- Là một phù thủy trên sân khấu và hiếm khi nhận lời mới xuất hiện trên màn ảnh rộng, cơ duyên nào đã đưa Thành Lộc đến với vai diễn này?
Thật ra nói câu hiếm khi nào nhận lời không chính xác lắm, mà phải nói hiếm ai mời tôi đóng phim thì đúng hơn (cười). Thứ nhất có lẽ là do đặc thù của điện ảnh nước nhà, tôi xin phép dùng từ này có thể chưa chính xác lắm nhưng tôi chưa tìm được từ nào hay hơn đó là điện ảnh hiện nay đang là một “sân chơi” ưu ái dành cho các bạn diễn viên đang vào độ tuổi thanh xuân dạt dào nhất, sung sức nhất, đẹp nhất, trẻ nhất. Hầu như tất cả các kịch bản của Việt Nam mình đều tập trung vào các diễn viên trẻ, những nhân vật trẻ có độ hot rất là mạnh thì mới có khả năng doanh thu phòng vé tốt.
Người ta không dành đất cho những nghệ sĩ có độ tuổi như tôi đảm nhận những vai chính. Cho nên nếu nói hiếm khi tôi nhận lời thì không đúng, cái gì tôi cũng nhận hết nhưng tại vì mình không phù hợp (cười). Nhân dáng tôi không phù hợp cho một tác phẩm điện ảnh, thế thôi. Lần này một trong những nhân vật chính của Ngôi nhà bươm bướm đang vào độ tuổi trung niên giống tôi hiện giờ thế là nhà sản xuất cũng như đạo diễn phim đã cần đến sự có mặt của tôi. Đối với tôi, đó là một sự may mắn.
- Anh nhận thấy vai Hân của mình trong Ngôi nhà bươm bướm là một vai diễn như thế nào?
Thứ nhất phải nói tôi có sự đồng tình quan điểm với những người viết ra, đúng hơn là Việt Nam hóa kịch bản này. Trên thế giới người ta đã làm bộ phim này hơn một trăm lần với nhiều phiên bản khác nhau rồi. Tới Việt Nam mình đã là thứ một trăm ba mươi mấy rồi thì phải. Trở lại với việc tôi đồng tình về mặt quan điểm có nghĩa là thế giới đang có một cái nhìn cởi mở, bình đẳng với tất cả các giới tính trong cộng đồng xã hội của nhân loại. Việt Nam có nhiều sản phẩm điện ảnh đang đi theo dòng chảy này và điều đó hợp với quan điểm sống của tôi về cách nhìn con người nên tôi thích.
Hồ Ngọc Hân của Ngôi nhà bươm bướm là một trong những nhân vật như vậy. Đây đơn thuần là một câu chuyện của gia đình chứ không phải câu chuyện của những người trong cộng đồng LGBT. Tôi nghĩ cần phải làm cho sáng tỏ vấn đề, đôi khi công chúng nghe truyền thông không chính xác lại nghĩ đây là bộ phim về đề tài LGBT thì không phải. Đây là câu chuyện gia đình, về những mối quan hệ giữa người với người - có huyết thống và không cùng huyết thống. Trong gia đình đó, có một nhân vật thuộc cộng đồng LGBT, như vậy những thành viên còn lại sẽ ứng xử và có thái độ sống như thế nào khi trong ngôi nhà của mình tồn tại một người như vậy.
Không nhắc đến LGBT, trong gia đình chúng ta thường sẽ có một cá thể hơi khác biệt, hầu hết là vậy. Nếu không thuộc cộng đồng LGBT thì cũng sẽ là một người trầm cảm, tự kỷ hay một người nóng tính, nổi loạn,… Các thành viên trong gia đình sẽ đào thải, cô lập hay hòa hợp với họ? Đó mới là câu chuyện mà chúng tôi muốn hướng đến trong Ngôi nhà bươm bướm. Hồ Ngọc Hân do tôi thể hiện rất đúng với quan điểm sống và cách nghĩ của tôi nên tôi muốn hóa thân thành nhân vật này.
- Để hóa thân thành một Drag Queen chính hiệu, anh Thành Lộc đã lấy cảm hứng cũng như tham khảo tư liệu từ đâu?
Thật ra có một may mắn nữa là câu chuyện trong phim xảy ra tại Sài Gòn mà trên cả nước mình thì những vũ công drag queen chỉ có thể hoạt động mạnh ở thành phố này thôi. Có thể đây cũng là nơi sinh ra cái nghề mới mẻ này của những người bạn trong cộng đồng LGBT. Khi nhận kịch bản, tôi mới biết đến công việc tên là drag queen. Bản thân tôi cũng khá mù mờ nên cũng hỏi các bạn drag queen là gì. Lúc đầu tôi nghĩ đây chỉ là một công việc mang tính vui chơi của những người trong cộng đồng LGBT.
Có một từ khác người ta gọi là gay, bản thân từ đó có nghĩa là người vui vẻ, những cá nhân mang đến sự vui vẻ cho mọi người, những người tạo ra một xã hội riêng và họ sống rất vui vẻ với nhau. Với cách nhìn hơi méo mó của những người không có thiện cảm thì chữ “vui vẻ” này còn có nghĩa là “những người làm hề”, khiến người khác mắc cười, đơn giản là vậy.
Lúc đầu tôi cũng nghĩ drag queen là những người bạn thích tự hóa thân thành phụ nữ, ăn mặc diêm dúa, lòe loẹt rồi hát lipsync những bản nhạc hot trên thế giới, nhảy múa và để làm vui cho mọi người cũng như thỏa mãn niềm ham thích của bản thân vậy thôi.
Cách đây ít năm tôi có dịp đi lưu diễn ở New York, tôi có đến những câu lạc bộ nơi các drag queen hoạt động thì thật sự tôi bàng hoàng vì họ rất chuyên nghiệp. Chuyện hát lipsync là đương nhiên rồi bởi vì họ không phải ca sĩ thực thụ và vì muốn trở thành phụ nữ nên phải nhép trên giọng phụ nữ thôi. Thế nhưng họ hát rất chính xác, kỹ thuật diễn xuất, biểu cảm trên gương mặt của họ chuẩn đến mức như đang hát thật vậy. Còn khả năng nhảy múa nữa, họ như những vũ công chuyên nghiệp. Theo tìm hiểu thì tôi được biết họ tập tành dữ lắm, họ có khả năng như những dancer thực thụ và chưa chắc những người phụ nữ thật sự đã nhảy đẹp bằng họ. Công việc đó không đơn giản chỉ là thỏa mãn niềm vui thích mà đó là công việc mang đến thu nhập. Nó trở thành một công việc chuyên nghiệp và tôi thật sự trân trọng giá trị lao động của họ.
Mình biết ở Sài Gòn đã có một lực lượng những vũ công drag queen đã hoạt động tại nhiều club hay phòng trà từ lâu rồi nên ngày đầu tiên tôi đi tập múa cho nhân vật này tôi phải nhờ các bạn tập tành cho tôi rất kỹ lưỡng. Tuy ngay từ nhỏ tôi đã học múa rồi nên chuyện đó với tôi không vất vả lắm nhưng nhảy theo phong cách đương đại bây giờ thì tôi chưa đủ kỹ thuật.
Ngay cả gương mặt của tôi cũng thế, khi mình hóa trang thành phụ nữ bình thường đã có nhân viên của đoàn phim nhưng khi tôi vào công việc của nhân vật Hồ Ngọc Hân thì phải để các bạn drag queen trang điểm cho mình. Khi các bạn làm mặt cho tôi tự nhiên tôi có cảm giác như “lên đồng” vậy. Sau 2 tiếng đồng hồ, tôi nhìn vào gương thì không thấy đó là Thành Lộc nữa, tôi thấy mình là một Hồ Ngọc Hân thật sự. Lúc quay hình trên sân khấu, tôi có cảm giác mình là chị em với họ, là đồng nghiệp với họ. Có nghĩa là cái thần thái hay cách hóa trang của mộ drag queen có một ma lực và nó khiến tôi hưng phấn để nhập vai một cách hoàn hảo như thế.
Qua đây, tôi muốn nói mình thật sự ngưỡng mộ các bạn vũ công drag queen. Quý vị không thể tưởng tượng được đâu, khi tôi đến trường quay thì các bạn đã make up xong hết rồi nên tôi cứ nghĩ đó là phụ nữ. Khi xong việc họ đến chào tôi thì tôi ngẩn người ủa đó là ai, khi nãy đóng vai nào, tôi không nhận ra được luôn. Khi họ trở về là con người bình thường, đó là những gương mặt khác biệt 100% với lúc họ đứng trên sân khấu. Tôi không cách chi nhận ra được.
- Trước nay trong điện ảnh Việt không ít lần hình ảnh của người thuộc cộng đồng LGBT được lồng ghép yếu tố gây hài bằng cách trang điểm lòe loẹt hay có những hành động “làm lố” khiến khán giả khó chịu và chính cộng đồng LGBT cũng cảm thấy không được tôn trọng. Vậy trong Ngôi nhà bươm bướm, hình ảnh của những drag queen hay người thuộc cộng đồng LGBT được định hướng thế nào?
Theo bản thân tôi, cộng đồng LGBT là một thành tố tạo nên xã hội, tạo nên cuộc sống, tạo nên đời sống thực của tinh cầu này. Tôi không tách biệt họ ra khỏi cộng đồng con người cho nên ở họ có điểm mạnh và cũng có những điểm yếu, giống những người bình thường. Những người dị tính thì họ cũng có những con người điềm đạm, học thức cao nhưng đồng thời cũng có những người rất tồi tệ, lố lăng và có cả tội phạm nữa. Trong cộng đồng LGBT cũng vậy thôi. Thật ra chúng ta đã thấy, đã hiểu nhưng vì ở một bộ phận đâu đó cái kiểu giống như “bằng mặt mà không bằng lòng” ấy. Họ kỳ thị mà nên họ không thừa nhận cái mà trong thâm tâm đã thừa nhận rồi.
Trong đời sống hiện nay, cộng đồng LGBT mặc dù chỉ chiếm thiểu số nhưng họ lại là người nắm cán cân gần như 50/50 với những người sáng tạo ra những thành tựu của nhân loại rất nhiều. Họ là những nghệ sĩ, bác sĩ, công nhân, kỹ sư thậm chí là chính khách, những nhà lãnh đạo tài ba,… Họ có mặt khắp nơi và tạo ra một diện mạo để hình thành nên nền văn minh của nhân loại. Nếu họ có những người tử tế thì cũng có những người không tử tế.
Trở lại với điện ảnh thì có lẽ chúng ta cũng biết nghệ thuật thứ 7 “sinh sau đẻ muộn nhất” nhưng nó lại dễ kiếm tiền nhất. Khi người ta nghĩ đến kiếm tiền tức là nghĩ đến lợi nhuận thì điều gì thu hút được sự chú ý của đám đông và tạo nên được tiếng cười sảng khoái, người ta sẽ tập trung khai thác cái đấy. Vì vậy theo tôi nghĩ là vô tình dẫn đến cách làm bị chệch hướng về thẩm mỹ cho công chúng. Người ta thích khai thác đề tài về cộng đồng LGBT là những người bình dân, thậm chí ít học, không có gout thẩm mỹ vì những yếu tố đó dễ gây hài. Khi tôi nhận kịch bản và lời đề nghị của nhà sản xuất cho Ngôi nhà bươm bướm, đầu tiên tôi hỏi mục đích của các anh khi làm phim này là gì? Nếu các anh nói chỉ khai thác tiếng cười, giải trí, bán được nhiều vé thì xin phép cho tôi từ chối. Còn nếu các anh biết đặt trách nhiệm của một người nghệ sĩ công dân nghĩa là chúng ta phải đấu tranh cho sự công bằng, bác ái thì hãy mời tôi. Tự nhiên tôi cảm thấy cộng đồng LGBT phải hứng chịu sự bất công của xã hội, điều đó không đúng.
- Gia đình là chủ đề lớn nhất của Ngôi nhà bươm bướm và gia đình trong phim cũng rất đặc biệt khi hai người đàn ông cùng nuôi dạy một đứa con. Thế thì đứng ở góc độ một người bình thường, bên ngoài phạm trù diễn viên hóa thân vào nhân vật thì anh Thành Lộc nhìn nhận câu chuyện truyền cảm hứng của bộ phim như thế nào?
Trong cách nhìn của người ngoài cuộc thì đó sẽ là một sự không bình thường nhưng với người trong cuộc thì đó là chuyện hết sức bình thường trong đời sống tinh thần, tình cảm. Cho nên người đời mới có chữ thị phi là vậy đó. Cái hay trong câu chuyện của Ngôi nhà bươm bướm đó là ba người đàn ông cùng sống với nhau, khi cậu Hoàng được nuôi dưỡng từ lúc còn nhỏ xíu tác giả đã gài hay ở cái chỗ thế này trong mắt cậu bà Hân là mẹ, là dì chứ không phải một người đàn ông. Bản thân Hoàng không quan tâm dư luận xã hội đánh giá gia đình này như thế nào. Hay ở chỗ thế nào là quan điểm về gia đình, có phải cùng huyết thống thì mới được không? Thực tế có những người cùng huyết thống mà có thương yêu nhau đâu, đấu đá, xâu xé nhau vì một cái di chúc chẳng hạn. Thế nhưng có những con người sống cùng một mái nhà, không cùng huyết thống lại yêu thương nhau như một gia đình thực thụ. Đó là sự tử tế. Hoàng là người sống tử tế với người đàn ông tên Hồ Ngọc Hân.
Tôi học trước Hồng Đào một khóa. Vở kịch đầu tiên cả hai đóng chung là Đêm Họa mi. Khi đó tôi đã ra trường rồi, Hồng Đào mới chỉ năm thứ hai thôi. Ngày xưa tụi tôi học 4 năm, khi chưa ra trường là không được tham gia đóng bất cứ cái gì ở ngoài hết. Nếu nhà trường mà biết là đuổi ngay. Bây giờ là dễ đấy, vừa đi học vừa đóng phim, rồi lấy phim đó chấm điểm tốt nghiệp luôn. Thế nhưng tôi dụ được Hồng Đào mới học năm thứ 2 đi đóng kịch truyền hình. Lúc đó cô ấy không biết diễn gì cả nhưng đã là diễn viên ai cũng có bản năng nghề nghiệp mới đậu được vào trường. Tôi còn nhớ một kỷ niệm khi cả hai cùng tập vở kịch đó đạo diễn là anh Đăng Nhân, chúng tôi đã hỗ trợ tập cho Hồng Đào rất nhiều. Cô ấy vào vai một cô gái Đức còn tôi là anh Hồng quân Liên Xô và giữa cả hai đã xảy đến một mối tình. Lần đầu tiên khán giả nhìn thấy một cặp đôi trẻ măng như chúng tôi và thấy ôi sao hợp quá. Đến khi Hồng Đào tốt nghiệp tôi và cô ấy lại cùng hoạt động với nhau trên đoàn kịch trẻ TP HCM, dĩ nhiên tiếp tục đóng chung với nhau. Vào thời điểm đó bắt đầu có những tờ tạp chí chuyên đề về tình yêu đôi lứa là cứ lôi tôi và Hồng Đào lên chụp minh họa. Thành ra cuối cùng người ta nghĩ chúng tôi là một cặp với nhau. Tụi tôi cũng thích vì mình đã tạo được độ hot thì công chúng sẽ để ý đến nhiều hơn. Có một tờ báo còn mời tôi và Hồng Đào phụ trách hẳn một mục gọi là “Gỡ rối tơ lòng” nữa chứ. Vì vậy tên Thành Lộc - Hồng Đào luôn đi đôi với nhau là tất yếu rồi.
Có một điều tôi không chối cãi, đó là tôi có rung động với Hồng Đào thật. Dĩ nhiên đó là tình cảm đơn phương, một chiều thôi bởi vì khi đó cô ấy cũng đã có người yêu rồi. Khi Hồng Đào xuất cảnh, tôi nghĩ sẽ có hai người đàn ông rất buồn: Một là người yêu của cổ, hai là tôi. Trong thâm tâm tôi vẫn mong cô ấy sẽ quay trở lại đây. Rất may mắn Hồng Đào đã tạo được một thành công mới ở hải ngoại trở thành người được đông đảo khán giả yêu mến. Chúng tôi vẫn thường xuyên liên lạc với nhau. Cô ấy hay tâm sự mỗi khi nhìn tôi có thành tựu mới trong những vở kịch dài thì cảm thấy xốn xang lắm bởi vì kịch dài chính là một niềm đau đáu của bất kỳ nghệ sĩ sân khấu chuyên nghiệp nào vì hoàn cảnh mà phải sống ở một nơi khác, không thể quay lại với sân khấu kịch dài như vậy. Sau này tôi biết Hồng Đào cũng đã bắt đầu có những vở kịch do cô ấy đứng ra tổ chức để cùng diễn với các nghệ sĩ hải ngoại và gây được tiếng vang lớn. Không chỉ tôi mà cả Hồng Vân cũng rất mừng vì chúng tôi vẫn giữ được lửa nghề. Khi Hồng Đào có cơ hội quay trở lại quê hương để cùng tham gia hoạt động nghệ thuật thì thật sự chúng tôi rất vui. Ngôi nhà bươm bướm là dự án nghệ thuật đầu tiên kể từ sau hơn 20 năm Hồng Đào quay lại và tôi được hợp tác với cô ấy. Tôi thấy mình hạnh phúc.
Một kỷ niệm lớn cho những thế hệ nghệ sĩ được dạy dỗ từ trường chuyên nghiệp có bài bản. Ngày xưa từ sau năm 1975 thì trên sân khấu của thành phố này có tồn tại 2 đoàn kịch lớn là Kim Cương và Bông Hồng. Đoàn Kim Cương là của NSND Kim Cương đảm trách còn đoàn kịch nói Bông Hồng là do nữ nghệ sĩ Thẩm Thúy Hằng đảm trách. Dòng kịch của 2 đoàn là theo phong cách của Sài Gòn xưa, còn thế hệ của chúng tôi thì trưởng thành và được đào tạo chính quy bài bản từ trong trường nghệ thuật sân khấu sau 1975.
Lôi Vũ là một thành tựu vì đó là vở kịch gây tiếng vang rất lớn đối với công chúng thành phố này và trên cả nước từ một đội ngũ diễn viên trẻ măng. Tôi, Việt Anh, Hồng Vân, Quốc Thảo, Phương Linh, Hữu Châu,… một thế hệ hoàn toàn mới, trưởng thành từ sau 1975. Bây giờ tất cả chúng tôi vẫn tiếp tục với nghề nghiệp của mình.
Nhân vật Chu Xung của tôi không được xếp đầu bảng phân vai, có nghĩa đó không phải nhân vật chính. Thế nhưng dấu ấn của vai Chu Xung trong tổng thể của Lôi Vũ rất mạnh, góp phần tạo nên sự thành công của cả một tác phẩm. Tôi đã từng được cố NSND Nguyễn Đình Nghi - một bậc thầy của chúng tôi trong ngành sân khấu - ôm tôi vào lòng và nói đã từng được xem rất nhiều nghệ sĩ qua các thế hệ ở Việt Nam và Trung Quốc thì tôi chính là người đóng vai Chu Xung hay nhất. Ông còn hỏi tôi: “Thế cậu có biết Chu Xung chính là ai không?”, tôi đáp lại đó chính là tác giả thì ông gật gù: “Cậu nói đúng rồi đấy”. Đó là một niềm hạnh phúc rất lớn với tôi nên trong thành tựu nghệ thuật của mình, tôi không thể nào không nhắc đến Lôi Vũ hay nhân vật Chu Xung.
Thêm một điều nữa, chắc có lẽ quý vị đây đó cũng có theo dõi những bài phỏng vấn của Hồng Vân thì cô ấy có nhắc đến tôi đã góp phần trong sự thành công của Vân với nhân vật Thị Bình. Trong dàn diễn viên đó Hồng Vân là cô gái nhỏ tuổi nhất nhưng lại đóng vai người lớn tuổi nhất mà lại còn là vai nặng ký nhất - vai chính. Tôi vẫn còn nhớ đạo diễn trong cơn nóng giận bởi vì Vân chưa đủ sự hiểu biết về nhân vật cũng như kỹ năng của diễn viên để có thể làm tròn vai thì chị ấy đã mắng Hồng Vân rất tệ. Khi chúng tôi hết buổi tập đi về, Hồng Vân vẫn ngồi lì đó rồi khóc. Tôi mới đến gần bảo thôi đừng khóc, anh tập lại cho. Chúng tôi đã có một buổi Hồng Vân diễn lại lớp diễn quan trọng, tôi ngồi xem và góp ý. Hồng Vân thường hay kể lại câu chuyện này như một lời cám ơn dành cho tôi. Bản thân tôi cũng thấy vui và hãnh diện lắm bởi vì bây giờ Hồng Vân đã là NSND rồi thì NSND cũng đã từng được NSƯT chỉ dạy cho tôi cũng vui lắm chứ (cười). Tôi đùa thôi, thật sự thì tôi thuộc thế hệ đàn anh của Vân mà.
Má tôi cũng vừa qua đời thôi, cũng sắp đến 100 ngày rồi. Má tôi trước cũng là một nữ nghệ sĩ chuyên về hát bội nhưng sau 1975, đời sống của thành phố chúng ta bị thay đổi rất nhiều và người thành phố phải hy sinh buông bỏ rất nhiều thứ để tồn tại. Má tôi quyết định bỏ nghề để lo lắng cho tất cả các thành viên trong gia đình bởi vì nhà tôi tất cả đều là nghệ sĩ hết. Ba tôi cũng là một nghệ sĩ hát bội và lúc bấy giờ vẫn còn khỏe nên tiếp tục đứng trên sân khấu. Các chị tôi đều là nghệ sĩ tại các sân khấu thuộc bộ môn cải lương, tuồng cổ. Ai cũng phải đi hát hết.
Thời đó đời sống khó khăn mà, tất cả đều quay trở lại con số 0. Tôi nhớ lương thực còn không có mà ăn, người ta phải ăn bo bo, khoai mì kèm với gạo mà chẳng được gạo trắng nữa. Vì vậy ảnh hưởng đến sức khỏe và giọng hát của nghệ sĩ rất nhiều. Má tôi lúc này quyết định bỏ nghề, không hát nữa để đi chạy chợ để lo từng miếng ăn giấc ngủ cho các thành viên trong nhà. Gia đình tôi các chị gái cũng nhiều nên nếu ăn uống thiếu thốn quá sẽ có hại lắm vì vậy mẹ tôi cố gắng bằng mọi cách để bữa cơm được đầy đủ dinh dưỡng, không còn sự xuất hiện của khoai mì hay bo bo nữa. Đó là một sự hy sinh rất lớn đối với má và cả chúng tôi nữa.
Má tôi là một người thích nghi với cuộc sống rất hay, thường mình hay nghĩ những ông bà cụ song thân sẽ bảo tồn những giá trị cổ xưa thì dễ bảo thủ nhưng ba tôi mới vậy chứ má lại là người cấp tiến. Đôi khi có những sự thay đổi mà ba tôi gần như ra lệnh là không được thì má lại chống đối kịch liệt, trong đó bao gồm cả những suy nghĩ mới của chúng tôi nữa. Để làm sao gia đình vẫn có thể tiếp tục tồn tại và hòa mình theo dòng chảy của thời đại thì đó là điều tất cả anh chị em tôi đều biết ơn sự hy sinh của má.
Vào những thời điểm má tôi sắp qua đời thì các chị tôi không ở Việt Nam nữa nhưng cũng biết chuyện nên ai về được thì cứ về để cùng quây quần bên má. Lúc đó má không nói chuyện được. Tôi nhớ hoài ngày xưa mình là người năn nỉ: “Má ơi má đừng đi chợ ở ngoài nữa, má đi siêu thị đi cho mát mà thức ăn cũng bảo đảm vệ sinh” nhưng má nhất quyết không. Thói quen mà, cứ thích đi ra những cái chợ truyền thống để được nói chuyện với chị em bạn hàng. Đến khi có dịch cúm gà thì tôi có nói má thử một lần vào siêu thị với con đi thì cũng chiều ý. Tôi đưa má vào thì bà thấy ở đây mát mẻ và thực phẩm cũng bảo đảm vệ sinh. Mãi đến sau này khi má yếu không thể đứng bếp nữa, mỗi lần má hỏi ăn cơm ở đâu tôi trả lời con đi ăn ở ngoài đường thì má la ăn uống sao như thế được, đang có dịch, phải vào siêu thị,… nghĩa là những gì ngày xưa mình nói thì bây giờ má rầy ngược lại.
Những giây phút cuối cùng của má, tôi đã trên 50 rồi vậy mà má vẫn cứ nhắc hoài không được ăn uống ở ngoài đường coi chừng không hợp vệ sinh. Rõ ràng dù có 70 tuổi hay 90 tuổi thì trong cách nhìn của những bậc sinh thành, mình vẫn là một đứa trẻ. Khi má tôi nằm yên một chỗ, tôi có đến trò chuyện. Tôi nói má ơi, má cứ yên tâm đi đi vì nằm như thế đau đớn thân xác lắm nên chúng tôi cứ cầu nguyện cho bà đi. Khi tôi nói má đừng nghĩ con còn độc thân thế này thì con là một đứa trẻ, con lớn rồi, con gần 60 rồi đó, má yên tâm đi đi, đừng lo ngại gì về con hết. Má tôi im lặng không nói gì, phần tôi nói xong thì vuốt tóc má sau đó đi lên lầu nhưng kịp nhìn lại thì thấy má khóc
Đối với đấng sinh thành, đứa con độc thân thì vẫn còn là con nít thế nên có lẽ điều mình chưa làm cho người lớn yên tâm là chưa thành gia lập thất. Thế nhưng tôi nghĩ chắc má hiểu. Không ai hiểu con mình bằng mẹ đâu, có những điều không nói ra nhưng mẹ biết hết, chỉ đợi con mình thú nhận thôi. Đôi khi có những sự không thú nhận mẹ cũng hiểu luôn, tôi tin là như vậy. Ai cũng xem ba mẹ mình là số một, tôi cũng thế. Có thể ba mẹ mình không hoàn hảo trong mắt người khác nhưng với mình sự không hoàn hảo có chăng là khi mình không làm tròn nhiệm vụ của người con.