Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Giải trí & TV Show

Vở kịch Giấc Mơ: Thánh đường sân khấu - Sự thể nghiệm và cái 'điên' của người làm nghệ thuật

Sự sống - Cái chết - Ước vọng - Quyền lực - Lòng trung thành - Sự bội phản, v.v... Tất cả đã hội tụ trong "Giấc mơ" được vẽ bằng ngôn ngữ và hình thể thật lộng lẫy đêm 26.10 tại Nhà hát Lớn TP. HCM.

Cái chết không phải điều đáng sợ nhất

Giấc mơ kể về một giấc mơ của người lính trận đang bên bờ vực của cái chết. Cả vở kịch hầu như là sự đối thoại giữa linh hồn của người lính với Thần Chết. Là sự giằng co, đau đáu và đôi phần là hoang mang của một linh hồn lạc trận. Những linh hồn như Tần Thuỷ Hoàng với mùi xác thối đeo bám hàng nghìn năm, Cleopatra với ảo vọng quyền lực sắc đẹp bị giằng xé bởi những người đàn ông đã được Thần Chết “mời” tới nói chuyện với linh hồn của người lính. Tất cả chỉ để thấy rằng, dẫu có là ai dưới gầm trời này chăng nữa, dẫu có quyền lực danh giá, dẫu có xinh đẹp vạn người mê, tất cả cũng không thoát khi bóng đen đó vung lưỡi hái lên.

GIấc mơ đã thành hình

GIấc mơ đã thành hình.

Sự “doạ nạt” kèm theo thuyết phục đó của Thần Chết vẫn không thể mang linh hồn đi bởi “hành trang” mà người lính mang vào trận không phải là nỗi sợ chết mà nhiều hơn là tình yêu quê hương, là tình yêu mẫu tử, là tiếng vọng non sông trong thời chiến cần những quả cảm, cần những lí tưởng chứ không chỉ đơn thuần là cúi mình trước cái chết. Tất cả hiện về, níu giữ linh hồn người lính trẻ ở lại trong hình hài của nhân vật mang tên “Ngôi sao quê hương”.

Cảm phục sự dũng cảm của NSUT Mỹ Uyên với vai trò Giám đốc sản xuất của Giấc mơ

Cảm phục sự dũng cảm của NSUT Mỹ Uyên với vai trò Giám đốc sản xuất của Giấc mơ.

Nhà văn Nga Marian Tkhatchep nhận xét sâu sắc rằng Giấc mơ là một vở theo thể biểu tượng nói bóng gió và đây là một thể loại có quy luật riêng của nó, khác với những quy luật của các vở kịch tâm lý phổ biến trong những năm cuối của thế kỷ XX này. Người ta đã thấy thật sự sự đối mặt của những lực lượng và những khái niệm nguyên thủy dưới dạng nguyên chất: sự sống và cái chết, điều hay và cái dở, sự thật và dối trá, tình yêu và hận thù.

Đề tài về người lính ở đây vang lên rõ nét và trong suốt lạ kỳ như một thứ âm vang tinh thần làm cho người ta thấy ngay những cái gì là sai lạc, là dối trá, là ích kỷ” . Tưởng là chuyện xa lạ nhưng thực sự cũng nằm trong những phạm trù quen thuộc mà tác giả quan tâm phân tích về con người: cái tốt, cái xấu, lòng yêu và sự hận thù, hy vọng và thất vọng… Vẫn có một mẫu số chung cho con người. Cái khác là dấu ấn của thời đại, xứ sở.”

Ngược lối hay cái điên đến tận cùng của một người “say nghệ thuật”?

Giấc mơ là một trong số ít những sáng tác về kịch của nhà văn - nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi. Vở kịch được viết vào thập niên 70 của thế kỉ 20 và chưa từng được đưa lên sân khấu kịch ở bất kì đâu từ khi ra đời. Quyết định dựng vở kịch thơ này trên sân khấu Nhà hát Lớn thành phố HCM và công diễn 1 suất duy nhất trong đêm 26.10 trước khi mang ra Hà Nội tham gia Liên Hoan kịch thể nghiệm quốc tế của Mỹ Uyên và ê-kíp nhà hát nhỏ 5B Võ Văn Tần là một quyết định táo bạo, máu lửa và đầy chất “điên” trong đó.

Thể xác và linh hồn người lính trẻ

Thể xác và linh hồn người lính.

Giữa một mảnh đất của hài kịch, giữa một thời cuộc của những “danh hài” lên ngôi, giữa một thời buổi khó khăn của việc làm sao cho sân khấu chính kịch “đỏ đèn” hàng đêm là một bài toán kinh tế đau đầu thì một vở kịch thể nghiệm lại được đầu tư lên đến 200 triệu để “đánh một trận lớn” cho “đã” thì quả thật là một quyết định đáng nhận được sự khâm phục từ khán giả, người làm nghề cho tới giới truyền thông. Những giọt nước mắt của ê-kíp đã nhỏ ướt sàn diễn đêm qua, từ đạo diễn, diễn viên cho tới hậu đài và nhiều nhất là Giám đốc nhà hát - NSƯT Mỹ Uyên. Trong vỏn vẹn 1 tiếng đồng hồ, họ đã tận hiến, đã thăng hoa cùng nhau để mang đến cho gần 500 khán giả tại khán phòng hiểu được khái niệm “thánh đường sân khấu”, mang được cảm giác “đền thiêng” vốn dĩ đã không còn nhiều ở đất này giữa những dễ dãi của đời sống kịch hôm nay.

Cho dù có đoạt giải hay không thì rõ ràng, Giấc mơ của Thái Kim Tùng cũng đã được vẽ, đã thành hình và tiếp tục khơi gợi những “giấc mơ” khác đang nhen nhúm. Đó mới là thành quả lớn nhất.

Giấc mơ như một sự bắt đầu

Cuối cùng, cũng như bất cứ một tác phẩm nào khác, Giấc mơ cũng cần phải được soi chiếu dưới góc độ nhìn nhận và bình luận mà gạt qua những yếu tố “cộng thêm” như kể trên.

Với các cặp nhân vật được sắp xếp đan xen từ đầu đến cuối vở kịch (thực ra Giấc mơ chỉ được diễn một màn trong tổng thể hai màn của vở diễn - PV) lần lượt xuất hiện và đối thoại là một hình thức mới trong kịch bản sân khấu kịch và cũng không khó tiếp cận với khán giả. Thể xác đi đôi với Linh hồn, Thần chết đối đầu với Ngôi sao quê hương, Người mẹ cùng Đứa bé, Tần Thuỷ Hoàng với Cleopatra, v.v… Sự tuyến tính trong các cặp nhân vật được lặp đi lặp lại cùng cách kể truyện nhanh - mạnh - gọn gàng là điểm được của vở kịch.

Minh Tiến trong vai Tần Thuỷ Hoàng

Minh Tiến trong vai Tần Thuỷ Hoàng.

Điểm nữa đáng khen ngợi của đạo diễn là cách xử lí và bài trí sân khấu cũng như kết hợp với các loại hình nghệ thuật dân tộc được chỉ đạo và đạo diễn bởi chỉ huy Trần Nhật Minh. Một sân khấu đơn giản, hầu như không đạo cụ, không chuyển cảnh (có nhưng không rõ ràng) mang đến cảm giác đây là vở kịch một màn hiếm hoi của sân khấu kịch hiện nay. Phục trang đơn giản nhưng hiệu quả trong việc thay đổi hòng “mang vác” những nhân vật mới của những diễn viên.

Bóng dáng của Tuồng xuất hiện trong cử chỉ, điệu bộ, động tác, cách di chuyển của Thần Chết, “hồn vía” của nghệ thuật Chèo xuất hiện trong dàn nhạc dân tộc đánh đệm trong toàn bộ vở diễn, dân ca Nam Bộ xuất hiện trong khúc hát ru của người mẹ, tất cả những điều đó hoà quyện cùng nghệ thuật múa với ngôn ngữ cơ thể uyển chuyển của các diễn viên trẻ mang đến cho vở diễn một sự thể nghiệm không quá khô cứng và xa lạ như với kịch thể nghiệm vốn được biết bởi Nhà hát Tuổi Trẻ. Cũng chính sự hoà quyện đó làm cho không khí vở diễn “mềm” hơn, dễ tiếp nhận hơn và cũng tạo dựng được những cảm xúc nhất định cho khán giả.

Thu Hiền trong vai Cleopatra bên cạnh Trung Dũng trong vai linh hồn người lính

Thu Hiền trong vai Cleopatra bên cạnh Trung Dũng trong vai linh hồn người lính.

Một điều nữa đáng khen ngợi đó là sự dũng cảm của ê-kíp khi giao những vai nặng kí cho các diễn viên trẻ thể hiện. Tần Thuỷ Hoàng và Cleopatra là hai vai diễn đáng lưu ý. Họ có những nỗi đau của sự bội phản (Tần Thuỷ Hoàng), của quyền lực và sự giành giật (Cleopatra) được hai diễn viên trẻ là Minh Tiến và Thu Hiền thể hiện khá tốt. Họ là những diễn viên trẻ đầy nội lực, đủ khả năng độc diễn và độc chiếm sân khấu, “buộc” toàn bộ khán giả phải dõi theo đầy chăm chú nhất cử nhất động. Sự tự hào, niềm hạnh phúc quyền lực tối thượng, nỗi cô đơn của kẻ ở trên cao, nỗi đau của sự phản bội, tất cả đều được hai diễn viên trẻ lột tả tròn trịa. Họ thực sự là những “ngôi sao” mới của sân khấu kịch phương Nam.

NSUT Mỹ Uyên trong vai Ngôi sao quê hương.

NSUT Mỹ Uyên trong vai Ngôi sao quê hương.

Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa Giấc mơ là toàn bích. Đài từ và Ánh sáng thực sự là những vấn đề cần khắc phục của vở diễn. Ở phần đầu của vở kịch, khi sự xuất hiện của Người lính, phần đài từ của cả hai diễn viên đóng vai người lính là Lê Vinh (phần xác) và Trung Dũng (phần hồn) đều rất khó nghe, hầu như không rõ được thoại của vở kịch. Đó là điểm yếu nhất về mặt nghề nghiệp diễn viên trong vở này. Ánh sáng là bộ phận làm việc không hiệu quả khi diễn viên di chuyển đúng cự li, đứng đúng vị trí nhưng ánh sáng lại không follow được để tạo điểm nhấn cho diễn viên nên đôi khi những biểu cảm của nhân vật không được khán giả nắm bắt. Thêm một điều nữa thoại trong kịch của Nguyễn Đình Thi mang chất thơ cao nhưng tính biểu cảm trong giọng đọc của diễn viên vẫn chưa thực sự tròn trịa có lẽ cũng bởi những hạn chế về bộ phận âm thanh trong việc làm quen với sân khấu mới trong thời gian ngắn.

Toàn bộ ê-kíp vở diễn chụp hình cùng khán giả và thầy cô, đồng nghiệp.

Toàn bộ ê-kíp vở diễn chụp hình cùng khán giả và thầy cô, đồng nghiệp.

Rõ ràng, với một tác phẩm đòi hỏi nhiều công sức, công phu và sự đầu tư cũng như dũng cảm như Giấc mơ thì những gì mà khán giả được xem trong đêm 26.10 quả là một món quà đáng giá. Một sự thể nghiệm đi ra từ một sân khấu với tiền thân là một địa chỉ để tôn vinh những vở kịch thể nghiệm (tiền thân cuả nhà hát nhỏ 5B Võ Văn Tần là Sân khấu thể nghiệm) đủ thấy sự vững lòng và kiên gan của những người làm nghệ thuật chân chính. Giấc mơ có thể trọn vẹn hơn, có thể lung linh hơn nhưng nếu như có thiếu hụt chỗ này chỗ kia thì cũng vẫn là một điều đáng quý bởi ít nhiều, Giấc mơ là một sự khởi nguồn của những bắt đầu, của những giấc mơ khác được nuôi dưỡng và ấp ủ đâu đó trong tâm hồn của những nghệ sĩ trân chính.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Nguyễn Hà

Được quan tâm

Tin mới nhất