Làm giám khảo để kiếm tiền làm show Múa
Đó là cách mà Trần Ly Ly nói vui về chuyện tiền bạc cho vở múa Yes yes No no 2 với hai đêm diễn tại sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ Hà Nội (22/9) và Nhà hát TP.HCM (26/9) trong khuôn khổ Liên hoan Múa đương đại quốc tế - Sự gặp gỡ Á Âu do Viện Goeth tổ chức.
Một cách thật lòng nhất, Trần Ly Ly cho biết, vấn đề “đầu tiên” được chị giải quyết bằng cách: “Khó khăn luôn luôn là vấn đề kinh phí. Tôi dùng tiền làm giám khảo, tiền đi dàn dựng cho các chương trình khác để sáng tạo những vở múa đương đại ủng hộ nghệ thuật và mang đến cho công chúng. Đó là niềm tự hào. Tôi không buồn lòng vì mất một khoản tiền lớn để dựng một tác phẩm. Chuyện đó có thể không bình thường với người khác nhưng bình thường đối với tôi.”. Được biết, số tiền mà bà Hiệu phó trường Múa TP.HCM bỏ vào vở diễn này khoảng 200 triệu, một con số không lớn nhưng cũng không hề nhỏ, nhất là trong bối cảnh Múa không có nhiều khán giả như hiện nay.
“Bạn cứ thử tính xem, vé bán có 100.000đ/1 vé chủ yếu để khuyến khích các khán giả đến với Múa chứ cho dù có bán hết cũng khó mà thu hồi vốn. Nhưng trong một sự kiện Múa đương đại tổ chức tại Việt Nam mà không có đại diện Việt Nam tham dự thì chán quá. Hơn nữa, lại là một sự kiện tập trung nhiều “tinh hoa” của ngành Múa tới từ các quốc gia có bộ môn nghệ thuật này phát triển thì không thể không tham dự. Dẫu có “cắn răng” thì cũng phải chơi và chơi thật hoành tráng”.
Nói thế để thấy chất “kẻ sĩ” và “ngông” trong Trần Ly Ly vẫn nhiều lắm, dẫu cho nghề nghiệp có mang chị đi khắp nơi trên thế giới thì căn cốt của một “kẻ sỹ Bắc Hà” gần như chẳng lẫn và chẳng mất đi đâu được. Đặt trong từng hoàn cảnh khác nhau, những người như Trần Ly Ly há chẳng phải rất cần cho một giai đoạn nhất định trong sự phát triển của nghệ thuật nước nhà nói chung và Múa nói riêng?
Cũng mừng cho vị biên đạo múa có bề ngoài mạnh mẽ, lối nói chuyện thẳng thắn này là hai đêm diễn của chị tại hai đầu đất nước đều kín khán phòng. Đặc biệt, tại Sài Gòn lại nhằm trúng đêm mưa lớn nhất khiến toàn bộ thành phố ngập lụt vậy nhưng khán giả vẫn dũng cảm đi trong cơn mưa lớn nhất trong 41 năm trở lại đây để đến với nghệ thuật Múa đương đại. Trần Ly Ly nói điều đó mới thật sự đáng trân quý.
Mơ ước về một không gian múa “không giới hạn”
Sự nghiệp mang chị đến với những nền Múa tiên tiến nhất trên thế giới để rồi từ đó cũng gieo vào người phụ nữ này một ước mơ, một hoài bão về một không giới hạn, không khoảng cách: “Tôi vẫn luôn mong muốn rằng đến một lúc nào đó tôi sẽ có một không gian riêng dành cho Múa. Đó sẽ là nơi thể hiện những giấc mơ, những khao khát, những cháy bỏng và cả những đam mê của tôi với nghề. Đó sẽ là sân khấu của những vở diễn không có giới hạn, đi đến tận cùng của sự quyết liệt và cực đoan, vượt qua cả những rào cản về thể chất để Múa thực sự thăng hoa”. Trần Ly Ly hào hứng nói về ước mơ của mình, nói về nơi mà các nghệ sĩ Múa có thể trình diễn những vở diễn “trần trụi” nhưng cũng “đẹp tuyệt vời” bởi chị “tôn sùng vẻ đẹp tự nhiên”. “Bạn đừng nghĩ rằng chỉ có những cơ thể của nam thanh nữ tú với những đường cong, những cơ, những múi mới là đẹp. Tôi cho rằng bất cứ cơ thể nào cũng có vẻ đẹp riêng của nó, thậm chí cả với những cơ thể chảy xệ”.
Sự ám ảnh của Trần Ly Ly với giấc mơ đó chưa biết đến lúc nào thôi…ám ảnh. Nhưng, ít nhất vào thời điểm này, những ám ảnh của chị về đề tài đồng giới vẫn được chị tìm hiểu và khai thác. Chị nói rằng câu chuyện của Yes yes No no (đã từng được ra đời năm 2015 nói về vấn đề đời sống hiện đại con người bị lệ thuộc quá nhiều vào công nghệ) được xây dựng dựa trên những điều có thật: “Lần này, là chuyện giới tính. Tôi có một đồng nghiệp nhỏ tuổi, người bạn này cứ luôn ám ảnh mình là ai trong thế giới này, mình thuộc về giới nào để từ đó những dòng tin nhắn, những trang thư dài trao đổi qua lại giữa tôi và bạn đó đã xây dựng lên trong tôi tứ truyện của Yes yes No no . Tôi muốn mang những câu hỏi, những thắc mắc, những hoài nghi, những bất an của con người trong đời sống thật vào Múa để ai xem nó cũng có thể chạm vào được. Và thế là Yes yes No no 2 ra đời.”
Mất vài tháng để xây dựng concept và khoảng 20 ngày để tập và chạy đường dây với diễn viên, Yes yes No no 2 đã chính thức đến với khán giả trong nước và quốc tế. Cộng thêm những xúc cảm có được khi chị xem những bộ phim kinh điển của “thế giới thứ ba” như Brockback Mountain; Vĩnh biệt Ái thiếp; Happy Together hoặc mới đây nhất là Danish Girl. Cũng bởi vậy mà chị không dấu giếm rằng có những chi tiết trong vở diễn được lấy cảm hứng từ một số chi tiết trong những tác phẩm kể trên. Vở diễn cũng ghi nhận một “tai nạn” để đời của Trần Ly Ly. Số là khi tập cùng diễn viên, nữ biên đạo “hăng say” lao lên sân khấu thị phạm và kết quả là chị bị đứt gân chân, phải nhập viện phẫu thuật. Thế nhưng không vì thế mà chị từ bỏ bởi hằng ngày Trần Ly Ly vẫn mang chiếc chân tập tễnh đến với sân khấu tập cùng các bạn diễn viên. Ngay trong đêm diễn, khi ra chào và nhận hoa chị vẫn phải đi cà nhắc.
Điều Trần Ly Ly tiếc nhất là khi vở diễn được công diễn thì chị chưa có cơ hội tiếp xúc với cộng đồng người chuyển giới tại Việt Nam vì những điều kiện chủ quan lẫn khách quan. Nhưng, thâm tâm người phụ nữ này vẫn muốn trong một đêm diễn được dàn dựng lại vào đầu năm tới, nhất định cộng đồng này sẽ được chị mời đến và dành những chỗ trang trọng nhất để họ có thể đồng cảm được với đời sống của từng nhân vật trong vở múa.
Sân khấu Múa Việt Nam vẫn còn rất cần những người làm nghề tử tế và hăng say như Trần Ly Ly. Cần lắm!
Yes yes No no của Trần Ly Ly đã có từ năm 2015 tại cũng tại Liên hoa múa đương đại Á - Âu lần đầu được tổ chức. Nếu như Yes yes No no 2 nói về hành trình tìm lại bản ngã, giới tính thật thì ở vạch xuất phát, Thiền là để tài mà Trần Ly Ly chọn mang đến liên hoan năm trước. Vở diễn Yes yes no no của biên đạo múa Trần Ly Ly nói về thế giới đương đại quay cuồng trong nhịp sống số. Cứ X ngày, toàn bộ dữ liệu về tri thức của con người lại tăng gấp đôi. Nguồn phát thông tin và các kênh truyền thông ngày càng nhiều nhưng đi đôi với nó là sự sụt giảm của tính đáng tin cậy của các thông tin ấy. Thông tin nhiều nhưng thông tin không hữu ích cũng ngày càng nhiều. Con người ngày càng phụ thuộc vào công nghệ. Từ sáng đến tối, cuộc sống của dân thành thị dường như gắn với những chiếc smart handset. Từ trên giường ngủ, bước vào toilet, ra đường, trong trường học, công sở, cho đến những không gian thầm kín, mạng xã hội thông qua các thiết bị cầm tay thông minh len lỏi vào từng lát cắt của cuộc sống. Người ta ít nói chuyện với nhau hơn, ít quan tâm thực sự tới nhau hơn, thích sự hào nhoáng bên ngoài hơn, ít dành thời gian đến với nhau; đọc nhiều hơn, nhưng nông hơn, ngắn hơn, nóng nảy hơn; sống gấp và không có thời gian quan tâm đến chính mình.