Có bao nhiêu lần trong đời, bạn can đảm tỏ bày hết những tâm tư tận đáy lòng?
Khi còn là một đứa trẻ với những suy nghĩ trong trẻo nhất, chân thực nhất và cần được lắng nghe nhất, có ai ở bên bạn không? Nếu có, mừng cho bạn, bởi không phải ai cũng may mắn như vậy. Tôi biết rất nhiều người đã lầm lũi lớn lên với những tâm tư giấu kín, để rồi đến một lúc nào đó khát khao được lắng nghe bị thay thế bằng việc không còn can đảm nói ra, trong lòng cứ hoang hoải về những điều mãi không trọn vẹn.
Với một format tưởng chừng “khó có ai tham gia” nhưng lại được hưởng ứng “không tưởng”, show truyền hình thực tế mang tên Thiếu niên nói đã thu hút hàng triệu khán giả trên toàn châu Á với những câu chuyện đủ các cung bậc cảm xúc hỉ, nộ, ái, ố mà chúng ta sẽ đôi lần bắt gặp chính bản thân trong đó. Nhân vật có thể là học sinh cấp 1, cấp 2 hoặc cấp 3 sẽ đứng ở trên ban công và nói thật to điều mình muốn nhắn gửi trước gia đình, thầy cô, bạn bè bên dưới,…
Đó có thể là lời nhắn đến người bạn cùng lớp, những tình cảm dành cho người thân mà bạn luôn e ngại tỏ bày hay đơn giản là một lời cám ơn, một lời xin lỗi,… hay bất cứ điều gì mang ý nghĩa đặc biệt với bạn. Bạn sẽ được lắng nghe, được ủng hộ, được trân trọng từng tâm tư. Với ý nghĩa nhân văn sâu sắc này, thật không quá khó khăn để Thiếu niên nói trở thành một show truyền hình được yêu thích và ủng hộ rộng rãi với mọi đối tượng khán giả.
Những câu chuyện rất chân phương, mộc mạc nhưng luôn đủ sức khiến người nghe phải xúc động. Đó là một cô cháu gái đứng trước đám đông gửi đến người bà yêu quý của mình lời cám ơn sâu sắc nhất. Bà do sức khỏe yếu nên không thể ngồi xe, chưa từng đi xa khỏi nhà vậy mà vì cổ vũ cháu gái thi Đại học lại có thể đi bộ ròng rã 2 ngày liền.
Người lớn tuổi không thể bắt kịp với những tiến bộ của xã hội thời nay nhưng với tình yêu thương, dù là sử dụng phương cách nguyên thủy nhất đòi hỏi tốn rất nhiều công sức và mạo hiểm, họ vẫn sẵn lòng. Thế nhưng khi đứng bên dưới, nghe cháu gái cám ơn vì 17 năm qua đã luôn hy sinh rất nhiều và điều cô ấy quan trọng nhất là sức khỏe của mình, có lẽ bao nhiêu khó khăn của bà cũng đã được bù đắp.
Clip: Cô cháu gái bày tỏ sự biết ơn với 17 năm dưỡng dục của bà ngoại. (Nguồn: Thiếu niên nói Vietsub)
Đó cũng có thể là một đứa trẻ sinh ra ở một vùng quê nghèo không thể tiếp tục theo đuổi con đường học vấn nhưng may mắn thay lại gặp người tốt bụng sẵn sàng giang tay giúp đỡ. Nếu không nói ra làm sao có thể biết dù ở độ tuổi vô tư nhưng cái ơn ấy đối với em lại lớn lao vô cùng, không chỉ là động lực phấn đấu mà còn là một lời cam đoan sẽ sống thật tốt, tiếp tục nhân rộng sự nhân ái cho những mảnh đời kém may mắn như mình.
Những tình cảm đáng quý này đôi lúc vì ngại ngùng mà chúng ta sẽ không nói cho đối phương biết, như người mẹ trong câu chuyện. Cuối cùng, cô ấy cũng vì sự can đảm của người con nuôi mà trực tiếp mang lá thư mình viết ra đọc - khoảnh khắc đó ý nghĩa và đáng trân trọng đến dường nào!
Clip: Cô bé gửi lời cám ơn sâu sắc đến người mẹ nuôi. (Nguồn: Thiếu niên nói Vietsub)
Hoặc đôi lúc chỉ đơn giản là những suy nghĩ đơn thuần của cậu em trai nhỏ về việc người anh như một “quả bom hẹn giờ”, lúc nào cũng cau mày khiến cậu luôn phải tìm cách để “xoa dịu” tình hình. Cậu bé thật thà chia sẻ tất cả tài sản chỉ có hai mươi đồng cũng đã chuyển cho anh một nửa, liệu “sau này anh nhìn thấy em có thể vui vẻ chút không?” khiến mọi người đều “phì cười”.
Trước yêu cầu của em trai, người anh cũng thật thà giải thích và bày tỏ bản thân luôn yêu thương cũng như đặt nhiều kỳ vọng vào em trai. Những điều nhỏ nhặt như thế, nhưng được nói ra và có thể giải tỏa khiến cả hai đều cảm thấy nhẹ nhõm và gắn bó với nhau hơn rất nhiều!
Clip: Cậu em trai đề nghị anh “đừng cau mày với em nữa được không?” (Nguồn: Thiếu niên nói Vietsub)
Không cần “đao to búa lớn”, không yêu cầu những điều lớn lao, chỉ cần chân thành, tâm tư nào cũng xứng đáng được lắng nghe. Với tôn chỉ đó, Thiếu niên nói đã mở ra rất nhiều cơ hội cho các bạn trẻ được giãi bày những tâm tư của mình đồng thời cũng có thể hiểu hơn về suy nghĩ của đối phương. Người với người - đồng ý kiên nhẫn lắng nghe nhau thì cuộc sống sẽ vơi đi biết bao khó nhọc, không phải sao?