Quyền chọn - 'Bảo vệ'
Vòng Giấu mặt luôn là màn chào sân ấn tượng nhất của The Voice, khi những gương mặt triển vọng lộ diện theo cách “không thể nào bí ẩn” hơn với khán giả và ban giám khảo. Có những tiết mục sẵn sàng giấu thí sinh trong lớp đèn hắt tối của sân khấu: Giọng hát là thứ duy nhất vang lên, để kết nối mọi người và thuyết phục các huấn luyện viên.
Phần thi của Đức Phúc vừa đường đường hiện diện trên sân khấu, nhưng đồng thời cũng “ngụy trang” thành công khi không ai biết rõ mặt cậu dưới ánh đèn hắt tối!
Chính sự bí ẩn và giá trị nhân văn của vòng loại đầu tiên này luôn khiến vòng Giấu mặt thu hút, khi không cần biết bạn là ai - đẹp, xấu như thế nào: Chỉ cần bạn hát hay thì cơ hội này là dành cho bạn!
Quyền chọn không mới, nhưng trở nên mới lạ và độc đáo là bởi sự tranh luận, “giành giật” của các huấn luyện viên. Những cuộc hội thoại giữa bốn chủ nhân chiếc ghế nóng luôn thu hút
Quyền loại - 'Sói”
Trừ vòng Giấu mặt, thì như bao cuộc thi khác, để chọn ra được những gương mặt xuất sắc nhất vào chung kết thì ở các huấn luyện viên phải liên tục thực hiện… quyền loại của mình.
Những ứng viên tốt nhất và… may mắn nhất sẽ được chạm tay vào chiếc vé vòng chung kết, đây cũng chính là lúc gây ra nhiều tranh cãi trong khán giả hâm mộ khi những gương mặt thí sinh được yêu thích đôi khi rơi vào vòng nguy hiểm, hoặc thậm chí bị loại.
The Voice trải qua bốn mùa thi, đến thời điểm này chứng kiến những sự lên ngôi thuyết phục, nhưng cũng có không ít những tiếc nuối cho các cái tên bị loại - khi họ cũng đã kịp thu về cho mình lượng khán giả riêng dõi theo và ủng hộ.
Ở những vòng phải đưa ra quyết định loại, các huấn luyện viên gặp không ít áp lực và căng thẳng, khi chính họ cũng phải rất phân vân để đưa ra lựa chọn cuối cùng. Là người lựa chọn và theo sát hướng dẫn các thí sinh, các giám khảo quyền lực cân nhắc thật cẩn trọng để hạn chế tối đa những “sai lầm”, đảm bảo kết quả cuối cùng thuyết phục và công bằng nhất.
Ngỡ mang quyền năng như “sói”, thế nhưng bên cạnh “quyền lực” luôn đi kèm áp lực - và trên ghế nóng của The Voice đình đám thì áp lực này không thuyên giảm, mà chỉ có càng tăng và kịch tính hơn khi đi đến những vòng cuối.
Quyền cứu - 'Phù thủy'
Quyền cứu trong The Voice và chức năng “phù thủy” thoạt đầu nghe có vẻ trái ngược, nhưng lại mang nhiều nét tương đồng. “Phù thủy” là người duy nhất sở hữu hai “lọ thuốc”: một để “cứu” và hai là lọ “giết”.
Tương tự trong The Voice, tại vòng Đối đầu là lúc đồng loạt xảy ra hai quyết định: Một huấn luyện viên chọn loại thí sinh, và một huấn luyện viên khác sẽ đưa ra lựa chọn sử dụng quyền cứu duy nhất của mình cho thí sinh vừa bị loại đấy.
Như trường hợp “cứu” nổi bật: Hồng Nhung chọn sử dụng quyền cứu duy nhất để đưa Vũ Cát Tường về đội mình, sau khi huấn luyện viên Đàm Vĩnh Hưng đưa Tường vào vòng nguy hiểm.
Quyền chặn - 'Pháp sư câm'
Nút chặn là “quyền năng” mới của các huấn luyện viên. Theo đó, bên cạnh nút chọn thí sinh, trên chiếc ghế quyền lực của các vị giám khảo sẽ thiết kế thêm 3 nút nhỏ để… chặn một huấn luyện viên khác trong việc tranh giành thí sinh tại vòng Giấu mặt. Và “quyền năng” này - tương tự như quyền cứu - chỉ được sử dụng một lần duy nhất.
Và điều “cay đắng” hơn cả là huấn luyện viên bị khóa sẽ không biết gì, cho đến khi bấm chọn và chiếc ghế của mình xoay lại thì mới hay mình đã bị chặn, không thể tham gia vào tranh luận hay “giành giật” thí sinh.
The Voice US mở đầu cho phiên bản “phũ” nhất đối với những người cầm cân nảy mực, khi đẩy họ sẽ ít nhất một lần rơi vào cảnh… ngơ ngác, đến khi xoay ghế lại mới phát hiện mình chỉ có thể… lặng im trước thí sinh mà mình ấn tượng và muốn chọn về đội.
Thế nhưng, luật này lại là “gia vị” hay ho trong “món ăn tinh thần” dành cho khán giả - khi góp phần làm mới vòng Giấu mặt, đẩy vòng chọn “blind audition” vốn đã gay cấn này trở nên kịch tính và cũng… hóm hỉnh hơn bao giờ hết.
Với những cải tiến không ngừng, nhằm mang đến màu sắc mới cho sân chơi đình đám này, The Voice luôn chiếm sóng sự yêu thích của dư luận mỗi đợt “tái xuất”: Cũng là điều dễ hiểu!