Áp lực thành tích ở lứa tuổi học đường không phải là vấn đề mới. Hàng năm, trước các kì thi quan trọng vẫn không ít những trường hợp các em học sinh vì căng thẳng quá mức.
Là một trong số những trường hợp đặc biệt của tập 1 Thiếu niên nói 2020, em Nguyễn Vũ Đan Quỳnh học sinh lớp 11D1 được xem là thủ khoa đầu vào trường THPT Gia Định, mạnh dạn đứng trên bục dũng khí nói lên nỗi ám ảnh khi được xem là “con nhà người ta”. Thông qua chia sẻ của Đan Quỳnh - lời nói đầy “sức nặng” đến từ 1 học sinh “thủ khoa” thành phố, các bậc phụ huynh nhìn nhận rõ hơn về những áp lực vô hình từ điểm số mà học sinh đang phải gánh chịu.
Câu chuyện của Đan Quỳnh.
Vẻ mặt nghiêm nghị, Đan Quỳnh dõng dạc: “Các bạn định nghĩa như thế nào về 2 từ 'Thủ khoa'?”, “Có thể trong mắt các bạn thủ khoa là 1 người hoàn hảo, làm gì cũng giỏi hay thủ khoa là 1 niềm kiêu hãnh đứng trên mọi người, ở đỉnh vinh quang được tỏa sáng? Thật ra, thủ khoa không ghê gớm như vậy. Kỳ thi tuyển sinh từ 9 lên 10, mình may mắn là thí sinh có điểm số cao nhất thành phố, từ khi vào Gia Định mọi người hay gọi mình là thủ khoa.”
Với Đan Quỳnh, danh xưng “Thủ khoa” mà bạn bè dành cho, có thể là cách gọi chất chứa lòng ngưỡng mộ nhưng trong mắt phụ huynh thì cô bé đích thị là “con nhà người ta” trong truyền thuyết.
Đan Quỳnh cảm thấy vui vì những nỗ lực của bản thân được mọi người nhìn thấy và ghi nhận. Tuy nhiên khi nghe 2 tiếng “Thủ Khoa”, cô bé gặp 1 áp lực vô hình mà không thể giãi bày với bất cứ ai.
Ngay tại “bục dũng khí”, Đan Quỳnh rưng rưng: “Đứng trước mỗi kỳ thi lớn mình không còn cảm thấy đam mê mà đơn giản chỉ là nỗi sợ hãi, lỡ như mình thất bại thì sao? Mình đã quá mệt mỏi với việc mọi người mong muốn mình tỏa sáng: đứng trên top đầu của trường, của lớp, mang về danh dự nhưng những kỳ vọng đó, có lúc mình làm không nổi. Mình cũng đơn giản như các bạn học sinh ở đây, muốn được thoải mái học tập, vui chơi, bước vào cuộc thi như 1 sân chơi chứ không phải áp lực nặng nề.”
Trước khi lời tâm sự này được nói ra có lẽ Đan Quỳnh đã mất hơn 1 năm chịu đựng những áp lực vô hình từ 2 tiếng “Thủ khoa” mang lại. Cô bé mạnh dạn khẳng định: “Em là Đan Quỳnh học sinh lớp 11D1 trường THPT Gia Định chứ không phải là 1 thủ khoa nào hết.”
Chứng kiến con gái dũng cảm bày tỏ nỗi ấm ức nơi trái tim mình, ba của cô bé - người đàn ông tóc bạc, đeo kính, ngồi trên chiếc xe 3 bánh nhắn nhủ: “Chỉ cần con chịu khó học, điều gì rồi cũng thành công cả. Nếu thông mình thì người ta học 1 ngày, mình chậm thì mình học 3 đến 5 ngày, đâu rồi cũng vào đấy - không có chuyện gì khó chỉ sợ lòng không bền.”
Trước áp lực học tập, Đan Quỳnh thường chia sẻ cùng ba, cô bé gửi lời cảm ơn sâu sắc đến ba vì những việc ông đã làm: “Con tự hào về ba. Ba ơi! Con yêu ba!” Câu chuyện của Đan Quỳnh khiến khán giả có cái nhìn chân thật hơn về áp lực điểm số, học giỏi chưa chắc đã “sướng”. Bên cạnh đó, lời tri ân của cô bé dành cho ba chính là cầu nối để các bạn học sinh mạnh dạn bày tỏ tình yêu thương với ba mẹ: “Hãy dành lời yêu thương cho ba mẹ ngay khi mình có cơ hội”.
Tập 2 của chương trình Thiếu niên nói 2020 sẽ lên sóng lúc 21h Chủ nhật 16/2 trên VTV3.