Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Giải trí & TV Show

Nam Anh - Nam Em: Tuổi thơ nói chuyện với heo và nguyên nhân có tính cách 'khùng điên'

Dù có nhiều áp lực nhưng Nam Em - Nam Anh vẫn cố gắng tạo cho mình năng lượng tích cực để "đối đầu" với cuộc sống.

Là khách mời trong tập 6 “Thiếu niên nói”, cặp song sinh Nam Anh - Nam Em đã có những chia sẻ về việc bị mọi người so sánh đã vô tình đã tạo nên những áp lực đối với hai chị em. Và tham gia chương trình SAOVoice, cả hai đã chia sẻ rõ hơn về vấn đề này cũng như trải lòng về cuộc sống tuổi thơ cực khổ.

- Việc bị mọi người so sánh với nhau từ nhỏ cho đến hiện tại đã gây ảnh hưởng như thế nào về tâm lý cũng như cuộc sống thường ngày của hai chị em?

Nam Em: Ngày xưa, cả hai chỉ dám học chung đến cấp 3 vì tối ngày bị so sánh, từ việc bị điểm thấp hay làm bất cứ điều gì cũng bị so sánh, miệt thị cả đời. Nam Em tổn thương nhất là câu hỏi “Nam Em - Nam Chị ai đẹp gái hơn?” rồi ai cũng bảo mắt Nam Anh đẹp hơn Nam Em, mà Nam Em còn có làn da đen hơn.

Nam Anh: Nói về tổn thương thì Nam Anh có một khoảng thời gian mà khi nghĩ lại thấy ông trời cũng công bằng, ngày xưa Nam Em bị so sánh vì Nam Anh giỏi hơn khi học trường có điểm đầu vào cao hơn, nhưng mọi chuyện khác đi sau khi Nam Em thành công, lúc này mũi thị phi chuyển qua Nam Anh, mọi người nói soi mói về ngoại hình nói sao Nam Anh xấu hơn, đen hơn Nam Em.

Nam Anh - Nam Em: Tổn thương nặng nề khi so sánh ai đẹp hơn?

- Có một trường hợp so sánh cụ thể nào khiến mình bị tổn thương dẫn đến mặc cảm, tự ti?

Nam Em: Khi sinh ra có một người giống mình thật sự là điều may mắn, do xã hội tác động tiêu cực sẽ mang đến tổn thương và gây nên ám ảnh cưỡng chế khiến Nam Em ra đường mặc cảm với chính người chị của mình. Ngày xưa đi học, thầy cô vào nhìn vào sổ thấy có hai tên giống nhau, rồi đem hai chị em ra làm chủ đề so sánh trước lớp, việc này đã gây tổn thương rất nhiều, mặc dù là nói vui nhưng thà so sánh với người xa lạ còn hơn so sánh với chính người thân trong gia đình.

Nam Anh: Nói cho công bằng, cả hai không có quyền lựa chọn là chị em sinh đôi, tạo hóa ban cho hình hài giống nhau, rồi cùng ngày, cùng tháng, cùng năm, cùng huyết thống, nhiều khi Nam Anh rất muốn có một thế giới riêng, đừng có ai giống mình nhưng thật sự rất khó.

- Sự tương đồng và khác biệt giữa hai chị em trong tính cách là gì, cảm nhận như thế nào về “thần giao cách cảm” của những cặp sinh đôi?

Nam Em: Có một sự tương đồng là cơ địa hai chị em rất giống nhau, nên đứa này bệnh thì đứa kia cũng bệnh, đây cũng coi là điều may mắn khi những lúc bị bệnh thì Nam Em hay bị tiêu cực nhưng quay qua hỏi Nam Anh có sao không thì nhận được câu trả lời không sao hết lúc, đó cảm thấy an tâm hơn khi mình vẫn còn sống. Một điều đặc biệt, lúc hai đứa không có bồ thì tối ngày đi chơi chung, nhưng đứa kia mà có bồ thì đứa còn lại ngày mai phải đi kiếm bồ, không hiểu sao từ trước đến giờ đều như vậy.

Nam Anh: Nhiều khi hai cơ thể, tâm hồn giống nhau như một, có những lúc Nam Anh buồn nên nhắn tin hay gọi điện cho Nam Em thì đảm bảo Nam Em cũng đang có chuyện buồn, lạ lắm (cười).

- Cả hai đã vượt qua những áp lực về việc so sánh như thế nào để có thành công như ngày hôm nay?

Nam Em: Từ khi ý thức được việc có chị em sinh đôi và bản thân tối ngày bị miệt thị xấu hơn, đen hơn nên lúc nào cũng phấn đấu trong lòng, ai hỏi lớn lên ước mơ của con là gì thì luôn trả lời muốn được làm ca sĩ, diễn viên và nhận được thái độ cùng câu nói “cha mẹ mày như vậy thì mày cũng như vậy thôi, để tao chống mắt lên xem, tụi bây làm được trò trống gì”. Lúc đó, Nam Em chỉ biết cúi đầu lặng lẽ và âm thầm nuôi ước mơ trong lòng. Cái gì cũng vậy, cuộc sống phải có mục tiêu hướng đến và cố gắng thì sẽ đến được đích cuối cùng. Còn Nam Anh không như vậy, ngày hôm nay muốn làm bác sĩ, ngày mai lại muốn làm Quản trị kinh doanh, sau đó thì học Dược, rối lắm.

Nam Anh: Đây là tâm lý chung của mọi người, nhiều khi đam mê một cái gì đó nhưng nghe mọi người nói không an toàn thì bị suy nghĩ, mà Nam Anh thì thuộc típ người thích sự an toàn nên cứ đi tìm sự an toàn trước đã, sau đó mới biết được không có gì hạnh phúc bằng việc làm nghệ thuật, đó cũng là lý do tại sao Nam Anh vào nghệ thuật trễ hơn Nam Em. Và cũng nhờ Nam Em thì Nam Anh mới làm nghệ thuật, không thì giờ vẫn đang kiếm một cái nghề an toàn, kiếm hết cuộc đời cũng không thấy (cười).

Nam Em: Nếu ngay lúc đó, Nam Em không dứt áo ra đi thì giờ mỗi đứa tay xách nách mang một đứa con ở dưới quê, 18 tuổi có chồng, sự nghiệp không có, sống nhờ chồng. Làm phụ nữ phải độc lập về tài chính, phải để đàn ông tôn trọng không nhìn bằng ánh mắt dựa dẫm.

Nam Anh: Đa phần ở nông thôn đều có suy nghĩ con gái học cao rồi cũng về lấy chồng, đó là suy nghĩ sai lầm. Năm lớp 9, vì điều kiện gia đình cả hai chị em không được đi học tiếp phải năn nỉ để được đi học, sau đó học xong cấp ba thì tự ra ngoài và “bơi” cho đến ngày hôm nay. Nhiều khi thấy mình cũng liều nhưng nhờ vậy mới có ngày hôm nay, mặc dù ngày hôm nay vẫn là một bãi ê hề (cười)

Nam Anh - Nam Em tâm sự về tuổi thơ nói chuyện với heo

-Thời gian cả hai bị so sánh tạo nên những áp lực thì hai chị em có tâm sự cùng người thân hay âm thầm chịu đựng?

Nam Anh: Ngày xưa người thân nhất chính là bầy heo nên cả hai chị em toàn ra nói chuyện với heo, vì không có gia đình hạnh phúc trọn vẹn, đi đến trường toàn bị miệt thị, may mắn có một số ít bạn chơi với mình nên cũng đỡ khổ. Về nhà ngoài nói chuyện với bầy heo thì chơi với Nam Em, lâu lâu hai chị em cũng có đánh qua, đánh lại (cười).

Nam Em: Tiện đây xin giải thích lý hiện tượng khùng điên của Nam Em từ bấy lâu nay, đó là một quá trình hình thành và phát triển chứ không phải bùng phát một cách ngẫu nhiên, mọi người mới biết Nam Em nên thấy con nhỏ này nó điên quá, nhưng nếu mọi người hiểu về lịch sử, quá trình sinh sống của Nam Em thì chắc chắn sẽ thông cảm. Từ lúc 3 tuổi, ký ức đầu tiên là ba mẹ của mình đâu, sao mình lại ở trong kẹt giếng bị kiến cắn, cô đơn lạnh lẽo không một bóng người, mỗi ngày phải ra ngoài cửa ngóng chờ mẹ, cứ có chiếc xe máy nào dừng lại trước cổng thì cứ tưởng là mẹ, mỗi lần đi học cô giáo ra bài miêu tả về mẹ thì điểm rất thấp và còn bị chửi nhưng mọi người không hề biết là ký ức của Nam Em không hề có mẹ. Ký ức tiếp theo là gặp Nam Anh và biết là chị em song sinh của mình.

Có một điều là lúc nhỏ ở trong môi trường không may mắn nhưng Nam Em nghĩ cứ làm tốt việc rồi đi ngủ, hạnh phúc là được lên giường nằm ngủ thoải mái, chứ không nghĩ mình là đứa trẻ không may mắn. Sau này lớn lên nhận được nhiều giải thưởng rồi bắt đầu công chúng biết về Nam Em nhiều hơn, bản thân cũng biết nhiều về thế giới bên ngoài, tự nhiên Nam Em mới nhận ra mình bị thiếu may mắn, không bằng người ta nên Nam Em bị trầm cảm.

Nam Anh: Hai chị em là sản phẩm của gia đình không hạnh phúc, đến thời điểm hiện tại dù cố gắng đến mấy thì bên trong của Nam Anh - Nam Em không được đầy đặn, luôn bị thiếu thốn và tổn thương. Ngày xưa không biết tại sao mình sinh ra lại bị gia đình và xã hội miệt thị, luôn cố gắng tạo năng lượng tích cực, vui vẻ nên Nam Anh - Nam Em hình thành tính cách như vậy. Sau này lớn lên, ra đường mới biết nhiều người không hòa nhập được với mình. Nam Anh ngồi nghĩ lại mới nhận ra rằng, ngày xưa mình luôn cố gắng tạo năng lượng đi lên không được tụt xuống để bản thân luôn vui vẻ, nhưng giờ phải tập sống cân bằng với mọi người. Ở đây không phải là kể lể mà đang trình bày góc nhìn về cảm xúc, cũng không trách ai hay than khổ, nhưng đó là cảm xúc, sau này Nam Anh sẽ rút kinh nghiệm để con cái sẽ tốt hơn mình.

Nam Em và Nam Anh cũng chia sẻ: “Sinh đôi là một xác suất rất hiếm có để tạo nên hai cá thể giống nhau, Nam Anh và Nam Em là điều đặc biệt và muốn truyền thông đẹp mọi người hãy yêu thương bản thân, những người trong gia đình và đừng đem ra để so sánh, miệt thị, hãy cố gắng để tạo ra những điều tốt đẹp trong cuộc sống”.

Cám ơn Nam Anh - Nam Em về những chia sẻ, chúc hai chị em sẽ luôn vui vẻ, hạnh phúc và gặt hái được nhiều thành công trên con đường nghệ thuật.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Phi Long

Được quan tâm

Tin mới nhất