Thời trang

Áo dài Việt Nam mang hình ảnh ngôi chùa Myanmar: Có đáng bị lên án?

Chia sẻ

Các mẫu áo dài in ảnh danh lam thắng cảnh không phải mới mẻ ở Việt Nam, nhưng vì sao in ảnh một ngôi chùa Myanmar lại bị phản ứng gay gắt như vậy?

Trên trang bìa ấn phẩm Heritage Fashion tháng 11/2015, người mẫu Hồng Quế mặc chiếc áo dài truyền thống mang hình ảnh ngôi chùa nổi tiếng Shwedagon của Myanmar. Thiết kế nằm trong bộ sưu tập Nét đẹp Á Đông của thương hiệu Thái Tuấn đã nhận nhiều phản ứng gay gắt của người Myanmar, cho rằng đã không tôn trọng văn hóa của họ.

Vấn đề nằm ở nhận thức văn hóa

Nhận thức ảnh hưởng trực tiếp đến hành vi ứng xử của con người. Quan niệm truyền thống, niềm tin tôn giáo… cũng là những yếu tố hình thành nên không chỉ nhận thức cá nhân mà còn nhận thức dân tộc.

Mỹ là nơi coi trọng chủ nghĩa cá nhân, những gì càng được yêu mến, trân quý thì càng được hình thức hóa để gần gũi hơn với người Mỹ. Do vậy, hình ảnh cờ Mỹ, tổng thống có thể in trên áo, thậm chí là… quần lót rất bình thường. Trong khi đó, điều này tuyệt nhiên không thể xảy ra ở các quốc gia coi trọng lễ nghĩa, cấp bậc rõ ràng như phần lớn các quốc gia phương Đông.

Cùng là những nước Phật giáo là tôn giáo chính, nhưng Việt Nam theo phái Đại thừa (quan niệm Phật trong tâm, không nhất thiết phải đi tu mới là theo Phật), còn Myanmar theo phái Tiểu thừa, khắt khe chuẩn mực hơn trong mọi thứ liên quan đến Phật giáo.

Nếu đến Myanmar, bạn sẽ thấy đời sống của người dân tuy còn rất nghèo nàn, nhưng những ngôi chùa ở đây luôn hiện đại và cao sang bậc nhất thế giới. Người Myanmar thường đi một loại dép tương tự dép lào, kể cả trong những sự kiện sang trọng cũng đi loại dép này, bởi họ đi chùa mỗi ngày, nên dép sẽ giúp họ thuận tiện cởi bỏ hơn khi đi chùa. Không những thế, người Myanmar đều phải trải qua khóa tu tại chùa khi họ bước vào tuổi thành niên. Từ những hoạt động văn hóa rất nhỏ ấy, dễ thấy niềm tin Phật giáo là rất thiêng liêng với người Myanmar. Do đó, rất dễ giải thích vì sao họ cảm thấy phản cảm khi hình tượng ngôi chùa của mình xuất hiện trên tà áo của một dân tộc khác.

Tuy nhiên, cũng không thể đánh giá chủ quan hình ảnh bìa báo Vietnam Airlines lần này là phản cảm hay thiếu kiến thức. Với tên gọi Nét đẹp Á Đông, bộ sưu tập tuy chưa ra mắt chính thức nhưng có thể hình dung những biểu tượng đẹp nhất của các quốc gia Á Đông sẽ được truyền tải qua tà áo dài Việt Nam duyên dáng, là một thông điệp tốt đáng ghi nhận.

Sự việc lần này cũng tương tự câu chuyện búp bê Nana Chan mặc áo dài Vietnam Airlines tại Nhật gây xôn xao hồi cuối tháng 8 năm nay. Trong khi người Việt Nam cho rằng búp bê đứng dạng chân đã làm mất hình tượng tà áo dài truyền thống Việt Nam, thì ở Nhật, Nana Chan lại được xem là hình tượng văn hóa rất đáng yêu và được đón nhận.

Chiếc áo dài Vietnam Airlines cũng từng bị cho là phản cảm qua hình tượng búp bê Nana Chan của Nhật.

Chiếc áo dài Vietnam Airlines cũng từng bị cho là phản cảm qua hình tượng búp bê Nana Chan của Nhật.

Từ câu chuyện này, thiết nghĩ, trong hoạt động sáng tạo hay quảng bá hình ảnh nói chung, cần cân nhắc kỹ hơn khi sử dụng các hình tượng liên quan đến văn hóa, tôn giáo của một quốc gia nào đó để tránh gây ra những hiểu lầm không cần thiết. Cái nhìn đa chiều cũng sẽ giúp hoạt động sáng tạo trở nên khách quan hơn, nổi bật vẻ đẹp, ý nghĩa của tác phẩm cũng như đạt hiệu quả truyền thông tốt nhất.

Xem thêm >>>

Thiết kế áo dài Việt Nam bị người Myanmar chỉ trích

Đi fashion show có nhất định phải mặc đầm dạ hội?

Đam mê hàng hiệu không phải là bệnh

Chia sẻ

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất