Trung tuần tháng 8, cặp đôi nổi tiếng của làng hài hải ngoại Quang Minh - Hồng Đào có chuyến về Việt Nam để thăm quê hương và gặp gỡ bạn bè, đồng nghiệp cũ. Dịp này, hai cô con gái cưng Vicky, Sophia cũng đồng hành cùng với họ. Cả hai quyết định giữ kín lịch trịch di chuyển vì không muốn thu hút sự chú ý từ các cơ quan truyền thông nên đến khi gần trở lại Mỹ thông tin trên mới lộ ra.
Trước thời điểm lên máy bay vài giờ, nghệ sĩ Hồng Đào có cuộc trả lời phỏng vấn ngắn cùng Saostar.vn. Chị chia sẻ về gia đình, cuộc sống nơi xứ người, cách giữ lửa hạnh phúc và cả những nhận xét, lời khuyên chân thành… dành cho lớp “đàn em”.
- Về Việt Nam lần này chỉ đơn thuần là thăm quê hương hay chị muốn tìm cơ hội trở lại hoạt động trong nước khi các diễn viên hài và show hài đang thống trị làng giải trí như hiện nay?
- Lần này, tôi và gia đình về thăm quê, muốn đưa các cháu đi đây, đi đó cho chúng nó biết quê hương như thế nào. Đồng thời, tôi cũng đi thăm một số đồng nghiệp cũ, những bậc đàn anh, đàn chị và bạn bè trong nghề mà trước đây mình từng quen.
Khi xem một số game show về hài kịch trong nước, tôi nhận thấy họ làm thực sự chuyên nghiệp nên chất lượng chương trình rất cao. Việc được đặt mình vào các chương trình đấy, tôi nghĩ nghệ sĩ nào cũng muốn. Tôi mong thời gian tới mình sẽ có cơ hội tham gia một chương trình như thế.
- Trở lại Việt Nam, chị thấy quê nhà bây giờ thế nào?
- Lần này về Việt Nam, tôi thấy nước mình thay đổi nhiều quá. Lúc trước, tôi thường kể cho các con nghe rằng, hồi sống ở quê nhà, mình ở trong một cái xóm nhỏ nên thường cùng bạn bè chơi dây thun, xếp hình… Nhưng khi về thì mọi thứ đã khác hẳn. Xóm nhỏ tôi sống ngày xưa giờ khang trang, sầm uất lắm.
- Ngoại trừ số ít tên tuổi lớn và đắt khách, phần nhiều nghệ sĩ Việt tại hải ngoại không mấy dễ dàng trong cuộc mưu sinh nơi xứ người. Có người phải làm thêm vài ba công việc để cải thiện thêm thu nhập. Với anh chị, cuộc sống ở hải ngoại ra sao?
- Tôi may mắn luôn được tổ nghiệp thương nên từ ngày bước chân vào trường CĐ Sân khấu - Điện ảnh TP. HCM (nay là ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP. HCM) đến bây giờ chỉ làm duy nhất một cái nghề là diễn viên. Nghề này không những mang lại cho tôi rất nhiều hạnh phúc, hỉ nộ ái ố mà nó còn nuôi sống bản thân, gia đình.
- Vậy chị đi diễn mỗi ngày chứ?
- Không đâu! Tôi thường bay show vào thứ 6, thứ 7 và chủ nhật. Các ngày còn lại, tôi dành thời gian cho gia đình, đi thu âm hay tập tiết mục…
- Các nghệ sĩ hải ngoại về nước thường yêu cầu mức cát-sê “khủng”. Nếu được mời trở lại quê hương để tham gia một show thực tế nào đấy, chị sẽ đưa ra đề nghị tương tự hay thế nào?
- Tôi nghĩ cái gì thì cũng có cái lý của nó hết. Để làm ra một chương trình cho khán giả thưởng thức, nhà sản xuất phải đầu tư đủ thứ - từ kịch bản đến âm thanh, ánh sáng… nên nếu mình đòi hỏi mức cát-sê cao quá thì chuyện đó cũng không hay.
Tôi nghĩ mỗi người nên hy sinh một chút sẽ tốt hơn. Ở bên Mỹ, tôi có nhóm kịch riêng và tự bỏ tiền vào đầu tư nên hiểu rõ chuyện nhà sản xuất phải đau đầu thế nào để có một tác phẩm tốt.
Ví dụ, nếu nhà sản xuất chấp nhận mức cát-sê “trên trời” của tôi thì chắc chắn họ phải thu hẹp các khoản chi khác. Theo tôi, điều này thực sự không ổn. Với tôi, chuyện hét cát-sê sẽ chẳng bao giờ xảy ra.
- Cùng lứa với Thành Lộc, Hữu Châu…, chị có cảm thấy chạnh lòng khi các nghệ sĩ đấy hiện nay đã thành sao, nổi tiếng khắp cả nước còn mình chỉ quanh quẩn tại thị trường hải ngoại?
- Tôi nghĩ mỗi người sẽ có một con đường đi khác nhau. Ở đây, anh Thành Lộc, Hồng Vân, Hữu Châu hay Hữu Nghĩa… được khán giả công nhận và nổi tiếng thì điều đó là hoàn toàn xứng đáng bởi họ đã cống hiến cả cuộc đời cho nghệ thuật.
Với tôi, bản thân lựa chọn theo gia đình sang hải ngoại mà bên đó lượng người Việt Nam rất ít nên phải chấp nhận vậy thôi. Tuy nhiên, tôi cảm thấy may mắn là mình được làm đúng cái nghề yêu thích, đam mê, vẫn đi diễn, vẫn tiếp xúc với khán giả hàng ngày.
Ngày xưa, sự nổi tiếng có thể làm cho mình mờ mắt nhưng hiện tại, ở độ tuổi này và hơn 30 năm làm nghề, tôi vẫn được đứng trên sân khấu phục vụ khán giả là bản thân thấy vui, hạnh phúc rồi. Tôi chẳng chạnh lòng một chút nào hết, trái lại còn rất mừng khi nhiều người bạn cũ giờ đây nổi đình đám, có chức quyền…
- Mấy mươi năm trên sâu khấu, anh chị có những bí quyết, chiêu thức gì để khán giả không cảm thấy nhàm chán?
- Ở hải ngoại, tôi và chồng chọn hướng đi cho kịch bản là nó phải phù hợp, sát thực với cuộc sống thường nhật. Như bạn thấy đó, cuộc sống thì muôn màu, muôn vẻ đồng thời thay đổi không ngừng nên sẽ có rất nhiều cái hay để khai thác, đem lên sâu khấu.
Chẳng hạn hôm nay, tôi mang lên sân khấu cuộc đời của anh kỹ sư nhưng ngày mai lại là thân phận, tâm tư… của một người làm nail, điều này hoàn toàn khác hẳn và nó cũng làm khán giả không cảm thấy nhàm chán.
- Tạm gác chuyện nghề nghiệp sang một bên, trong cuộc sống hôn nhân, anh chị đã bao giờ cãi vã, to tiếng với nhau chưa - nhất là khi anh Quang Minh vốn nổi tiếng đào hoa? Đồng thời chị dùng cách nào để giữ lửa hạnh phúc cho cả hai?
- Tôi và chồng nhiều lúc cũng mệt mỏi với nhau lắm, tưởng chừng đã không chịu được. Dẫu vậy, tôi lại nghĩ, bản thân có hai đứa con và chúng do mình tạo ra nên phải có trách nhiệm. Trong trường hợp vợ chồng tôi không hợp ý hay xảy ra mâu thuẫn gì đấy, hai người phải ngồi lại giải quyết cho xong để rồi cùng lo cho mấy đứa con. Vì mục tiêu đó nên chúng tôi vẫn còn ở bên nhau.
Cho đến ngày hôm nay, tôi tin mình cũng cho một chút gì đó tin anh Quang Minh. Ví dụ, anh Minh nói đi uống cà phê thì tôi cứ tạm tin là thế trước đã nhằm cho ảnh có một khoảng tự do riêng. Trong cuộc sống, bất kỳ ai đều có bí mật và cần một khoảng thời gian riêng, tôi hiểu nên không xen vào chuyện đó. Tôi nghĩ như vậy sẽ nhẹ nhàng hơn cho đôi bên. Ngay cả tôi, bản thân đôi lúc cũng muốn có một chút thời gian tự do để viết lách, suy nghĩ… và anh Minh không bao giờ cằn nhằn gì về điều này.
- Với hai con cô con gái, chị có khi nào dạy về cách ứng xử theo văn hóa Việt Nam?
- Có chứ! Ở nhà, tôi dạy hai con toàn bộ theo văn hóa Việt Nam. Thế nhưng, khi đến trường, chúng phải sinh hoạt trong môi trường khác hẳn là kiểu xã hội Mỹ. Tôi nhớ có lần đi họp phụ huynh, vào đấy, cô giáo nói toàn tiếng Anh, mình ngồi nghe một hồi là nhức hết cả đầu nên chuyện các con phải sống theo hai nền văn hóa khác nhau, nói hai ngôn ngữ, ăn uống khác nhau… cũng gặp những khó khăn nhất định. Do đó, tôi không bắt buộc các con sống theo văn hóa Việt Nam 100%, chỉ cần chúng cân bằng giữa hai cái là được.
- Vậy chị có ý định hướng các con theo nghiệp diễn xuất của mình không?
- Tôi không ép hai con theo nghệ thuật. Hiện tại, tôi hướng các cháu vào việc học văn hóa là chính bởi chúng ta làm ngành nghề gì cũng phải cần đến kiến thức. Tôi muốn các con có bằng cấp đàng hoàng trước đã.
Sau này, nếu chúng muốn theo nghiệp của tôi và chồng, bản thân sẽ vui vẻ chấp nhận bởi có ngăn cấm cũng chẳng được. Giống như tôi ngày xưa, bố mẹ không thích tôi đi theo nghề này song mình vẫn gắn bó với nó đến bây giờ.
- Trường Giang, Trấn Thành hay Thu Trang… là những nghệ sĩ trẻ đang lên của làng hài kịch Việt. Với nhãn quan của một người có thâm niên trong nghề, chị đánh giá lớp “đàn em” này ra sao?
- Tôi thấy cả Trường Giang, Trấn Thành hay Thu Trang đều rất giỏi, có duyên và năng khiếu - vừa ca được, vừa giả giọng được… Hơn nữa, họ có cơ hội cọ xát sân khấu hàng ngày nên dễ trau dồi, tích lũy kinh nghiệm diễn xuất. Tôi thích cách diễn như không diễn của các em ấy.
- Không ít các bạn trẻ muốn theo đuổi nghiệp diễn, đặc biệt là diễn hài. Chị sẽ dành lời khuyên gì cho họ?
- Với bản thân, hài kịch hay bi kịch đều khó như nhau. Một diễn viên muốn nổi tiếng hay được khán giả đón nhận trước hết phải thực sự yêu cái nghề của mình đã. Với hài, nếu mình càng diễn thật bao nhiêu thì sẽ thành công bấy nhiêu.
Theo tôi, diễn hài mà cứ giữ suy nghĩ chỉ cần lên sâu khấu và chọc cười khán giả là xong thì chẳng bao giờ tạo ra tiếng cười được. Song, nếu trên sân khấu, mình cứ hóa thân trọn vẹn vào nhân vật, sống cuộc sống của nhân vật thì những tình huống trong khi diễn sẽ tự làm người xem bật cười.