Người mẫu - Hoa hậu

Trang phục dân tộc của Hoa hậu Việt đi thi quốc tế: Áo dài đã đủ 'truyền thống' chưa?

Văn Thao
Chia sẻ

Đến hẹn lại lên, cứ mỗi lần người đẹp Việt xúng xính váy áo lên đường đi thi quốc tế, khán giả háo hức tò mò bộ trang phục dân tộc nào sẽ được mang tới quốc tế để quảng bá văn hóa, đất nước con người Việt Nam.

Trang phục dân tộc hay trang phục truyền thống tại các cuộc thi nhan sắc quốc tế không chỉ là quốc hồn quốc túy của một quốc gia mà còn là niềm tự hào dân tộc, thông qua đó bạn bè quốc tế nhận rõ hơn hình ảnh đất nước, thể hiện nguồn gốc văn hóa của con người trong xã hội - nghĩa là nó phải mang tính thống nhất, đậm đà bản sắc văn hoá và truyền thống lịch sử của một dân tộc.

Từ xưa đến này, tà áo dài truyền thống được xem là quốc phục của Việt Nam bởi vì: “Cứ mỗi lần thấy áo dài tung bay trên đường phố là thấy ngay tâm hồn Việt Nam ở đó“.

Nhưng câu chuyện đặt ra là sự “phóng tay” nhấn nhá, cách điệu quá đà khiến cho bộ áo dài đánh mất đi vẻ truyền thống vốn có của nó. Hay gần đây những bộ trang phục mà Việt Nam mang tới quốc tế over quá mức, sự lộng lẫy đi kèm với gợi cảm khiến không ít người cho rằng chúng quá lố bịch và mang tính hài hước nhiều hơn tính thẩm mỹ.

Sự cách điệu và mô phỏng quá mức linh hồn Việt
Bộ trang phục dân tộc “Sen vàng Việt Nam” của NTK Lê Long Dũng dành cho Dương Nguyễn Khả Trang mang đến Hoa hậu Siêu quốc gia 2016 là một sự minh chứng cho việc sự mô phỏng quá mức với tên gọi “trang phục dân tộc” và hứng chịu rất nhiều ý kiến gây nhiều tranh cãi. Bởi lẽ, bộ trang phục với chiều cao hơn 3m, đuôi áo dài hơn 3,5m, sải cánh 2m với số cân nặng 45kg cộng với hàng trăm họa tiết rườm rà và rối mắt khiến mọi ánh mắt đổ dồn về sự màu mè hơn là ngẫm xem bộ cánh này đến từ đâu và ý nghĩa nó là gì?

Dưới góc nhìn về thời trang, chúng ta gọi bộ trang phục dân tộc này là áo dài hay áo yếm hay…một cái tên nào khác? Sự tham lam quá nhiều chi tiết khi kết hợp giữa áo dài (phần đuôi váy), áo yếm (phần thân trên) cộng với chiếc mấn khổng lồ đội đầu khiến Sen vàng Việt Nam trở thành một bộ Lễ phục hơn là trang phục.

Hình tượng hóa quá đà nhân vật truyền thuyết
Nếu khán giả theo dõi các cuộc thi sắc đẹp sẽ dễ dàng nhận thấy lúc tham gia Hoa hậu Quốc Tế 2011, á hậu Trúc Diễm mang đến quốc tế bộ trang phục phá cách lấy ý tưởng từ mẹ Âu Cơ trong truyền thuyết con Rồng cháu Tiên nặng gần 10 kg…và thêm một lần đây lại là một thiết kế của NTK Lê Long Dũng.

Nếu xét về ý tưởng thì rõ ràng bộ cánh này được lòng số đông khi kể về truyền thuyết mẹ Âu Cơ - Lạc Long Quân (một truyền thuyết rất Việt Nam) nhưng thiết kế khá lạ lẫm với chân váy thì được thêu hoa văn thổ cẩm cầu kì khá mềm mại, còn phần phía trên lại quá… khô cứng với chất liệu kim loại.

Đồng quan điểm vào thời điểm đó, đây là một bộ trang phục mới lạ, mang tính đột phá nhưng việc “hình tượng hóa” một cách quá đà đi từ bản vẽ ra thực tế khiến bộ váy này tự chui vào những bộ trang phục thiết kế xấu nhất của Việt Nam khi mang đi thi quốc tế. Thậm chí, bị chế kịch liệt vì quá giống trang phục của các nhân vật trong phim cổ trang Trung Quốc.

Phô diễn da thịt lộ liễu 
Khắc phục được nhược điểm rườm rà, rối rắm quá nhiều chi tiết nhưng bộ trang phục dân tộc mà Hoàng My mang đến Hoa hậu Thế giới 2012 bị chê tơi tả vì sự “xôi thịt” quá mức cần thiết và có nhiều điểm bất ổn. Bộ trang phục với phần thân trên là áo yếm, phía trước xẻ giữa, phần thân dưới được thiết kế dựa trên váy quấn, ngắn, tạo sự linh hoạt và nhanh nhẹn trong sinh hoạt (săn bắn), cách điệu từ họa tiết của trống đồng Đông Sơn và biểu tượng chim Lạc.

Tuy nhiên, bộ trang phục dường như gợi cảm quá đà và vô tình lại đi ngược với truyền thống văn hóa ăn mặc kín đáo, thanh nhã của phụ nữ Việt.

Tại cuộc thi Nữ hoàng Du lịch Quốc tế 2011, đại diện Việt Nam là Hoàng Ngân đã mang chiếc váy Lửa thiêng của NTK Long Dung dự thi Trang phục dân tộc khiến mọi người ngộp thở vì sư lộ liễu da thịt quá đà, đặt biệt là vòng một phồn thực mang nhiều hơi hướng cosplay hoặc các nhận vật trong game online.

Trang phục dân tộc liệu có sự nhầm lẫn với vũ công biểu diễn
Được kì vọng rất nhiều tại cuộc thi Hoa hậu thế giới 2011, Victoria Thúy Vy gặp thất bại liên tiếp khiến nhiều người tiếc nuối. Đặc biệt, bị dư luận chỉ trích khi diện bộ áo dài kết hợp với 5.000 chiếc lông công trong trang phục dân tộc. Không chỉ bị chê màu mè, đồng bóng, nhiều người còn đặt câu hỏi tại sao người đẹp có thể mặc bộ trang phục lông công trong khi thế giới đang kêu gọi bảo vệ động vật.

Phá nát trang phục dân tộc trên nền bộ áo dài truyền thống của Việt Nam, Victoria Thúy Vy còn khiến nhiều người liên tưởng đến lễ hội Carnaval hay trang phục biểu diễn của những vũ công trong vở kịch sân khấu.

Vậy áo dài truyền thống có đủ sức nặng để chuyên chở tinh hoa dân tộc?

Đối với một quốc gia đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc và giàu truyền thống lịch sử như Việt Nam thì quốc phục - trang phục dân tộc không nhất thiết phải là áo bà ba, áo tứ thân, hoặc váy yếm, nhưng trang phục đó phải mang tính biểu tượng và làm nổi bật được nét văn hoá đặc trưng của cả cộng đồng. Nếu xét trên phương diện này, áo dài đáp ứng trọn vẹn tiêu chí đó, rõ ràng chúng ta đã có rất nhiều lần khiến bạn bè quốc tế nức nở khen ngợi vẻ đằm thắm dịu dàng thấy rõ chiều sâu văn hóa - bản sắc - truyền thống - dân tộc của Việt Nam.

NTK Thuận Việt - người đi phù phép tinh hoa dân tộc trên những tà áo dài truyền thống. Sự cách tân có chừng mực đi kèm với sự sáng tạo với những ý tưởng giàu tính chiều sâu văn hóa đã giúp Việt Nam để lại dấu ấn đẹp trên đấu trường quốc tế.

Lịch sử các cuộc thi nhan sắc đã chứng minh khán giả quốc tế chưa bao giờ hết chán với tà áo dài “đúng nghĩa” tinh hoa dân tộc Việt. Năm 2006 tại Miss World chiếc áo dài đen đuôi công kết cườm và kim sa của NTK Việt Hùng đã giúp Mai Phương Thúy đã lọt vào top 20 thí sinh mặc trang phục dân tộc đẹp nhất. Vào năm 2008 “thi đấu” trên sân nhà, Thùy Lâm ý thức hơn bao giờ hết, tính dân tộc, những nét văn hóa truyền thống của người Việt phải được đề cao và khẳng định trong bộ trang phục Vũ Khúc Hạc.

Mọi người đang có sự nhầm lần giữa trang phục dân tộcQuốc phục của các người đẹp Việt tại các đấu trường sắc đẹp quốc tế. Thực chất, trong các cuộc thi sắc đẹp, trang phục dân tộc mang đi dự thi không nhất thiết phải là Quốc phục mà đơn giản đó là những bộ trang phục đó phải bắt buộc mang nét đặc trưng của mỗi quốc gia.

Cuộc sống lao động với những nghành nghề truyền thống xuyên qua lăng kính của sự sáng tạo

Nàng Mây - Trang phục dân tộc của Lệ Hằng tại Miss Universe 2016 kể về ngành nghề truyền thống: Đan lát mây tre lá - khắc họa được hình ảnh một đất nước nông lâm ngư nghiệp với bản sắc văn hóa, phong tục khó trộn lẫn với bất kỳ quốc gia nào trong khu vực và tất nhiên Nàng Mây không phải là Quốc Phục của Việt Nam.

“Nàng Mây” được cảm hứng từ nét đẹp dung dị và giản đơn nhất trong cuộc sống người Việt, là ý muốn được tôn vinh một ngành nghề truyền thống và thèm khát một sự giao thoa giữa hiện đại và cổ truyền, Á Đông và Âu Châu. Nghệ thuật đan lát thể hiện qua trang phục chứng minh cho tiềm năng cải thiện, phát triển đột phá về mọi mặt của những nghề thủ công truyền thống lâu đời Việt Nam.

Giữa ngành công nghiệp thời trang phát triển đi kèm với sự hội nhập giao lưu giữa nhiều nền văn hóa khác nhau cộng với sự cởi mở - giao lưu giữa 54 dân tộc anh em. Nếu không phải là tà áo dài thướt tha đại diện cho hình ảnh đất nước - văn hóa - con người Việt thì trang phục nào sẽ thay áo dài thực hiện sứ mệnh thiêng liêng đó, để hàng triệu triệu người trên thế giới chỉ cần nhìn vào đó và gật đầu: “Tôi thấy tâm hồn Việt Nam ở đó“.

Chia sẻ

Bài viết

Văn Thao

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất