Tinh thần và tiêu chuẩn lựa chọn
Hoa hậu Việt Nam là cuộc thi nhan sắc lâu đời nhất, nơi hội tụ các nhan sắc “chuẩn mực” và thuần Á Đông. Vì định kiến của khán giả: đây là cuộc thi quốc gia để tìm ra đại diện nhan sắc Việt, vì thế khó tránh khỏi sự “soi mói” tận chân tơ kẻ tóc của dư luận đối với các thí sinh nói chung và những người đẹp đăng quang nói riêng.
Chỉ cần chệch ra khỏi chuẩn mực của khán giả: một vẻ đẹp thuần Việt, thanh thoát và hiền dịu, các người đẹp dễ bị “khủng bố hội đồng” ngay sau đêm đăng quang. Cuộc thi chứng kiến không biết bao nhiêu mùa mà các hoa hậu bị “trù dập tơi tả” vì không hợp nhãn dư luận: Mai Phương Thúy mở đầu tranh cãi khi lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam có một cô hoa hậu ngoài chiều cao “khủng”, thì không có nét gì thuyết phục và… có vẻ giống hoa hậu: mắt hí, da ngăm đen, răng thô và tổng thể khuôn mặt không hiền lành, thanh tú.
Sau Mai Phương Thúy, là những Ngọc Hân, Thùy Dung, Kỳ Duyên, Mỹ Linh… luôn dậy sóng tranh cãi sau giây phút đăng quang về nhan sắc của mình.
Khác với Hoa hậu Việt Nam, Hoa hậu Hoàn Vũ Việt Nam với format chương trình quốc tế, đã mang tinh thần và hệ thống chuẩn mực khác. Chứng kiến sự đăng quang của hoa hậu, á hậu, đặc biệt là “cú nổ truyền thông” Phạm Hương, là đáp án chính xác cho hình ảnh thương hiệu mà Hoa hậu Hoàn Vũ đang theo đuổi: tôn vinh những vẻ đẹp hiện đại, mạnh mẽ và… gai góc hơn.
Những tiểu tiết khuôn mặt không được “soi” đến tận cùng gốc rễ mà thần thái quyết liệt, cuốn hút và cá tính độc đáo của thí sinh mới là những điểm sáng mà Hoa hậu Hoàn Vũ muốn khai thác và vinh danh.
Từ hoa hậu đến á hậu, các người đẹp được gọi tên ở đấu trường nhan sắc này: Phạm Hương, Võ Hoàng Yến, Thiên Lý, Lệ Hằng… đều là những nhan sắc không chỉ cuốn hút bởi khuôn mặt hay vẻ đẹp hình thể, họ còn được nhắc đến là những đại sứ truyền cảm hứng, tinh thần sống tích cực đến cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ. Vì thế, điều lấp lánh nhất ở những người đẹp này không chỉ là chiếc vương miện, mà còn là sức lan tỏa, tầm ảnh hưởng của họ.
Các vòng thi
Hoa hậu Việt Nam không có vòng bán kết, sẽ tuyển sinh ở hai miền Nam và Bắc, sau vòng sơ khảo sẽ lựa chọn các thí sinh vào thẳng hai vòng: vòng chung khảo phía Nam và vòng chung khảo phía Bắc - được tổ chức riêng lẻ ở các địa điểm khác nhau. Sau hai vòng chung khảo, ban giám khảo chọn ra các thí sinh cuối cùng lọt vào vòng chung kết toàn quốc.
Với hai vòng chung khảo và một chung kết toàn quốc đều lên sóng trực tiếp ở rộng khắp các Đài phát thanh - truyền hình, Hoa hậu Việt Nam trở thành cuộc thi quy mô và… tốn kém nhất trong các đường đua nhan sắc tại Việt Nam.
Hoa hậu Hoàn Vũ Việt Nam thì có cách thức tổ chức khác: sau vòng sơ khảo hai miền, là đã tập trung các thí sinh để cùng dự thi vòng bán kết, rồi lựa chọn những thí sinh cuối cùng cho chung kết.
Những hoạt động đồng hành của Hoa hậu Hoàn vũ tập trung chủ yếu tại một thành phố, không phong phú bằng Hoa hậu Việt Nam - khi các hoạt động bên lề, trước chung kết được diễn ra ở cả hai miền Bắc Nam, không những thế ban tổ chức tạo điều kiện để các thí sinh phía Nam đến dự cả đêm chung khảo phía Bắc, như một hình thức ra mắt chính thức những gương mặt cuối cùng tiến vào vòng chung kết toàn quốc.
Chất lượng thí sinh
Điểm chung dễ thấy ở hai cuộc thi là chất lượng thí sinh: quy tụ nhiều gương mặt sáng giá nhất tham gia “chinh chiến” vì giá trị chiếc vương miện và ngôi vị hoa hậu có sức hút mạnh mẽ, đặc biệt có quyền năng đổi đời cho những người được xướng tên cuối cùng.
Dù không thiếu những thí sinh gây ấn tượng với truyền thông nhưng kết quả chung cuộc luôn luôn gây tranh cãi: những “con cưng” của dư luận thường trượt tay khỏi chiếc vương miện và những người nằm ngoài dự đoán lại lên ngôi. Trừ Đặng Thu Thảo và Phạm Hương, chưa có lần đăng quang nào của các hoa hậu, á hậu mà không ồn ào, hứng chịu “gạch đá”.
Chất lượng thí sinh ở các mùa thi về sau, ngày càng được nâng cao và chú trọng. Có nhiều sân chơi hơn để những cô gái trẻ nuôi giấc mộng hoa hậu được thử nghiệm và trui rèn, vì thế các thí sinh trở nên chuyên nghiệp hơn khi bước chân vào đường đua chính thức.
Chương trình truyền hình thực tế
Người đẹp nhân ái và Tôi là Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam đều là hai chương trình truyền hình “phái sinh” theo cuộc thi, và cùng gây hiệu ứng tốt với dư luận.
Mỗi chương trình mỗi vẻ, đều độc đáo và thu hút khán giả. Nếu Người đẹp nhân ái của Hoa hậu Việt Nam 2016 là “cú nổ” đầu tiên khi mở rộng và phát triển các hoạt động nhân ái thành những dự án độc lập, ứng với từng thí sinh của vòng chung kết, thì Tôi là Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam lại là tấm gương phản chiếu, giúp khán giả hiểu rõ hơn về tính cách, hành trình của các thí sinh trên con đường vươn tới chiếc vương miện.
Kết
Với những đầu tư nghiêm túc, quy mô, cả hai “đấu trường nhan sắc”: Hoa hậu Việt Nam và Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam luôn giữ vững đẳng cấp, sức hút mặc dù có rất nhiều cuộc thi hoa hậu nở rộ khác.
Những mùa thi sau của Hoa hậu Việt Nam và Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam vẫn luôn là nơi để các cô gái trẻ gửi gắm “giấc mơ đổi đời” và là bệ phóng hoàn hảo để bước chân vào thế giới showbiz - nơi lấp lánh ánh hào quang nhưng cũng đầy rẫy cạm bẫy.