- Chào ông! Là một nhạc sĩ nhiều năm kinh nghiệm, ông định nghĩa thế nào về sự sáng tạo trong âm nhạc nói chung và bolero nói riêng?
- Tôi cho rằng, đã là âm nhạc thì không có những giới hạn hay định nghĩa nào cả. Cũng là 7 nốt nhạc như thế, tùy vào tâm hồn, trải nghiệm mà người nhạc sĩ sáng tác nên ca khúc và người ca sĩ thể hiện thành tác phẩm, đến khi khán giả tiếp nhận đôi khi lại thêm “phiên bản” khác.
Vì thế, nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng, trong đó có nhánh bolero, không nên bó buộc vào những định nghĩa, càng không có bất cứ một giải thưởng hay tổ chức nào có thể định danh hay đánh giá, công nhận cho sự sáng tạo.
- Trước ý kiến của ca sĩ Tùng Dương cho rằng “Bolero chỉ mang tính hoài niệm, không mang tính chất sáng tạo, phát triển nền âm nhạc. Già trẻ, lớn bé mà đều đắm đuối với Bolero thì đúng là một sự thụt lùi”, ông nhận định như thế nào?
- Tôi không đồng ý với nhận định của Tùng Dương. Đây là một ý kiến phiến diện và có phần thái quá. Âm nhạc thì muôn màu muôn vẻ, không có giới hạn, là tâm hồn, bao la. Âm nhạc chỉ có sự tiến tới, sự “thay lớp áo mới” cho những bài hát xưa và sáng tạo nên những bài hát mới, thức thời.
Những bài hát bolero nổi tiếng như Đập vỡ cây đàn, Dư âm, Nhẫn cỏ cho em… vẫn được hát đi hát lại, thậm chí hát nhiều hơn, hay hơn từ thập niên 60 đến tận bây giờ, thì sao gọi là thụt lùi? Vậy thì, bolero thụt lùi hay Tùng Dương thụt lùi?
- Ông có đồng ý với quan niệm về sự sáng tạo của Tùng Dương?
- Tôi tự hỏi: Tùng Dương cho rằng âm nhạc của mình là sáng tạo, nhưng ai là người công nhận sự sáng tạo đó, hay chỉ riêng Tùng Dương sống trong cái giếng và tự suy tôn chính mình?
- Trước sự du nhập và phát triển mạnh mẽ của các dòng nhạc thịnh hành trên thế giới tại Việt Nam, bolero liệu có mất đi sức hút và chỗ đứng?
- Thập niên 60, du nhập từ Tây Ban Nha vào Việt Nam, bolero với những giai điệu tương đồng với dân ca Nam Bộ, thậm chí có thể hát ca cổ, tân nhạc nên khán giả Việt dễ “thấm” và yêu thích thể loại này. Tôi tin sự riêng biệt này sẽ còn “hớp hồn” khán giả lâu dài, vì dù sao cái gì gần với khả năng cảm thụ của người ta thì họ dễ tiếp cận, yêu thích hơn.
- Cảm nhận của ông ra sao khi thị trường có thói quen gọi nhạc bolero là “nhạc sến”?
- Sến cũng chỉ là cách gọi thôi dễ hiểu thôi, là từ nôm na của những người bình dân, để gọi những ca khúc dễ nghe, dễ thuộc, dễ hát, không cần phải nghĩ ngợi cao siêu gì. Sến đâu có gì xấu, sến thì vẫn là đẹp!
- Du nhập vào Việt Nam từ thập niên 60, bẵng một thời gian bolero trở lại mạnh mẽ trong những năm gần đây, theo ông là vì lý do gì? Liệu có chính xác không nếu nói: bây giờ là thời đại “hồi sinh” của bolero?
- Ca sĩ trẻ bắt đầu tìm đến, “thẩm thấu” và hát nhạc bolero nhiều, ngoài ra các cuộc thi hát bolero nổ rộ cũng chính là môi trường mang bolero đến gần với nhiều thành phần khán giả hơn.
Tuy nhiên, không có sự “hồi sinh” nào cả, vì trước giờ bolero đâu có “chết”. Càng không có sự trở lại nào, bolero vẫn luôn là thế, là “món ăn tinh thần” không thể thiếu, có chăng bây giờ có nhiều người tìm hiểu và yêu thích hơn thôi. Người ta vẫn hát, vẫn sáng tác bolero theo năm tháng. Âm nhạc là không có chế độ hay biên giới, không ai có thể khước bỏ sức ảnh hưởng của bolero trong đời sống tinh thần của khán giả suốt nửa thế kỷ qua.
- Nhạc sĩ đánh giá thế nào về sức sống của bolero? Liệu bolero có thể giữ vững chỗ đứng trong thị trường sôi động với rất nhiều dòng nhạc thịnh hành du nhập khác?
- Bolero có “tuổi thọ” lâu dài hơn nửa thế kỷ qua thì dĩ nhiên phải có lý do, đó chính là sức hút minh chứng cho sức sống của dòng nhạc này. Không kể độ tuổi, bolero phù hợp với tất cả thế hệ nghệ sĩ và khán giả. Ngoài ra, chính sự linh hoạt của dòng nhạc này khiến bolero luôn thức thời, nghĩa là: bolero những năm 60 khác, bolero của năm 2017 lại mang một vẻ đẹp khác nữa nhưng có một điểm chung là luôn đi vào lòng người, kết nối được các thế hệ với nhau.
- Theo ông, các ca sĩ có thể phát triển được sự nghiệp với dòng nhạc bolero không?
- Đó là còn tùy vào tâm hồn và khả năng thẩm thấu, “nhập vào” bài hát của ca sĩ. Còn thị trường bolero đã có một lượng khán giả hùng hậu, thì luôn chào đón, không thiếu “đất sống” cho các ca sĩ thật sự có tài.
- Cuối cùng, ông có gửi gắm gì đến Tùng Dương qua sự việc ồn ào trên?
- Người nghệ sĩ, trước hết đã là người có học thức, cần cẩn trọng với phát ngôn của mình. Giá trị của bolero cũng không thể khước từ chỉ qua nhận định của một ai, mà đã được kiểm chứng và công nhận của đông đảo khán giả qua thời gian. Vì thế, chúng ta cần tôn trọng sự đa dạng của âm nhạc để cùng nhau phát triển, hơn là bài xích hay chỉ trích.
- Cảm ơn nhạc sĩ Vinh Sử về buổi phỏng vấn này!