trường, bà mày mò chế tạo.

“Tôi nghĩ trí thông minh đẹp hơn nhiều so với vẻ bề ngoài”, bà chia sẻ trong một buổi nói chuyện và bật mí về khát khao muốn trở thành một nhà khoa học. Nhưng những điều này không phù hợp với chính sách phát triển của công ty quản lý bà, họ muốn hướng bà đến một hình tượng nóng bỏng và quyến rũ để lôi kéo nửa kia của thế giới.

Các vai diễn của Hedy phần lớn là ít nói để có thể hấp dẫn đàn ông qua vẻ đẹp và ngoại hình, sự ít nói cũng giúp phái mạnh cảm thấy an toàn vì cho thấy người phụ nữ kia không thông minh hơn họ. Trên truyền thông, đời tư của bà cũng được khai thác theo hướng những cuộc tình dang dở và những cuộc hôn nhân đổ vỡ.

“Đàn ông Mỹ chỉ quan tâm đến tiền và ngực, những thứ tôi có nhưng tôi không muốn họ quan tâm đến”, Hedy Lamarr cho biết trong một buổi nói chuyện, với ý nghĩa ngầm muốn nói đến việc bà ao ước được trở thành nhà khoa học và mong muốn mọi người công nhận các sáng chế của bà.

Từ công nghệ nhảy tần sử dụng trong truyền sóng tín hiệu đến những công nghệ là tiền thân của wifi, Bluetooth và GPS, nói không ngoa nhưng Hedy Lamarr đã góp phần không nhỏ làm thay đổi cuộc sống hiện đại của chúng ta. Dù vậy, bà không được công nhận và không quá nhiều người biết đến bà với vai trò nghiên cứu.

Trong những tháng năm còn sát cánh bên người chồng đầu tiên, bà đã nghe về “hệ thống thông tin bí mật”, bởi nó đảm bảo tính riêng tư của thông tin chỉ được truyền trong nội bộ những người cần nhắm tới. Tuy đây là công nghệ tân tiến nhất lúc bấy giờ nhưng rất dễ bị nhiễu sóng và bị tấn công từ xa qua sóng.

Năm 1940, Lamarr nảy ra ý tưởng về thiết bị nhảy tần, có khả năng thay đổi tần sóng nhận và phát tín hiệu để trạm kiểm soát có thể liên lạc với ngư lôi mà không sợ kẻ địch quấy phá tần số, không chỉ tránh gây nhiễu mà thiết bị còn giúp ngư lôi không bị theo dõi.

Bà lên ý tưởng về một loại vũ khí dẫn đường, nó sẽ phát ra tín hiệu để thông báo về việc thay đổi tần số khi phát hiện có sự quấy phá hay theo dõi, vũ khí chính sẽ nhận ra và ngay lập tức được thay đổi tần số theo. Các vũ khí của quân địch sẽ không hiểu được tín hiệu yêu cầu thay đổi nên chúng sẽ hoàn toàn bị động và mất tín hiệu khi đang thực hiện theo dõi.

Ý tưởng từ phác thảo nhanh chóng được hoàn chỉnh, Lamarr gửi đi và được cấp bằng sáng chế. Tuy vậy, Hải quân Mỹ chỉ tiếp nhận bằng sáng chế mà không sử dụng, họ cho rằng nhan sắc của bà đáng giá hơn những phát minh nên tiếp tục khai thác bà cho điện ảnh.

Sau này khi chia sẻ về ý tưởng, bà cho biết hóa ra đây là điều rất bình thường trong cuộc sống nhưng những nhà khoa học thời đó không nhận ra để phát triển: “Cũng như ta đi cùng với một người bạn thân và dặn nhau từ trước về những dấu hiệu bí mật, khi gặp sự cố phiền phức trên đường, ta chỉ cần ra hiệu và sẽ hiểu được nhau”.

Ý tưởng này được giới chuyên môn đánh giá là đi trước thời đại và là nền tảng của công nghệ điện thoại không dây, điện thoại di động ngày nay. Năm 1962, Mỹ sử dụng công nghệ này trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba và đem về thành công vang dội, tên tuổi của bà lúc này mới được vài người biết đến.

Ngoài máy nhảy tần, nhà nghiên cứu không qua đào tạo Lamarr còn dành thời gian rảnh rỗi để tự mày mò và sáng tạo ra nhiều cỗ máy hay ý tưởng khác nhau, bao gồm cải thiện hiệu năng của đèn tín hiệu giao thông, viên sủi hòa tan trong nước để tạo ra nước có ga,…

“Tôi ít khi tự tìm ra ý tưởng, mà chúng tự đến với tôi trong những lúc tôi mày mò các thứ”, bà chia sẻ. Ông trùm hàng không Howard Hughes là một trong số ít người biết đến tài sáng chế của Lamarr, đã nhận được nhiều ý tưởng táo bạo từ bà chẳng hạn như thay đổi hình dạng của máy bay để tăng tối đa tốc độ dựa trên hình ảnh tự nhiên về loài chim, loài cá nhanh nhất.

Những phát minh của bà đều được cấp bằng sáng chế, nhưng rất tiếc không được đưa vào khai thác và sử dụng rộng rãi. Những năm cuối đời, bà sống hưu trí tại nhà riêng, tránh xa truyền thông và giới giải trí.

Bà qua đời năm 2000 trong im lặng. Dù vậy, sau khi bà mất được 15 năm, vào dịp kỷ niệm ngày sinh nhật lần thứ 101 của bà, Google đã tôn vinh những đóng góp của bà thông qua clip hoạt hình trên trang chủ của hãng tìm kiếm khổng lồ này.

Bài viết

Vương Quốc Anh

Thiết kế

Tuấn Lê

Copy Link
Chia sẻ
Cuộn xuống để đọc tiếp Đọc
tiếp