Nhưng, thực tế đang là như vậy!
Ai cho mày cởi?
Một câu hỏi mang tính dân gian, “văn nói” như trên đáng lẽ không nên xuất hiện trong một bài báo, nhưng sự thực là nó đang cần phải được đặt ra để hỏi một cách nghiêm túc với cả người làm quản lí và nghệ sĩ: Ai được phép cởi và cởi đến đâu?
Rõ ràng, nhu cầu “cởi quần áo” là một nhu cầu có thật. Bất chấp nó đến từ ham muốn nào, cho dù là nổi tiếng hay khoe cơ thể đẹp hay lưu giữ nét thanh xuân thì khỏa thân vẫn luôn là một nhu cầu bình dị mang tính bản năng nhất của con người. Không ai dám mạnh bạo thừa nhận, nhưng nếu có dịp, đóng cửa phòng lại, hoặc ở một cách rừng hoang vu, bờ biển (bảo sao các nhiếp ảnh gia thường rủ người mẫu “lên rừng xuống biển” thế) tiệt không bóng người, chỉ có vật vờ vài “con thú” là “con người” lập tức đua tranh bầy đàn, bộc lộ bản năng, trở về với mẹ thiên nhiên theo đúng hình hài được sinh ra.
Quay trở lại với Điều 3, Thông tư 01 của Bộ VH-TT-DL ban hành, sẽ có hiệu lực từ 15/5/2016 quy định: “Người biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang cũng như người đoạt danh hiệu tại cuộc thi người đẹp, người mẫu không được thực hiện việc “chụp ảnh, ghi hình hình ảnh cá nhân không có trang phục hoặc sử dụng trang phục, hóa trang phản cảm và vô ý hoặc cố ý phổ biến, lưu hành trên mạng viễn thông”.
Cũng theo Thông tư 01, chịu trách nhiệm kết luận, đánh giá tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi do người biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang này sẽ do hội đồng thẩm định thành lập theo Thông tư số 15/2013/TT-BVHTTDL. Hội đồng này sau đó sẽ đề nghị cơ quan có thẩm quyền áp dụng hình thức xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
Nếu xét một cách “bề mặt” nhất thì thông tư ra một quyết định rõ ràng: “Cấm không được cởi hết, còn cởi nửa vời thì … còn xét!”. Quả thực là vậy, cụm từ “không có trang phục hoặc sử dụng trang phục, hóa trang phản cảm” là rất chung chung. Lại một lần nữa, phải ngồi lại với nhau, ý là ê-kíp chụp hình và người mẫu hoặc ê-kíp quay phim, xem lay-out, story-board và quyết định (tự thân) rằng cái nào phản cảm nặng, cái nào nhẹ, cái nào phản cảm xíu xíu, cái nào không phản cảm rồi mới đưa ra quyết định có làm hay không. Nó giống như hồi đi học, luôn có thang điểm 1/2, 1/4 và 3/4, vậy nếu mang những quy định, thang điểm này ra áp dụng cho thông tư này thì xem chừng cũng khá hợp lý.
Nhưng quy chuẩn và mức độ đo như thế nào và đo từ đâu đến đâu lại chẳng thấy ai quy định rõ ràng. Ví dụ như cô người mẫu đó mặc đồ bơi thì sao nhỉ! Ai sẽ cầm thước đi đo và đo theo bảng biểu này!
Ôi, chỉ nghĩ thôi, người viết đã thấy xấu hổ rồi!
Cũng lại chuyện 1/4 và 3/4; còn nhớ vài năm trước, nữ ca sĩ Hồ Quỳnh Hương bị Sở VHTTDL TP. HCM phạt vì vụ hở 3/4 ngực và cô ca sĩ thì cãi hở có 1/2. Đấy, “nói có sách, mách có chứng”, tranh cãi sẽ nảy ra nếu có “kẽ hở” trong văn bản pháp quy. Ngạn ngữ xưa cũng dạy rằng: “Vẻ đẹp của người thiếu nữ không nằm trên đôi má hồng mà trong mắt của kẻ si tình”. Nếu thấy thích và yêu mến cái đẹp của cô gái chụp hình, quay phim thì có cởi hết vẫn là đẹp. Còn nếu không thích thì cho dù có hở bằng đầu tăm cũng là phản cảm. Khó thế đấy!
“Phản cảm” và “Thuần phong mỹ tục” luôn là những định lượng khó lường nhất trong giới showbiz này! Chả phải ngày trước Thu Minh - Mỹ Lệ - Thanh Bạch từng có định kiện một tạp chí vì gọi họ là “ăn mặc phản cảm” đó sao!
Người ta cởi được sao tôi thì không?
Lại thêm một câu hỏi dân gian nữa rồi, nhưng (lại nhưng), của đáng tội, nó sẽ là một câu hỏi được đặt ra giữa những người trong nghề với nhau. Câu hỏi thứ hai, sẽ là: “Người ta chụp được, tại sao tôi lại không?”.
Đấy khó trả lời lắm đấy, không phải vừa đâu!
Lúc này, chẳng nhẽ lại trả lời nhau: “Vì tôi đẹp hơn” và “Vì tôi chụp đẹp hơn!”.
Không, tuyệt đối không thể trả lời như thế được! Trả lời vậy khác gì “châm dầu vào lửa”: “Người ta cởi được thì tôi cũng cởi cho xem” hoặc “Người ta chụp được thì tôi cũng chụp cho xem”. Vậy là cả làng, cả tổng thi nhau cởi, tranh nhau chụp và đua nhau ghi hình.
Loạn. Thế thì loạn thật!
Đọc thông tư này chắc người lo nhất là Thái Phiên (nhiếp ảnh gia chuyên chụp nude) và Vũ Ngọc Đãng (đạo diễn có nhiều phim bắt diễn viên không mặc quần áo nhất). Còn diễn viên và người mẫu, và những ai được/bị/tự xưng là “nghệ sĩ” hoặc những người đã trong tư thế sẵn sàng tụt hoặc đã tụt thì khoan đã nhé! Nếu sẵn sàng thì thôi, dừng lại! Nếu đã tụt thì làm ơn kéo lên nếu không muốn bị phạt, nhé!
À thêm nữa, Facebook; E-mail và điện thoại có lẽ cũng không nên dùng nữa vì đó toàn là những công cụ quan trọng của người nổi tiếng dễ bị bẻ khóa, bị giật, bị trộm cắp. Nghệ sĩ thì luôn yêu cái đẹp nên đôi khi cũng yêu bản thân hơi thái quá! Ảnh mà đẹp cứ lưu lại trong máy lâu lâu mang ra ngắm và khoe. Còn mục đích ngắm hay khoe làm gì thì chịu. Chỉ người trong cuộc mới biết cũng như hiểu hành động đó sẽ thành công như thế nào, tất nhiên là khi không vướng phải thông tư trên!
Dự báo:
Trong nửa đầu quý 2 của năm 2016, số lượng ảnh nghệ thuật khỏa thân bảo vệ môi trường, bảo vệ thú, bảo vệ cây, bảo vệ nước, bảo vệ mây, bảo vệ cả không khí luôn sẽ tăng đáng kể so với cùng kỳ năm ngoài và một số năm trước đó. Lý do: 15/5/2016 là ngày mà Thông tư số 15/2013/TT-BVHTTDL có hiệu lực. Chỉ cần chụp, và chụp và tung ra trước ngày này là sẽ không bị đo, bị phạt và bị nhắc nhở kiểm điểm lẫn tịch thu thẻ hành nghề (nếu có).