Trong tập 4 vòng Giấu mặt của chương trình Giọng hát Việt nhí 2015 phát sóng vào tối 8/8, Nguyễn Trương Thế Thanh (13 tuổi) đến từ huyện Bình Chánh, TP HCM là cái tên gây ấn tượng mạnh cho bộ tứ huấn luyện viên (HLV) lẫn khán giả truyền hình nhờ sở hữu chất giọng ngọt ngào, tình cảm và niềm đam mê đặc biệt với bộ môn đờn ca tài tử.
Thí sinh Thế Thanh.
Mới đây, ở buổi trả lời phỏng vấn cùng giới truyền thông, cậu nhóc tranh thủ gửi tặng các độc giả Saostar.vn nhạc phẩm Nỗi buồn mẹ tôi – bản hit mang âm hưởng dân ca được đông đảo công chúng yêu mến qua tiếng hát của Cẩm Ly, Phương Mỹ Chi. Mặc dù chỉ cover song bằng sự mượt mà trong chất giọng và cách thả hồn tuyệt đối vào từng câu chữ, lời ca, em vẫn ít nhiều khiến người nghe nhớ đến.
Clip Thế Thanh hát hit “Nỗi buồn mẹ tôi” của Cẩm Ly, Phương Mỹ Chi.
Bên cạnh đấy, Thế Thanh còn thể hiện lại câu vọng cổ vừa giúp em ghi điểm với những người “cầm cân nảy mực”. Vì muốn khán giả thưởng thức “đã” hơn, cậu nhóc quyết định hát thêm một đoạn nữa.
Nhân tố tiềm năng của đội Cẩm Ly cho biết, hôm thi vòng Giấu mặt, bản thân bị khàn tiếng, đồng thời đang trong giai đoạn vỡ giọng nên không thể có phần thi hoàn hảo nhất.
Clip Thế Thanh ca vọng cổ.
Trước thời điểm tham gia sân chơi The Voice Kids phiên bản Việt mùa 3, Thế Thanh từng xuất hiện trong một chương trình của Đài truyền hình TP HCM. Cậu nhóc chia sẻ, những khi được hát là khoảng thời gian em thấy thích thú nhất.
Với tài năng thiên phú, Thế Thanh “gặt hái” khá nhiều giải thưởng như huy chương vàng tại Liên hoan đờn ca tài tử của huyện Bình Chánh (TP HCM), huy chương vàng tại Liên hoan đờn ca tài tử các xã nông thôn mới 2013, hay giải Tài năng trẻ tại Liên hoan đờn ca tài tử TP HCM 2013… Em cũng thường xuyên đi biểu diễn văn nghệ cho huyện, thành phố. Tuy đam mê ca hát nhưng Thế Thanh khẳng định, trước mắt, em tập trung học văn hóa là chính.
Theo chị Ngọc Thúy – cô út của Thế Thanh tiết lộ, ba mẹ cậu nhóc chia tay sớm nên chị đón cháu về nhà từ lúc bé. Thỉnh thoảng, cả hai có gửi chi phí cho người bà để lo giúp đứa em của Thế Thanh. Riêng cậu nhóc, chị chăm sóc, nuôi dưỡng toàn bộ nhờ số tiền ít ỏi mình kiếm được hàng ngày qua công việc bán bột chiên.
“Gia đình tôi không có ai theo bộ môn nghệ thuật này. Lúc Thế Thanh còn bé, tôi thường hát ru em nó bằng những điệu hò, câu vọng cổ. Có lẽ từ đây, tình cảm của cháu dành cho đờn ca tài tử ngày một lớn dần. Năm lên 6 tuổi, tôi phát hiện em nó có năng khiếu, đam mê với các bài bản vọng cổ. Mỗi lúc gia đình bật karaoke, Thế Thanh cứ chọn hát thể loại trên dù chưa biết nhịp nhàng” – chị nói thêm.
Cô út của Thế Thanh bật mí, cậu nhóc hát tốt là do được ông Tư Hồng – thầy dạy đờn ca tài tử ở gần nhà – truyền nghề: “Thời gian cháu học với thầy không nhiều nhưng do có năng khiếu và siêng tìm tòi, tập luyện nên giọng hát, cách xử lý ngày càng hoàn thiện”.
Khi được hỏi bản thân thích trở thành ca sĩ hát nhạc dân ca hay một nghệ sĩ cải lương, Thế Thanh tâm sự, em muốn làm nghệ sĩ hơn.
Cậu nhóc bày tỏ: “Em thích trở thành nghệ sĩ hát nhạc tài tử, cải lương bởi đây là môn nghệ thuật truyền thống rất hay của dân tộc, nếu để nó mai một sẽ chẳng tốt chút nào. Em biết, so với ca sĩ hay diễn viên, cát-sê nghệ sĩ chỉ là bạc lẻ. Song, em yêu nghề này và đang cố gắng trau dồi, theo đuổi. Em hy vọng, mình đủ điều kiện gắn bó lâu dài cùng nghiệp hát”.
Lâm Vĩnh Thái
Ảnh: Thành Luân. Clip: Tiến Nguyễn