Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Giải trí & TV Show

Nhạc sĩ Hàn Châu: 'Hát như cái máy, Tùng Dương nên học hát bolero!'

Không ngoài luồng dư luận phản ứng trước phát ngôn của Tùng Dương, nhạc sĩ Hàn Châu – người có nhiều năm kinh nghiệm và nắm giữ nhiều giải thưởng về sáng tác nhạc bolero cũng có những chia sẻ cùng Saostar.vn.

- Chào ông! Với phát ngôn của ca sĩ Tùng Dương cho rằng: “Tôi muốn nói rõ một lần nữa là bolero chỉ mang tính hoài niệm, không mang tính chất sáng tạo, phát triển nền âm nhạc. Già trẻ, lớn bé mà đều đắm đuối với bolero thì đúng là một sự thụt lùi.”, ông có những đánh giá như thế nào?

- Tôi nghĩ Tùng Dương là giọng ca chuyên hát mang âm hương dân ca cải biên miền Bắc, nên có những thứ không nắm rõ về bolero. Bolero có điệu thức rõ ràng và người hát phải biết luyến láy và ngân nga ngọt ngào. Nhạc viết cũng như ca sĩ không làm khó người nghe, như vậy là mọi người mới hiểu và thích bolero. Còn dòng nhạc đương đại của nhạc sĩ trẻ, người viết “phức tạp” nên người nghe khó thẩm thấu hay yêu thích, nhất là giới bình dân.

Âm nhạc thì không có sự thụt lùi, vì đó là nghệ thuật tùy người thích hay không thích. Nếu nói bolero là thụt lùi thì nó đã bị mai một rồi, làm gì có sự nở rộ mà mọi người yêu thích như ngày hôm nay. Cái gì không đi tới mà thụt lùi thì sẽ bị thời gian đào thải.

- Là một nhạc sĩ trong dòng nhạc bolero, ông đánh giá sự phát triển của dòng nhạc này ra sao?

- Các nhạc sĩ lúc trước đã qua đời, còn lớp trẻ vẫn chưa viết đạt. Hơn nữa, sau này có rất nhiều dòng nhạc, các nhạc sĩ bolero khó tỏa sáng, khó thành công, là vì phải “chen chúc”.

- Du nhập vào Việt Nam từ thập niên 60, bẵng một thời gian bolero trở lại mạnh mẽ trong những năm gần đây, theo ông là vì lý do gì?

- Bolero là dòng nhạc quần chúng, không bao giờ “chết” cả. Một thời gian im lặng chẳng qua là bolero tạm “ẩn náu”, và bây giờ quần chúng đã tìm thấy, tiếp tục sử dụng để ca hát cho thỏa đam mê. Không có khái niệm “đã chết” hay “hồi sinh” gì ở bolero cả, vì nếu “đã chết” làm gì có chuyện “sống lại”, càng không thể tồn tại đến hôm nay.

- Lý do cho thời kỳ “ẩn náu” của bolero?

- Giai đoạn sau giải phóng, nền âm nhạc nói chung và bolero nói riêng chưa phát triển, cho nên đến tận thời kỳ đổi mới, giá trị của âm nhạc trong đời sống tinh thần mới trở về.

Ngoài ra, còn có sự phân lập giữa những người trẻ - họ không còn tập trung viết bolero nữa, mà tiếp cận và thử thách mình ở các dòng nhạc thịnh hành du nhập khác: pop, rock, R&B, dance… Các phương tiện truyền thông: truyền hình, truyền thanh cũng không sử dụng nhiều các ca khúc bolero, thì bolero phải “làm thinh” thôi.

Thế nhưng, sự trở lại của bolero chứng minh cho vị trí “dòng nhạc quần chúng”, không thể thay thế về sự hợp tai nghe, hợp thị hiếu bởi bất cứ dòng nhạc nào. Thật ra, người nghe nhạc Việt đa số có “hạn mức”: họ có thể cảm được bolero thuần túy - dân ca, trữ tình, chứ họ chưa thưởng thức được những dòng nhạc hàn lâm, “khó nghe”.

- Sau thời gian “ẩn náu”, dấu ấn nào thổi bùng sự trở lại của bolero?

- Chính sự xuất hiện của các cuộc thi về bolero trên truyền hình đã mang bolero trở về gần với khán giả. Khán giả cũ bắt đầu tìm lại, còn khán giả mới thì bị cuốn hút bởi sự mượt mà, dễ nghe, dễ thuộc, dễ đi vào lòng người. Nhạc đẹp, có khúc thức đàng hoàng trên 32 - 64 - 48 trường canh (measure), chứ không luông tuồng, dễ dãi.

- Nhiều người quen gọi bolero là “nhạc sến”, ông có đồng ý không?

- Trong âm nhạc không có nốt nào gọi là “nốt sến” cả, thì làm gì có chuyện “nhạc sến”. Nếu thiếu sáng tạo thì sao có nhạc bản cho các ca sĩ hát? Người ta phải luôn sáng tác, nghĩa là luôn sáng tạo, thì mới có cái để thị trường sử dụng các ca khúc bolero theo thời gian như thế.

Âm nhạc thì không có khái niệm: hàn lâm, giải trí, “sến” hay “sang”. Giải trí mà, viết làm sao để người ta cảm thấy vui tai, thích nghe là được, chứ đừng khiến khán giả mệt nhọc. Và bolero làm được tất cả những điều trên, nên mới được yêu thích và tồn tại suốt thời gian dài.

Viết nhạc bolero cho đúng, cho ra “chất” là không dễ và hát bolero cũng rất khó. Khi viết có từng measure (trường canh) và các trường canh phải nối tiếp nhau một cách nhuần nhuyễn và liền lạc, không gãy đứt. Nhiều ca sĩ hát không có luyến láy, “cứng ngắc”, không ngân nga nên chưa đạt.

- Cuối cùng, ông có muốn gửi gắm điều gì đến ca sĩ Tùng Dương?

- Nhạc bolero nằm trong nhóm nhạc quê hương trữ tình Việt Nam, thì tự thân nó sẽ phát triển và tồn tại mãi mãi. Tùng Dương phát ngôn lung tung là do cũng không hiểu hết vấn đề âm nhạc. Tùng Dương chỉ hát như một cái máy vậy thôi mà! Sự tiên phong của Tùng Dương là… sự hát trật melody (giai điệu), khiến cho có những bài quen thuộc Tùng Dương hát, khán giả không nhận ra nếu không nghe lại.

Tùng Dương không nên “dị ứng” với sự thành công của bolero, mà cũng nên tập hát bolero cho “ngon lành” để phát triển, chứ cứ hát theo kiểu “phá cách” quá thì Tùng Dương sẽ mai một, chứ không phải bolero mai một.

- Cảm ơn ông về những chia sẻ vừa rồi!

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Ái Kỳ

Được quan tâm

Tin mới nhất