Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Giải trí & TV Show

‘Tôi tới đây xem ca sỹ chứ không xem đám ma’ - Khi sự vô cảm làm lu mờ lý trí

Đám tang nghệ sỹ Minh Thuận vừa xong, rất nhiều nghệ sỹ còn chưa hết xót thương, tiếc nhớ người bạn tài hoa bạc mệnh, thì còn gánh thêm nỗi bức xúc bởi sự thờ ơ, vô cảm của nhiều khán giả.

Trong hàng trăm bài báo đưa tin về đám tang nghệ sỹ Minh Thuận, tôi thực sự thấy sốc khi đọc được những thông tin bên lề, đó là những hành vi “kém duyên” (theo cách gọi của báo chí) của nhiều khán giả, khi chen lấn, xô đẩy, vẫy tay, cười tươi, chạm tay vào người các nghệ sỹ mỗi khi họ xuất hiện trên con ngõ dẫn vào tang gia nghệ sỹ Minh Thuận. Mặc dù những bài báo đó chỉ dùng từ “kém duyên” để phản ánh sự kiện này, nhưng với tôi, thì đó thực sự là những hành động vô cảm.

Đỉnh điểm cho sự vô cảm ấy, là câu chuyện về một cặp vợ chồng đèo con đến đám tang, nhưng không phải để viếng và chia buồn với gia đình người đã khuất, mà là để…xem ca sỹ. Lý do, trước khi mất, một trong những tâm nguyện của nghệ sỹ Minh Thuận là muốn được “nghe” những nghệ sỹ - bạn bè của mình hát trong đám tang. Và để đáp lại ý nguyện đó, các nghệ sỹ đã tổ chức một đêm hát để chia tay Minh Thuận, trong đêm viếng cuối cùng, trước khi gia đình đưa anh đi hoả táng.

Thông tin về “đêm nhạc” được công bố, và rất nhiều người đã tò mò muốn đến để…”xem ca nhạc”. Trở lại câu chuyện về cặp vợ chồng kia, khi bảo vệ nhất quyết không cho vào, thì chị ta đã lớn tiếng: “Tôi tới đây xem ca sỹ chứ không xem đám ma, đám ma có gì xem”. Quả thật tôi đã thực sự bất ngờ và “uất nghẹn” khi đọc được đoạn hội thoại này trên báo. Thật nực cười! Đây là đám ma, và bạn bè anh em người ta hát cho linh hồn người khuất “nghe” theo ý nguyện của người chết, trong không gian đám tang, chứ có phải là một show ca nhạc miễn phí đâu mà chị đòi vào xem, mà chị lớn tiếng cãi nhau với bảo vệ?

2209minhthuan5

Tôi thực sự không hiểu người phụ nữ ấy nghĩ gì? Chẳng lẽ chị ta lại “thèm” xem ca sỹ đến mức bất chấp tất cả như thế? Tôi không tin, bởi ở mảnh đất Sài Gòn phồn hoa này, nhiều sô ca nhạc miễn phí có đầy đủ các ngôi sao, nhiều chương trình ca nhạc “rợp trời sao” dành cho giới bình dân với giá vé rất thấp, thì việc người dân được xem, được “chạm mặt” ngôi sao không phải khó khăn gì. Vậy thì, chỉ có sự vô cảm đến mất hết lý trí mới khiến cho con người ta hành động một cách phản cảm như vậy trong một đám tang cần sự trang nghiêm, tĩnh lặng.

Cùng câu chuyện “xem ca sỹ” phản cảm như nêu trên, thì trong đám tang nghệ sỹ Minh Thuận, còn có nhiều những hình ảnh phản cảm khác, mà trong số đó, không thể không kể đến “anh chàng áo hồng” - người đã luôn toe toét cười và chen lấn trong đám đông để gặp các ngôi sao xin được “tự sướng” cùng họ. Khi bài báo phản ánh sự kiện phản cảm này xuất hiện, có rất nhiều độc giả đã chỉ trích, lên án và “ném đá” người thanh niên ấy. Trong trường hợp này, sự vô duyên đã biến thành vô tâm, bởi anh ta không một chút mảy may xót thương người đã khuất với tư cách là một đồng loại, chứ chưa nói đến việc tôn trọng cảm xúc của người thân, bạn bè nghệ sỹ Minh Thuận. Mục đích của kẻ vô tâm ấy, chính là những bức ảnh “tự sướng” với các ngôi sao để rồi về khoe trên trang cá nhân, như một chiến tích lẫy lừng.

Anh chàng áo hồng "kém duyên" đã bị nhiều nghệ sỹ thẳng thừng từ chối.

Anh chàng áo hồng “kém duyên” đã bị nhiều nghệ sỹ thẳng thừng từ chối.

Sự vô cảm còn lan sang cả những người bình thường, không có dấu hiệu “bệnh” như cách mà nhiều độc giả đã gọi “anh chàng áo hồng” kia. Đó là những cô, những chú ở độ tuổi “toan về già”, con cháu đề huề, hay những thanh niên trẻ đang sống trong thời đại văn minh, vậy mà vẫn cứ chen lấn xô đẩy, cười toe toét vẫy tay, gọi toáng lên khi nghệ sỹ xuất hiện. Đành rằng, “tò mò” là tính cách của bất kỳ ai, đôi khi đi ngang qua thấy nhiều nghệ sỹ xuất hiện cũng muốn dừng lại xem. Nhưng nếu có ý thức, thì sẽ biết cách không gây ùn tắc giao thông, không cười nói vẫy tay náo nhiệt, không tranh cãi với bảo vệ để đòi vào “xem ca sỹ”, không bất chấp danh dự để lao vào các nghệ sỹ xin được “tự sướng” cùng… Chắc hẳn những điều đó, ai cũng được học kể từ khi còn nhỏ, đó là văn hoá ứng xử tối thiểu của mỗi con người.

2209minhthuan2

Bên cạnh việc kẻ xấu trà trộn vào đám tang để móc ví nghệ sỹ, thì rất nhiều người được cho là có văn hoá (đối ngược với kẻ trộm cắp) lại cũng đang dần biến mình trở thành những kẻ vô duyên, vô tâm, vô cảm. Nhìn những hình ảnh đu bám, trèo leo, reo hò tên nghệ sỹ trong các đám tang của các nghệ sỹ gần đây mà nhiều người đã không giấu nổi bức xúc buông những lời trách mắng rất nặng nề trên mạng. Âu cũng là một cách phản ứng tự nhiên của những người liêm sỉ. Chỉ mong rằng, những người đã từng là kẻ vô cảm trong đám tang Minh Thuận, hay đám ma các nghệ sỹ trước đây, hãy tự một lần đặt mình vào vị trí thân bằng, cố hữu của người đã khuất, để có thể hiểu được nỗi đau của sự mất mát chia ly, từ đó điều chỉnh hành vi của mình, để không còn những cảnh phản cảm, dở khóc dở cười diễn ra trong những đám tang nghệ sỹ nữa.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Ngô Bá Lục

Được quan tâm

Tin mới nhất