Gương mặt thương hiệu

Các công ty đang gặp khó khăn vì tình trạng thiếu chip trên toàn cầu

Như Khánh
Chia sẻ

Khi các vấn đề về chuỗi cung ứng vẫn không có hồi kết, các nhà sản xuất buộc phải ứng biến.

Hiện nay, tình trạng thiếu chip trên toàn cầu đã kéo dài gần hai năm. Trong tình trạng này, chưa có một giải pháp triệt để có thể giải quyết khó khăn chung. Các công ty trong mọi ngành nghề đang thực hiện một số thủ thuật bất thường để giữ cho dây chuyền sản xuất của mình hoạt động, bởi khi sự thiếu hụt chất bán dẫn đã trở thành cái gọi là tình trạng "bình thường mới", mọi người đều bị buộc phải thích nghi.

Bill Wiseman- đối tác cấp cao của công ty tư vấn McKinsey cho biết: “Sự tuyệt vọng tràn ngập thị trường. Nếu bạn đang chế tạo một máy đo quang phổ trị giá 350.000 USD và bạn không thể giao nó vì thiếu những con chip trị giá 0,5 USD, bạn sẽ khá sẵn sàng trả bất cứ thứ gì để có được nó”.

Công ty McKinsey khai thác bằng cách tạo ra một nhóm chuyên về việc tìm nguồn cung ứng chip cho các công ty mà nó nhận tư vấn. Wiseman cho biết nhóm này có trách nhiệm nhìn xa hơn trong chuỗi cung ứng thông thường, và họ đã tìm thấy những con chip cần thiết ở các quốc gia ít người nghĩ tới như Maroc, Hà Lan và Nhật Bản. ngoài ra, họ cũng có thể xác định được những con chip có thể hơi khác so với những con chip được kỳ vọng ban đầu, mặc dù vậy chúng đều có cùng công năng. Tất nhiên, các nhà sản xuất và môi giới có thể tính phí cao cho chúng, và các công ty cũng có rất ít lựa chọn ngoài việc chấp nhận trả tiền. Wiseman chia sẻ:“Những con chip thực sự ở ngoài kia. Vấn đề chỉ là tìm và lấy chúng”.

Trong một số trường hợp, việc này cũng có nghĩa là thực hiện các biện pháp tưởng chừng như đầy tuyệt vọng. Tháng trước, Peter Wennink, CEO của ASML, công ty sản xuất máy in quang khắc, một trong những thiết bị phức tạp và cần thiết để tạo ra những con chip máy tính tiên tiến, đã tiết lộ một ví dụ về vấn đề này. Wennink cho biết một tập đoàn công nghiệp lớn đã mua hàng đống máy giặt chỉ để lấy các chip bên trong chúng, cho các sản phẩm của mình.

Sự thiếu hụt chip về cơ bản do một số yếu tố gây ra. Nó bao gồm xu hướng đổ xô mua các thiết bị điện tử cần thiết để làm việc tại nhà trong bối cảnh đại dịch, nạn tích trữ chip do căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc và sự gián đoạn dòng linh kiện được phân phối trên toàn cầu thông qua chuỗi cung ứng bán dẫn phức tạp.

Cuộc khủng hoảng đã nhấn mạnh mức độ quan trọng của chất bán dẫn đối với nền kinh tế và cho thấy nhiều chuỗi cung ứng trở nên yếu ớt mỏng manh như thế nào. Các ngành bị ảnh hưởng nặng nề bao gồm điện tử tiêu dùng, đèn LED và các thiết bị chiếu sáng, năng lượng và ô tô. Vào thời kỳ đầu của đại dịch, các nhà sản xuất ô tô đã tạm dừng sản xuất và hủy đơn đặt hàng chip, nhưng sau đó, nhu cầu tăng cao và việc bị tụt lại phía sau trong hàng đợi đặt hàng chip đã khiến các công ty ô tô đã phải vật lộn để bắt kịp.

Nhiều hãng sản xuất ô tô đã tiến hành loại bỏ các tính năng khỏi xe thay vì đóng cửa dây chuyền sản xuất. Tháng 9 năm ngoái, Cadillac cho biết hãng sẽ loại bỏ tính năng lái rảnh tay trên một số mẫu xe. Vào tháng 11, Tesla bắt đầu bán xe không có cổng USB. Và vào tháng 5 năm nay, Ford cho biết họ sẽ xuất xưởng một số mẫu xe không có chip cho các tính năng không cần thiết như điều khiển hệ thống sưởi, và sẽ yêu cầu các đại lý bổ sung chúng vào một ngày nào đó trong tương lai.

Mike Juran, Giám đốc điều hành của Altia cho biết: “Họ đang hoán đổi chip với những thứ có sẵn. Chúng tôi khiến họ quay trở lại với những con chip cũ, chẳng hạn như loại đã nằm phủ bụi trong nhà kho, không có gì tiên tiến, nhưng có thể giải quyết cùng một vấn đề”.

 Một công ty sản xuất phần mềm chuyên xây dựng giao diện cho ô tô và thiết bị gia dụng, cho biết nhiều công ty đang viết lại các đoạn mã của họ để nó có thể hoạt động với các con chip khác nhau, hoặc cho phép một con chip duy nhất làm được gấp đôi công việc. Juran cho biết, trong một số trường hợp, các công ty đang sử dụng những con chip có tuổi đời lên đến 10 năm.

Và giờ, cuộc khủng hoảng chip đang tiếp tục kéo dài, một phần do các vấn đề mới. Bao gồm sự bùng phát của dịch Covid-19 ở Trung Quốc và cuộc khủng hoảng ở Ukraine, đang góp phần vào sự hỗn loạn của chuỗi cung ứng. Mặc dù vậy, cuộc khủng hoảng cũng đang tạo ra những cơ hội mới cho một số công ty.

Smith & Associates, một nhà môi giới linh kiện điện tử, đã thuê thêm 300 nhân viên kể từ khi đại dịch bắt đầu, từ con số 500 nhân viên ban đầu. Mike Hatzell, giám đốc hành chính của công ty cho biết lương của mọi người đã tăng lên mức cao nhất mọi thời đại.

Hatzell cho biết thêm rằng trong khi một số công ty hủy bỏ sản phẩm, thì nhiều công ty đang làm bất cứ điều gì có thể để duy trì hoạt động của dây chuyền sản xuất. Chiplitics, một công ty khởi nghiệp về công nghệ, đã phát triển một cách hiệu quả hơn để nhanh chóng phát hiện chip giả bằng cách gửi tín hiệu qua chúng. Phát hiện hàng giả là một vấn đề quan trọng đối với các nhà môi giới và nhà sản xuất chip muốn tìm kiếm nguồn chip một cách nhanh chóng.

Dan Hutcheson, một nhà phân tích tại TechInsights, người thường xuyên theo dõi ngành công nghiệp chip, cũng cho biết các công ty đã thực hiện các biện pháp triệt để để giải quyết tình trạng thiếu hụt trước đây, bao gồm thu hoạch chip từ các sản phẩm khác. Ông cũng cảnh báo rằng sự thiếu hụt có thể nhanh chóng trở thành dư thừa, khi nền kinh tế phục hồi và nhu cầu đối với các sản phẩm mới chậm lại. Nhưng, ông cũng tự hỏi liệu sự thiếu hụt hiện tại có thể có một lời giải thích khác hay không. Hutcheson nói: “Phải có ai đang tích trữ ở ngoài kia. Tôi nghĩ rằng chip cũng giống như một loại giấy vệ sinh mới mà thôi”.

Chia sẻ

Bài viết

Như Khánh

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất