Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Giải trí & TV Show

'Khẩu chiến' Dương Cầm - Đỗ Hiếu: Tranh cãi vì quan điểm làm nghề 'vênh' nhau

TP.HCM và Hà Nội là hai trung tâm nghệ thuật lớn nhất cả nước. Mặc dù đều phát triển, nhưng ít nhiều vẫn có sự khác nhau về quan điểm làm nghề giữa các nghệ sĩ, dẫn đến nhiều cuộc tranh cãi "vô tiền khoáng hậu".

Cách làm nghệ thuật ở mỗi vùng miền đều ít nhiều có sự khác nhau, thể hiện rõ nét nhất ở hai trung tâm văn hóa - nghệ thuật lớn nhất cả nước: TP.HCM và Hà Nội. Nhắc đến Hà thành, người ta nhớ ngay đến một trong những cái nôi của nghệ thuật hàn lâm: Yếu tố chuyên môn được coi là chuẩn mực để nhận định giá trị của một sản phẩm. Khán giả khu vực này cũng “khó tính” hơn vì thế giới làm nghệ thuật thường coi trọng hàng đầu yếu tố về “chuyên môn”.

Ở showbiz Hà Nội, dễ dàng nhận thấy sự “cực đoan” trong âm nhạc ở nhiều nghệ sĩ, từ nhạc nhẹ như Thanh Lam, Tùng Dương, Khánh Linh, Minh Quân,… cho đến những ca sĩ ở dòng nhạc “chính thống” như Trọng Tấn, Việt Hoàn, Anh Thơ, Tấn Minh, Lan Anh,… Những nghệ sĩ này luôn coi sân khấu là “thánh đường” nghệ thuật, và mỗi khi bước vào đó, họ phải chuẩn bị kỹ càng ở tất cả mọi mặt.

Nhưng ở TP.HCM, nghệ thuật phát triển theo thiên hướng giải trí, không quá khắt khe chuyên môn, mở rộng được đối tượng khán giả, phục vụ được nhiều tầng lớp hơn nên sôi động và đầy hứa hẹn cho những ai muốn tìm kiếm danh tiếng và tiền bạc. Nghệ thuật ở đây nhiều khi được coi là một… ngành công nghiệp không khói - có thể không trọn vẹn bay bổng, mơ mộng, nhưng đầy cạnh tranh và kích thích sự phát triển của từng “chiến binh” tham gia vào “đường đua” Vbiz này.

Người Sài Gòn vốn dĩ “thoáng” trong việc tiếp nhận cái mới, nhanh nhạy trong việc tiếp cận các xu hướng giải trí quốc tế, guồng máy vận hành “ngành công nghiệp giải trí” cũng chuyên nghiệp và tiệm cận với xu hướng trên thế giới hơn.

Từ sự khác nhau này, cả Đỗ Hiếu và Dương Cầm trong cuộc tranh luận khá ầm ĩ vừa qua đều có lý lẽ riêng để bảo vệ “lát cắt” nghệ thuật mà mình đang theo đuổi. Họ đều đúng nhưng cũng… đều sai! Đúng vì những giải thích cho quan điểm của mình, sai là vì cố tìm đáp án chung cho hai cách làm nghề vốn rất khác nhau ở hai “vùng trũng” âm nhạc của cả nước. Từ việc gắng tìm đáp án chung đó dẫn đến những “va chạm” mạnh, thậm chí là những cuộc tranh cãi nảy lửa khi ai cũng cố chứng minh mình đúng.

Rõ ràng, không ai sai để mà phải đi chứng minh bản thân đúng, điều họ đang muốn khẳng định: quan điểm của mình là duy-nhất-đúng. Tuy nhiên, nghệ thuật không phải thế, không cần ai khoác lên đó những định nghĩa hạn hẹp. Nghệ sĩ - những người đang lao vào tranh cãi, quên nhận ra: họ có rất nhiều những điểm chung - cùng là nhạc sĩ, cùng có cái tôi lớn nên chẳng bất ngờ nếu bị “chạm tự ái” thì lập tức có “khẩu chiến”. Và nếu những quan điểm ấy, mang ra soi chiếu vào chính nơi họ đang làm âm nhạc, thì họ hoàn - toàn - đúng.

Nhìn Dương Cầm trong “tâm bão” hôm nay, nhớ lại Mỹ Linh của những lần đầu tiên tham gia gameshow truyền hình. Cô cũng đưa ra những nhận định thẳng thắn, khiến nhiều người… nhột nhạt. Nhưng có thể thấy, càng về sau, Mỹ Linh - vốn không phải nghệ sĩ quá khéo léo trước truyền thông, đã cẩn trọng và… mềm mỏng hơn, để tránh đi những thị phi không đáng có.

Thêm vào đó, Hà Trần - một diva khác cũng bắt đầu hát những thể loại nhạc khác, gần với thị hiếu và… tầm hiểu của khán giả đại chúng hơn, dù cũng va vấp ý kiến cho rằng: cô đang dần “thị trường” so với danh xưng diva! Nhưng Hà Trần không… cứng nhắc, cô sống với nghệ thuật với cái tôi lớn, cá tính mạnh và không ngại thể nghiệm ở tất cả thể loại mà cô thích: thế thôi!

Dương Cầm cũng thế, như lời Đỗ Hiếu mong muốn, sẽ đến lúc cảm nhận rõ điều gì nên nói, điều gì không, và quan trọng hơn là cởi mở hơn trong các nhận định của mình. Bởi lẽ, nếu tiếp tục “lên gân” thì chỉ mình anh mệt, những người liên quan khác được anh đề cập không ai… bỏ nghề chỉ vì một lời nói của anh cả!

Dương Cầm khác Đỗ Hiếu và nhiều nhạc sĩ hoạt động nghệ thuật tại TP Hồ Chí Minh không chỉ ở góc nhìn, quan điểm làm nghề, mà còn ở chỗ: anh ít xuất hiện trên truyền hình, báo chí hay tham gia các chương trình thực tế. Miền Nam là cái nôi và trung tâm của những loại hình giải trí, nổi bật trong đó là các gameshow - thu hút khán giả bởi sự chân thật, gay cấn, giúp họ có nhiều cơ hội theo dõi, ủng hộ và rút ngắn khoảng cách giữa khán giả và nghệ sĩ. Dương Cầm lần đầu tham gia chương trình, khó tránh khỏi những sự “lệch pha” và chưa bắt kịp nhịp độ: dễ phát ngôn thẳng thật mà chưa lường hết những ồn ào có thể xảy ra.

Tuy nhiên, khán giả cũng hoài nghi liệu đây lại là một “chiêu trò drama” của ban tổ chức, khoác lên Dương Cầm “vai ác”, gây tranh cãi để chương trình thu hút thêm khán giả, dư luận?!

Nghệ thuật là vô tận, mỗi nghệ sĩ đến để cống hiến và hưởng thụ theo cách của riêng mình. Chính sự vô tận làm nên hình hài của nghệ thuật, cảm xúc thì đâu cần khoác lên đó những định nghĩa hạn hẹp để trói buộc những vô cùng, kỳ diệu này vào tầm cảm thụ, hiểu biết hạn hẹp của mỗi người.

Như tình yêu, không ai định nghĩa được, nhưng ai cũng khao khát tìm thấy và tận hưởng. Là bởi vì mỗi người sẽ có đáp án riêng - không cần giống nhau, không cần ai cho phép để bản thân hạnh phúc. Nghệ thuật cũng như thế, với mỗi nghệ sĩ lại mang hình hài khác nhau. Là biển, là rừng, là bầu trời: mênh mông, vô cùng tận - mà mỗi cá nhân đều đến để góp màu sắc riêng vào bức tranh tổng thể, là một ngôi sao lấp lánh giữa bạt ngàn thiên hà. Chứ không ai là duy nhất, tất cả để phải tranh giành hay “trù dập” nhau.

Những góp ý, phê bình là cần thiết, chỉ là cả người nói lẫn người nghe đều cần một cái đầu cởi mở, để đóng góp cho nhau, hơn là “triệt tiêu”, “trù dập” quan điểm của đối phương. Bởi vì, mục đích cuối cùng của những ý kiến xây dựng đều là cống hiến và khao khát làm cho nghệ thuật, môi trường hoạt động và các sản phẩm ngày càng chất lượng hơn.

Câu chuyện ồn ào lần này có lẽ mang đến cho Dương Cầm nhiều bài học, mà dẫu có chọn thay đổi hay không thì cũng đến lúc, khán giả sẽ lãng quên, để “nhảy sang” chuyện thị phi khác trong showbiz. Còn muốn tiếp tục được-nhớ-đến thì vẫn phụ thuộc vào điều cốt lõi: sản phẩm của họ - những nhạc sĩ, nhà sản xuất trẻ, tài năng của làng nhạc Việt. Không cần quá nhiều tranh cãi, âm nhạc là thước đo duy nhất, nếu thực sự cần… phân định thắng - thua!

Ngược lại, phía Miu Lê và Đỗ Hiếu, chắc chắn sau những giây phút khó chịu bởi những nhận xét quá thẳng thắn, quá “mất lòng” của Dương Cầm, họ cũng sẽ ít nhiều nhìn lại bản thân, bởi suy cho cùng, không ai là hoàn hảo. Có thể lời nói của Dương Cầm ngay lúc ấy, với những ngôn ngữ được sử dụng mang nhiều tính “sát thương” hơn là góp ý, nhưng nhìn ở khía cạnh tích cực, anh hoàn toàn có lý, bởi xét cho cùng, bất kỳ ai làm nghệ thuật, và hoạt động ở bất kỳ miền đất nào, thì nó vẫn có những quy tắc chung về yếu tố “chuyên môn” mà mỗi nghệ sĩ muốn hoạt động chuyên nghiệp lâu dài bắt buộc phải đạt được những tiêu chí đó.

Thực ra, showbiz Sài thành vẫn có những nghệ sĩ vốn dung hoà được hai yếu tố “chuyên môn” và “giải trí” như Ngọc Sơn, Quang Linh, Cẩm Ly, Lệ Quyên,… (dòng nhạc trữ tình, bolero), hay như Hồng Nhung, Thu Minh, Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm, Hiền Thục, Hồ Quỳnh Hương, Quang Dũng,…(nhạc nhẹ). Họ là những ngôi sao thực thụ và là hình mẫu cho thế hệ trẻ học tập.

Dù ở môi trường nào thì một ca sĩ cũng cần phải đảm bảo yếu tố chuyên môn và giải trí, để vừa đảm bảo giá trị nghệ thuật vừa chạm vào cảm xúc và đáp ứng yêu cầu thưởng thức của tất cả các đối tượng khán giả - đó mới là những nghệ sĩ đích thực và chắc chắn sẽ có sức sống bền lâu trong lòng công chúng.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Ái Kỳ

Được quan tâm

Tin mới nhất