Hứa Vĩ Văn: 'Ngoài tài năng, người nghệ sĩ cần có sự chịu đựng, hy sinh rất lớn'

Có mặt trên chuyến xe của SAOstar Quá Giang tuần này, Hứa Vĩ Văn đã có những chia sẻ chân thực về quá trình thực hiện bộ phim Nghề Siêu Dễ cũng như chuyện đời, chuyện nghề.

Bài viết Xuân Kỳ
Chia sẻ

Hứa Vĩ Văn là nam diễn viên được mệnh danh “soái ca” màn ảnh Việt và được khán giả yêu thích qua hàng loạt bộ phim trên màn ảnh rộng. Sở hữu năng khiếu nghệ thuật bẩm sinh, ngoại hình điển trai, nam diễn viên đã chinh phục trái tim khán giả với nhiều vai diễn đa dạng, giàu cảm xúc.

Mới đây nhất, Hứa Vĩ Văn tiếp tục gây bất ngờ khi xuất hiện trong dự án hài, hành động Nghề Siêu Dễ. Trong lần xuất hiện này, nam diễn viên đã có màn chuyển mình đầy mới mẻ, để lại nhiều ấn tượng với khán giả.

Có mặt trên chuyến xe của SAOstar Quá Giang tuần này, Hứa Vĩ Văn đã có những chia sẻ chân thực về quá trình thực hiện dự án cũng như chuyện đời, chuyện nghề.

 - Xin chào anh Hứa Vĩ Văn, vai diễn trong bộ phim Nghề Siêu Dễ có điểm gì đặc biệt để anh nhận lời tham gia?

Văn nhận được kịch bản này từ cuộc gọi của Thu Trang. Lúc đó, Thu Trang gọi điện cho tôi và nói: “Em có một vai nhỏ nhờ anh đóng”. Tôi cứ nghĩ là chắc là vai nhỏ. Nhưng sau khi đọc kịch bản và phát hiện ra đây là vai chính của bộ phim Nghề Siêu Dễ được remake từ bộ phim Nghề Siêu Khó của Hàn Quốc nên tôi nhận lời, bởi Nghề Siêu Khó của Hàn Quốc có kịch bản rất hay. Và vai đội trưởng cũng rất tuyệt vời.

- Vai của nhân vật Hứa Vĩ Văn đóng có rất nhiều cảnh hành động, anh đã luyện tập nó như thế nào và mất bao nhiêu thời gian?

Khi nhận lời tham gia và đọc kịch bản, tôi cũng đã thấy những vai hành động trong đó, nhưng tôi nghĩ chắc là không đến nỗi. Tôi cũng chỉ ở mức suy nghĩ thôi chứ không hình dung được, sau đó mình cũng tập võ, cũng cùng với ê-kíp mất 3 tháng để luyện tập. 

Việc tập cũng thấy mệt, nhưng sau khi tham gia dự án đến những cảnh võ thì thật sự cũng có nhiều cái bất ngờ. Lần đầu tiên, tôi tham gia một bộ phim hành động như vậy, có những cái tôi không thể lường trước được ví dụ như việc chấn thương. 

Chấn thương thì không ai muốn, khi chấp nhận tham gia dự án, tôi cũng đã chấp nhận những rủi ro. Mặc dù có những vết thương rất đau nhưng tôi vẫn cố gắng để làm tiếp thôi chứ không có cách nào khác hết.

- Trong họp báo ra mắt phim, SAOstar có nghe chia sẻ anh Văn suýt bị gãy mũi?

Tôi gặp chấn thương 3 lần, đầu tiên là ở cảnh tông vào xe tải đầu phim. Lúc đó, tay của tôi va vào xe tải đến bây giờ vết thương vẫn còn sẹo. Sau đó cùng ngày, tới cảnh tôi lao lên xe máy để giữ tên cướp lại. Lúc đang đánh thì cả 2 bị ngã xuống đất, xe máy cũng bị ngã theo, rồi tôi bị đập đầu xuống đất luôn thế là chấn thương một lần nữa. Lúc đó, Văn còn cảm thấy chưa được hoàn hồn lại. 

Cảm giác lần đầu tiên tham gia phim hành động và bị chấn thương lạ lắm vì không thể nào tưởng tượng được mình sẽ bị như vậy. Nhưng khi bị chấn thương, Văn phải chấp nhận mặc dù nó rất đau.

Cảnh thứ 3 là cảnh oneshot - cảnh quan trọng nhất trong phim. Khi đó, cả dàn diễn viên phải đánh cùng lúc khoảng một trăm người. Quay oneshot khó lắm vì chỉ cần một người sai là bị ăn đòn liền. Mình là người duy nhất trong một trăm người đó bị ăn đòn, bị đập nguyên cái mặt và cái mũi. 

Khi đó, cả đoàn phim im lặng trong 30 phút vì không biết tôi sẽ như thế nào, máu đầy mặt và cảm giác mũi mình như muốn rớt ra. Lúc đó mọi người cứ loay hoay lo cho tôi do trời cũng khuya, gần hơn 2, 3 giờ sáng. Sau đó, tôi mới nói là bây giờ mình ráng chịu đau rồi ngày mai coi như thế nào rồi tính tiếp. Thật ra cảnh đó, tôi phải hóa trang bị thương nhưng mà bị thương thật khỏi cần hoá trang. 

Cảnh nguy hiểm nhất có thể gọi là sinh tử, là những cảnh Văn nhảy qua xe tải và bị Tiến Luật đẩy xuống biển. Mọi người trong ê-kíp họ rất lo, vì cảnh biển phải quay ở ngoài xa chứ không phải ở trong bờ. Trong khi xô xuống biển thì không có gì để đảm bảo an toàn, quay cảnh biển đêm nữa nên lúc đó tôi chỉ biết cầu nguyện thôi. Mình lo là khi rớt xuống biển sẽ không ai tìm thấy mình nữa, sẽ không ngóc đầu lên nổi mà lặn xuống luôn thì cũng mệt, nhưng chắc ông bà phù hộ nên đã vượt qua.

- Động lực nào để anh vượt qua những cảnh nguy hiểm như vậy?

Đây là vai diễn hành động đầu tiên trong sự nghiệp của tôi ở tuổi 44. Văn nghĩ mình đã không có quá nhiều cơ hội trong tương lai và kể cả trước đây thì không có lí do gì mình không thử. 

Việc thử ở đây, Văn cảm thấy rất liều, vì không biết 5 năm nữa mình có đóng được phim hành động không. Tuổi tôi cũng đã lớn nên cơ hội đến mình chấp nhận thôi. 

- Anh có nghĩ mình sẽ chuyển hướng đóng phim hành động luôn không?

Tôi không nghĩ đó là một kế hoạch để tôi chuyển mình hay là thay đổi bản thân. Mà đó là một cơ hội nhỏ để Văn cho mọi người thấy mình có khả năng tham gia nhiều vai diễn chứ không bị đóng khung. 

Bản thân Văn nghĩ khi làm diễn viên mình không muốn bản thân bị đóng khung vào một thể loại phim, một hình ảnh nào đó mà muốn làm được nhiều thứ hơn nữa. 

- Hứa Vĩ Văn đã đọc những bình luận của khán giả trên các bài review phim chưa?

Trước khi phim chưa ra mắt, Văn cũng đã đọc và thấy mọi thứ như một vòng lặp của các bộ phim remake. Mọi người thường bình luận như ghét các phim remake, suốt ngày remake hoài, suốt ngày làm lại phim hoài không có tư duy sáng tạo này nọ. Nhưng đối với những tác phẩm remake mà Văn tham gia ví dụ như Em Là Bà Nội Của Anh, Tiệc Trăng Máu thì tất cả phim điều đạt được sự công nhận của giới chuyên môn, báo chí cũng như được khán giả yêu mến. 

Đến Nghề Siêu Dễ cũng gặp tình huống tương tự nên Văn cũng không có gì bất ngờ. Khi bộ phim ra mắt, tôi cứ nói là mình sẽ chinh phục khán giả lại từ đầu.

Kể từ khi phim ra mắt tính tới nay, ngoài giới chuyên môn và một số khán giả xem thì tôi có đọc một số bình luận về vai chú Thái. Họ cho rằng vai chú Thái không đủ đong đầy ở đoạn đầu để thuyết phục khán giả là tại sao chú ấy mong muốn mở quán này để theo dõi nhóm bất động sản bên kia. Và vì sao chú không đủ sức để kêu gọi nhóm này vào nhóm kia (băng phá đám) để vào làm cùng mình. 

Điều khán giả nhận định là đúng, vì thực chất kịch bản lúc quay có đầy đủ hết những yếu tố nhưng do dung lượng lên sóng chỉ có 130 phút nên nhà sản xuất phải chấp nhận cắt bỏ những đoạn đó để giữ lại những đoạn hài. 

- Khi nhận lời tham gia bộ phim này, Hứa Vĩ Văn có nghĩ anh bị lép vế so với dàn cast hay không?

Vai chú Thái là tuyến chính kịch và được cộng hưởng vai bé Thanh Mỹ giữ tuyến bi của phim - cái sườn của phim. Trách nhiệm của tôi là phải giữ nó, còn bên tuyến Kiều Minh Tuấn, Thu Trang và Huỳnh Phương, họ không phải là tuyến chính kịch. Do đó, tôi chỉ có thể làm đúng tuyến của mình thôi. 

Tôi có đọc bình luận bên một trang báo, họ nhận định thế này: “Vai chú Thái  mờ nhạt trước những sự hài hước của tuyến Thu Trang, Kiều Minh Tuấn và Huỳnh Phương”. Nhận định này có lẽ người viết đó thích bộ phim, vì họ thấy hài quá, vui quá nên cũng quên đi vai chú Thái. Thật ra vai đó không phải tuyến hài, chú Thái chỉ có thể tương tác chứ không phải chủ chốt hài, việc nhận định đó không đúng. 

- Hứa Vĩ Văn tham gia liên tục các bộ phim remake, anh có nghĩ mình đang quá an toàn không?

Bạn hỏi câu này đúng, thật sự tôi không chối bỏ nó, giống như việc mọi người có ác cảm về phim remake. Số lượng các phim remake hằng năm chỉ chiếm 5% có nghĩa là nó không nhiều. 95% còn lại là phim Việt Nam kịch bản gốc không remake. Có lẽ, việc phim được remake quá thành công nên mọi người ấn tượng mạnh về nó. 

Bên cạnh đó, khi làm kịch bản remake mình cũng mua bản quyền chứ không phải muốn làm là làm và không phải kịch bản phim remake nào cũng mua về. Tôi cũng không muốn mình tham gia quá nhiều phim remake nhưng nếu sau này thật sự có một kịch bản tốt thì chắc chắn sẽ tham gia. vấn đề ở đây là ở khâu kịch bản Việt Nam có nhiều yếu tố chưa ổn. Nếu có kịch bản ổn và phù hợp thì đâu cần phải tham gia remake để làm gì.

- Anh nghĩ điểm chưa ổn đó nằm ở điểm nào?

Bản thân tôi cảm nhận rõ ràng nhất luôn là tư duy. Thật ra tư duy của người biên kịch quan trọng lắm, họ phải đời, phải trải nghiệm thật nhiều thứ, chứ không thể nào là một nhà văn lãng mạn hoặc suy nghĩ của cá nhân. Có nhiều kịch bản đọc vào chỉ thấy 10 nhân vật hầu như là 1 suy nghĩ của tác giả, không thấy được sự khác nhau về tính cách. 

Tại sao kịch bản của Hàn Quốc, Mỹ rất tốt? Tại vì hầu như họ có khoảng gần 100 người cùng làm một kịch bản, để góp ý làm sao cho tốt nhất chứ không phải 1 người. Chúng ta đang thiếu một đội ngũ kịch bản tốt.

- Nếu nói như vậy, anh Văn là một người khó trong việc chọn kịch bản để tham gia?

Tôi nghĩ điều này là đúng, không thể trách được tại sao mình khó bởi vì mình đã có sự quý mến của khán giả. Những tác phẩm của tôi đã được công nhận rồi thành ra không muốn đánh mất đi điều đó. 

Lấy được lòng khán giả, được khán giả yêu mến khó lắm. Đã trải qua bao nhiêu thời gian để được sự yêu mến đó, nếu mình tham gia một bộ phim dở sẽ mất đi khán giả. Điều đó tôi không bao giờ mong muốn. Ngoài kịch bản ra tôi còn xem xét ê-kíp nữa, xem ê-kíp đó có làm tốt hay không, dự án đó có thật sự chỉn chu hay không mình mới quyết định tham gia, vừa chọn việc mà vừa chọn người.

- Mỗi lần anh nhận một kịch bản mới có lẽ sẽ nhận phải áp lực?

Tôi không sợ mình đóng phim đó có hay không, mà áp lực ở đây là có vượt qua những cái mà mình từng làm hay không. Thật ra, mỗi lần mình leo lên một ngọn núi, là mình phải leo cái núi khác. Không thể nào cứ đứng trên cái đỉnh núi đó hoài được, mình phải đi xuống hoặc qua một cái núi khác. 

Một năm tôi đóng có một phim, nhưng có lẽ là phim của Văn ấn tượng và cũng được yêu mến nên thành ra khán giả nhớ. K

May mắn của tôi là bây giờ là đang ở một cái thế là có thể được lựa chọn, chứ thường các bạn diễn viên trẻ có dự án là họ đã vui rồi. Nhưng Văn nghĩ, các bạn trẻ nên có thời gian để trải nghiệm, rút ra kinh nghiệm để sau này có thể làm việc tốt hơn trên con đường mình lựa chọn. 

- Thường thì các diễn viên tham gia phim lâu năm sẽ chuyển sang sản xuất, anh Hứa Vĩ Văn có dự định đó không?

Thật ra lứa ở tuổi của Văn thì ai cũng đều làm nhà sản xuất cả rồi. Văn cũng đã thành lập công ty và hoạt động được 3 năm. Chỉ có điều Văn không đứng ra sản xuất, tuy nhiên vẫn có phim, công việc mình can thiệp vào. 

Mặc dù không đứng ra sản xuất nhưng sự góp ý của Văn cũng giúp ích khá nhiều cho sản phẩm đó. Trong tương lai, Văn hi vọng nếu đủ điều kiện thì sẽ tiến hành sản xuất một dự án cho riêng mình. Nhưng hiện tại thì Văn vẫn chưa đủ lực và chưa đủ tài chính cho dự định đó. 

- Chưa đủ lực của anh Văn là như thế nào?

Khi sản xuất nó sẽ mang tính teamwork rất nhiều. Để một dự án có thể sản xuất mình phải thuyết phục rất nhiều người đi cùng. Văn thấy hiện tại mọi người cũng đang muốn Văn ở vị trí diễn viên hơn, vậy thì mình cứ làm tốt vị trí này trước đã. 

Thật ra trong giới cũng đã có ý ngỏ lời mời Văn làm sản xuất dự án này nọ nhưng mình phải xem xét, không phải cái nào mình cũng nhào vô làm. Giống như khi diễn viên mình nhận lời đóng một bộ phim thôi, phải xem coi dự án đó có tốt hay không thì mình mới làm.

- Vì sao bây giờ ít thấy anh Văn đóng phim truyền hình hơn, có phải do đã quen với việc đóng phim điện ảnh?

Tôi đã không đóng phim truyền hình cách đây hơn 10 năm, nên khi lấn sân sang điện ảnh cũng ngưng việc nhận phim dài tập luôn. Đó là do quyết định, hướng đi mới của mình. 

Văn cảm thấy phim truyền hình không đủ để tôi bộc lộ cảm xúc. Thêm vào đó, Văn cũng quen đóng phim điện ảnh nên khá khó để quay lại đóng truyền hình. 

Chi phí làm phim truyền hình tại Việt Nam bây giờ cũng khá thấp, Văn nghĩ nó sẽ không đạt được những hiệu quả bản thân mong muốn. Văn muốn có được số tiền lớn để nếu có thể làm 10 bộ phim truyền hình thì gộp lại thành 1 bộ thôi, như vậy phim làm ra sẽ tốt hơn, chỉn chu hơn. 

Hiện tại, tôi biết có nhiều đồng nghiệp rất cực khi tham gia đóng phim truyền hình, không chỉ chi phí thấp mà tiền thù lao của 10 năm nay đến giờ vẫn chưa thay đổi. Chưa hết, họ phải tự chuẩn bị về phục trang và rất nhiều thứ khác. Còn khi đóng phim điện ảnh, họ có bộ phận chăm sóc diễn viên, sẽ lo phục trang, đạo cụ… cho nên cũng khó để tôi có thể quay về lắm. Nhưng hi vọng là Văn sẽ có dịp.

- Theo như chia sẻ thì anh Văn chưa đủ kinh phí để sản xuất 1 bộ phim, nhưng nghe đồn anh là một đại gia ngầm của showbiz Việt?

Tôi không có giàu gì hết, bản thân cũng chỉ là diễn viên. Trong 2 năm dịch xảy ra, giới làm phim gặp rất nhiều khó khăn. Văn không biết khi nào điện ảnh Việt Nam mới có thể quay trở lại, thậm chí có thể các rạp sẽ đóng cửa vĩnh viễn. Vậy nên lúc đó tất cả anh em trong ê-kíp đều rất khó khăn, tụi Văn phải quyên góp để họ có thể sống qua ngày. Bây giờ mọi thứ đã ổn định hơn nên mọi người phải “chạy” thôi. 

Nói chung, làm diễn viên giàu thì cũng không thể nào giàu như những ngành nghề khác đâu. Đóng phim rất cực, thù lao cũng không phải nhiều, nếu nhiều tiền thì phải đổi nghề khác. Còn về kinh phí sản xuất phim, thật ra tôi cũng muốn làm một dự án riêng nhưng để kêu gọi nhà đầu tư làm phải có thời gian để thuyết phục, thứ nhất là về kịch bản, thứ hai là về thời điểm nữa. 

- Điều tự hào nhất của anh Văn trong 20 năm đóng phim là gì?

Đó chính là sự nghiêm túc đối với công việc này. Ở ngoài đời, mọi người đều nghĩ tôi là một người khá hiền, nhưng khi vào công việc, tôi là một người rất khó tính, khắt khe. Văn tự hào khi có thể truyền được năng lượng tích cực và lan tỏa nó đến cho tất cả mọi người. 

- Anh Văn từng có chia sẻ chèn ép khi tham gia 1 cái dự án nào đó, có phải là do sự khắt khe của mình?

Tôi nghĩ mình chỉ không được lòng thôi chứ không hẳn là chèn ép, vì tính Văn khá thẳng, nên những người mà họ yêu nghề hoặc hăng say với nghề họ sẽ nhìn ra được cái ưu điểm. Nhưng nếu người đó không phải là người yêu nghề, họ sẽ thấy cái sự đòi hỏi của mình khắt khe, khó ưa thì như vậy tôi nghĩ là mình nên né. 

Ai hiểu mình thì họ sẽ biết được sự khắt khe của mình là muốn tốt cho dự án phim, vì nếu họ dễ dãi quá, chắc chắn dự án phim đó sẽ không thành công được. 

- Để tạo được tên tuổi như ngày hôm nay, anh Văn đã gặp không ít khó khăn. Nhưng các nghệ sĩ trẻ bây giờ, họ đi lên một cách rất dễ dàng, họ có thể tìm đủ mọi cách để đi lên, thậm chí là hành động sai trái. Anh nghĩ sao về vấn đề này?

Tôi chỉ muốn hỏi các bạn bây giờ muốn làm một nghệ sĩ hay chỉ muốn làm một người nổi tiếng. Tùy vào hướng đi của các bạn, các bạn muốn trở thành một artist hay là một celeb. Với cá nhân Văn, tôi muốn trở thành một artist và Văn nghĩ các bạn nên nhìn nhận lại sự việc. Trong giới tụi Văn sẽ phân định được rất rõ về điều đó. 

-  Từ “nghệ sĩ” dạo gần đây, bị ảnh hưởng rất là nhiều. Là một người đàn anh đi trước, Hứa Vĩ Văn có thấy mình cũng gặp ảnh hưởng?

Không có gì là dễ dàng hết, nếu như mình quá dễ dàng, cái gì mình cũng may mắn hết thì không thể nào có thể thăng hoa được. 

Một người họ đã trải qua nhiều thăng trầm, họ có nhiều sự trải nghiệm, có nhiều sự khó khăn thì nó mới có thể cho người nghệ sĩ đó nhiều xúc cảm để họ có một sức mạnh để tồn tại. 

Ngoài tài năng ra, người nghệ sĩ cần có sự chịu đựng, hy sinh rất lớn. Văn nghĩ điều đó là đúng thôi, bởi vì bản thân Văn có được cảm xúc đó hay không là nằm ở chỗ đó và thời gian sẽ trả lời, vì vàng thật không sợ lửa, nói thẳng ra luôn là hoa sen nó cũng mọc từ trong bùn mà lớn, nếu không có bùn làm sao đóa hoa sen có thể lớn. 

- Nói về điều tiếng, trong suốt quá trình 20 năm tham gia nghệ thuật, có  điều gì mà anh Văn cảm thấy oan ức?

Thật ra oan nhiều lắm, ức nhiều lắm nhưng không phải chuyện gì tôi cũng nói, đi giải thích hay đấu khẩu lại. Không cần như vậy. Tôi theo đạo Phật nên Phật có dạy mình là chuyện không đúng về mình thì thời gian sẽ trả lời nên mình không sợ, sự thật vẫn là sự thật. Mình phải học cách nhẫn nhịn, học cách buông bỏ điều đó để thứ nhất là vị tha, thứ hai là người ta thấy được cái tâm tư của mình để mà mình chuyển hóa cho người khác chứ không phải là bản thân của mình. 

Trong cuộc sống chúng ta không ai mà không trải qua việc bị oan trong cuộc đời mình hết. Ngay cả trong đi học mình cũng có những chuyện oan ức, bị bố mẹ đánh chẳng hạn, việc đó là mình phải trải qua. Đừng bao giờ mong muốn cuộc sống của mình toàn màu hồng, đừng mong muốn gì trong quá khứ mình cũng đều trong sạch, đều tốt đẹp hay mình đều làm tốt mà không bao giờ thất bại. 

- Cách đây không lâu, anh cũng vướng vào một câu chuyện thị phi, không biết nó có ảnh hưởng gì nhiều đến anh không?

Nó không ảnh hưởng gì đến tôi vì ai cũng thấy sự việc đó. Sau sự việc, tôi lại càng được yêu quý hơn, người ta hiểu rõ tôi hơn. Tôi nghĩ đó là họa trung hữu phúc. 

Sau tất cả, điều không phải buồn là mình có bị tổn thương gì không, tôi chỉ buồn là nó ảnh hưởng đến gia đình của mình. Ông bà tôi cũng lớn tuổi rồi, khi họ thấy được mồ mả hay chuyện không hay, họ luôn trách mình, trách con cháu ảnh hưởng đến gia đình thì mình cũng buồn, mình cũng không biết làm sao nhưng cũng an ủi vì nó là công việc của mình rồi. 

Là một người của công chúng lúc nào cũng có những cái khó tránh khỏi. Mình không thể nào là thần thánh, được yêu mến 100% hay không gặp chuyện này, chuyện kia trong cuộc sống, những chuyện trời ơi đất hỡi từ đâu trên trời rơi xuống, có khi mình ngồi không ở nhà cũng có chuyện nữa nên đâm ra là thôi, kệ đi, từ bi hỷ xã.

- Dường như khi bị điều tiếng về bản thân, anh chấp nhận im lặng nhưng khi đụng tới gia đình thì anh sẽ lên tiếng liền?

Đúng vậy, tôi phải lên tiếng. Có nhiều người Văn cảm thấy năng lượng tiêu cực của xã hội xung quanh họ khá nhiều. Mình cũng hiểu dịch bệnh khó khăn, kinh tế đi xuống nữa. Tôi hiểu tâm lý là sáng dậy họ luôn luôn đón những tin tiêu cực, để thỏa mãn nhu cầu của cuộc sống thì họ thu nạp những điều không hay.

Tôi có những người bạn ở nước ngoài cách đây vài năm, khoảng tầm vài năm trước, họ đã có cách sống là họ sẽ không đọc những tin tiêu cực, ngay cả điện thoại họ cũng chỉ tìm kiếm những thông tin tích cực để họ thu nạp vào người, để có sự may mắn trong cuộc sống nhiều hơn, để tránh những thông tin tiêu cực đó. 

Chúng ta đang có trạng thái ngược lại. Giống như một ngày mà họ không đọc thông tin tiêu cực, họ sẽ cảm thấy không vui. Mình hiểu được tâm tư đó, giống như mình làm chuyện tốt nhưng không ai đọc, còn chuyện trên trời dưới đất được bịa ra mà cũng tin được. 

- Người ta thường hay tìm đến cửa Phật khi họ phải trải qua chuyện gì đó, có phải do anh đang gặp chuyện không được vui nên mới tìm đến cửa Phật?

Tôi là người thích đọc sách. Bản thân tôi tuy theo đạo Phật nhưng cuộc đời của Phật Thích Ca Mâu Ni hay là cuộc đời của Chúa Giê-Su tôi đều cảm thấy khá thú vị. Chính bởi vậy nên tôi có đọc để tham khảo. Bản thân tôi là diễn viên nên những gì diễn ra xung quanh mình về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật tôi đều dành thời gian đọc và tìm hiểu những thứ đó. 

- Đau thương nào mà đến hiện tại Hứa Vĩ Văn vẫn chưa quên đi được?

Mọi người sợ xấu, sợ già, sợ thất nghiệp, sợ rất nhiều thứ... nhưng đó không phải là điều quan trọng hơn hết. Bản thân tôi sợ nhất là chia ly người thân mà ít ai có thể hiểu được lí do đó lắm. 

Trong thời gian đại dịch Covid, tôi rất hiểu nỗi lòng của những người bị mất đi người thân của mình vì dịch bệnh. Tôi rất hiểu, rất chia sẻ những mất mát ấy nên tôi muốn làm nhiều công tác xã hội, giúp đỡ cho mọi người. Tôi nghĩ trong cuộc sống, cuộc đời mọi người ai cũng trải qua điều đó.

-  Trong khoảng thời gian dịch bệnh, anh Văn cũng bắt đầu đi vẽ tranh, có phải anh muốn làm thêm nghề họa sĩ?

Trong đợt dịch 2 năm vừa rồi, khi có lệnh giãn cách xã hội, tôi quay trở về vẽ. Nếu không có khoảng thời gian ấy cũng không có họa sĩ Hứa Vĩ Văn. Trong thời gian đó, tôi vẽ được rất nhiều tác phẩm, sau đó mang đi bán, đi tặng, có tiền làm từ thiện. Quá ý nghĩa! 

Khi đó tôi nhận ra việc vẽ rất tốt, vừa giải khuây, xoa dịu tâm hồn được, vừa giết thời gian, làm từ thiện được, nó ý nghĩa thì tại sao mình không làm? Điều đó đã giúp tôi có cơ hội quay về hội họa, bởi vì tôi nghĩ trong vòng 20 năm làm diễn viên, làm nghệ thuật, mình sẽ không bao giờ có cơ hội quay trở về môn học của mình, không bao giờ cầm được cây cọ để vẽ. 

Sau khi tôi làm 3 đợt triển lãm xong, có nhiều họa sĩ đến để xem tranh tôi vẽ. Có họa sĩ chuyên nghiệp nói với tôi: “Sao Văn có thể vẽ được nhiều như vậy? Tôi là họa sĩ chuyên nghiệp, 3 năm nay không vẽ nổi một bức tranh”. 

Thực ra việc vẽ tranh nó là cảm xúc. Có nhiều người cầm cây cọ lên nhưng không vẽ được mà mình có thể vẽ được một “đống” như vậy có vẻ mình còn cảm xúc rất nhiều. Nhiều người hỏi khi nào Văn ngưng vẽ, Văn sẽ trả lời rằng khi nào mình không vẽ được nữa sẽ ngưng. Còn bây giờ mình vẫn cầm cây cọ vẽ được thì cứ vẽ thôi.

- Anh Văn làm từ thiện từ công sức của mình nhưng từ “từ thiện” đang bị bóp méo rất nhiều. Anh không nghĩ người ta sẽ nói mình rằng: “Ông này đang làm màu”?

Cái từ “từ thiện” thật ra mọi người đang suy nghĩ thiển cận về nó. Từ “từ thiện” là gộp chung, còn tôi là đang làm cá nhân về nó. Văn không quyên góp, không kêu gọi mà bán tranh mình vẽ, lấy số tiền đó để làm từ thiện. Tranh mình vẽ rồi treo lên, xong làm triển lãm rồi bán, khách người ta tới mua chứ mình không ép.

Cũng phải có người mua tranh, tôi mới làm từ thiện chứ không kêu gọi quyên góp hay là xin xỏ ai cả. Tôi làm ngay thẳng thì đâu có gì phải sợ. Chẳng lẽ họ có những chuyện không tốt, có những điều tiếng về từ thiện thì tự nhiên mình cũng không làm? Rõ ràng mình làm điều đó là do cá nhân mình làm, mình lan tỏa năng lượng đó. 

Tôi nghĩ nếu mọi người nhạy cảm quá về việc quyên góp thì mọi người đừng quyên góp nữa. Nếu không tin tưởng ai thì mình có thể tự làm từ thiện. 

- Việc vẽ tranh đã mang lại cho anh điều gì?

Đối với tôi, hiện tại vẽ tranh là việc đúng lúc. Nếu tôi ở ngưỡng 20 mấy hay ngưỡng 30, tôi khó có thể ngồi vẽ được, mặc dù tôi học vẽ nhưng lúc đó tâm hồn mình còn dao động. Tôi nghĩ giờ ở tuổi đã qua ngưỡng 40 rồi thì Văn có nhiều thời gian cho bản thân mình hơn. 

- Nếu bây giờ được quay lại thời điểm khoảng độ tuổi 20 thì anh định làm điều gì mà trước đó anh chưa làm được?

Nếu như được quay về độ tuổi 20, tôi chỉ mong muốn điện ảnh lúc đó nó như bây giờ để mình có thể đóng được những vai trẻ hơn vì ở thời thanh xuân của tôi, điện ảnh chưa phát triển. 

Lúc đó rạp chưa có nhiều như bây giờ. Đến khi rạp phát triển, phim điện ảnh phát triển thì tôi đã gần hơn 30 mấy rồi, nếu mà được quay về 20 mấy tuổi thì tôi mong muốn ở thời điểm đó điện ảnh Việt Nam phát triển như bây giờ để tôi được đóng những vai trẻ hơn, có sức khỏe tốt hơn. 

- Đến thời điểm này, anh đã tìm được "nửa kia" chưa?

Thật ra chuyện tình cảm không phân biệt người này người kia, già hay trẻ, nam hay nữ, ai cũng có tình yêu. Không phải tôi không có, thật ra tôi đã trải qua giai đoạn trái tim vỡ vụn và bây giờ tôi cảm thấy bình yên. Để bắt đầu lại tình cảm từ đầu thật sự rất mất thời gian và nó không còn như thời 20-30 mấy tuổi nồng cháy được. 

Bây giờ tôi có sự hy sinh, tuổi tôi là tuổi hy sinh cho những điều cảm thấy mình an yên hơn là suy nghĩ về chuyện tình cảm. Bản thân tôi, có thể nói là đang độc thân, nhưng có những người bạn của tôi kết hôn 3 lần mà vẫn ly thân, có những single mom, gà trống nuôi con, có những người khổ đau trong chuyện hôn nhân chưa chắc gì họ tìm được tình yêu rồi kết hôn. Những người bạn học của tôi kết hôn 20 năm nhưng họ cũng lạnh nhạt, không còn mặn nồng như hồi xưa nữa vì có nhiều chuyện xảy ra. Tôi nghĩ bây giờ mình là người thoải mái nhất trong đám bạn của mình.

- Có phải bây giờ anh không muốn yêu nữa, muốn đóng cửa trái tim mình lại và không muốn một mối quan hệ nào bên ngoài nữa?

Không phải kiếm một người yêu là dễ, người đó phải thật sự chia sẻ với mình và thật sự thấu hiểu mình. Tìm một người có thể chia sẻ với mình về cuộc sống, về áp lực, đi cùng con đường với mình khó lắm, không thể nào bắt người ta đi theo mình, không đơn giản như vậy. Mỗi người đều có một kế hoạch riêng, một cuộc sống riêng, nếu như bây giờ người đó đến với mình, xong bẻ lái mình theo hướng người ta là không được nữa. Nhiều người muốn có thôi chứ tôi đâu có muốn đâu. Tôi đang cảm thấy rất an yên và tận hưởng cuộc sống này.

Cảm ơn anh Văn về cuộc trò chuyện này!

Bài viết

Xuân Kỳ

Photo

Lợi Nguyễn

Chia sẻ