Giải Trí

Jonghyun hay Jay Park: Ai nấy đều rất sợ cái gọi là 'unhappiness'

Ái Kỳ
Chia sẻ

Trước cái chết của Jonghyun, đã có lần một thần tượng khác - Jay Park cũng lựa chọn từ khóa "unhappiness" để nói về nỗi sợ lớn nhất đời mình trong chương trình gần đây. Trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng không phải tự nhiên: khi các thần tượng đều có chung nỗi ám ảnh như thế!

Càng hướng ngoại, là lại càng hướng nội: càng đông, là lại càng trống không. Đứng giữa hàng triệu fan như thế, dưới sân khấu rực rỡ ánh đèn, vậy mà họ - những thần tượng của thanh xuân bao người, lại cô độc trong tuổi trẻ của chính mình.

“Làm mẹ và chị gái của tôi sống vui vẻ là mục tiêu hàng đầu trong cuộc sống của tôi. Một năm trước, tôi đã khóc và uống say khi về nhà, tôi hỏi họ liệu có đang sống vui vẻ không. Tôi đánh thức họ dậy và cả hai đều trả lời tôi rằng: họ hạnh phúc. Tôi bảo rằng, tôi cũng vậy. Nhưng sự thật là, tôi ganh tị với họ, vì tôi đang không hề hạnh phúc giống như họ. Tôi bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về việc tôi nên làm gì để được vui vẻ. Tôi nghĩ: tôi cần được hạnh phúc, phải hạnh phúc và sẽ hạnh phúc!”

Đó là những chia sẻ của Jonghyun trong một buổi phỏng vấn, thể hiện ám ảnh cao độ của chàng ca sĩ trẻ với việc được tìm thấy hạnh phúc. Câu trả lời phản ánh nỗi bất an và cả bất lực vì điều giản đơn trong cuộc sống - được vui vẻ, Jonghyun cũng không thể chạm đến. Như trong lá thư tuyệt mệnh, đã rất nhiều lần Jonghyun so sánh với những người khốn khổ hơn mình, để rồi nhận ra: chính mình mới là kẻ cô độc nhất, không được lắng nghe bởi bất kỳ ai và mọi lỗi lầm đều là do mình.

Xuất phát từ những mặc cảm ngỡ rằng chẳng thể nào xảy ra với một người nổi tiếng - vốn luôn là giấc mộng của hàng nghìn người, sự ám ảnh trở nên bế tắc hơn bao giờ hết khi đứng dưới áp lực phải luôn giữ mình thành công, tốt đẹp trong mắt của mọi người.

Jay Park - trong đêm chung kết của Asia's Got Talent, trong phần hỗ trợ bài thi của thí sinh Quán quân, cũng từng chọn “unhappiness” là đáp án cho câu hỏi: Nỗi sợ lớn nhất đời bạn là gì? Và rất nhiều thần tượng khác cũng từng thừa nhận mình không ít lần nghĩ đến việc tự tử vì cô đơn, vì những áp lực quá lớn từ công chúng và những người liên quan.

Jay Park từng chia sẻ nỗi sợ lớn nhất của mình là “unhappiness” - không hạnh phúc tại đêm chung kết Asia's Got Talent.

Thế mới thấy: nghệ sĩ, họ có thể mang lời ca tiếng hát, những giá trị nghệ thuật để làm vui cuộc đời, vui mọi người, nhưng không thể ủi an và vỗ về được chính mình. Cứ càng đứng dưới ánh đèn sân khấu, ngập tràn trong những tiếng vỗ tay của bao nhiêu người, là lại càng cô độc và không được nhìn thấy, hiểu thấu!

Ở Hàn Quốc, trở thành thần tượng là một giấc mơ phổ biến đến mức người ta đặt nó là một trong hai lựa chọn thiết yếu, gồm: nộp đơn vào các công ty giải trí hay… đi thi đại học. Điều đó thể hiện khát vọng làm thần tượng được “tiêm nhiễm” vào mọi đứa trẻ từ khi còn rất nhỏ. Thật khó để khước từ khao khát chính đáng này khi trước mắt họ là Kpop màu mỡ nhất nhì thế giới, các ngôi sao đều sáng choang, đẹp đẽ, đều là người có tiền tài, địa vị quan trọng trong xã hội vốn rất trọng lễ nghĩa, thứ bậc. Vì thế, cược gì không dám chứ cược để trở thành thần tượng thì nhất-định-phải-làm, khi có cơ hội!

Để trở thành một mắt xích trong guồng máy Kpop, các thần tượng đều phải trải qua quá trình thực tập dài đằng đẵng, dao động từ 2 - 7 năm, thậm chí có người còn lên đến 10 năm. Tuy nhiên, trong dãy hàng dài thí sinh trước tòa nhà của các công ty giải trí cho các buổi audition hàng ngày, rồi hàng năm, chục nghìn người đó chỉ có vài trăm người được chọn. Trong vài trăm thực tập sinh, đặt cược tuổi trẻ mình trong những lò đào tạo, chỉ có mong manh lắm vài khuôn mặt may mắn được debut - ra mắt công chúng. Số còn lại ra về, tan vỡ giấc mộng thần tượng và tay trắng lao đao giữa cuộc đời mà mọi cánh cửa đều mù mịt, và chính mình trở thành kẻ lỡ làng trong mọi lựa chọn khác.

Hàng ngàn người trẻ trễ chuyến đò cuộc đời mình sau khi dấn thân thất bại vào showbiz, những tưởng người được chọn là kẻ chiến thắng và hạnh phúc sau cùng. Nhưng không phải! Không ai thấu rằng, chính những kẻ ngỡ được chọn ấy lại chỉ vừa đẩy mình sang một bước ngoặt lớn lao mới - nơi trận chiến bắt đầu, giữa lựa chọn quay về là người thường hay trở thành giấc mộng của trăm nghìn fan.

Và hiếm ai khước từ được ánh đèn mê hoặc của tiền tài, danh vọng, nên chuyện chọn vế hai là lựa chọn dễ hiểu và… phổ biến! Vì thế, họ buộc phải chấp nhận luật chơi và chịu đựng “hình phạt” khi phạm lỗi. Mà lỗi của thần tượng thì cũng phải… khác với người thường, rằng: hẹn hò ai là cái tội, xấu là trọng tội, phẫu thuật thẩm mỹ là sai trái, lên cân là phạm lỗi, gầy cũng sai, mà tròn béo cũng không vừa lòng được dư luận… sống giữa showbiz Hàn, không có chuẩn mực nào khác vượt qua nổi chủ nghĩa chỉ trích của netizen. Netizen là “chân lý”, những phản hồi đa chiều của họ phải được nghệ sĩ chú tâm mà thay đổi, bằng không các idol sẽ “chết chìm” trong “nước bọt chỉ trích” kiên trì rỉ rả từ ngày này qua ngày khác. Hành trình gian truân từ khi bắt đầu cho đến ngày tỏa sáng, chưa bao giờ trải thảm hoa hồng, mà đầy rẫy những thăng trầm khó bề chia sẻ được khi đứng trước mặt antifan thì phải luôn hoàn hảo, mà đứng trước fan càng phải luôn “không tỳ vết”.

Vì thế, như câu “người giàu cũng khóc” - nghệ sĩ dẫu có đủ đầy tiền tài, danh vọng, địa vị, vẫn không tìm thấy được niềm vui trên hành trình chưa một giây phút ngơi bớt đi những khắc nghiệt, khốc liệt! Và hạnh phúc, hóa ra là điều thật xa xỉ!

Chia sẻ

Bài viết

Ái Kỳ

Thiết kế

Yến Võ - Hà Thu

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất