Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Giải trí & TV Show

Hứa Kim Tuyền: 'Đòi hỏi người trẻ viết những câu chữ sâu sắc như ông cha là điều không thể'

"Cha đẻ" ca khúc Hôm nay tôi cô đơn quá chia sẻ thẳng thắn về những kinh nghiệm thể hiện cá tính trong sáng tác âm nhạc và những thành công nhất định sau cuộc thi.

Bước ra từ Sing my song - Bài hát hay nhất mùa đầu tiên, Hứa Kim Tuyền là nhạc sĩ trẻ gặt hái được những thành công nhất định, cũng như nhận được nhiều “đơn đặt hàng” từ các ca sĩ.

“Cha đẻ” ca khúc Hôm nay tôi cô đơn quá có những chia sẻ về kinh nghiệm tham gia Sing My Song cũng như những thành công gặt hái được hậu thi thố.

- Chào Hứa Kim Tuyền! Là một trong số nhạc sĩ trẻ gặt hái được những thành công nhất định từ khi bước ra Sing My Song. Bạn có thể chia sẻ kinh nghiệm thi thố của mình?

- Trong các vòng thi, Trại sáng tác là vòng khiến Tuyền điên đầu nhất. Các HLV sẽ tập hợp thí sinh và đưa ra các từ khoá để thí sinh bước vào vòng thi.

Thời gian từ vòng đầu đến Trại sáng tác mất một khoảng thời gian mà không thể làm gì được, chỉ lo sáng tác và gửi demo. Thế nên kinh nghiệm của Tuyền chia sẻ cùng các bạn là hãy dành thời gian thư giãn, thường trong sáng tác hay mắc phải là tập trung quá nhiều, ép mình vào điều gì đó sẽ không đi đến đâu cả. Nên ra ngoài dạo phố, gặp bạn bè, xem phim,… cứ làm những điều trong cuộc sống thường ngày, nhờ đó các ý tưởng sáng tác sẽ tự nảy ra.

Kinh nghiệm thứ hai là các bạn thường có tâm lý gửi càng nhiều càng tốt nhưng cái đó có khi phản tác dụng. Việc sáng tạo của mình ở thời điểm đó nó chỉ có một vốn nhất định thôi, khi các bạn sử dụng quá nhiều sẽ bị chia nhỏ. Nếu các bạn lỡ viết quá nhiều như vậy thì hãy ngồi phân tích bài hay chỗ nào hoặc có thể nhờ bạn bè nghe để góp ý thêm rồi dùng những cái hay đó mix lại bản hoàn chỉnh nhất, gửi HLV.

- Như bạn nói, sáng tác nhạc cần sự thoải mái, không gò bó. Tuy nhiên trong khuôn khổ cuộc chơi có áp lực thời gian, làm sao để có cảm hứng sáng tác một tác phẩm hay?

- Theo quan điểm cá nhân Tuyền nếu một người có sẵn khả năng sáng tác thì chỉ cần thời gian rất ngắn khoảng một thời giờ đồng hồ đã ra được bài hoàn chỉnh. Cái quan trọng của việc sáng tác không phải là thời gian mà là có đủ cảm hứng để viết nên một bài hát.

Bước vào Trại sáng tác, Tuyền giữ cho mình cái đầu rỗng. Khi bước vào vòng thi thì mình tập trung cho việc đọc sách. Khi đọc đến câu chuyện của thần Cupid và Psyche thì ý tưởng tự nảy ra và Tuyền mất khoảng 15 phút hoàn thành khung sườn bài hát. Đó là lý do để ca khúc Cupid học yêu ra đời.

Các bạn đừng bị áp lực về thời gian mà hãy tập trung khai thác cảm xúc và cảm hứng.

- Tính đến thời điểm hiện tại, bạn sở hữu cho mình bao nhiêu sáng tác?

- Hiện tại Tuyền có khoảng 30 bài sản xuất hoàn chỉnh.

Với Tuyền, có hai trường hợp xảy ra trong việc sáng tác. Thứ nhất là khi đang đi ngoài đường nghe một giai điệu hoặc lời bài hát nào đó quá hay thì mình dùng thiết bị ghi nhớ lại. Còn nếu bất chợt nảy ra một giai điệu nào đó thật hay thật xuất sắc thì để trong đầu. Về nhà vẫn còn nhớ thì tức là nó có gì đó ấn tượng. Tuyền sẽ phát triển nó ra.

Bài Hôm nay tôi cô đơn quá là cảm xúc của Tuyền. Cơ duyên một lần mình phỏng vấn chị Tóc Tiên lúc còn làm báo, mình đưa bài chị xem rồi chị thích bài đó nên lấy. Từ sau ca khúc này, một số dự án đang thực hiện Tuyền sẽ viết dựa trên giọng hát của chị.

- Để viết nên ca khúc cho một giọng ca nào đó, bạn sẽ làm thế nào?

- Tuyền có một ưu điểm mà cũng là nhược điểm chính là bắt được giọng hát của ca sĩ khá nhanh nhưng hay bị ướm màu nên những sáng tác về sau mang màu giọng của người đó. Thế nên, nếu đang làm việc với người này sẽ rất khó làm việc với người khác. Vì mình quen với quãng giọng, phong cách của ca sĩ đó rồi nên có một ca sĩ nào đó bất chợt đặt bài, mặc dù mình đã cố gắng nhưng cũng sẽ có hơi hướng màu của người đó, như ướm màu chị Tóc Tiên trong đó. Đó là điều mà Tuyền đang cố gắng khắc phục.

- Nhưng như vậy e là khó làm việc được với nhiều ca sĩ?

- Ví dụ chị Tóc Tiên đặt 5 bài thì sau 5 bài đó Tuyền có thể thoát ra để làm với nhiều người được vì bản thân mình thích nghi khá nhanh với màu sắc của từng người.

Năm 2018 sẽ có thêm một vài dự án hợp tác cùng chị Tóc Tiên, mang đến nhiều khác biệt, đột phá: Chẳng hạn như có một bài dân ca, ngũ cung, hoặc một bài nhạc dance theo hướng quốc tế. Sẽ là sự kết hợp độc đáo và bất ngờ nhất!

- Tóc Tiên trong công việc là một người thế nào?

- Chị dễ thương và cực kỳ tôn trọng nhạc sĩ, producer. Thông thường mọi người ngại hợp tác với nhạc sĩ, producer mới vì thiếu an toàn nhưng chị thì ngược lại. Chị muốn thổi luồng gió mới vào âm nhạc của mình. Chị tôn trọng sản phẩm và sẵn sàng hợp tác với những người trẻ. Chị nói rằng “phải có măng thì mới có tre”, phải có quá trình phát triển thì mới thành công được. Nếu cứ làm với những người thành công thì lấy đâu ra cơ hội cho những người trẻ.

- Ngoài Tóc Tiên, bạn còn kết hợp với ca sĩ nào khác nữa?

- Năm vừa rồi, Tuyền có kết hợp cùng chị Thu Minh trong nhạc phim Chí phèo ngoại truyện, dự án cùng chị Hiền Thục, Văn Mai Hương, Min trong dự án nhạc phim, Jun Đăng Dũng…

- Dòng nhạc nào là thế mạnh của bạn?

- Tuyền không biết thế mạnh của mình là gì vì còn tuỳ vào cảm xúc. Khi mình buồn, thất tình thì chỉ toàn ra được ballad. Đến khi update xu hướng mới và sự cộng hưởng từ phía công ty giải trí thì lại thấy mình viết tốt dance. Rồi cho đến khi quay lại ballad thì thấy bản thân mình nâng cấp một tầm mới hơn. Nếu gọi là dòng nhạc nào viết tốt nhất chắc là dòng nhạc viết cho mình. Sản phẩm đó do mình thực hiện mọi khâu sản xuất.

- Bùi Công Nam, Lê Thiện Hiếu là những thí sinh cùng bước ra cuộc thi bạn. Bạn đánh giá gu sáng tác của những nhạc sĩ này ra sao kể từ khi bước ra chương trình đến nay?

- Mỗi bạn có màu sắc riêng. So với mọi người thì Bùi Công Nam vẫn có nhiều sản phẩm kết hợp cùng ca sĩ nhất. Âm nhạc của anh ấy nghe là biết ngay vì nó vui tươi, tinh thần luôn tích cực. Ví dụ như Vì em vẫn thế, Tự giác, Đòi nợ, Vì đời là thế,… Còn nhạc của Lê Thiện Hiếu xây dựng rất bắt tai, chủ đề mới lạ.

- Ca sĩ có thể dùng một bài hát để hát nhiều lần thế nên thu nhập khấm khá hơn. Thế thu nhập của nhạc sĩ thì thế nào?

- Điều này rất “open”. Trong mô hình âm nhạc Mỹ thì nhạc sĩ là một phần trong cả bộ phận sản xuất. Ở Hàn Quốc thì họ mua giá bài rất cao, nhạc sĩ tầm trung cũng khoảng 10 - 20 ngàn đô, nhạc sĩ lớn thì khoảng 50 ngàn đô sau đó còn thu tiền phí từ nhạc chuông, nhạc chờ. Còn ở Việt Nam cũng vừa phải chứ không cao. Hy vọng là mô hình làm việc theo team sẽ được xây dựng như vậy thì công bằng hơn cho nhạc sĩ, hoà âm phối khí.

Cứ sống, làm việc chăm chỉ và có tâm thì Tổ sẽ không phụ đâu.

- Là một nhạc sĩ trẻ, bạn nhận thấy gu nhạc của giới trẻ hiện nay như thế nào?

- Có một câu mà Tuyền thích là “Đừng đòi hỏi người trẻ phải sống như những người lớn tuổi”. Đừng đòi hỏi người trẻ viết những câu chữ sâu sắc như ông cha là điều không thể. Vì vốn sống mỗi người mỗi khác nhau, vốn từ, vốn giai điệu cũng vậy, khoảng cách về thế hệ đã rất khác nhau rồi.

Thứ hai là cách tiếp nhận hình ảnh, âm nhạc từng thế hệ cũng khác nhau vì môi trường, xã hội khác nhau. Mọi người cứ nhận xét kiểu nhạc bây giờ viết hời hợt… nhưng tóm lại cũng do quan điểm cảm nhận âm nhạc của mỗi người thôi. Ai cũng có nhạc sĩ riêng, dòng nhạc riêng để nghe. Còn ai thích gì đó mới lạ, trẻ trung dễ nghe dễ hát hơn thì nghe nhạc trẻ. Thế nên, đừng ép nhạc sĩ tiếp thu vốn sống này kia nhưng ngược lại nhạc sĩ trẻ cũng không được dễ dãi trong viết nhạc.

Dùng một từ để đánh giá gu của mỗi người trẻ có thể mượn từ “sáng nắng chiều mưa”. Có những bài tưởng chừng không catchy người nghe nhưng nó lại được đón nhận rất nồng nhiệt. Hoặc có những bài cứ ngỡ là hit nhưng rốt cuộc lại không ăn. Gu của khán giả đại chúng đã cập nhật hơn rất nhiều. Khán giả trẻ có những kiểu nhạc của riêng họ, còn những người lớn tuổi cũng có dòng nhạc riêng là bolero rồi.

Cá tính và màu sắc âm nhạc tốt hơn hết là nó phải tự có từ bản thân chứ cũng không có trường lớp nào có thể dạy được.

- Bạn và HLV Giáng Son đến giờ vẫn còn liên lạc chứ?

- Có cơ hội là Tuyền và chị đều gặp nhau. Chị Son là người thầy tâm lý. Chị không phải là người định hướng âm nhạc, mà tuỳ ở mỗi người có tố chất gì như là mình đang ở thang điểm 5 thì chị ấy sẽ tìm cách đưa lên 7, 8. Chị sẽ phát triển cá tính âm nhạc của mỗi người để nâng cao cái mình đang có chứ không áp đặt.

Cảm ơn những chia sẻ của bạn. Chúc bạn sẽ gặt được nhiều thành công!

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Huỳnh Như

Được quan tâm

Tin mới nhất