Hết nạc vạc đến xương
Chính vì mắc những “chuẩn”, nhiều nghệ sĩ không được xét trao tặng danh hiệu. Nhưng cũng chính vấn đề thiếu HCV hay thiếu năm đặt ra câu hỏi: NSND – xét tài năng và sự cống hiến hay xét HCV, thời gian hoạt động nghệ thuật là chuẩn cao nhất?
Gần 40 năm kể từ Ngày Quốc khánh 2/9/1945, danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân – Nghệ sĩ ưu tú (NSND – NSƯT) mới được Nhà nước trao tặng đợt đầu tiên vào năm 1984 cho các nghệ sĩ hoạt động biểu diễn nghệ thuật với những tiêu chuẩn rõ ràng: trung thành với Tổ quốc, với Chủ nghĩa xã hội, Có tài năng xuất sắc, Có cống hiến nhiều cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam (Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự nhà nước để tặng cho các nghệ sĩ, nhà giáo, thầy thuốc).
Đến 2/9/2015 là đợt thứ 8 với khá nhiều “chuẩn” được gia giảm so với trước. Đặc biệt, tại Nghị định số 89/2014/NĐ-CP quy định về xét tặng danh hiệu NSND, sau khi đạt danh hiệu NSƯT, nghệ sĩ phải có thêm 2 giải vàng quốc gia (ở các LHP quốc gia, các cuộc thi, liên hoan, hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc do các cục chuyên ngành của Bộ tổ chức).
Còn huy chương vàng (HCV) tại các cuộc thi, hội diễn của các hội nghề nghiệp như Hội Điện ảnh VN, Hội Nghệ sĩ sân khấu VN… chỉ được quy đổi bằng 2/3 HCV. Ngoài số HCV đủ chuẩn, thì thời gian hoạt động nghệ thuật phải đạt từ 20 năm trở lên (riêng ngành xiếc, múa là từ 15 năm trở lên) mới có thể xét tặng danh hiệu NSND.
NSND thực sự là tinh hoa
Nhìn vào danh sách các NSND được phong tặng đợt đầu năm 1984, gồm 40 người, có thể thấy đó là một thế hệ nghệ sĩ tinh hoa, tài năng bậc nhất của VN trong các lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật, không chỉ giới chuyên môn đánh giá cao tài năng mà quần chúng nhân dân cũng rất hâm mộ. Như các nghệ sĩ: Quốc Hương, Thanh Huyền… (ca nhạc), Phùng Há, Ba Du, Năm Đồ… (cải lương), Trà Giang, Bùi Đình Hạc, Hồng Sến, Hải Ninh, Phạm Văn Khoa… (điện ảnh), Ngô Y Linh, Thế Lữ, Đào Mộng Long, Can Trường… (sân khấu kịch), Đặng Thái Sơn (âm nhạc), Thái Ly (múa), Tạ Duy Hiển (xiếc), Châu Loan (ngâm thơ), Trùm Thịnh, Cả Tam (chèo), Đội Tảo, Sáu Lai, Bạch Trà… (tuồng)…
Những tác phẩm nghệ thuật họ trình diễn hay sáng tạo có thể xem như mẫu mực của ngành nghệ thuật, trở thành kinh điển, giáo khoa cho rất nhiều thế hệ nghệ sĩ tiếp nối. Có thể thấy chính họ đã kiến tạo nên diện mạo của nền nghệ thuật VN đương đại, tạo nên những nền móng cho các ngành nghệ thuật VN phát triển, như những người thầy của các bộ môn nghệ thuật VN.
Nếu cứ chiếu theo họ, có thể xem như danh hiệu NSND là một sự công nhận không chỉ là cống hiến, phục vụ quần chúng nhân dân, mà còn là công nhận tài năng xuất sắc, gồm cả trình độ chuyên môn, năng khiếu cá nhân, sự kiên trì bền bỉ lao động nghệ thuật để có những tác phẩm đỉnh cao đóng góp cho nền nghệ thuật nước nhà. Một thế hệ mà cho đến hôm nay vẫn không có người “đối xứng” tài năng với họ.
Những đợt kế tiếp xét phong tặng danh hiệu NSND cũng rất khắt khe, vì tính “hàn lâm” – trình độ chuyên môn được đánh giá rất cao qua tác phẩm, chứ không phải là qua những HCV, như đợt 2 năm 1988 chỉ có 13 NSND, đợt 3 năm 1993 có 39 NSND, đợt 4 năm 1997 có 38 NSND, đợt 5 năm 2001 có 22 NSND, đợt 6 năm 2007 có 39 NSND. Đến đợt 7 năm 2012 thì số NSND đã “vượt bậc” lên đến 74 người. Dự kiến đợt 8 năm 2015 được “thắt” lại chỉ có 39 NSND.
Diễn viên Đoàn Dũng (TPHCM) là một NSND xứng tầm, được giới nghề và công chúng thừa nhận. Ảnh: V.V |
Trong 5 đợt đầu tiên không có một ai được “truy tặng” danh hiệu NSND, vì theo chuẩn quy định, chỉ trao cho “người sống”. Nhưng bắt đầu từ đợt thứ 6, đã có một số nghệ sĩ nhận danh hiệu khi thuộc về “thế giới bên kia”, gồm 3 NSND: Ca sĩ Trần Khánh (Ban Âm nhạc Đài Tiếng nói VN), Phát thanh viên Đỗ Trọng Thuận (Ban Thư ký Đài Tiếng nói VN, họa sĩ Bùi Huy Hiếu (Trường ĐH SKĐA Hà Nội), 2 NSƯT: Thanh Tùng (Diễn viên múa, Đoàn Văn công Phòng không – Không quân), Nguyễn Xuân Nghiệp (Quay phim Điện ảnh Quân đội).
Năm 2010 không có đợt nào, nhưng sau khi nghệ sĩ Y Moan từ trần, Nhà nước đã đặc cách phong tặng ông danh hiệu NSND. Ở đợt phong tặng lần thứ 7 có 6 NSND… Và ở lần thứ 8/2015 này có 2 cái tên được nhắc đến, gồm vợ chồng nghệ sĩ Phương Thanh, Anh Dũng (Diễn viên Nhà hát kịch VN).
Xem nhẹ chất lượng, đặt nặng huy chương
Cũng phải nói thêm, bắt đầu từ đợt thứ 7 năm 2012, danh hiệu NSND đã có vẻ mất thiêng bởi những quy định có phần xem nhẹ chất lượng, đặt nặng số lượng HCV, và quá câu nệ thủ tục hồ sơ, gây khá nhiều dư luận trong giới nghệ sĩ và công chúng. Người xứng đáng thì không được xét, điển hình nhất là nhạc sĩ Phạm Tuyên (sau này khi báo chí, truyền thông làm rùm beng lên thì ông mới được xét). Người tài năng “vừa phải” nhưng có nhiều HCV – mặc định được phong tặng, dù khó ai nhớ nổi một tác phẩm nào xuất sắc của họ.
Tới đợt thứ 8 năm 2015 này – như kiểu “hết nạc vạc đến xương”, tài năng, đóng góp cho nghệ thuật nước nhà, người được xét phong tặng có tác phẩm nào “để đời” hay làm “giáo khoa” cho các thế hệ kế tiếp… hầu như không được đề cập mà chỉ quan tâm “đếm” HCV, thời gian hoạt động nghệ thuật đủ hay chưa.
Tự Long trên sân khấu Gặp nhau cuối năm. |
Một số người được đề nghị phong tặng NSND kỳ này như Tự Long (Nhà hát chèo Quân đội)…, dù vượt chuẩn số HCV, hoạt động nhiều lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn khác…, nhưng nếu xét bằng con mắt nhà nghề, thử hỏi có vai diễn nào, có tác phẩm nào khắc dấu vào lòng người xem, tạo ra một phong cách biểu diễn riêng, đặc sắc, hay có những vai diễn mẫu mực có tính chất như sự tiếp nối, bảo tồn, phát triển loại hình nghệ thuật truyền thống đang theo đuổi?