Đêm chung kết Hoa hậu biển Việt Nam diễn ra khá hoành tráng tại khu du lịch quốc tế Tuần Châu - Hạ Long. Kết quả chung cuộc: Người đẹp Thuỳ Trang đến từ Hoà Bình đã đăng quang Hoa hậu. Ngôi vị á hậu 1 và á hậu 2 lần lượt được trao cho Bảo Như (TP Hồ Chính Minh) và Khánh Phương (Khánh Hoà).
Tuy nhiên, ngày hôm nay (22/5), công chúng bắt đầu xôn xao về bức thư được gửi cho nhiều phóng viên văn hoá, nói về việc kết quả đã được “ấn định” từ trước. Bức email này gửi cho các nhà báo từ 21/5, tức là trước chung kết 1 ngày. Điều đặc biệt, nội dung bức thư tố cáo kết quả được sắp đặt trước, và 3 ngôi vị được nêu trong bức thư, lại trùng hợp tuyệt đối với kết quả đêm chung kết. Từ đó, công chúng dấy lên sự nghi ngờ, phải chăng thí sinh đã mua giải?!
Hiện tại, BTC chưa đưa ra bất kỳ lời giải thích nào về tin đồn trên. Có thể thấy, trong các cuộc thi sắc đẹp, chuyện “tố” nhau giữa các thí sinh, hoặc những “ông bầu” tung thông tin thất thiệt để triệt hạ đối thủ là điều không hiếm, chưa muốn nói là nó rất phổ biến từ cấp địa phương đến cấp quốc gia.
Về chuyện “lộ” kết quả trước đêm chung kết có thể khiến nhiều khán giả nghi ngờ. Tuy nhiên, chuyện hậu trường các cuộc thi nhan sắc không phải ai cũng biết. Đa số các cuộc thi, ban giám khảo đồng hành với các thí sinh từ ngày đầu tập trung ở vòng chung kết. Và trong quá trình 10-15 ngày tham dự với lịch hoạt động dày đặc, từng thành viên ban giám khảo đã có những tiếp xúc, theo dõi, để ý, phỏng vấn,… thí sinh và họ đều có những đánh giá của riêng mình. Ngoài số đo nhân trắc học và vẻ đẹp ngoại hình do cha mẹ sinh ra, các thí sinh còn phải thể hiện khả năng giao tiếp, tính cách, tài năng cũng như nhiều hoạt động tập thể, thậm chí thói quen sinh hoạt hàng ngày.
Nhiều cuộc thi, ban giám khảo bất thình lình đến kiểm tra phòng ở của thí sinh để họ đánh giá xem các thí sinh khi không “diễn” trước công chúng thì sinh hoạt như thế nào? Có gọn gàng ngăn nắp hay bừa bộn, bẩn thỉu. Hoặc như trong lúc tập luyện hay các hoạt động tập thể, thí sinh có chăm chỉ không, có thân thiện với bạn bè hay “chảnh choẹ” xa lánh,… Những điều nhỏ nhặt ấy sẽ được ban giám khảo “chấm” một cách chi tiết. Vì thế, sự thẩm định không chỉ diễn ra trong đêm chung kết mà là sự tổng hợp của toàn bộ quá trình các người đẹp tham gia cuộc thi, từ những ngày đầu tiên.
Thường, trước chung kết một hoặc nửa ngày, ban giám khảo sẽ ngồi họp lại để chọn ra top 10 và top 5 vào vòng thi ứng xử. Khi tất cả các thành viên đã thống nhất, họ sẽ “chốt” tạm thời danh sách đó. Trong đêm chung kết, nếu các thí sinh không có đột phá thì kết quả gần như không thay đổi. Trường hợp có người đẹp toả sáng đúng lúc, hoặc một số ứng viên nằm trong “dự kiến” mà quá mờ nhạt, thì top 10 có thể sẽ thay đổi. Tương tự, top 5 lựa chọn ban đầu, nếu như trong phần trả lời ứng xử có sự đột biến thì vị trí Nhất - Nhì - Ba sẽ được xem xét lại thứ tự. Còn nếu trả lời ứng xử “tàng tàng” như nhau thì 3 vị trí cao nhất sẽ đúng như ban giám khảo đã chọn trước đó. Có thể kết quả Hoa hậu biển Việt Nam nằm trong trường hợp này, bởi thực tế, cả 5 thí sinh đều có phần trả lời ứng xử quá bình thường.
Thực chất đêm chung kết, yếu tố “thi thố” vẫn có nhưng không nhiều, vì rất khó có thể một thí sinh điểm tổng số thấp mà chỉ vì trình diễn xuất sắc mà vọt lên top đầu. Sự “toả sáng” đúng lúc và làm thay đổi kết quả chỉ nằm ở nhóm thí sinh “đèn vàng” tức là xếp ở vị trí ngay sau người đứng cuối top 10 hoặc top 15. Đêm chung kết mang yếu tố trình diễn là chính, bởi công bằng mà nói, nếu chỉ nhìn vào 3 phần thi của thí sinh trong đêm chung kết để ban giám khảo chọn ra top 10 thì điều đó là không thể. Bởi với một sân khấu lộng lẫy, thí sinh make up đẹp như nhau, trang phục cũng rất cầu kỳ, phong cách thì đã được huấn luyện kỹ nên gần như thí sinh nào cũng lung linh toả sáng. Vì thế, để chọn ra top 10, ban giám khảo phải mất rất nhiều thời gian đồng hành cùng thí sinh trong tất cả các hoạt động suốt vòng chung kết.
Bà Thuý Nga - Tổng giám đốc Elite Việt Nam - đơn vị có bản quyền đưa các thí sinh tham dự nhiều cuộc thi hoa hậu quốc tế cũng chia sẻ trên mạng xã hội:”Nếu kết quả có trước đêm chung kết lâu: vài ngày, 1 tuần… thì mới nên đặt vấn đề nghi vấn là dàn xếp kết quả.
Ở một cuộc thi HH người ta chấm là cả một quá trình chứ ko chấm đêm chung kết. Thường top 3 đã được nhìn ra trước đêm chung kết rồi, kết quả có thể thay đổi nếu có thí sinh đột nhiên quá xuất sắc (rất hiếm khi xẩy ra). Ở các cuộc thi quốc tế những thí sinh lọt top hầu như đều được thông báo trước chuẩn bị tinh thần để trả lời ứng xử, theo tôi là chuyện bình thường. Quan trọng nhất top 3 có xứng đáng với danh hiệu hay ko mới là chuyện đáng bàn.”
Quả đúng vậy, điều quan trọng chính là top 3 thí sinh đoạt giải cao nhất có thực sự xứng đáng hay không, so với mặt bằng cuộc thi, chứ không phải những tin đồn “mua giải” hoặc sắp xếp kết quả. Tuy nhiên, ngay cả khi họ nổi bật hoặc theo ban giám khảo đánh giá là xứng đáng, thì công chúng đôi lúc cũng vẫn không cảm thấy thuyết phục. Điển hình như trường hợp người đẹp Kỳ Duyên đăng quang Hoa hậu Việt Nam 2014 vấp phải sự chỉ trích của khán giả vì “chưa đẹp”. Phải mãi tận 2 năm sau, nhan sắc của cô mới dần được công chúng thừa nhận, đó cũng là quá trình phấn đấu của Kỳ Duyên trong việc cải thiện hình ảnh trong mắt người hâm mộ.
Với bất kỳ cuộc thi nào cũng sẽ vấp phải những tin đồn. Việc có khuất tất, mờ ám hay không phải chờ kết luận của các cơ quan quản lý. Còn đối với những thí sinh đoạt ngôi vị cao nhất, mọi sự thanh minh bằng lời nói trên báo hay mạng xã hội đều vô giá trị. Chỉ có những hành động thiết thực của các người đẹp sau khi đăng quang mang lại lợi ích cho cộng đồng, mới thực sự là những điều có ý nghĩa. Và đó mới chính là sứ mệnh của những người đẹp mang trên mình chiếc vương miện lung linh.