Tôi là người tỉnh táo
- Đến bây giờ, tức là gần 1 tháng sau lễ hội Âm nhạc Gió mùa, chân anh đã chạm đất chưa hay vẫn lâng lâng vậy?
- Bạn biết đấy, tôi là người tỉnh táo. Là nhà sản xuất thì phải tiên lượng được thành quả của dự án, vì vậy sau lễ hội tôi luôn cố gắng đặt chân mình lên giường để ngủ bù chứ không phải dưới đất.
- Điều gì anh hài lòng nhất trong lễ hội Âm nhạc Gió mùa năm nay?
- Cuối cùng bằng nỗ lực của cả ekip chúng tôi cũng đã thực hiện thành công Lễ hội mà không để xảy ra một sự cố nhỏ nào. Chúng tôi nhận được nhiều lời khen và sự hài lòng của khán giả, nhận được sự đánh giá cao của các nghệ sĩ tham gia. Đặc biệt chúng tôi còn nhận được ghi nhận và đánh giá rất tốt của ban nhạc Scorpions, nhất là về hệ thống âm thanh ánh sáng được họ đánh giá là hoàn hảo hơn cả buổi diễn của họ tại Singapore. Điều đó làm chúng tôi tự tin về khả năng tổ chức những buổi biểu diễn theo đúng tiêu chuẩn của các ngôi sao quốc tế.
- Phản ứng của những khách mời khác khi nghe anh giới thiệu về lễ hội cũng như đã mời được những band/ ca sĩ nổi tiếng thế giới đến Việt Nam là như thế nào thưa anh?
- Đa số họ đều rất hứng thú khi đến với Gió mùa, có nhiều người đã được nghe giới thiệu về khán giả cuồng nhiệt và ekip tổ chức nhiệt tình chu đáo nên họ rất muốn đến. Còn đối với các ngôi sao tham gia thì đa số họ đều rất bình thản. Nghệ sĩ cần tự tin với những gì mình có và họ mong muốn được giới thiệu âm nhạc của mình tới công chúng, được thăng hoa trong âm nhạc của mình chứ không so kè hay vay mượn hào quang của người khác. Uy tín của Lễ hội hay ban tổ chức khi mời được nghệ sĩ nổi tiếng sẽ làm họ yên tâm hơn về chất lượng tổ chức.
Tôi không nghi ngờ hay lo lắng cho gu của khán giả trẻ
- Chất lượng về âm nhạc của sự kiện này thì tôi không đủ khả năng để nhận xét nhưng tôi muốn hỏi anh về chất lượng khán giả. Lượng khán giả và độ tuổi khán giả cũng như những biểu hiện của họ trong những đêm nhạc tại Hoàng Thành có đúng như anh mong chờ?
- Có thể nói là đúng như kỳ vọng và còn hơn cả mong chờ. Gần như tất cả các đối tượng khán giả dù trẻ hay lớn tuổi đều đến với Gió mùa vì tình yêu đối với âm nhạc, và chỉ có âm nhạc. Họ ý thức được điều họ cần và muốn có ở một lễ hội âm nhạc. Vì vậy họ hành xử hết sức văn minh vì họ tìm thấy niềm vui thật sự ở Lễ hội. Niềm vui gắn kết mọi người và được chia sẻ hết sức hồn nhiên và trong sáng. Nếu bỏ qua những sở thích cá nhân thì khán giả chính là điều thuyết phục tôi nhất để tiếp tục hành trình của Gió mùa.
- Số đông vẫn cho rằng người trẻ hiện nay nghe nhạc không có gu nhưng tôi lại thấy sự kiện âm nhạc của anh thu hút được một lượng khán giả trẻ, có điều gì đó không đúng với sự chụp mũ của số đông cho khán giả trẻ không thưa anh?
- Số đông mà bạn nói là ai? Hơn 70.000 lượt người đến với Gió mùa sau 3 năm cũng không phải là số đông và Gió mùa cũng chẳng phải là gương mặt của nền âm nhạc Việt. Tuy nhiên thì tôi không nghi ngờ khán giả trẻ hay lo lắng cho gu của họ, tôi nghi ngờ gu của những người đang mang trách nhiệm định hướng cho khán giả trẻ. Đa số họ lợi dụng chứ không nghĩ đến lớp trẻ như họ nói đâu.
“Chép” tranh thì không thể gọi là văn minh
- Trong khi anh đang cố gắng cùng ê-kíp trong việc mang những thể loại, xu hướng âm nhạc mới của thế giới đến Việt Nam thì một lượng khán giả trẻ lại tìm nghe những dòng nhạc hoài cổ, ví dụ như Bolero, đến độ anh phải lên tiếng rằng đó là một điều bất thường. Anh có thể lí giải cho sự ngược chiều giữa hai luồng khán giả này được không? Phải chăng là do thói quen nghe, phông văn hoá hay cách tiệp cận cũng như những hạn chế về nhận thức?
- Với tôi, đây không phải là vấn đề của khán giả, mà là của những người sản xuất. Thử tính là có bao nhiêu % người dân Hà Nội quan tâm và đến với Gió mùa, rồi bao nhiêu % người dân cả nước biết và quan tâm? Khán giả cả nước chỉ xem truyền hình là chính mà truyền hình thì đang có gì? Thói quen gì thì cũng phải được xây dựng mà những người xây dựng thì toàn chạy theo thói quen.
- Điều anh nói về người trẻ nghe nhạc sến không mới, vài năm trước anh cũng đã nói một lần, thế nhưng người trẻ vẫn nghe và ca sĩ vẫn ra đĩa nhạc sến. Trách ai bây giờ thưa anh? Ca sĩ hay khán giả?
- Thôi anh đừng lôi chuyện đó ra cho ầm ỹ thêm, anh thừa biết là cần trách ai chứ.Tôi không muốn nói thêm một lời nào về chuyện này.
- Để làm được những điều tiên phong như anh đã làm, không phải ai cũng đủ tài năng, sự cực đoan như anh và có lẽ đó cũng là lí do họ chọn những hướng đi an toàn hơn, như tìm về một sự xưa cũ nhưng có khán giả hơn là mới mà thách thức người nghe?
- Mọi người đều có sự lựa chọn của riêng mình, nhưng chẳng có nền hội hoạ nào bây giờ mà toàn đi “chép” tranh của những thế kỷ trước mà bảo là phát triển và văn minh cả.
- Anh thường dùng cụm từ “văn minh” trong cách đối thoại của mình, một cách chủ quan, theo anh sẽ mất bao nhiêu năm nữa chúng ta sẽ có được một nền âm nhạc giải trí văn minh và bao nhiêu năm nữa chúng ta sẽ có những thế hệ khán giả văn minh và anh tiên đoán điều đó dựa trên những cơ sở nào?
- Hãy làm theo phương pháp toán học là chúng ta đang nghe nhạc cách đây bao nhiêu năm thì tức là chúng ta lạc hậu từng đó thời gian. Nó chiếm tỷ lệ bao nhiêu phần trăm trong đời sống âm nhạc thì chúng ta sẽ còn lại bao nhiêu phần trăm cho cơ hội phát triển.
Cần giáo dục về sáng tạo và lao động nghệ thuật
- Biên đạo múa Trần Ly Ly trong một bài trả lời phỏng vấn tôi gần đây có nói rằng muốn có một thế hệ khán giả yêu và thưởng thức múa đúng với tinh thần của bộ môn này thì nhanh nhất chúng ta cũng phải mất 30 năm nữa nếu làm mạnh mẽ và triệt để từ nhà trường ở những lớp thấp nhất trở đi. Anh có nghĩ giáo dục cũng là một trong những vấn đề của sự thưởng thức? Với cương vị là một người làm công tác sáng tạo, nếu muốn góp ý để “chỉnh sửa” và “cải tổ”, anh sẽ nói những gì?
- Tôi nghĩ chị Ly hơi lạc quan đấy, đến giáo dục phổ thông còn cải cách bao nhiêu lần chưa xong nói gì đến giáo dục phổ cập cho các bộ môn nghệ thuật. Trước tiên người ta cần giáo dục về sáng tạo và lao động nghệ thuật như thế nào đã - đạo đức, ý thức ứng xử với nghệ thuật văn minh phải thế nào, nghệ thuật đem lại cho đời sống tinh thần những gì và có giá trị như thế nào trong cuộc sống.
- Câu hỏi cuối, trong thế hệ kế cận, anh đặt hi vọng và sự mong chờ ở những nghệ sĩ như thế nào và có phiền không nếu như tôi hỏi anh một vài cái tên?
- Tôi chờ đợi những nghệ sĩ tài năng thật sự và có cách nhìn của một nghệ sĩ đương đại toàn cầu. Chúng ta cần phải biết bước ra ngoài để nhìn vào một cách văn minh hơn, để biết phải làm gì và như thế nào cho nền âm nhạc Việt Nam phát triển hơn.
- Xin chân thành cảm ơn và chúc anh ngày càng thành công hơn!