Nhu cầu trở thành hoa hậu chưa bao giờ khẩn thiết và đáng mơ ước như hiện nay, khi các cô gái trẻ chứng kiến ngày càng nhiều những “nhân chứng sống” đã đổi đời thành công nhờ giành được chiếc vương miện và đoạt được ngôi vị cao quý này.
“Mỹ nhân” hoặc “hoa hậu” chưa từng là danh xưng lỗi thời ở bất kỳ giai đoạn nào: Hồi xưa, người ta nhắc đến Thẩm Thúy Hằng, Đặng Tuyết Mai, Việt Trinh, Diễm Hương, Thanh Nga, thời nay, người ta trầm trồ trước những Đặng Thu Thảo, Phạm Hương, Kỳ Duyên, Mai Phương Thúy, Mỹ Linh…
Chưa biết khen chê, tranh cãi gì, chỉ biết được nhắc đến thường xuyên cũng là dấu hiệu của việc được quan tâm, nổi tiếng. Và sự nổi tiếng ngỡ phù du ấy là điều đáng mơ ước, mang đến cho người trong cuộc rất nhiều những giá trị thật rõ-mồn-một: tiền tài, danh vọng, địa vị và loạt cơ hội phát triển khác.
Người ta tranh nhau để nuôi giấc mộng người nổi tiếng, nhất là trở thành hoa hậu đều có lý do chính đáng. Nhan sắc ấy, danh vị ấy không thể biến một người vô danh thành tỷ phú, nhưng đủ quyền năng để “phù phép” một cô gái vô danh trở thành nữ hoàng trong mắt khán giả, dư luận. Sau một đêm, cuộc đời đã sang trang: từ một người bình thường không ai biết bỗng trở thành “dâu trăm họ” - ai ai cũng biết đến, ai ai cũng muốn bàn tán, quan tâm.
Có “đòn bẩy” nào tốt hơn trong việc xây dựng thương hiệu cá nhân, bằng việc đăng quang một ngôi vị hoa hậu? Mà thời buổi này, thương hiệu cá nhân là giá trị quan trọng để đánh giá vị trí của một người!
Người bình thường trầy trật lắm mới có một công việc ổn định, với đồng lương đủ sống, nhưng chỉ cần là hoa hậu, mọi cơ hội đều như những cánh cửa rộng mở mà chính các nàng hậu là chiếc chìa khóa vạn năng.
Người ta mời các cô đến dự các sự kiện sôi nổi nơi mọi ánh đèn flash nhấp nháy bao quanh, với mức cát-sê cho vài giờ xuất hiện gấp nhiều lần tháng lương của những công việc thông thường. Các nhãn hàng ồ ạt hợp đồng gương mặt thương hiệu, đại sứ gửi đến các hoa hậu, người đẹp, làm dày thêm hầu bao vốn đã rất rủng rỉnh của các cô gái trẻ.
Quan trọng nhất vẫn là các nàng hậu dễ dàng nhận được sự ưu ái, yêu mến và tôn trọng của mọi người xung quanh. Thẳng thắn mà nói, chỉ sinh ra với một khuôn mặt xinh đẹp lại được hưởng quá nhiều những trái ngọt như thế, ai mà không mơ ước?
Mà đã mơ ước thì phải thôi thúc hành động và việc chen chân vào các đấu trường nhan sắc là con đường tốt để xây dựng và phát triển tên tuổi, sự nghiệp. Vì thế, có cầu thì ắt phải có cung, các cuộc thi nhan sắc hoặc chương trình truyền hình thực tế cứ ồ ạt được tổ chức, nhằm mang đến nhiều hơn những cơ hội đổi đời cho các cô gái trẻ.
Các cuộc thi nhan sắc là một lĩnh vực kinh doanh “siêu lợi nhuận” mà những nhà tổ chức là những dân buôn thứ thiệt. Đây chính là mảnh đất màu mỡ mà các công ty đôi khi phải đấu thầu để tranh bằng được “đất diễn”, để được cầm trịch “chiếc bánh béo bở” này.
Tiền đổ về sau một “thương vụ nhan sắc” là từ các nhà tài trợ với đủ loại hạng mức: kim cương, vàng, bạc, đồng đến đồng tài trợ và tùy vào quy mô, tầm ảnh hưởng của cuộc thi, có khi danh sách xướng tên phủ đầy những mặt giấy A4 mà khán giả muốn ngủ gật mới nghe MC đọc xong hết.
Từ đó, dễ dàng nhìn thấy các nhà tài trợ được hưởng lợi thế nào từ chiến dịch quảng cáo thông qua việc đồng hành cùng các cuộc thi nhan sắc này. Nhất là với những cuộc thi lâu đời và có sức lan tỏa mạnh mẽ như Hoa hậu Việt Nam, Hoa hậu Hoàn vũ - luôn thu hút mạnh mẽ sự quan tâm, theo dõi của khán giả, dư luận, các doanh nghiệp thậm chí còn phải đấu thầu gay gắt, cam go để giành một suất “được chi tiền”, được xuất hiện trên các ấn phẩm truyền thông trong suốt hành trình cuộc thi.
So với số tiền khổng lồ đổ vào yểm trợ cuộc thi, việc được tiếp cận và quảng cáo sản phẩm đến đông đảo khách hàng, định vị và nâng cao giá trị thương hiệu cũng như đẩy doanh thu tăng vọt là một vài trong số những cái hời khủng khiếp của các nhãn hàng đầu tư vào các “thương vụ nhan sắc” này.
Đến phần khán giả - những người thưởng ngoạn thành quả sau cùng, thì được hòa mình vào đủ mọi cảm xúc khi dõi theo các đường đua nhan sắc cam go này. Được ngắm nhìn người đẹp thi thố, được cổ vũ, bình chọn cho thí sinh mình yêu thích, tham gia tranh luận, bàn tán và hồi hộp chờ đợi kết quả chung cuộc.
Còn gì thú vị hơn cách mà các cuộc thi nhan sắc mang đến mọi cung bậc cảm xúc cho khán giả như thế? Hơn nữa, trong cuộc sống hối hả, căng thẳng hiện nay, nhu cầu giải trí được giải quyết khi… nhìn ngắm các người đẹp, khao khát giấc mơ của họ và trầm trồ, nhận nguồn cảm hứng từ câu chuyện của những người chiến thắng chung cuộc.
Vì thế, cả làng đều vui là kết quả chung khiến các cuộc thi nhan sắc giữ được sức nóng, không bao giờ tụt hậu hay bị đào thải bởi hằng hà những chương trình giải trí khác.
Không ai thua trong những cuộc thi này, kể cả các thí sinh phải dừng chân sớm - họ cũng nhận được kinh nghiệm sống, những kỷ niệm đáng nhớ mà khó tìm thấy ở đâu khác trong tuổi trẻ của mình. Còn những người được xướng tên cho những ngôi vị danh giá, đơn vị tổ chức, nhà đài và các nhà tài trợ - đương nhiên đều có quà mang về, đạt được những mục tiêu của mình và có được những bước ngoặt quý giá trong cuộc sống.
Khán giả cũng là người… lời nhất, khi không phải thi thố căng thẳng hay đổ tiền bạc vào đầu tư, vẫn có cơ hội được thưởng thức những “món ăn tinh thần” đặc sản không bao giờ thôi gay cấn, mê hoặc này!