Thiếu niên nói (Teenager said) là chương trình của đài truyền hình Hồ Nam sản xuất, giúp thanh thiếu niên có thể chia sẻ, giải bày tấm lòng để có định hướng, phát triển lành mạnh hơn. Phụ huynh, thầy cô sẽ lắng nghe trước những yêu cầu cũng như sự “chỉ trích” của các con em. Là tiếng lòng của học sinh tiểu học và trung học cơ sở, thế hệ tương lai của đất nước sẽ đứng trước ban công để nói thật to điều mình muốn nói. Chương trình bắt đầu phát sóng từ ngày 11 tháng 6 năm 2018 đến nay và nhận được nhiều sự yêu thích cũng như chào đón của khán giả.
Cách đây không lâu, một cô bé vừa mới lên cấp 2 đã gây ấn tượng sâu sắc cho mọi người khi chỉ mới 12 tuổi đã đi du lịch hết nửa đất nước Trung Quốc. Cô bé này tên là Dương Ngữ Yên. Trong chương trình, Dương Ngữ Yên đứng trên ban công, tự hào nói với ba mẹ mình và mọi người rằng: “Lúc em 10 tuổi đã đi qua hơn 40 nơi. Trước khi em lên cấp 2 không hề học qua lớp học thêm nào cả. Phần lớn thời gian để đi du lịch, em rất biết ơn cha mẹ em đã cho em những trải nghiệm khó quên khi em còn nhỏ như vậy“.
Đối với hình thức giáo dục như thế này, cha mẹ Dương Ngữ Yên cũng từng hoài nghi chính mình: “Phương thức giáo dục như thế có thật sự đúng không?” Bởi vì họ không xác định được dẫn con đi xem thế giới bên ngoài, trải nghiệm một số chuyện có thể làm con tụt dốc so với bạn bè khác trong quá trình học tập hay không.
Có điều, trên ban công, Dương Ngữ Yên đã lớn tiếng trả lời nghi vấn của cha mẹ: “Hôm nay con muốn nói một điều với hai người, hai người là cha mẹ hết sức tuyệt vời. Lúc con lên cấp hai con mới phát hiện ra mình không giống với những bạn khác. Trong lớp sinh vật, con có thể nhớ lại viện bảo tàng tự nhiên Thượng Hải. Trong lớp lịch sử, binh mã Tần Thủy Hoàng phiêu bồng trước mắt con, bồn địa Turpan, cao nguyên Pamir trong địa lý con đều đi qua. Những hình ảnh và kiến thức trên lớp con đều tận mắt thấy qua. Đọc vạn cuốn sách, đi vạn dặm đường, trong những chuyến đi con cũng học tập, gia tăng kiến thức, cũng như phát triển thói quen du lịch và vẽ phong cảnh trên đường đi”.
Trong lúc các bạn chỉ có thể dựa vào hình ảnh trong sách để tưởng tượng thì cô bé đã có thể dựa vào những gì mình trải nghiệm qua để có những lý giải tốt hơn, tiếp thu kiến thức một cách nhanh hơn. Lúc này, cô bé mới phát hiện hóa ra cha mẹ đã cho mình trải nghiệm tất cả, mỗi một nơi đi qua đều rất đáng trân quý.
Đối với những trải nghiệm nhìn thấy ở thế giới bên ngoài mà Dương Ngữ Yên lấy làm niềm tự hào đó, mẹ cô bé đã trả lời như thế này: “Khi đi du lịch, chúng ta sẽ nhìn thấy rất nhiều phong cảnh, cũng có thể lĩnh hội, cảm nhận được nhân văn ở nơi đó. Nhưng điều mẹ hy vọng hơn chính là, trong quá trình du lịch, con có thể dùng những góc độ khác nhau để nhìn nhận những khó khăn trong cuộc sống này, cũng như thấu hiểu mọi chuyện giúp bản thân ngày càng tốt đẹp hơn.”
Lời nói này của mẹ Dương Ngữ Yên dường như đã cảnh tỉnh rất nhiều người. Đa phần, mọi người đều cảm thấy, khi tiếp xúc với thế giới xung quanh chính là trau dồi kiến thức, mạnh dạn hơn trong giao tiếp, cũng như gia tăng cảm giác ưu việt. Nhưng trên thực tế, tăng kiến thức, tham quan thế giới bên ngoài, mục đích cuối cùng là để tìm được chính mình. Khi một người đi rất nhiều nơi, nhìn thấy nhiều sự vật sẽ càng ngày càng hiểu rõ chính mình, càng ngày càng biết bản thân muốn cuộc sống như thế nào.
Và cũng chính câu trả lời của người mẹ này đã giúp mọi người hiểu rõ: “Thế nào mới là nhìn qua thế giới thật sự”. Bạn có đang xem chương trình Thiếu niên nói của đài Hồ Nam hay không?