Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Giải trí & TV Show

'Táo quân vi hành' nỗ lực thay đổi format nhưng vẫn bị khán giả kêu gào vì quá chán, không đủ chiều sâu

Chương trình Táo quân vi hành phát sóng đúng ngày 23/12 âm lịch thu hút sự quan tâm, theo dõi của đông đảo khán giả trên cả nước.

Tối 17/1 (nhằm đúng 23 tháng Chạp), chương trình Táo quân vi hành phát song trên kênh truyền hình VTV3 với sự góp mặt của bộ 3 quen thuộc Ngọc Hoàng (Quốc Khánh) - Nam Tào (Xuân Bắc) - Bắc Đẩu (Công Lý). Tuy nhiên, khác với Táo Quân - Gặp nhau cuối năm phát song đêm giao thừa, chương trình năm nay không có Táo lên chầu trời mà thay bằng chuyến đi vi hành xuống hạ giới của bộ ba “quyền lực” nhất Thiên đình.

'Táo quân vi hành' nỗ lực thay đổi format nhưng vẫn bị khán giả kêu gào vì quá chán, không đủ chiều sâu.

Táo quân vi hành có sự góp mặt của dàn nghệ sĩ quen thuộc: NSƯT Quốc Khánh, NSƯT Xuân Bắc, NSND Công Lý, nghệ sĩ Vân Dung, NSND Tự Long, diễn viên Hà Trung (Trung Ruồi), ca sĩ Minh Quân… Nội dung chương trình là cuộc vi hành đến trời Âu của bộ ba Ngọc Hoàng - Nam Tào - Bắc Đẩu, tái hiện cuộc sống của những người dân xa xứ. Được biết, Táo quân vi hành đã được ghi hình tại thủ đô của Cộng hòa Czech từ tháng 9 trước khi lên sóng phục vụ khán giả tối 23 Tết.

Vì thay đổi theo motip mới nên Táo quân vi hành năm nay không có những màn Táo chầu trời hoành tráng, dàn nhân vật chính mặc trang phục thường dân, hóa thân vào các người dân thường nghề nghiệp khác nhau trong xã hội. Tại trời Tây, họ được chứng kiến những câu chuyện, mảnh đời của những người dân xa xứ lưu lạc nơi đây.

Dù không được các Táo lên chầu trời cuối năm, qua chuyến du hành của mình, Ngọc Hoàng trực tiếp rơi vào những trường hợp “dở khóc dở cười” nơi đất khách, qua đó bộc lộ những vấn nạn trời Tây: tình trạng lừa đảo, buôn gian bán lận, vượt biên, các cuộc thi nhan sắc, văn hóa tổ chức vô tội vạ, không có giấy phép, buôn show bán vé phi pháp,… Bên cạnh đó, vấn nạn “sinh con để được định cư nước ngoài”, trẻ em không được hưởng giáo dục đúng cách, không biết quê cha đất tổ,… cũng được bộc lộ một cách hài hước, thâm sâu trong tác phẩm.

Với thời lượng kéo dài chỉ 2 tiếng, Táo quân vi hành không thể tập trung vào nhiều nhân vật và nhiều vấn đề như các mùa Táo mọi năm. Thay vào đó, các nghệ sĩ nổi bật, nhiều đất diễn chỉ gồm có Quốc Khánh, Xuân Bắc, Công Lý, Vân Dung và Tự Long.

Bằng chất hài đặc trưng của miền Bắc, các câu chuyện đời thường nơi trời Âu được đan xen một cách khéo léo vào câu chuyện, từ đó bộc lộ ra những điều tồn tại, đáng chê trách, thậm chí những khó khăn, đau khổ của người Việt tại trời Âu. Xem chương trình, khán giả có khi cười nghiêng ngả, có khi lại thấy chạnh lòng vì những hoàn cảnh thực sự éo le của nhân vật. Tuy nhiên, về tổng thể, Táo quân vi hành lại không được người xem đánh giá cao.

Cụ thể, lướt trên mạng xã hội, nếu như cách đây vài tuần, khán giả còn thấy háo hức, chờ đợi chương trình Táo quân vi hành đem đến điều gì đó mới lạ, tốt đẹp thay cho chương trình Táo quân vào đêm giao thừa thì giờ đây, cộng đồng mạng lại liên tục kêu gào vì chương trình chán ngán: “Xàm quá, toàn nói chuyện đâu đâu”, “Táo quân năm nay chẳng hài hước chút nào”, “Thà chẳng thay đổi còn hơn”,…

Mỗi chương trình mới đều phải đối mặt với rủi ro được khán giả đón nhận hay không khi bắt đầu hoặc quyết định thay đổi bản thân. Với Táo quân vi hành cũng vậy. Thay vì kéo dài hơn 3 tiếng như mọi năm, chương trình năm nay bị rút ngắn thời lượng xuống còn 2 tiếng, khiến nội dung mà nó truyền tải ít hơn, cũng “nông” hơn hẳn. Về yếu tố khách quan, do trước đó, VFC đã thông báo năm nay không có Táo Quân nên nhiều khán giả không biết, thậm chí không tin rằng có chương trình Táo quân vi hành phát song tối 23 tháng Chạp.

Cũng bởi format và thời lượng thay đổi, lượng diễn viên chính xuất hiện trong Táo quân vi hành cũng giảm xuống đáng kể, khiến cho chương trình mất đi độ hoành tráng, đa dạng như mọi năm. Dàn diễn viên cũng xuất hiện trong trang phục đời thường, xuất hiện trong những tình huống đời thường, khiến chất “Tết” trong tác phẩm bị chìm xuống, khó tạo hứng thú cho khán giả. Nếu như mọi năm sau khi xem Táo Quân, khán giả có một bài hát chế, một câu nói cực chất để học theo và nhớ mãi thì năm nay, Táo quân vi hành trôi tuột mà chẳng để lại gì lắng đọng.

Điều quan trọng nhất là nội dung chương trình năm nay không thể đi sát với cuộc sống thường nhật của khán giả. Nếu như mọi năm, câu chuyện của Táo Quân luôn gắn liền với những vấn nạn nghiêm trọng, phổ biến của công chúng trong suốt một năm thì năm nay, vấn nạn đó được thể hiện cho những cư dân người Việt sinh sống tại nước ngoài. Cuộc sống đó tuy đáng tò mò nhưng lại khá xa lạ với đa số người dân Việt.

Kết quả, dù muốn xem và “bắt trend” những vấn nạn thường có của người Việt ở nước ngoài nhưng vì không sống trong hoàn cảnh đó, người xem không thể nắm bắt hết cảm xúc, hay tiếng cười của tác phẩm. Ngoài câu chuyện được truyền tải khá nhạt nhòa, những chi tiết hài hước cũng không được đẩy lên cao, chưa thực sự thỏa mãn khán giả.

Điểm nhấn đáng nói nhất trong Táo quân vi hành chính là tài năng diễn xuất của dàn nghệ sĩ gạo cội, quen mặt như Xuân Bắc, Tự Long, Vân Dung, Công Lý,… Có những chi tiết trong chương trình thực sự chạm tới trái tim khán giả bởi biểu cảm diễn xuất hết sức tự nhiên, chân thành. Tuy nhiên, khoảng cách diễn xuất quá lớn giữa họ với các tên tuổi trẻ như Hà Trung, Minh Quân, … khiến vai diễn của họ trở nên mờ nhạt, thậm chí lố bịch trước công chúng.

Kết thúc một mùa Táo Quân luôn là những lời khen, tiếng chê, những bình luận trái chiều từ phía công chúng. Dẫu biết chương trình nào cũng không thể hoàn hảo nhưng mỗi mùa Táo qua đi, khán giả lại hy vọng ekip và dàn nghệ sĩ sẽ tiếp tục cố gắng, phát triển để có một chương trình trọn vẹn vào năm sau.

Sau Táo quân vi hành, khán giả sẽ được gặp lại dàn danh hài nổi tiếng trong một chương trình ý nghĩa nữa là Gặp nhau cuối năm theo format mới phát sóng vào đúng tối giao thừa. Cùng chờ đợi và đón xem nhé!

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Migi

Được quan tâm

Tin mới nhất
6 tính năng nâng cao bảo mật tuyệt đối của iPhone 16