Những năm gần đây, khi phong trào kêu gọi cộng đồng cùng chung tay ngăn chặn nạn trộm chó mèo trở nên mạnh mẽ. Ngày càng xuất hiện nhiều những cá nhân đứng ra thu nhận và nuôi các loài động vật đáng yêu này. Đào Hoàng Thơ học sinh lớp 11A6.1 trường THPT Gia Định - cô bé tóc ngắn, đeo mắt kính với giọng nói đầy tự tin, mạnh mẽ trong tập 1 Thiếu niên nói 2020 là một trong những nhân vật điển hình như thế.
Tập 1 Thiếu niên nói 2020.
“Nhà nuôi hơn chục con mèo, tất cả đều là mèo hoang.” - Đào Hoàng Thơ tự hào khoe chiến tích khi đứng trên “bục dũng khí”. Cặp mắt sáng rỡ và đôi môi luyên thuyên của em khi nói về những con mèo chứng tỏ em đã dành tình yêu rất lớn cho loài động vật này.
Câu chuyện của Hoàng Thơ.
Tự tin chia sẻ về câu chuyện được cho là “tâm đắc nhất trong cuộc đời”, cô bé khiến bạn bè cười tít mắt vì sự ngây ngô, đáng yêu của mình. Hoàng Thơ thuật lại chuyện “bé Muối” - tên 1 con mèo đực mà cô bé đặt khi nhặt về nuôi, đã mất tích suốt mấy ngày liền trong lúc cô bé đang thi học kỳ.
Vừa buồn và vừa tức, không kiềm chế được cảm xúc của bản thân, cô bé đã đăng một mẫu tin lên mạng xã hội với nội dung “khẩu nghiệp” gửi những người trộm chó, mèo: “Mèo người ta nuôi, người ta chăm sóc, yêu thương sao mấy người bắt đi hả, không thấy thương người ta sao?”.
Và kết quả, ngày hôm sau, thi Lý, cô bé không làm bài được. Chia sẻ về nguyên nhân làm bài không tốt, Hoàng Thơ giãi bày: “Một phần mình cảm thấy hối tiếc khi nói những lời trách móc người khác trên mạng xã hội, một phần là mình lo lắng cho con mèo.”
Tuy nhiên, sau đó ít ngày, con mèo đã tự thân tìm đường về nhà: “Hóa ra là nó đi bụi”. Qua câu chuyện của mình, Hoàng Thơ muốn nhắn gửi thông điệp: “Khi mọi việc xảy đến, các bạn cứ giữ bình tĩnh và xem xét trước khi phát ngôn. Khẩu nghiệp sẽ bị nghiệp quật đấy!”
Bên cạnh câu chuyện đáng yêu của cô bé lớp 11, trường THPT Gia Định còn gây ấn tượng bởi nhóm học sinh tài năng. Trước quan điểm môn Lịch Sử trong mắt nhiều người đó là môn học khô khan và cứng nhắc, Xuân Tâm và Thanh Trà chân thành gửi thông điệp: “Học sử không quá áp lực về việc học lý thuyết. Học sử còn biết về cội nguồn của đất nước, các anh hùng dân tộc. Học sử giúp suy nghĩ và tâm hồn chín chắn trưởng thành hơn.”
Trước khi trở thành thành viên đội tuyển và nhận được huy chương vàng giải vô địch môn Lịch Sử khu vực, nếu Xuân Tâm từng cảm thấy “tủi” khi môn học yêu thích của mình bị ba mẹ xem nhẹ thì ngược lại, Thanh Trà chưa từng nghĩ bản thân đam mê môn Lịch Sử, cô gái đến với đội tuyển chỉ vì mê chiếc cặp táp của nhà trường - một biểu tượng của học sinh Gia Định. Sau chia sẻ của Xuân Tâm và Thanh Trà, hy vọng rằng các bậc phụ huynh và học sinh sẽ có cái nhìn đúng đắn, cởi mở hơn về môn học Lịch Sử.