Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Giải trí & TV Show

Họp báo Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017: Công bố Top 70 hay buổi lễ… trả quyền lợi tài trợ?

Lễ “Công bố top 70 bán kết và lên sóng chương trình truyền hình thực tế Tôi là Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017” là sự kiện thu hút dư luận, truyền thông. Dẫu vậy, trái với mong đợi, chương trình còn nhiều “sạn” khiến người tham dự không tránh khỏi cảm giác khó chịu.

Ai là nhân vật chính: Thí sinh hay… nhà tài trợ?

Ngay phần đầu chương trình, sau khi công bố sự xuất hiện của 63 thí sinh vòng Bán kết thì MC… lặn mất tăm và im lặng hoàn toàn. 70 thí sinh lần lượt ra chào khán giả, trên nền nhạc dài thườn thượt mà không có bất kỳ lời giới thiệu nào từ MC.

Không khí chào đón các thí sinh xuất sắc nhất lẽ ra phải đầy hân hoan, rộn rã, thì nay chỉ trầm lặng trên nền nhạc vô cảm, các thí sinh cứ… lầm lũi tự xuất hiện nối đuôi nhau, tự mỉm cười vẫy tay với hằng hà những khuôn mặt lạnh tanh bên dưới: không một lời giới thiệu tên tuổi, không một tiếng vỗ tay chào mừng.

Hoàng Thùy và Mâu Thủy trong phần xuất hiện ở đầu buổi họp báo.

Dù rằng, cuối chương trình, ban tổ chức có gọi tên các thí sinh tiến lên sân khấu để chụp hình theo từng nhóm. Tuy nhiên, sự gọi tên này được sắp xếp không hợp lý, khi lẽ ra cần được đặt ngay đầu chương trình - lúc sự mong chờ của dư luận, truyền thông đang cao nhất, háo hức nhất - dễ dàng thu hút và giữ chân họ theo dõi chương trình hơn.

Việc chỉ gọi tên các thí sinh vào phần cuối chương trình, vào lúc có nhiều đơn vị truyền thông và khách mời đã ra về khiến sự vinh danh các thí sinh trở nên… vô nghĩa và thiếu sự trân trọng cần thiết.

Những người đẹp giành vé vào vòng Bán kết.

Tên các thí sinh có 63 người nhưng được xướng lên chỉ một lần, trong khi đó danh sách đằng đẵng tên các nhà tài trợ (có lẽ nhiều hơn cả số lượng thí sinh) thì được nhắc đi nhắc lại và không ngừng “chiếm sóng” khắp các ấn phẩm truyền thông khác. Việc tên nhà tài trợ phủ kín những mặt giấy mà lật mãi chưa thấy hết khiến người tham dự sốt ruột và… thương thay cho MC.

Dẫu biết đây là những thỏa thuận bắt buộc đều phải có trong các cuộc thi tầm cỡ, nhưng sự thiếu tiết chế dẫn đến lạm dụng này làm khách mời ngao ngán và dễ bỏ ra về sớm, không tiếp tục theo dõi chương trình. Trong khi cuộc thi rất dài hơi, còn nhiều cơ hội để “phô trương” danh thế dành cho các nhà tài trợ, thay vì “cố đấm ăn xôi” và bất chấp xuất hiện trong một buổi công bố cần nhiều thời gian để… công bố những điều quan trọng về các vòng thi và chương trình truyền hình thực tế hơn. Đây mới là thông tin mà truyền thông cần để đưa tin và “viral” cho cuộc thi.

Những sự vắng mặt khó hiểu!

Sự vắng mặt của vài thí sinh, đặc biệt là Mai Ngô cùng các đơn vị tài trợ không chỉ gây bất ngờ với dư luận, mà có vẻ còn gây… hoang mang cho chính ban tổ chức. Minh chứng là MC đã liên tục giới thiệu tên những người vắng mặt trong danh sách khách mời và nhà tài trợ, cho đến khi không có ai đứng lên chào khán giả thì phải “gỡ gạc” bằng cách: “Có lẽ họ đã không sắp xếp được công việc”.

Sau nhiều đồn đoán, Mai Ngô vắng mặt trong buổi họp báo công bố Top 70 Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam.

Trong một chương trình chuyên nghiệp, từ “có lẽ” là từ không-nên-sử-dụng nhất, nhưng nếu đã phải dùng đến thì nghĩa là điều này đột xuất và nằm ngoài kiểm soát. Từ đó cho thấy ban tổ chức bị động hoặc chưa sâu sát trong quá trình tiếp đón, điểm danh khách mời để gạch tên những người vắng trong kịch bản MC, tránh đi những sai sót không đáng có như thế: khi MC khản cổ xướng tên nhưng không ai đứng dậy chào, còn khán giả thì… vỗ tay hụt.

Đóng vai trò “chủ xị” quản lý và tổ chức sản xuất, thế nhưng ban tổ chức lại không chủ động được trong những tiểu tiết, dẫn đến “sạn” đáng tiếc. Ngay cả khi được hỏi về sự vắng mặt của Mai Ngô, câu trả lời vẫn thiếu sự rõ ràng và… nhiều mâu thuẫn, khiến dư luận không khỏi nghi ngờ đây (lại) là một “chiêu trò drama” của cuộc thi vốn đã nhiều ồn ào năm nay.

Và nhiều những “hạt sạn” khác…

Chương trình truyền hình thực tế Tôi là Hoa hậu hoàn vũ Việt Nam lần đầu tiên xuất hiện với cố vấn là Phạm Hương rất thu hút quan tâm của truyền thông. Và ngay trong tên chương trình đã gọi nguyên văn là Công bố top 70 bán kết và lên sóng chương trình truyền hình thực tế Tôi là Hoa hậu hoàn vũ Việt Nam 2017, thế nhưng ngoài việc công bố giờ phát sóng và mục đích chương trình, điều cần biết nhất là thể lệ, cách thức tổ chức thì không được đề cập, gây ra cảm giác hụt hẫng.

Thậm chí, đại diện ban tổ chức còn trả lời rất “khiêu khích”: “Xem tập 1 đi, rồi biết!”.

Đương kim Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam Phạm Hương.

Hơn nữa, ban tổ chức khẳng định: “Chương trình truyền hình thực tế Tôi là Hoa hậu hoàn vũ Việt Nam không ảnh hưởng đến kết quả cuộc thi”. Vậy, tổ chức làm gì? Bỏ qua “lý do trần tục” là để trả quyền lợi tài trợ, là lý do… nhân văn: tôi luyện các thí sinh những kỹ năng, bản lĩnh cần thiết để tỏa sáng. Dù vậy, có tỏa sáng nổi không khi ngoài lịch trình “căng đét” của cuộc thi chính, nay các thí sinh phải “xông pha” vào một chương trình song hành nữa dài hơi và mệt nhọc không kém?

Về các mặt tổ chức sản xuất khác, âm nhạc dành cho phần giới thiệu sự xuất hiện của các thí sinh có lúc bị ngắt quãng. Dù đã có tổng duyệt nhưng vẫn còn sự mất trật tự mỗi khi các thí sinh di chuyển về chỗ ngồi hoặc rời chỗ, tiến lên sân khấu.

Trưởng Ban tổ chức có nêu khẩu hiệu của cuộc thi năm nay là: “Xinh đẹp - Trí tuệ và phong thái” - tuy nhiên, slogan này thiếu sự cân đối trong cách sử dụng từ ngữ, khi danh từ “phong thái”… lệch pha hẳn so với hai tính từ “xinh đẹp” và ‘trí tuệ”.

Các trailer, teaser với góc quay vụng về, kém… vi diệu khiến khuôn mặt và hình thể các thí sinh chưa bật lên thần thái cần thiết, khá nhạt nhòa để khán giả có thể trầm trồ hay ồ lên: “Đẹp quá!”. Khán giả chỉ tìm thấy một tông màu trang điểm trầm, già nua, chứ không tìm thấy những khuôn mặt căng tràn sức sống của tuổi đôi mươi. Hình ảnh các thí sinh, dù đã là trong clip “beauty shot” nhưng vẫn không “beautiful” - xinh đẹp như mong đợi của truyền thông, dư luận.

Một điểm “sạn” khó chịu khác: Là buổi công bố với truyền thông nhưng truyền thông lại không được đặt câu hỏi trong chương trình, để tìm hiểu thêm về cuộc thi năm nay và đảm bao đưa tin tức chính xác nhất đến người hâm mộ. Việc không cho các nhà báo/phóng viên đặt câu hỏi khiến không ít người thắc mắc: liệu ban tổ chức đang tiết kiệm thời gian quá đáng hay cố tránh bớt tối đa những thị phi, sai sót trong quá trình “chất vấn” của các đơn vị truyền thông, báo chí.

Kết

Đây không phải lần đầu tiên tổ chức, nhưng Hoa hậu hoàn vũ Việt Nam vẫn không tránh được những sai sót “nói hoài, nói mãi”. Dù chỉ là một buổi họp báo công bố, tuy nhiên vẫn là “bộ mặt” của cuộc thi, nhưng dường như chưa có sự cẩn trọng và đầu tư đúng mức để dự liệu các thiếu sót và hoàn thiện chương trình.

Tuy vậy, với những dư âm của buổi công bố, truyền thông và người hâm mộ vẫn hy vọng các chương trình/hoạt động tiếp theo trong khuôn khổ cuộc thi sẽ thu hút, mãn nhãn hơn; thay vì… bát nháo, dài lê thê và thiếu chuyên nghiệp như sự kiện vừa qua.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Ái Kỳ

Được quan tâm

Tin mới nhất
Lee Hooyeon kể trải nghiệm thú vị khi cùng Wukong hẹn hò tại New World Phu Quoc