Nhiều người hẳn sẽ ngạc nhiên khi thấy Phạm Hồng Phước trên sân khấu Sing My Song - Bài hát hay nhất mùa đầu tiên. Và có lẽ cũng ít ai đoán được vì sao một ca - nhạc sĩ đã được biết đến, được công nhận, yêu mến như anh lại quyết định thử sức với sân chơi âm nhạc này. Dù lí do có là gì thì Phước cũng đã có mặt ở đây và sẽ lặng lẽ dùng chính âm nhạc của mình để trả lời cho tất cả những câu hỏi ấy.
Tiết mục Đã có anh Hai của Phạm Hồng Phước tại Sing My Song - Bài hát hay nhất
Đã có anh Hai là câu chuyện tôi muốn kể từ rất lâu rồi…
Có người hỏi Phước vì sao lại chọn thể hiện Đã có anh Hai ở Sing My Song mà không là nơi nào khác. Người lại hồ nghi phải chăng Phước đang cố kể chuyện đời tư để mua lòng thương của khán giả. Những điều ấy từng khiến anh do dự nhiều. Không phải vì sợ khán giả sẽ nghĩ xấu về mình, mà bởi anh lo lắng cuộc sống em mình sẽ thay đổi như thế nào sau khi bài hát lên sóng. Đã có lúc Phước từng muốn bỏ cuộc, để cho những cảm xúc ấy cứ dang dở, ngổn ngang mãi trong tâm trí. Nhưng rồi bình tâm lại, tự nghĩ nếu không phải là lúc này thì còn đợi đến bao giờ? Bao giờ mình mới có thể hát một cách thành thực như ngày xưa? Hát về những gì mình thật lòng quan tâm, yêu mến. Hát không lo lắng đến sự nổi tiếng hay bận tâm chạy theo những đơn đặt hàng. Phước muốn được một lần trở lại những tháng ngày mà chỉ cần được hát cũng là niềm vui. Chỉ vậy thôi…
Đã có anh Hai là câu chuyện Phước đã chờ rất lâu để được kể. Nhưng trong suốt một thời gian dài, chưa lần nào bản thân đủ dũng cảm để nhìn thẳng vào những gì riêng tư, sâu kín nhất trong lòng. Phước đã hát về tình yêu, nỗi cô đơn, về những hạnh phúc bình thường và giản dị. Phước đã hát về những người xung quanh mình, về cả chính bản thân. Duy chỉ không thể nào hát tặng cho người mà anh trân quý nhất. Là em gái…
“Đã có anh hai…”
…Những giai điệu đầu tiên ngân lên, vương vấn trong tôi từ rất lâu trước đó nhưng mỗi lần đặt bút viết tiếp tôi lại thấy mình bất lực trước ngôn từ của âm nhạc. Phải đến khi vô tình đọc được một tin nhắn em gái gửi cho mẹ, mọi cảm xúc mới vỡ òa ra. Trong tin nhắn, em nói em cảm thấy tủi thân và cô đơn nhiều lắm. Cả nhà lúc nào cũng đi ra ngoài cùng nhau. Bố mẹ ở ngoài, anh hai cũng ở ngoài. Em chỉ thơ thẩn trong ngôi nhà trống, làm bạn với chiếc tivi, với sự im lặng màu trắng theo em từ lúc sinh ra đến giờ.
Anh em tôi đã lâu chẳng tâm sự gì với nhau vì thế khi nghe những cảm xúc của em, kí ức của cả một thời thơ bé bỗng chốc ùa về trong tôi. Năm tôi sáu tuổi, em gái được sinh ra. Vừa chào đời, em đã không thể nói và một bên tai cũng điếc hẳn. Mọi người trong nhà nói em đã gánh hộ tất cả những gì xui xẻo nhất cho gia đình. Ba mẹ đi làm xa, hai anh em tôi sống cùng với bà ngoại trong một căn chung cư nhỏ cheo leo giữa lòng Sài Gòn. Tuổi thơ của tôi là những buổi chiều cùng bé Duyên phụ bà bán bánh bao dưới chân chung cư. Mỗi khi bị lũ trẻ con trong xóm trêu chọc, em sẽ chạy về kể với tôi đầu tiên.
“Đứa nào bắt nạt em thì nói anh, anh sẽ bảo vệ em”. Lúc mười tuổi, tôi từng hùng hồn tuyên bố với em gái mình như thế. Nhưng khi cả hai lớn khôn, cuộc sống lại có quá nhiều điều khiến tôi buông tay bất lực. Cũng không biết bao lần tôi phải đứng nhìn em chịu thương tổn vì những người lạ vô tâm. Khóc cùng em, đau cùng em, muốn dang đôi tay bao bọc em khỏi mưa gió, để em được hồn nhiên, vô tư như ngày bé. Nhưng tôi biết mình sẽ không thể nào làm được. Và trong tận cùng những rối bời, hối tiếc đó, tứ của bài hát Đã có anh hai ra đời…
“… Anh sẽ bảo vệ em”
Nếu phải dùng ba từ để miêu tả âm nhạc của tôi đó sẽ là: Ngông, lãng mạn và điện ảnh
Năm Phước học cấp ba, trường mở một lớp nhạc lí. Đó cũng là nơi đầu tiên đưa Phước đến với piano và sáng tác. Dù rất mê âm nhạc nhưng khi thi đại học, Phước lại chọn thi vào trường sư phạm. Quyết định ấy một phần bắt nguồn từ nguyện vọng của ba mẹ, một phần vì Phước muốn tìm kiếm công việc ổn định sau khi ra trường để lo cho gia đình và chăm sóc em gái. Dù gần như buông bỏ âm nhạc nhưng mỗi khi có chuyện buồn, những giai điệu vẫn vô thức nảy sinh và chấp chới bay nhảy trong tâm trí. Cứ thế, Phước viết nó vào một cuốn sổ nhỏ. Bài Khi người lớn cô đơn được viết trong chính khoảng thời gian ấy…
Khi người lớn cô đơn - Phạm Hồng Phước
Thuở còn là sinh viên, tôi từng đi làm thêm rất nhiều. Một lần khi đang phát tờ rơi trên vỉa hè tôi bị người quản lý cho nghỉ việc vì dám cãi lại một chuyện lặt vặt nào đó tôi không nhớ nữa. Ở trạm chờ chuyến xe bus cuối cùng để về nhà, tôi nhìn phố xá đông đúc, nhìn dòng người bận rộn qua lại với thế giới riêng của họ và chợt thấy chán chường. Như bất cứ người trẻ nào trong độ tuổi ấy, tôi cũng hoang mang những chuyện như học hành không biết bao giờ mới tốt nghiệp, không biết có tốt nghiệp nổi không, rồi tốt nghiệp thì sẽ làm cái quái quỷ gì…
Bởi vậy mà bây giờ nhìn lại, tôi thấy Khi người lớn cô đơn mang một nỗi tiêu cực không đáng có. Khi ra mắt, tôi cũng không nghĩ ca khúc sẽ được đón nhận nồng nhiệt như thế. Có lẽ người ta yêu mến nó vì đồng cảm và vì nhìn thấy chính mình trong chính nỗi buồn của tôi chăng?
Nhiều người chỉ gói gọn âm nhạc của Phước trong một từ “Buồn“. Nhưng nếu phải miêu tả, Phước muốn gọi thế giới âm nhạc của mình bằng ba từ: “Ngông”, “Lãng mạn” và “Điện ảnh”. “Lãng mạn” có lẽ mọi người đều đã hiểu. “Ngông” là khi Phước biết có những ca khúc ra mắt chẳng ai nghe nhưng vẫn viết vì đơn giản “mình thích thì mình viết thôi”. Trong âm nhạc, tình yêu thường đẹp, chia tay thì đau khổ. Nhưng Phước lại chỉ muốn nói về những góc khuất trong tình yêu như chuyện ngoại tình, cảm giác say nắng một người thứ ba, sự phản bội…
Tôi từng viết bài hát Tôi phát ốm lên được khi bị người mình yêu “cắm sừng”. Hoặc trong bài bài Người tình của người yêu, tôi kể về một cuộc chất vấn ba người, người vợ, người chồng và tình nhân của người chồng. Còn có bài Cô bé quàng khăn đỏ, giờ nghe lại tôi thấy rất tào lao nhưng hồi xưa tôi lại thích.
Nói âm nhạc tôi “điện ảnh” là vì nó luôn theo dạng kể và mang tính vẽ. Đề tài yêu thích của tôi là nỗi cô đơn. Tôi thích vẽ cô đơn thành những hình trạng khác nhau và hy vọng chúng sẽ chạy chầm chậm trong tâm trí người nghe như một cảnh phim. Kẻ lang thang và quán nỗi buồn, Khi người lớn cô đơn, Thời thanh xuân sẽ qua là những ca khúc tôi nghĩ mình đã thành công khi kể lại nó thành những câu chuyện nhỏ bằng chất liệu của âm nhạc.
Tôi cũng từng có những ngày chỉ ngủ từ sáng tới tối và hoang mang chẳng biết phải làm gì
Khoảng thời gian khó khăn nhất với Phước là khi dính scandal đạo lời ca khúc Khi chúng ta già và không có show diễn. Thực ra làm nghệ sĩ cũng chỉ là một nghề và nếu không có khán giả thì mình chẳng là gì cả. Scandal nổ ra, Phước gần như bị “cấm vận” trong 2, 3 tháng. Có những ngày Phước chẳng có gì để làm, chỉ ngủ từ sáng cho tới tối, và nhớ quay quắt những khi mình rối mòng trong sự bận rộn. Bận quay hình, được bên này bên kia gọi đi phỏng vấn rồi chạy show liên tục. Đó là lúc Phước cảm thấy mình thực sự đang sống. Sức nặng của thực tế đè lên vai khi anh chàng chẳng làm ra đồng nào nhưng muôn vàn khoản chi phí vẫn cứ ập tới. Phước không biết làm gì để mưu sinh. Phạm Hồng Phước đã có những ngày đáng sợ như vậy…
Thời thanh xuân đã qua - Phạm Hồng Phước & Văn Mai Hương
Khi bài Thời thanh xuân sẽ qua ra đời, chắc hẳn mọi người cũng nhận ra ca khúc này có cùng chủ đề với Khi chúng ta đã già. Lúc ấy tôi biết mình sai thật nhưng lại có cảm giác chẳng đành lòng khi thấy người ta hạ thấp hình ảnh người nhạc sĩ trong tôi. Mọi người nghĩ chắc là Phạm Hồng Phước không viết được một bài như vậy đâu nên phải lấy chất liệu từ người khác.
Đó chính là lí do tôi đổ hết năng lượng, cảm xúc trong mình viết nên Thời thanh xuân sẽ qua. Viết không phải chứng tỏ rằng tôi có thể làm được mà là để chiến thắng chính mình, để vượt qua những giới hạn của bản thân mà mình ngỡ như không thể vượt qua nổi. Bây giờ khi nghe lại hai ca khúc tôi luôn tự hào vì với bài hát mới, tôi đã làm được nhiều hơn thế.
Sau tất cả những hào quang và sóng gió ấy, Phước vẫn thấy chưa đủ. Phước muốn được cạnh tranh, được thử thách, được vấp ngã và đứng dậy. Sing My Song là cuộc đua mới Phước tự đặt ra cho mình. Phước không đến cuộc thi này để kết bạn, mà đến để học hỏi những gì mình chưa biết từ một người thầy lớn như anh Đức Trí. Anh chàng sẽ tập trung hết sức lực để cho ra đời một bài hát hay và đi tiếp vào vòng trong. Còn đi được đến đâu thì Phước cũng không dám chắc. Phước chỉ biết mình sẽ đi hoài, đi mãi, đi cho đến lúc mình đuối sức hay khán giả không còn cần mình nữa thì thôi…
Photo: Windy
Design: Nyny