Giải Trí

Nhạc sĩ Minh Châu: Đừng là 'cái máy hát' chỉ biết… nhai chữ khi hát bolero!

Ái Kỳ
Chia sẻ

Trước thềm chung kết Thần tượng Bolero 2018, nhạc sĩ Minh Châu đã có những chia sẻ về Bolero cũng như nhìn nhận khách quan, góp ý cho các giọng hát tiềm năng nhất bước vào đêm thi quyết định này.

- Cảm xúc của anh trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của Bolero trong thời gian vừa qua?
Sự trỗi dậy mạnh mẽ của bolero là điều đáng mừng. Âm nhạc là món ăn tinh thần, là những sự an ủi của con người trong đời sống bộn bề lo toan và nguy hiểm. Bolero sống mạnh hay chiếm được sự chú ý công chúng, đều là điều đáng mừng.

- Từ “hồi sinh” dùng cho Bolero theo anh là có thực sự thỏa đáng?
Từ “hồi sinh” dùng là chính xác với thực tế âm nhạc Việt. Dù thực tế có phũ phàng, dòng Bolero và các dòng nhạc xưa đã có một thời gian dài bị cấm, sau khi thay đổi về chính sách quản lý, thì mới được duyệt cho hát trở lại. Những bài nhạc trữ tình, và các bài nhạc xưa được hát trở lại, thì với giới mộ điệu, rõ ràng đó là sự sống lại của Bolero.

- Đứng trước những “lằn ranh” phân định nhạc sang, nhạc sến, anh có đánh giá như thế nào?
Trong âm nhạc không có nhạc nào là đẳng cấp, cao sang hay hèn hạ, người viết thì “ký thác” trái tim họ qua ca từ, còn người nghe thì rung động vì tìm được đồng cảm. Những điều đó đều là sự thưởng ngoạn.
Không ai dám nói bài tôi là sang hơn người khác, vì nói như thế là miệt thị người khác rồi. Không cần phải dùng những từ ngữ như thế, vì khán giả chỉ quan tâm bài hát đó có hay không thôi. Nghệ thuật, giống như một gia đình, rất kỵ sự phân biệt đối xử và tranh hơn thua, đúng - sai, hay - dở.
Ngay từ cách gọi “nhạc sến” là đã thể hiện sự chia rẽ, thiếu tôn trọng. Là một người hoạt động âm nhạc, tôi thấy sự sỉ vả, chảnh chọe chỉ là chuyện của bọn con buôn, chứ tối kị trong nghệ thuật. Hay - dở, sang - hèn, theo thời gian công chúng sẽ tự phân định, đánh giá. Còn mình là người làm nghề, mình cứ làm tốt phần việc của mình. Tôi nghĩ phải luôn có cái nhìn trân trọng với mọi dòng nhạc, và mọi người cần phải tôn trọng nhau.

- Cách hát Bolero của ca sĩ trẻ cũng là điều thường xuyên vấp phải tranh cãi khi bị cho rằng không chuẩn xác, anh góp ý gì về cách thể hiện này?
Các bạn trẻ bây giờ có nhiều điều kiện để rèn luyện thanh nhạc và bản lĩnh. Nền tảng kỹ thuật tốt hơn, dẫn đến hát thiếu cảm xúc. Tại sao ca sĩ bây giờ hát bolero nghe không thích bằng các ca sĩ hồi xưa? Hồi xưa không đặt nặng kỹ thuật, mà là tình cảm, vì thế sự rung động trong từng ngắt câu chữ, luyến láy đều là sự rung động trong tâm hồn của người nghệ sĩ. Đối với nghệ thuật, khi sự rung động có thật từ trái tim mới truyền được đến trái tim người khác.

- Theo anh, thế mạnh trong giọng hát của các ca sĩ trẻ hiện nay là gì?
Các ca sĩ trẻ hát bolero có kỹ thuật rất tốt. Với kỹ thuật hát cộng minh, kỹ thuật này là để hát vang khắp khán phòng của các ca sĩ hát opera. Nhưng kỹ thuật này không hữu dụng để hát bolero, thiếu đi sự rung động, tinh tế.

- Anh có “bí kíp” gì cho các ca sĩ trẻ để hoàn thiện hơn trong thể hiện nhạc Bolero?
Khi hát một bài nhạc trữ tình, đừng lôi toàn bộ nền tảng kỹ thuật vào một bài hát mà nó không cần cái đó. Người ta cần sự rung động trong luyến láy, không cần những nhấn nhá mạnh bạo, quá đáng. Các bạn vận dụng kỹ thuật âm nhạc quá nhiều, hát với luồng hơi quá mạnh và nhấn nhá nhiều.

Nghe ca sĩ hồi xưa hát hay hơn là vì người ta hát nhẹ nhàng như tiếng lòng, thì đi vào lòng người khác cũng tự nhiên hơn. Cái thời những dòng hát khỏe, hay có cột hơi đầy qua rồi. Nếu hát không có cảm xúc thì các bạn sẽ là cái máy hát, nghe rất đúng kỹ thuật, nhưng lại không hay. Nếu quá câu nệ kỹ thuật, thì càng yếu đi về mặt nghệ thuật.

- Bolero có phải là một miền đất hứa để theo đuổi lâu dài không?
Trong nghệ thuật đừng tự nhận cái gì không phải là mình, cứ mỗi giai đoạn có một dòng nhạc thịnh hành thường khiến một bộ phận nghệ sĩ tuyên ngôn mình là sở trường dòng nhạc đó. Nghệ thuật không cần những tuyên ngôn, các bạn cứ làm điều là chính mình nhất, bị thu hút bởi dòng nhạc, phong cách nào thì cứ đi theo như thế, chỉ có những rung động từ trái tim mới đáng giá.

Hát cái gì mà thấy “sướng” thì hát, nghệ thuật chỉ đãi ngộ những người dám làm chính mình. Nghệ thuật không có chỗ cho sự giả dối. Bolero nếu là tiếng lòng của mình, hãy cố gắng chiêm nghiệm để ngày càng hát hay hơn nữa.

- Sẽ rất khó cho ca sĩ để thỏa được cá tính âm nhạc mà vẫn dung hòa được với thị hiếu khán giả, anh nhận định thử thách này như thế nào? 

Có rất nhiều ca sĩ không được sống đúng với dòng nhạc mình mong muốn, để đáp ứng nhu cầu của các chương trình nghệ thuật và thị hiếu khán giả. Muốn đi lên, muốn xuất hiện thì buộc lòng ca sĩ phải hát điều mình không thích. Muốn từ bỏ là rất khó, vì phải kiên quyết từ chối hết những buổi biểu diễn mà yêu cầu hát những dòng mình không muốn. Cái màu cũ nếu muốn xóa cũng rất khó, bởi lẽ không thể xóa nhòa đi trong một sớm một chiều để xây lại màu sắc âm nhạc mà mình yêu thích.

- Anh đánh giá gì về sự nở rộ của các chương trình truyền hình khai thác nhạc Bolero?
Đi đâu cũng gặp Bolero thì không ổn, cần phải cân đong làm sao để vừa phải. Đừng đem Bolero ra làm phương tiện để kiếm danh, kiếm lợi.

Bước vào chung kết Thần tượng Bolero có rất nhiều gương mặt nổi bật, trong đó Duy Cường sở hữu giọng vang, rõ, nhưng cần nhã chữ tự nhiên, không cần phải quá nhấn chữ, “nhai chữ”. Các thí sinh đừng đãi chữ quá tròn vành rõ chữ, giống như việc chụp ảnh chân dung không cần phải độ pixel lớn đến mức thấy từng lỗ chân lông thì không nên. Giọng vang, rõ nhưng các thí sinh cần hát mềm lại.

Chia sẻ

Bài viết

Ái Kỳ

Thiết kế

Yến Võ

Tin mới nhất