Giải Trí

Ngành công nghiệp Kpop: Khi con người trở thành cỗ máy

Grassie
Chia sẻ

Với ngoại hình trau chuốt của nghệ sĩ nam, thân hình mảnh dẻ của nghệ sĩ nữ, ngành công nghiệp Kpop là một hệ thống phức tạp được thiết kế tỉ mỉ để đưa âm nhạc Hàn Quốc ra toàn cầu.

Sự phổ biến của văn hóa pop Hàn Quốc đối với phần còn lại của thế giới đã không còn xa lạ. Đầu thập niên 20, truyền thông Trung Quốc tỏ ra choáng ngợp trước làn sóng Hàn Quốc đến từ phim truyền hình và các nhóm thần tượng xứ sở kim chi.

Thuật ngữ “làn sóng Hàn Quốc” được các phương tiện truyền thông trên khắp thế giới sử dụng rộng rãi kể từ đó.

Ngành công nghiệp mũi nhọn của Hàn Quốc

Theo báo cáo được công bố tạo Cơ quan Nội dung Sáng tạo Hàn Quốc hồi năm 2017, ngành công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc trị giá 5 tỷ USD.

“Kpop có sức mạnh giúp người hâm mộ muốn tìm hiểu thêm về âm nhạc, ngành công nghiệp và đất nước Hàn Quốc”, Jenna Gibson, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại ĐH Chicago, bình luận.

Năm 2004, hiệu ứng Hallyu và làn sóng Kpop đóng góp 1,87 tỷ USD vào GDP Hàn Quốc, chiếm tỷ lệ 0,2%. Từ đất nước có GDP 374 tỷ USD năm 1998, Hàn Quốc tăng trưởng GDP vượt bậc lên 1.619 nghìn tỷ USD sau tròn 2 thập kỷ.

Theo giáo sư Lee Dong Yeon thuộc Đại học Nghệ thuật Quốc gia Hàn Quốc, quy mô nhỏ của thị trường âm nhạc Hàn Quốc tạo động lực cho các công ty đào tạo thần tượng tìm kiếm lợi nhuận bên ngoài Hàn Quốc.

“Các sản phẩm âm nhạc của Hàn Quốc rất tốn kém và đòi hỏi số tiền đầu tư khổng lồ. Ngành công nghiệp này không thể tồn tại dựa trên lợi nhuận khu vực mà phải mở rộng ra bên ngoài để tự duy trì”, ông nói thêm.

Ông Lee cho rằng sức ảnh hưởng mạnh mẽ của Kpop là nhờ nỗ lực mở rộng và xuất khẩu của ngành công nghiệp này.

Chẳng hạn, nhiều nhóm nhạc Kpop phát hành phiên bản tiếng Hàn và tiếng Nhật cho sản phẩm của mình.

Trong khi đó, nhiều người đưa ra nguyên nhân khác cho sức ảnh hưởng mạnh mẽ của làn sóng Kpop. “Thần tượng Kpop rất nóng bỏng và quyến rũ. Tôi đang nói về cả hai giới. Các thần tượng nam có ngoại hình hấp dẫn, còn các thần tượng nữ nóng bỏng hơn người nổi tiếng ở Hong Kong”, Vivian Lam Pui-sze, một người hâm mộ của nhóm Girls’ Generation sống tại Hong Kong, bình luận.

Tuy nhiên, hai quan điểm này có mối tương quan với nhau. “Số tiền đầu tư khổng lồ” được ông Lee đề cập đến bao gồm việc đào tạo, trau chuốt hình ảnh cho các thần tượng.

“Các công ty lớn như JYP, SM và YG vừa là hãng thu âm, vừa là công ty giải trí, quản lý nghệ sỹ. Hệ thống này thường được gọi là ‘lò đào tạo thần tượng’”, ông Lee bình luận.

Thần tượng trở thành cỗ máy

Tại “lò đào tạo thần tượng”, các ngôi sao thường được đào tạo trong 3 đến 5 năm. Bên cạnh rèn luyện kỹ năng hát và nhảy, thần tượng Hàn Quốc còn được dạy ngoại ngữ, bị áp dụng chế độ ăn uống nghiêm ngặt và thậm chí bị bắt trải qua phẫu thuật thẩm mỹ.

Theo một báo cáo năm 2009 về ngành công nghiệp Kpop của người Mỹ gốc Hàn Edward Chun, các thực tập sinh thần tượng âm nhạc thường phải tuân theo lịch trình gian khổ mỗi ngày, bao gồm 2 giờ tập thể dục, 4 giờ học khiêu vũ và vũ đạo, 2 giờ đào tạo thanh nhạc và 3 giờ học ngôn ngữ.

Ngay cả ở Mỹ và Hong Kong, tài năng âm nhạc cũng không được trau chuốt và đào tạo bài bản như đối với các “cỗ máy Kpop”. Mỗi năm, 3 công ty lớn, JYP, SM và YG tổ chức những buổi thử giọng cho các ngôi sao Kpop tiềm năng, mỗi buổi thu hút đến 50.000 người trẻ Hàn Quốc.

SM Entertainment, công ty chủ quản của những tên tuổi mang tính biểu tượng như BoA, Shinhwa, Girls’ Generation, DBSK, có hẳn một trường đào tạo mang tên SM Academy.

Các thần tượng Kpop chính thức trở thành cỗ máy kiếm tiền cho công ty chủ quản sau khi “tốt nghiệp” và trở thành ngôi sao.

DBSK, nhóm nhạc có công mở đường cho làn sóng Hallyu sang Nhật Bản, tách làm hai sau khi 3 thành viên Kim Jae Joong, Kim Junsu, Park Yoochun, đứng lên kiện công ty chủ quản vì bản hợp đồng nô lệ.

Hãng tin Allkpop đăng tải hình ảnh của bản hợp đồng được Tòa án Tối cao Hàn Quốc công bố, theo đó, 5 thành viên chỉ nhận được 2% doanh thu từ việc bán album nếu bán được 50.000 bản đến 100.000 bản, 3% với 100.000 bản - 200.000 bản và 5% nếu bán từ 200.000 bản trở lên.

Theo nhà báo Frances Cha, các ngôi sao Kpop còn được dạy về cách hành động trước công chúng và bị cấm hẹn hò theo quy định trong hợp đồng, hoặc tối thiểu là phải hẹn hò bí mật. “Khi Jonghyun, thành viên của nhóm nhạc SHINee, bị một tờ báo tiết lộ chuyện có bạn gái, phản ứng của dư luận hết sức gay gắt và tiêu cực”, cô nhớ lại.

Nam ca sĩ đã tự tử vào tháng 12/2017.

Hôm 14/10, khán giả châu Á cũng bàng hoàng trước thông tin Choi Sulli, người được gọi là công chúa SM, qua đời ở tuổi 25. Nữ diễn viên, ca sĩ tự tử tại nhà riêng và bị nghi do căn bệnh trầm cảm trầm trọng.

Sulli bắt đầu đóng phim từ năm 11 tuổi và ra mắt với tư cách ca sĩ cùng nhóm nhạc f(x) năm 15 tuổi.

Và không thể phủ nhận, khi biến con người thành những cỗ máy hái ra tiền, ngành công nghiệp Kpop Hàn Quốc phải đối mặt với áp lực gia tăng ngay cả khi ngày càng phát triển.

Chia sẻ

Bài viết

Grassie

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất