Apple thông báo đến các đối tác rằng hãng sẽ tăng cường sản xuất các dòng sản phẩm của mình bên ngoài Trung Quốc. Trong đó, Việt Nam và Ấn Độ là 2 quốc gia được hãng công nghệ nhắm đến để xây dựng các cơ sở mới, bao gồm iPhone.
Trong thời điểm này, những động thái của Apple được theo dõi chặt chẽ. Theo Wall Street Journal nhận định rằng bất kỳ quyết định nào của Apple cũng có thể ảnh hưởng tới những nhà sản xuất Mỹ khác trong thời gian tới.
Tránh phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc
Năm 2021, các nhà máy tại Ấn Độ sản xuất khoảng 3,1% lượng iPhone cung ứng cho Apple. Con số đó có thể tăng lên 6-7% trong năm nay. Toàn bộ phần còn lại được sản xuất tại Trung Quốc.
Theo dự định ban đầu, Apple có ý định biến Ấn Độ thành "Trung Quốc thứ 2". Tuy nhiên, hãng phải cân nhắc lại vì các đối tác không muốn đầu tư mạnh vào quốc gia đang có nhiều xung đột về chính trị với Trung Quốc.
Do đó, hãng đã chuyển hướng sang các quốc gia Đông Nam Á khác, trong đó có Việt Nam, vốn là một trong những trung tâm chế tạo, sản xuất chính của Samsung.
Cuộc gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Mỹ ngày 17/5, CEO Tim Cook cho biết Apple có mong muốn mở rộng chuỗi cung ứng ở Việt Nam, hợp tác với các doanh nghiệp trong nước.
Đồng thời, ông còn dự tính tăng số lượng nhà cung cấp nội địa và nâng tỷ lệ sử dụng sản phẩm trong nước trong thời gian tới.
Vào tháng 4, khi được hỏi về tình hình chuỗi cung ứng, CEO Tim Cook từng khẳng định chuỗi cung ứng và những sản phẩm của họ hiện có tính toàn cầu hóa. Đồng thời, ông cũng bổ sung: “Chúng tôi đang tìm cách tối ưu hóa những nguồn lực mình đang có”.
Nhiều năm qua Apple đã tìm cách tránh phụ thuộc chuỗi sản xuất ở Trung Quốc, nhưng gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19. Giờ đây, khi tình hình đã ổn định hơn, hãng lại đẩy mạnh kế hoạch này và tìm kiếm những lãnh thổ khác để đa dạng hóa cơ sở sản xuất.
Hiện nay, hơn 90% thiết bị của Apple như iPhone, iPad và MacBook được chế tạo ở Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu phụ thuộc quá nhiều vào quốc gia này, Apple có thể đối mặt với nhiều rủi ro do xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc.
Mặt khác, do chính sách hạn chế nhập cảnh của Trung Quốc, các lãnh đạo và kỹ sư của tập đoàn công nghệ này không thể thường xuyên đến thăm xưởng sản xuất, từ đó khó theo dõi tiến độ làm việc. Tình trạng thiếu hụt năng lượng, mất điện diện rộng cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất của quốc gia đông dân nhất thế giới.