Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Giải trí & TV Show

Người trẻ hát nhạc Bolero: Ăn mày dĩ vãng hay xu thế thời đại?

Bây giờ, đi đâu cũng nghe nhạc Bolero, mở tivi lúc nào cũng thấy những cuộc thi - chương trình ca nhạc Bolero, ra tiệm băng đĩa thấy những sản phẩm Bolero luôn bán chạy. Chúng ta đang ăn mày quá vãng hay đây là xu thế thời đại?

Bolero không đại diện cho thời kì bom đạn!

Cuộc thi Thần tượng Bolero đã đi đến vòng Chung kết với sự góp mặt của 4 thí sinh Trung Quang, Cao Công Nghĩa, Đình Phước, Phương Anh và họ đều rất trẻ, không ai trong số họ ngoài 30. Vậy nhưng, trong quan niệm của số đông, Bolero là một điều gì đó cũ kĩ và già nua, chỉ dành cho những ca sĩ - nghệ sĩ đã đứng tuổi, đã trải qua những năm tháng đầy bí bách hoặc cay đắng với cuộc đời hát mới ra được “chất”. Nói một cách thực tế, đôi khi số đông cho hay có cảm giác rằng Bolero là di chứng của một thời mắc nợ bom đạn, để những giai khúc đó là những nỗi lòng thổn thức.

Top4ThanTUongBolero

Chia sẻ về vấn đề này, ca-nhạc sĩ Hoàng Bách cho biết: “Chúng ta đã mặc định Bolero đại diện cho thời kì bom đạn là hoàn toàn sai! Nói về nhạc lý thì Bolero là một loại beat tiết tấu lai tạo âm hưởng đường phố Việt Nam với Latin, điệu Bossa nova chậm. Nếu như người Mỹ tự hào Blues của họ là những tiếng nói của đường phố đầu tiên, của những người đại diện cho văn hoá Mỹ thì chúng ta có thể tự hào về Bolero là đại diện cho đời sống Việt Nam với những điệu hát mang âm hưởng chậm dãi thong thả, nỗi buồn Việt Nam, tình yêu xã hội. Tuy nhiên, vì trước khi đất nước thống nhất, dòng nhạc này phát triển khá rực rỡ nhưng về đề tài chiến tranh này cũng chỉ chiếm 20-30% và chúng ta phải gạt ra khỏi đầu quan niệm nhạc Bolero là nhắc lại thời bom đạn đau thương.”

Hoang Bach

Lý giải cho chuyện vì sao Bolero lại có sức sống như vậy, Hoàng Bách tiếp tục cho biết: “Cũng có một thời gian vì sự nhìn nhận không đúng nên có sự cấm đoán, nhưng chúng ta lại phải một lần nữa nói nó chính là hơi thở của đời sống bình dân Việt Nam, nó đã ăn sâu bám rễ nên vẫn vững bền, lan toả rất tự nhiên, dễ nghe, dễ thuộc, dễ hát với nhịp điệu thong thả, phù hợp cách sống cách suy nghĩ của Việt Nam. Sau khi đất nước thống nhất, chúng ta vẫn có những sáng tác mang hơi hướng Bolero như “Nhẫn có cho em”, “Sầu tím thiệp hồng” hoặc các sáng tác của Ngọc Sơn. Sự lên ngôi của nhạc Bolero bây giờ là tìm đúng về giá trị chúng ta bấy lâu nay.”.

ca-si-Ngoc-Son-va-cach-song-la-lung-3

Cùng quan điểm, ca - nhạc sĩ Ngọc Sơn cũng nhận định rằng chừng nào còn người Việt, còn nói tiếng Việt và còn ăn cơm, Bolero vẫn còn. Anh cũng khuyên nhủ các thế hệ trẻ cố gắng đừng để mất đi dòng nhạc này bởi nó là đại diện cho một tầng lớp chiếm số đông trong xã hội Việt.

Hát Bolero là để…kiếm tiền

Sự lên ngôi trong vài năm trở lại đây của dòng nhạc Bolero khi người người nhà nhà ra sản phẩm, đĩa nhạc với những ca khúc đã dấy lên những hoài nghi về một thế hệ nhạc sĩ trẻ yếu kém không thể sáng tác những ca khúc hay đủ để chiếm được cảm tình của khán thính giả và ca sĩ. Với nhận định chủ quan này, Hoàng Bách có một góc nhìn khác: “Nghệ sĩ hầu hết thiếu định hướng chất riêng của bản thân mình hoặc chưa đủ mạnh mẽ để có thể hát lên tiếng nói và bản chất của mình. Ai cũng muốn hát Bolero, đổ xô vào để kiếm tiền. Đó là câu chuyện của thời cuộc. Ai làm nghề này cũng biết thời của nghệ sĩ xuất hiện - lên đỉnh và thoái trào rất nhanh. Thế giới cũng đang chuyển động theo cách như vậy khi những gương mặt chưa kịp cũ đã có những nhân tố mới xuất hiện. Nó giống như cây ngắn ngày lên chưa kịp lớn để gặt hái. Thực tế là chúng ta có rất nhiều nhạc sĩ trẻ sáng tác rất tốt như Phạm Toàn Thắng, Lê Cát Trọng Lý, v.v… với những sáng tác hay có chất, có ý nghĩa nhưng trôi đi nhanh bởi tính thời cuộc như tôi nói ở trên. Tôi cũng là người từng chấm họ khi họ chập chững bước vào chuyên nghiệp, đã nhìn thấy chất và chỉ đợi các bạn toả sáng. Thực sự những bạn trẻ tài năng còn rất nhiều và chúng ta không cần quá bi quan về điều đó”.

Các HLV của cuộc thi "Thần tượng Bolero"

Ở một góc nhìn khác, ca sĩ Ngọc Sơn cũng cho biết anh vẫn đang âm thầm sáng tác rất nhiều ca khúc mang hơi hướng Bolero về các đề tài như tình yêu đất nước, tình yêu con người, tình yêu dành cho cha - mẹ, tình yêu đôi lứa. Tất cả những nhạc phẩm đó, Ngọc Sơn sẽ lần lượt giới thiệu đến với khán thính giả khắp nơi thông qua những chuyến biểu diễn của anh. Anh cũng tuyên bố rằng anh thích thú nếu như ai đó nói anh Sến bởi điều đó cho thấy tên tuổi của anh gắn với những người nghe như cô chú lao công, anh phu xe, người gác đường, v.v… Với Ngọc Sơn đó mới chính là khán giả trung thành và là “đại gia đình yêu quý”.

Suy cho cùng, lựa chọn là tự thân, cho dù là vì bạn yêu dòng nhạc đó, bạn thích nghe những ca khúc nổi tiếng một thời hay bạn muốn chọn nó hát để kiếm tiền dễ thì đó cũng là những quyết định đáng trân trọng và tôn trọng. Chẳng ai cấm người trẻ hát Bolero và việc gán ghép người trẻ hát dòng nhạc này là nhạt nhẽo, thiếu dư vị là một đánh giá hết sức cảm quan và thiên vị. Điều quan trọng là họ đang được làm điều họ thích, họ muốn và họ quyết liệt với lựa chọn của mình.

Sự đa dạng của một nền giải trí chẳng phải đến từ những lựa chọn khác nhau đó sao! 

Nhà báo Ngô Bá Lục: Nhiều người trẻ hát Bolero cũng rất “chất” đó chứ!

Nhận định chung về vấn đề này, nhà báo Ngô Bá Lục nêu quan điểm: “Tôi nghĩ Bolero hay bất cứ “dòng” nhạc nào đều có lượng khán giả riêng. Với tôi, từ năm 16 tuổi, cùng với nghe Lê Dung, Quang Thọ, Thanh Lam, Hồng Nhung, Ngọc Tân,… thì tôi cũng rất thích Thanh Hoa, Thu Hiền, Bảo Yến - Nhã Phương, Ngọc Sơn…Nghĩa là, tôi có thể nghe nhạc cổ điển, nhạc nhẹ, nhạc dân ca và nhạc…sến khi 16 tuổi. Và tôi tin, nhiều người cũng vậy. Tất nhiên, dòng nhạc nào thì cũng cần người hát phải có trải nghiệm, càng “sống” nhiều thì hát càng hay, càng sâu sắc. Và với ý đó, người trẻ hát thì thường sẽ kém “đằm thắm” hơn người lớn tuổi. Điều này không chỉ đối với âm nhạc bolero mà ngay cả nhạc nhẹ cũng vậy. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều người trẻ hát rất sâu sắc như Quang Đại ở cuộc thi “Nhân tố bí ẩn” mùa 1, Hương Tràm “Giọng hát Việt” mùa đầu tiên, Minh Như “Nhân tố bí ẩn 2016″,… và nhiều ca sỹ khác. Với “dòng” nhạc Bolero, hiện rất nhiều bạn trẻ yêu thích, theo đuổi và lựa chọn làm con đường ca hát cho mình. Ngay cả nhiều nghệ sỹ thành danh cũng thử sức với Bolero chứng tỏ nó thực sự có sức hút. Với giai điệu nhẹ nhàng, thường là man mác buồn cùng ca từ dân dã, giản dị, những ca khúc Bolero thực sự có đời sống rất sâu rộng trong lòng công chúng, vì thế, nó vẫn có sức sống khá mạnh trong đời sống hiện nay. Bởi vậy, việc nhiều ca sỹ trẻ chọn Bolero không hẳn là chạy theo mốt, mà đơn giản, họ tìm thấy chính mình và yêu mến “dòng” nhạc này, muốn được sống với niềm yêu thích cũng như tìm sự đồng cảm của khán giả qua những giai điệu ngọt ngào của Bolero.”

Chương trình Thần tượng Bolero dành riêng cho những ai yêu thích dòng nhạc này không phân biệt tuổi tác, cũng đang đi đến vòng cuối cùng để tìm ra giọng ca tài năng nhất. Đêm Chung kết với Top 4 Trung Quang, Cao Công Nghĩa, Đình Phước, Phương Anh sẽ được phát sóng trực tiếp trên VTV 3 vào 21h ngày 20/5 sắp tới.

>>> Xem thêm:

Bốn chiếc vé vào chung kết Thần tượng Bolero đã có chủ!

Ca - Nhạc sĩ Ngọc Sơn: ‘Đừng bao giờ để mất đi Bolero!’

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết

Được quan tâm

Tin mới nhất
Giới trẻ nghĩ gì về Yamaha Janus hoàn toàn mới, nâng cấp có xứng đáng?
Lee Hooyeon kể trải nghiệm thú vị khi cùng Wukong hẹn hò tại New World Phu Quoc